Chính sách mới >> Tham nhũng 27/04/2022 11:30 AM

Bộ Chính trị: Tập trung kiểm tra vào lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
27/04/2022 11:30 AM

Theo Kết luận 34-KL/TW ngày 18/4/2022 về chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030, Bộ Chính trị yêu cầu phải chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Bộ Chính trị: Tập trung kiểm tra vào lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng

Bộ Chính trị: Tập trung kiểm tra vào lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng (Ảnh minh họa)

Nhằm góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Trong đó, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhất là kiểm tra dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. 

Xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời, triệt để, đồng bộ các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm.

- Thực hiện kiểm tra, giám sát theo phương châm giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng; các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm; việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; kê khai tài sản, thu nhập,... 

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật, kịp thời ngăn chặn vi phạm trong ban hành văn bản pháp luật, lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ. 

Mở rộng giám sát trên tất cả các địa bàn, lĩnh vực; chú trọng vào những nơi nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết, dư luận xã hội quan tâm; 

Nâng cao tính chủ động để kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ xa.

- Cấp ủy, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cấp uỷ viên và cán bộ thuộc diện cấp uỷ quản lý phải thường xuyên tự kiểm tra, kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm để chủ động khắc phục, chấn chỉnh không để dẫn đến vi phạm.  

Kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên không đủ năng lực, uy tín; việc miễn nhiệm, từ chức, trách nhiệm người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận đã để xảy ra tham nhũng, tiêu cực ở cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách.

Xem chi tiết tại Kết luận 34-KL/TW ngày 18/4/2022

Xuân Thảo

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 17,530

Bài viết về

Phòng chống tham nhũng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn