Chính sách mới >> Tài chính 21/06/2012 08:22 AM

21/06/2012 08:22 AM

Thống kê cho thấy trong hơn 20 năm đổi mới kinh tế, từ 1987-2011, thì chỉ có khoảng 5 năm có sự phối hợp tương đối chặt chẽ giữa tài khóa và tiền tệ.

Việt Nam đã từng trải qua giai đoạn tăng trưởng ngoạn mục, từ mức 6,79% của năm 2000 lên xấp xỉ 8,5% vào năm 2007. Ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 cùng bất cập nền kinh tế nên năm 2009 tăng trưởng kinh tế chỉ còn 5,32%/năm và 5,89% trong năm 2011.

Cùng với biến động mạnh trong tăng trưởng GDP, thì giai đoạn 2000-2011, lạm phát cũng biến động rất lớn với xu hướng đi lên “bền vững”

Chỉ số tăng giá tiêu dùng CPI năm 2001 là 0,79% đã tăng lên 19,87% trong năm 2008, giảm mạnh xuống 6,52% ngay trong năm tiếp theo. Tuy nhiên CPI đã quay lại 18,13% vào năm 2011.

Nguyên nhân cho sự biến động mạnh của tăng trưởng và lạm phát cả giai đoạn vừa qua có nhiều, và một trong số đó chính là sự phối hợp thiếu nhất quán giữa chính sách tiền tệ và tài khóa.

Sự phối hợp ngẫu nhiên, không thể dự đoán

Hình 1: Chuyển động Brown mô phỏng phối hợp CSTT và CSTK giai đoạn 2006 -2011

Từ minh họa, có thể thấy giai đoạn 2006-2011, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ của NHNN và chính sách tài khóa của Bộ tài chính rất khó giải thích. Kết quả là chỉ trong 6 năm nhưng điều hành kinh tế vĩ mô thay đổi liên tục, biến động rất ngẫu nhiên và dường như không thể dự đoán.

Từ trạng thái cùng mở rộng hết sức cả tài khóa tiền tệ của năm 2007 đã chuyển ngay sang thắt chặt rất mạnh trong 2008. Tiếp đến trong 2 năm 2010-2011, lúc thì chính sách tiền tệ nới lỏng tài khóa thắt chặt, khi thì tiền tệ thắt chặt tài khóa mở rộng.

T.S Vũ Thành Tự Anh cho rằng có 2 khả năng: Một là 2 chính sách dường như không có sự phối hợp gì hoặc phối hợp rất chặt chẽ đặc biệt là nới lỏng. Mỗi khi được phép thì ngay lập tức cả tiền tệ và tài khóa đều nhanh chóng nới lỏng.

Thống kê cho thấy trong hơn 20 năm đổi mới kinh tế, từ 1987-2011, thì chỉ có khoảng 5 năm có sự phối hợp tương đối chặt chẽ giữa tài khóa và tiền tệ, còn lại đa số các năm chính sách tiền tệ thắt chặt còn tài khóa vẫn tiếp tục mở rộng.

Những năm có sự phối hợp thường là năm lạm phát và tăng trưởng đều thấp, cả 2 chính sách cùng nới lỏng để kích thích tăng trưởng.

“Đó là những năm vừa nhả phanh nới lỏng tiền tệ, lại vừa đạp ga để mở rộng tài khóa. Tuy nhiên sự phối hợp này chỉ là ngẫu nhiên”- T.S Bùi Trường Giang nói.

Đến những năm gặp khó khăn như lạm phát cao tăng trưởng thấp, cần chính sách tiền tệ thắt chặt và tài khóa thu hẹp thì thường chỉ có chính sách tiền tệ thắt chặt còn tài khóa vẫn mở rộng. Ghi nhận cho thấy 6 năm, đa phần là trước năm 1996, là tài khóa thắt chặt còn lại 18 năm chính sách tài khóa là mở rộng. Trong khi chính sách tiền tệ có số năm nới lỏng và thu hẹp bằng nhau là 12 năm.

Sự thiếu phối hợp trong những năm như vậy làm chính sách tiền tệ mất đi hiệu quả chống lạm phát, khiến cho lãi suất tăng, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động do lãi suất cao, người lao động mất việc. Chính điều này gây sức ép lên chính sách tiền tệ buộc phải nới lỏng, hạ lãi suất. Vì vậy lạm phát không thể dập tắt triệt để mà vẫn nhen nhóm, nguy cơ gây bất ổn vĩ mô trong tương lai.

“Như người lái ô tô nếu không có sự phối hợp mà vừa đạp ga mà lại vừa đạp phanh thì chiếc xe sẽ quay tròn, không thể đi được”- T.S Giang ví von.

Cần chính sách tài khóa trung hạn, minh bạch và kỷ luật

Với đặc thù Việt Nam nhu cầu đầu tư phát triển cao, vốn đầu tư và chi tiêu công đóng vai trò nhất định trong tăng trưởng kinh tế. Do vậy lâu nay chính sách tiền tệ thường chạy theo chính sách tài khóa và thời gian tới cũng khó thay đổi được phương thức phối hợp này.

Để hoạch định sự phối hợp giữa tiền tệ - tài khóa có hiệu quả thì trước hết chính sách tài khóa phải có tầm nhìn trung dài hạn. Có như vậy chính sách tiền tệ mới có thể dự báo được, và giữ trạng thái ổn định.

Cùng với đó là sự minh bạch hơn trong chính sách tài khóa. Cho dù chính sách tiền tệ còn nhiều bất cập nhưng thông tin về lãi suất mục tiêu NHNN, tỷ giá giao dịch,..đều được cung cấp đầy đủ còn với tài khóa thì chưa có. Những thông tin cơ bản như chi tiêu công, đầu tư công vẫn rất khó biết được.

Có minh bạch thông tin thì mới duy trì được kỷ luật tài khóa để đảm bảo thâm hụt ngân sách, tỷ lệ nợ công..nằm trong giới hạn cho phép.

Thực tế đã cho thấy do không có chính sách trung hạn nên NHNN không thể dự báo lượng trái phiếu mà Bộ tài chính sẽ phát hành. Dẫn tới chính sách tiền tệ thắt chặt, nhưng Bộ tài chính vẫn phát hành trái phiếu cho NHTM, đẩy lãi suất lên cao. Hệ quả là tín dụng tăng trưởng thực tế nếu tính cả số dư TPCP cao hơn dự kiến.

Ngoài những mục tiêu chính sách được đề ra thì việc phối hợp chặt chẽ giữa tiền tệ và tài khóa là lời giải cho bài toàn ổn định kinh tế vĩ mô lâu dài.

Thanh Hải

Theo TTVN

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,386

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn