Chính sách mới >> Tài chính 17/05/2012 08:12 AM

17/05/2012 08:12 AM

Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Thông tư thay thế Quy chế tổ chức hoạt động CTCK còn nhiều điểm không phù hợp với diễn biến thực tế.

Can thiệp quá sâu

Điều lo lắng lớn nhất đối với khối các CTCK là nhiều nghiệp vụ, hoạt động bị can thiệt quá sâu. Đơn cử, với hoạt động tự doanh, dự thảo quy định CTCK không được sử dụng quá 40% vốn chủ sở hữu để đầu tư mua cổ phần hoặc tham gia góp vốn vào các tổ chức khác; đầu tư quá 20% số cổ phiếu lưu hành của một tổ chức niêm yết. 100% các CTCK lớn khi trao đổi với ĐTCK đều kiến nghị nên bỏ quy định này, vì tự doanh là một nghiệp vụ mặc định theo thông lệ từ xưa tới nay của các CTCK và được dùng bằng nguồn vốn của CTCK. Tùy theo xu hướng thị trường, mỗi CTCK sẽ phân bổ tỷ lệ ở mức hợp lý phụ thuộc vào chiến lược hoạt động.

Chẳng hạn, trong ĐHCĐ năm nay CTCK Sài Gòn (SSI) đề ra kế hoạch góp vốn và mua cổ phần nâng số công ty liên kết lên 13 - 15 công ty vào cuối năm 2012. Nếu quy định trên được thực thi, SSI không chỉ phải chuyển hướng chiến lược hoạt động, mà còn phải thoái một số vốn khá lớn khỏi các DN đã đầu tư để đảm bảo các tỷ lệ tài chính vừa với quy định. Với các CTCK lớn như SSI, ngoài hoạt động đầu tư tìm kiếm lợi nhuận, còn có chức năng quan trọng khác là nhà tạo lập thị trường, điều này đặc biệt ý nghĩa với một thị trường non trẻ như TTCK Việt Nam. Nếu quy định tại dự thảo trên được thực thi thì rất có thể những giai đoạn thị trường xuống đáy như tháng 2/2009 hay tháng 1/2012 vừa qua, TTCK sẽ không thể nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ khối CTCK chỉ vì vướng “room” 40%.

Chẳng hạn, về hoạt động phân tích, Khoản 8, Điều 45 dự thảo Thông tư quy định, CTCK không được thông tin cho công chúng về dự báo chứng khoán, hoặc đưa ra các khuyến nghị giao dịch liên quan đến một chứng khoán cụ thể trên các phương tiện truyền thông. Nếu được thực thi, TTCK Việt Nam sẽ trở nên khác biệt với các thị trường tiên tiến khi việc phân tích đánh giá dự báo hoạt động của các DN, tình hình kinh tế vĩ mô là một nghiệp vụ bình thường của các CTCK.

Có thể hiểu, quy định của dự thảo nhằm lập lại trật tự trong việc bình luận và đánh giá thị trường về xu hướng tăng giảm mỗi ngày, hay các mã cổ phiếu (như trường hợp đã xảy ra với cổ phiếu VOS của CTCP Vận tải biển Việt Nam khi cùng lúc xuất hiện 3 khuyến nghị bán, nắm giữ và mua từ 3 CTCK khác nhau). Tuy nhiên, báo cáo phân tích phụ thuộc vào kiến thức người viết, khả năng thu lượm và xử lý dữ liệu, nên luôn bao hàm các yếu tố chủ quan, có thể dẫn đến các khác biệt trong nhận định. Chính sự đa dạng này tạo ra môi trường tranh luận và phản biện đa chiều để thị trường chắt lọc thông tin và cả sự đào thải. Trước việc khối NĐT cá nhân luôn hoài nghi về mâu thuẫn giữa chức năng tự doanh và phân tích của CTCK, thì xây dựng một khung pháp lý cho hoạt động này nên hướng đến việc quy định khi phân tích, bình luận về một mã chứng khoán cụ thể, CTCK phải tự nguyện công bố các thông tin liên quan (sở hữu, các nghiệp vụ tư vấn liên quan), thay vì cấm CTCK phát ngôn như tại dự thảo.

Khoản 1, Điều 42 dự thảo quy định: “Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của CTCK không được vượt quá 3 lần”. Quy định này cũng gặp nhiều ý kiến không đồng thuận. Tổng nợ và vốn chủ sở hữu của CTCK là đại lượng thường xuyên thay đổi, nên việc quy định một con số cố định sẽ không phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho hoạt động các CTCK. Quy định CTCK chỉ được vay tiền từ các tổ chức tín dụng mà bỏ qua các công ty tài chính, tổ chức bảo hiểm..., được nhìn nhận là cực đoan, đánh mất sự công bằng giữa các tổ chức tài chính, không khuyến khích việc thu hút vốn nhàn rỗi cho TTCK và nền kinh tế.

Một số ý kiến cho rằng, mục tiêu của dự thảo hướng tới việc quản lý an toàn tài chính cho CTCK, nhưng việc này đã được điều chỉnh trong Thông tư 226/2010/TT-BTC, liệu có cần thiết thêm các quy định mới “siết chặt” CTCK?

Quy định khó khả thi

Chủ đề an toàn tiền gửi thực sự nóng lên trong năm 2011 khi một số CTCK nhỏ như SME, Tràng An… rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Để điều chỉnh hoạt động quản lý tiền gửi của khách hàng, Điểm a, Khoản 4, Điều 50 dự thảo quy định: “CTCK phải ký hợp đồng mở và quản lý tài khoản chuyên dụng với ngân hàng thương mại, trong đó, đối tác có trách nhiệm quản lý tiền gửi của khách hàng theo tiểu khoản riêng biệt”. Tuy nhiên, theo nhiều CTCK, trong thực tế quy định này rất khó khả thi do CTCK hiện nay đa phần mở tài khoản giao dịch với nhiều ngân hàng khác nhau. Việc quy định mở từng tiểu khoản riêng biệt cho khách hàng là không thực hiện được trong thực tế, vì vướng mắc trong khâu quản lý của riêng CTCK và ngay cả ngân hàng.

Trong hoạt động tự doanh của CTCK, dự thảo quy định khi khách hàng đặt lệnh giới hạn, CTCK không được cùng mua cùng bán cho chính mình ở mức giá bằng hoặc tốt hơn mức giá của khách hàng trước khi lệnh của khách hàng được thực hiện. Thực tế hiện nay mỗi CTCK có hàng ngàn khách hàng tham gia giao dịch hàng ngày, nhưng chỉ tập trung chính vào nhóm chứng khoán có thanh khoản tốt - cũng là đối tượng hướng tới của CTCK. Xu thế giao dịch trực tuyến qua Internet là phổ biến và đang chiếm thế thượng phong. Việc kiểm soát và giám sát lệnh tức thời của NĐT là không thể thực hiện được, vì hạn chế thời gian và từ nguyên tắc bảo mật của chính CTCK (tự doanh độc lập với khối môi giới, nên không tùy tiện thâm nhập vào hệ thống giao dịch).

Tương tự, quy định của dự thảo CTCK không được mua lại cổ phiếu của cổ đông lớn, người quản lý công ty và người liên quan theo quy định của Luật Chứng khoán làm cổ phiếu quỹ trong thực tế không kiểm soát được và khó thực hiện với CTCK đã niêm yết trên HOSE và HNX. Nếu có quy định thì phải có tính thực thi, nhưng trong thực tế cơ quan nào sẽ giám sát các giao dịch này, hay chỉ trông chờ hoàn toàn vào sự tự giác của các CTCK?

Siết việc mua cổ phiếu quỹ để làm gì?

Cũng về việc CTCK mua lại cổ phiếu quỹ, Khoản 1, Điều 41 của dự thảo quy định: “Trừ trường hợp mua lại cổ phiếu lẻ theo yêu cầu của khách hàng hoặc mua sửa lỗi theo quy định của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, CTCK được mua lại không quá 10% số cổ phiếu phổ thông phát hành làm cổ phiếu quỹ”. Lãnh đạo CTCK góp ý, hiện nay việc mua lại cổ phiếu quỹ của các CTCP đã được quy định chi tiết tại Luật Doanh nghiệp (Điều 91) và Thông tư 18/2007/TT-BTC đối với các công ty đại chúng. Theo đó, các CTCP được mua tối đa 30% số cổ phần phổ thông phát hành. Bản thân CTCK cũng là CTCP và chịu sự điều chỉnh của các quy định trên, liệu có cần và nên siết lĩnh vực chứng khoán hơn cả ngân hàng, hay nên điều chỉnh tỷ lệ 10% thành 30% như thông lệ?

So với các quy định khung khác trong Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, một số điểm trong hoạt động của CTCK tại dự thảo bất ngờ được nới rộng hơn, nhưng vẫn có một số quy định còn mơ hồ. Đơn cử, Điều 29 quy định “cổ đông, thành viên sở hữu 10% vốn điều lệ của CTCK không được sử dụng ưu thế của mình gây tổn hại đến quyền lợi công ty và các cổ đông khác”. Trong thực tế, quyền của cổ đông lớn hoặc nhóm cổ đông lớn đã được quy định chi tiết trong Luật Doanh nghiệp 2005. CTCK cũng là CTCP hoạt động chịu sự điều chỉnh của bộ luật này, vì vậy quy định này nên được làm rõ hoặc nên bãi bỏ.

Giang Thanh

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,372

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn