Chính sách mới >> Tài chính 24/08/2012 15:04 PM

NHNN vào cuộc ngăn “cơn sốt” vàng

24/08/2012 15:04 PM

Trước việc giá vàng tăng chóng mặt trong phiên ngày 23/8, NHNN đã ban hành cùng lúc 2 văn bản nhằm ổn định thị trường: mở cơ chế điều hòa vốn vàng và khẳng định độc quyền vàng miếng thuộc về Nhà nước.

Sáng 23/8, giá vàng miếng trong nước (vàng SJC) bất ngờ tăng vọt lên mốc 44,9 triệu đồng/lượng, tức tăng hơn 1 triệu đồng/lượng so với phiên trước đó. Mức giá này “kết tụ” từ các bước “tăng dần đều” của hai ngày qua, sau khi đã chính thức vọt qua mốc 43 triệu đồng/lượng và 44 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước tăng nhanh, tăng mạnh được giới quan sát thị trường cho biết, nguyên nhân chính bắt nguồn từ giá vàng thế giới. Tuy nhiên, khi làm các phép tính, giá vàng miếng trong nước lại cao hơn thế giới gần 3 triệu đồng/lượng.

Để ngăn “cơn sốt” giá có thể tiếp diễn trong những ngày tới, chiều 23/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cùng lúc ban hành hai văn bản được đánh giá sẽ là “liều thuốc đặc trị” cho thị trường.
 
Chính thức có thương hiệu vàng Quốc gia.
Chính thức có thương hiệu vàng Quốc gia.

Vàng miếng mang thương hiệu “Quốc gia”

Thực hiện quy định tại Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, liên quan đến hoạt động sản xuất vàng miếng, ngày 23/8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký ban hành Quyết định số 1623/QĐ-NHNN về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Việc ban hành Quyết định 1623 là cơ sở để NHNN tổ chức sản xuất vàng miếng căn cứ vào mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và cung cầu vàng miếng trên thị trường.

Quyết định 1623 gồm 15 điều quy định về các nguyên tắc tổ chức sản xuất vàng miếng, nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, quy trình gia công vàng miếng tương ứng với từng loại vàng nguyên liệu. Quyết định cũng quy định về cơ chế Ngân hàng Nhà nước quản lý khuôn và máy dập vàng miếng, cơ chế quản lý, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động gia công vàng miếng và phân công trách nhiệm cụ thể giữa các đơn vị thuộc trong việc quản lý hoạt động gia công vàng miếng của SJC nhằm đảm bảo hoạt động này được thực hiện theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Theo quyết định, NHNN giao Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC (SJC) gia công vàng miếng cho Ngân hàng Nhà nước. Đây là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TPHCM, có uy tín, bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất vàng miếng và chiếm trên 90% thị phần vàng miếng cả nước.

Do đó, để tiết kiệm chi phí của xã hội, Ngân hàng Nhà nước không thành lập bộ máy, nhập dây chuyền sản xuất thương hiệu vàng miếng mới mà sẽ sử dụng dây chuyền sản xuất và thương hiệu vàng miếng của SJC. SJC không được tiếp tục sản xuất vàng miếng mà chỉ được gia công vàng miếng SJC 99,99% cho Ngân hàng Nhà nước theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về hạn mức, thời điểm sản xuất và nguồn vàng nguyên liệu để tổ chức sản xuất vàng miếng và dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.

Quyết định 1623 tạo cơ sở pháp lý để Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất vàng miếng nhằm bổ sung nguồn cung vàng miếng, can thiệp thị trường khi cần thiết cũng như cho phép thực hiện việc chuyển đổi vàng miếng khác sang vàng miếng SJC và gia công lại vàng miếng SJC móp méo, biến dạng.

Trên cơ sở chi phí gia công, thuế áp dụng và lợi nhuận dự tính, mức phí gia công vàng miếng SJC trong giai đoạn hiện nay là 50.000 đồng/lượng.

Mở cơ chế đều hòa vốn vàng

Theo Thông tư số 24/2012/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Điều 1 Thông tư số 11/2011/TT-NHNN ngày 29/4/2011 của Thống đốc NHNN quy định về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN yêu cầu TCTD không được thực hiện vay và cho vay vốn bằng vàng đối với khách hàng và các TCTD khác (kể cả các hợp đồng tín dụng đã ký kết nhưng chưa giải ngân hoặc giải ngân chưa hết).

TCTD cũng không được gửi vàng tại TCTD khác; không được thực hiện các nghiệp vụ ủy thác, đầu tư và các hình thức cấp tín dụng khác bằng vàng; trừ trường hợp đặc biệt, để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Trong trường hợp đặc biệt, thống đốc NHNN sẽ xem xét, quyết định việc thực hiện vay và cho vay bằng vàng giữa một số TCTD với nhau.

Với thông tư này, NHNN đã tạo điều kiện để nguồn vốn vàng trong hệ thống có thể luân chuyển linh hoạt từ chỗ thừa sang chỗ thiếu, qua vay mượn lẫn nhau, hạn chế tình huống mất cân đối thanh khoản vàng cục bộ nếu có mà có thể ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Ngoài ra, đây cũng là cơ sở để TCTD chủ động đáp ứng nhu cầu rút vàng đột ngột nếu có trong dân cư.

Do đó, thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, tức từ ngày hôm qua 23/8.

Nguyễn Hiền

Theo Dân trí

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,116

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn