Chính sách mới >> Tham nhũng 18/06/2013 16:36 PM

Lãng phí không kém gì... tham nhũng

18/06/2013 16:36 PM

(TNO) “Lãng phí hiện nay ở nước ta không kém gì với tham nhũng nhưng chế tài, quy trách nhiệm cho người đứng đầu trong luật không chặt chẽ”, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) nêu quan điểm thảo luận luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi của QH sáng nay (18.6).

Cùng đánh giá đó, hầu như các ĐB phát biểu đều đề nghị luật có chế tài xử lý nghiêm người đứng đầu cơ quan để lãng phí, lãng phí nhiều có thể là tham nhũng, phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

ĐB Nguyễn Xuân Thủy cho rằng nhiều trường hợp lãng phí có nguyên nhân do việc đưa ra các quyết định đầu tư dự án, mua máy móc của người đứng đầu, cơ quan tổ chức không phù hợp, không đúng, dàn trải.

“Vì vậy, cần chế tài xử lý nghiêm minh, phù hợp; quy định người đứng đầu chịu trách nhiệm, quản lý và sử dụng đúng định mức tiêu chuẩn, chế độ”, ĐB Thủy nói.


Đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) đánh giá lãng phí ở nước ta hiện nay không kém gì với tham nhũng - Ảnh: Ngọc Thắng

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) và nhiều ĐB khác nhận định điểm nghẽn then chốt trong luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiện nay là “định mức chế độ, tiêu chuẩn”.

Theo các ĐB phân tích, “định mức chế độ, tiêu chuẩn” chính là trọng tâm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; là khung để đánh giá lãng phí hay không lãng phí.

Qua đó, ĐB Nguyễn Mạnh Cường đề nghị: “Luật phải bổ sung, có giải pháp cụ thể để giải quyết định nghẽn then chốt là “định mức chế độ, tiêu chuẩn”. Mà định mức này phải sát thực tiễn, chứ không sát thực tiễn, không phù hợp thì lại gây lãng phí”.

“Nếu lãng phí ít thì xử lý hành chính, còn lãng phí nhiều là tham nhũng, phải có quy định truy cứu trách nhiệm hình sự”, ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) phát biểu.

Vì vậy, theo ĐB Tấn cần có quy định hành vi, mức độ lãng phí để có chế tài xử lý.

“Phải xem xét và có chế tài xử phạt nghiêm với định mức này”, ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) góp ý.

“Hiện chỉ có kiểm toán, kho bạc phát hiện ra lãng phí nhưng nhiều lúc kho bạc, kiểm toán cũng xuê xoa. Quý vị cứ lấy số tiền hằng năm các đơn vị phải nộp lại do kho bạc, kiểm toán phát hiện ra thì tôi nghĩ con số đó cũng chỉ mới là một nửa; còn một nửa cũng giống như vậy lãng phí đã được “xuê xoa”, ĐB Thạch nói.

Bên cạnh đó, một số ĐB có ý kiến rằng phạm vi điều chỉnh của luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chỉ nên trong phạm vi Nhà nước (quản lý, sử dụng vốn, ngân sách nhà nước, tài sản - tài chính công,…), không quy định điều chỉnh trong phạm vi doanh nghiệp tư nhân, cá nhân vì như vậy là không khả thi.

Nguyên Mi

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,379

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn