Nên bỏ chỉ tiêu tăng trưởng GDP

14/05/2008 10:40 AM

Quốc hội có thể quyết định trên giấy, nhưng nền kinh tế vẫn hoạt động với hàng chục triệu cái đầu suy nghĩ nên làm gì để có lợi nhất cho họ. Họ nhìn vào sức mua trên thị trường, lãi suất, tình hình giá cả, để quyết định.

 Xin giảm chỉ tiêu phát triển có thực sự là điều QH cần bàn không? Điều mà QH cần bàn đáng lẽ là chỉ tiêu lạm phát, hay hợp lý nhất lúc này là nghị quyết đòi hỏi Chính phủ giảm lạm phát từng tháng trong năm.

Không cần đạt chỉ tiêu GDP bằng mọi giá

Về mặt kinh tế, cuộc bàn cãi về việc xin - cho chỉ tiêu GDP trong Quốc hội gần như là... chuyện "đùa dai". Đối với các nhà kinh tế, hay cả những người sản xuất họ sẽ chẳng thấy có ích gì khi chỉ tiêu GDP được định tăng 9% hay 5%.

Quốc hội nên chú trọng giảm chỉ tiêu lạm phát, nhất là những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm.

Quốc hội có thể quyết định trên giấy, nhưng nền kinh tế vẫn hoạt động với hàng chục triệu cái đầu suy nghĩ nên làm gì để có lợi nhất cho họ. Họ nhìn vào sức mua trên thị trường, lãi suất, tình hình giá cả, để quyết định.

Trong một nền kinh tế vĩ mô ổn định, các thông tin kinh tế rõ ràng và ổn định thì mọi quyết định của họ sẽ tập trung chính vào sản xuất. Còn khi nền kinh tế bất ổn, suy nghĩ chính của họ là nhằm đối phó với tình hình, tự vệ hoặc chớp cơ hội, nói chung là đầu cơ nếu có thể.

Khi giá tăng vùn vụt, họ tích trữ và chỉ bán ra khi có thể mua vào ngay những gì cần thiết là chuyện đương nhiên. Có chỉ tiêu cao cũng không thể đẩy nền kinh tế lên cao nếu đó là nền kinh tế thị trường, và không phải nền kinh tế quốc doanh hoá.

Quá trình nhằm đạt chỉ tiêu là một con số thống kê trừu tượng như GDP thường hết sức tiêu cực, khi Nhà nước dồn sức vào việc đạt nó bằng mọi cách (ví dụ như: Tung tiền ngân sách, thả lỏng chính sách tiền tệ, để tự đầu tư hoặc bơm tín dụng nhằm khuyến khích đầu tư vào những công trình không sinh lợi, đặc biệt vào các TCty quốc doanh thua lỗ, phá hoại môi trường, biến đất công thành đất tư...).

Như nhà kinh tế Keynes đã viết, và những người biên soạn GDP đều biết, người ta có thể đào đường lên, rồi lại lấp đi làm lại, xây cầu rồi lại phá đi, cứ như cách làm hầm Văn Thánh, GDP cũng vẫn tăng, có thể theo như ý muốn. Nhưng những hoạt động như vậy cũng có thể mang lại lợi ích khi nền kinh tế suy sụp, tốc độ GDP âm, còn khi mà nền kinh tế vẫn tăng ở mức cao như ở VN thì việc làm này chỉ đưa đến lạm phát.

Điều đáng quan ngại thứ hai là chỉ tiêu càng cao thì nợ nước ngoài càng nhiều. Với tình trạng tăng vọt vốn đầu tư ngắn hạn trên thị trường chứng khoán thì khi chúng tháo chạy, nền kinh tế chí ít cũng sẽ gặp những khó khăn khó lường.

Việc cần làm là nên bỏ việc quy định chỉ tiêu GDP, vì người sản xuất không cần nó và vì lợi bất cập hại. Dự báo dài lâu cho tương lai tất nhiên vẫn cần thiết để hướng dẫn đầu tư và hạ tầng cơ sở. Nhưng dự báo là đánh giá những khả năng có thể xảy ra trong tương lai, không phải là chỉ tiêu phải đạt bằng mọi giá.

Nên bàn rõ để có nghị quyết về mục tiêu giảm lạm phát

Điều mà Quốc hội cần bàn là chỉ tiêu lạm phát, hay hợp lý nhất trong lúc này là nghị quyết đòi hỏi Chính phủ giảm lạm phát từng tháng trong năm. Đây là những điều Chính phủ có thể làm vì bản thân lạm phát, chủ yếu, là xuất phát từ các chính sách mà Nhà nước theo đuổi, như chi tiêu công hay các chính sách tài chính tiền tệ nới lỏng và chính cái van in tiền - nơi trực tiếp gây ra lạm phát - nằm trong tay Nhà nước.
 
Tình hình lạm phát sẽ có thể còn nghiêm trọng hơn nếu như không có những biện pháp cứng rắn. Nó nghiêm trọng ở chỗ, nếu giả sử từ tháng 5 trở đi lạm phát bằng zero, thì lạm phát vào tháng 12.2008 so với tháng 12.2007 vẫn là 16,9%, và lạm phát trung bình cả năm là 19,7%. Nếu giảm mức lạm phát những tháng sắp tới xuống 1% thì lạm phát vẫn trên 21,6%. Và nếu ở mức 2,2%/tháng như hiện nay thì lạm phát sẽ lên 33%.

Như vậy, nếu có làm tốt nhất như đã nói ở trên thì năm 2008 sẽ lạm phát ở mức của năm 2007 (chưa kể đến tác động tăng giá hàng nhập từ nước ngoài). Mức lạm phát như tác giả tính ở trên sẽ bùng nổ mạnh hơn, nếu phải tăng lương lao động và là điều không thể không làm.

Chỉ có thể hoãn hoặc tăng lương ít nếu như muốn đưa lạm phát về gần zero ngay những tháng sắp tới. Nếu không, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng lạm phát đuổi lạm phát vì giá lên lương lên.

Muốn đưa lạm phát xuống gần zero những tháng sắp tới, tổng cung tiền và tín dụng không thể vượt quá 20%. Điều này đòi hỏi việc cắt giảm đầu tư mạnh hơn, chứ không phải chỉ giảm 10% là đủ. Giảm đầu tư nhà nước có thể cần lệnh của Thủ tướng, nhưng quan trọng hơn chính là tác động của lãi suất mang tính thị trường.

Như vậy, cần gắn liền việc điều hành tăng cung tiền và tín dụng với cắt giảm đầu tư. Đối với khu vực nhà nước, có thể không những phải cắt ngay những đầu tư mới bắt đầu mà chưa thật cần thiết và có thể phải sửa soạn ngừng toàn bộ những đầu tư mới của Nhà nước nếu tình hình đòi hỏi thế.

Chỉ tiêu GDP là cái mong muốn, nhưng lạm phát là hiện thực đối với người lao động. Cho nên ở đây, Quốc hội có sự chọn lựa: Hoặc mục tiêu ổn định kinh tế là thống soái, hoặc nhằm đạt một tốc độ tăng trưởng 7% được định ra một cách duy ý chí.

Cho đến nay, không ít nhà lãnh đạo vẫn tiềm ẩn coi lạm phát là điều cần thiết để phát triển. Cần nhận thức là đời sống của đa số nhân dân lao động sẽ khó khăn nếu như lạm phát vượt quá 5%/năm, và sẽ cực kỳ khó khăn, tạo ra tâm lý lạm phát nếu vượt ngưỡng 10%. (Dĩ nhiên không có lý thuyết kinh tế nào nói về điều này, nhưng kinh nghiệm các nước cho thấy điều này). Kiểm soát lạm phát đòi hỏi Nhà nước phải nắm thông tin, theo dõi tình hình để có các hành động kịp thời. Thông tin phải đáng tin cậy và cập nhật.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 431

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn