Chính sách mới >> Tham nhũng 18/07/2013 16:31 PM

Năng lực thanh tra yếu nên khó phát hiện tham nhũng?

18/07/2013 16:31 PM

TTO - Tại phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp về việc phát hiện và xử lý tham nhũng sáng 18-7, Tổng thanh thanh Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng một trong những nguyên nhân khiến thanh tra khó phát hiện tham nhũng là đội ngũ cán bộ không được đào tạo nghiệp vụ điều tra.

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh - Ảnh: Tuổi trẻ

Cách giải thích này không được đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh chấp nhận khi bà đặt vấn đề: “Trên thực tế thì người dân, báo chí lại phát hiện nhiều vụ tham nhũng lớn. Phải chăng người dân, báo chí có nghiệp vụ tốt hơn cán bộ ngành thanh tra hay sao? Xin tổng thanh tra giải thích vấn đề này?”. 

Vì thời gian hạn chế, câu hỏi của bà Khánh chưa được phúc đáp.

Trước đó, ông Huỳnh Nghĩa - đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng - đặt câu hỏi: “Báo cáo thanh tra cho thấy tình trạng tham nhũng xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực quản lý, làm thất thoát rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước nhưng phát hiện ít, xử lý lại chưa nghiêm, rất hạn chế. Báo cáo cho thấy từ năm 2009-2012 thanh tra phát hiện, chuyển điều tra 189 vụ, mà chủ yếu là các vụ nhỏ ở cơ sở. Những vụ lớn thì báo cáo không nói. Lý do vì sao mà tổng thanh tra không nêu các vụ lớn lâu nay Quốc hội có ý kiến? Đây là vấn đề cần phải làm rõ”.

Theo Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, mỗi năm toàn ngành thanh tra thực hiện trên 10.000 cuộc thanh tra lớn nhỏ. Mục tiêu thanh tra trước hết là đánh giá hoạt động của đơn vị đó; thứ hai là phát hiện sơ hở, bất cập trong hoạt động điều hành; thứ ba là phát hiện lỗ hổng của cơ chế chính sách để kiến nghị; cuối cùng mới phát hiện vi phạm để kiến nghị xử lý. Như vậy có lẽ là thanh tra có nhiều mục tiêu, chứ không phải cứ vô thanh tra rồi thì chủ yếu là xử lý vi phạm.

“Trong 3 năm phát hiện 522 vụ, hơn 1.000 người có hành vi tham nhũng với số tiền 1.080 tỉ đồng. Chúng tôi nhận định đây là kết quả nhưng chưa hài lòng. Số vụ phát hiện chưa tương xứng với thực trạng tham nhũng” - ông Tranh thừa nhận.

Người đứng đầu ngành thanh tra cho biết: “Chúng tôi có chỉ đạo là quá trình thanh tra phải chú trọng phát hiện hành vi tham nhũng để xử lý. Và quan điểm là phát hiện đến đâu thì chuyển cơ quan điều tra đến đó chứ không đợi thanh tra xong. Ví dụ vừa qua thanh tra ở Ngân hàng nông nghiệp, đến nay chưa có kết luận thanh tra nhưng chúng tôi đã chuyển qua cơ quan điều tra một vụ vi phạm với số tiền lên đến 3.500 tỉ, hiện nay cơ quan điều tra đã khởi tố trên 30 người, trong đó có nguyên tổng giám đốc. Đây là vụ việc rất nghiêm trọng được chúng tôi chuyển kịp thời. Trước đây cứ kết luận thanh tra xong chúng tôi mới chuyển, nhưng gần đây chúng tôi đã chỉ đạo lại là phát hiện thì chuyển ngay không đợi thanh tra xong”.

Lý giải về nguyên nhân vì sao thanh tra phát hiện sai phạm nhiều mà chuyển điều tra ít, ông Tranh nói: “Tham nhũng là tội ẩn, tinh vi, phát hiện rất khó. Thời gian thanh tra ngắn, số lượng cán bộ có hạn, năng lực cán bộ thanh tra thì chúng tôi đào tạo chuyên sâu về thanh tra chứ không phải là điều tra, vì vậy khả năng phát hiện tham nhũng chưa tốt lắm. Thanh tra chỉ có quyền phát hiện, làm rõ, kiến nghị chứ không có quyền xử lý, không có quyền khởi tố ai cả”.

Lê Kiên

Tuổi Trẻ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,712

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn