Chính sách mới >> Tài chính 13/03/2012 14:27 PM

Động lực nào giúp thị trường khởi sắc?

13/03/2012 14:27 PM

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, TTCK Việt Nam thời gian qua ấm lại do đã bị định giá quá thấp trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, cũng theo TS Nghĩa còn những nhân tố quan trọng khác, đó là nền kinh tế thế giới và trong nước đã có dấu hiệu khả quan, cộng với xu hướng nới lỏng tiền tệ đã và đang hình thành.

Hai tháng qua, TTCK bất ngờ ấm trở lại. Có nhiều ý kiến cho rằng, sự nóng lên không có cơ sở thực tế nên sẽ mau chóng nguội lạnh. Quan điểm của ông về nhận định này?

Có ba giả định: thứ nhất, TTCK bị nén lâu quá rồi nên bật trở lại, nhưng như vậy là không có cơ sở thực tiễn để trở thành xu hướng; thứ hai, có những nền tảng kinh tế thực làm cơ sở cho sự tăng điểm; thứ ba, bao gồm cả hai giả định trên. Cá nhân tôi thiên về giả định thứ ba.

Đúng là có chuyện TTCK bị kìm nén ở mức rất thấp trong một thời gian tương đối dài và chỉ số P/E toàn thị trường giảm rất mạnh. Bên cạnh đó, dấu hiệu tích cực vừa qua là kinh tế thế giới đã bớt ảm đạm.

Cụ thể, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu dường như bước vào giai đoạn cuối, khả năng châu Âu ra khỏi khủng hoảng là khá rõ ràng. Nhiều cam kết hỗ trợ tài chính lớn như Quỹ ổn định tài chính châu Âu hỗ trợ trên 500 tỷ EUR; các NHTM châu Âu xóa 50% nợ của Hy Lạp với con số xấp xỉ 100 tỷ EUR.

Vừa rồi, NHTW châu Âu lại bơm thêm tiền cho các NHTM khoảng 530 tỷ EUR. Nếu các NHTM không sụp đổ thì đồng EUR cũng sẽ không sụp đổ.

Nền kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp đã xuống mức 8% và dự kiến sẽ xuống dưới 8% trong những tháng tới. Đặc biệt, thị trường bất động sản phục hồi khá nhanh, chỉ số giao dịch lên tới mức rất cao khoảng 97 điểm, nên kinh tế Mỹ sẽ phục hồi ngày càng mạnh mẽ hơn. Chỉ số Dow Jones đạt mức điểm trước khủng hoảng, một chỉ số tương đối ổn định trong vài năm gần đây.

Do lo ngại năm 2012 kinh tế thế giới suy thoái nên nhiều NHTW nới lỏng chính sách tiền tệ rất mạnh. Nhật Bản mua vào hàng trăm tỷ USD trái phiếu chính phủ, đồng nghĩa với việc cung ứng tiền ra thị trường. NHTW Trung Quốc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống còn 20,5% đối với các NHTM lớn và 18,5% đối với NHTM nhỏ. Mặc dù Trung Quốc tuyên bố GDP chỉ tăng trưởng 7,5% trong năm nay, nhưng thị trường đều nhận định, con số thực tế sẽ cao hơn.

Với việc nới lỏng này, thị trường sẽ tạo nên dòng tiền lớn với chi phí thấp và theo nhiều nhận định, dòng vốn đầu tư quốc tế sẽ đổ vào châu Á, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Điển hình như dòng đầu tư của Nhật Bản vào Đông Nam Á đang tăng lên rất nhanh. Chính vì vậy, thị trường tài sản bắt đầu ấm trở lại, kể cả TTCK, bất động sản.

Đương nhiên, đa số nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam sẽ chọn TTCK đầu tiên, bởi đó là thị trường đang có mức định giá thấp, không cần phải có vốn quá lớn và có thể dịch chuyển vốn một cách dễ dàng.

Ông mới nói đến yếu tố nước ngoài. Vậy nội lực kinh tế Việt Nam tác động như thế nào đến sự khởi sắc của TTCK?

Bản thân nền kinh tế Việt Nam cũng có những bước tiến quan trọng. Một là, lạm phát đã giảm mạnh, dự kiến trong năm 2012 ở mức trên dưới 8%; hai là, tỷ giá hối đoái ổn định do cán cân thanh toán quốc tế dự kiến thặng dư khoảng 2 - 3 tỷ USD và đặc biệt quan trọng là với những thành công bước đầu của chính sách tiền tệ, dự đoán xu hướng lãi suất sẽ giảm.

Khi lãi suất giảm thì đầu tư vào tiêu dùng tăng lên và có tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế. Khó khăn duy nhất hiện nay gây áp lực cho việc giảm lãi suất là thanh khoản của ngân hàng. Nếu NHNN giải quyết tốt vấn đề thanh khoản, đặc biệt là thanh khoản ngắn hạn của các ngân hàng nhỏ, làm cho thị trường liên ngân hàng phục hồi trở lại một cách bình thường thì khả năng giảm lãi suất có thể đạt được. Đó chính là cơ sở thực tiễn để TTCK tăng mạnh trong hai tháng trở lại đây.

Diễn biến của TTCK cũng thấy có 2 xu hướng: một là, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư dài hạn và có tính chiến lược vào trước, các nhà đầu tư nhỏ của Việt Nam theo sau và làm cho thị trường sôi động; hai là, đầu tư vào VN30-Index từ những mã chứng khoán lớn, sau đó lan tỏa ra các lĩnh vực nhỏ hơn.

Các nhà đầu tư nội địa tập trung vào những mã có thị giá thấp hơn mệnh giá. Trên thực tế, thanh khoản thị trường đã tăng từ 300 - 400 tỷ đồng/ngày lên trên dưới 3.000 tỷ đồng/ngày trong nhiều phiên. Điều này chứng tỏ dòng tiền lâu nay chờ đợi đã bắt đầu tham gia thị trường do vững tin hơn vào nền tảng vĩ mô.

Nhưng thông thường, nếu TTCK “bốc” nhanh quá cũng sẽ nhanh chóng rớt mạnh do quán tính và điều này đã xảy ra trong vài phiên gần đây, thưa ông?

TTCK tăng nhanh cũng sẽ có phiên điều chỉnh hoặc có thể do những tác động ngoại lai như giá xăng dầu, giá điện… tăng, hay tâm lý chốt lời của các nhà đầu tư. Cũng có thể đánh giá một số thị trường như bất động sản, xây dựng sắp phục hồi trở lại, nên nhà đầu tư chuyển một phần vốn từ khu vực này sang khu vực khác... Điều này là rất bình thường. Tuy nhiên, xu hướng dài hạn của thị trường là khả quan và nếu chủ trương giảm lãi suất của hệ thống ngân hàng đạt được kết quả tốt, TTCK sẽ có một bệ đỡ vững vàng.

Thống đốc NHNN công bố sẽ giảm 1%/năm trần lãi suất huy động và một số lãi suất chủ chốt chính là một thông điệp về việc nới lỏng một chút chính sách tiền tệ. Động thái này phù hợp với xu hướng chung của thế giới và cũng phù hợp với thực tiễn của Việt Nam khi lạm phát đã giảm khá mạnh từ tháng 7 năm ngoái. Khó khăn lớn nhất của DN hiện nay là vốn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến không chỉ đầu tư mà cả tiêu dùng. Do vậy, việc giảm hệ thống lãi suất của NHNN là một bước đi hợp lý.

Như ông đã nói, chính sách tiền tệ thời gian qua đã đi đúng hướng. Để hỗ trợ tốt hơn nền kinh tế và qua đó giúp TTCK hồi phục bền vững hơn, cơ quan điều hành cần sử dụng công cụ này theo hướng nào?

Theo tôi, cần tính tới việc bỏ trần lãi suất huy động, chứ không phải là điều chỉnh trần lãi suất huy động, bởi các căn cứ sau:

Thứ nhất, nhu cầu tín dụng hiện tại rất yếu ớt. Mấy tháng qua, hầu hết NHTM đều không tăng trưởng tín dụng, thậm chí có NHTM tăng trưởng tín dụng giảm 5%. Nhu cầu tín dụng thấp bởi lãi suất hiện tại cao cùng với những khó khăn về tiêu thụ, xử lý hàng tồn kho của DN. Nó dẫn đến hiện tượng các DN vay vốn của ngân hàng với thời hạn rất ngắn theo tính chất thời vụ. Trong khi đó, cho vay kinh doanh, đầu tư trung và dài hạn, hoạt động đầu tư có ý nghĩa quyết định đến tăng trưởng kinh tế trong tương lai lại giảm sút nghiêm trọng.

Thứ hai, NHNN đã công bố 4 nhóm ngân hàng với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng khác nhau, trong đó nhóm 4 không được phép tăng trưởng, tạo ra một áp lực khiến các NHTM không còn quyết liệt tham gia vào cuộc chạy đua lãi suất. Mặc dù hiện tượng vượt trần lãi suất vẫn còn, nhưng nếu NHNN kiên trì chính sách kiểm soát tín dụng chặt chẽ thì chỉ một thời gian ngắn nữa, các NHTM yếu cũng không cần chạy đua lãi suất, bởi họ đâu có được mở rộng cho vay mà huy động. Đòi được nợ cũ bao nhiêu thì cho vay bấy nhiêu. Do vậy, không nên sợ bỏ trần lãi suất tạo ra tình trạng chạy đua lãi suất.

Thứ ba, việc bỏ trần lãi suất sẽ tạo điều kiện cho thị trường tham gia vào việc giải quyết thanh khoản của NHTM. Áp lực thanh khoản sẽ được giải quyết một phần nhờ vào việc huy động vốn tốt hơn, chứ không hoàn toàn dựa vào việc tái cấp vốn, điều tiết vốn từ ngân hàng thừa sang ngân hàng thiếu.

Do vậy, sẽ tạo ra một hiệu ứng tích cực là thanh khoản của các NHTM được bù đắp tốt hơn, bởi huy động tiền gửi được nhiều hơn. Hiện nay, thanh khoản vẫn trong tình trạng căng thẳng, bởi các ngân hàng nhỏ chủ yếu dựa vào các khoản vay từ ngân hàng lớn và từ tái cấp vốn của NHNN, huy động trên thị trường vẫn lén lút có những phụ phí…, làm thị trường không minh bạch, làm cho dòng vốn vận động không đúng hướng.

Hiện đã có những điều kiện chín muồi để bỏ trần lãi suất huy động, để hỗ trợ cho thanh khoản của các ngân hàng nhỏ, giúp lãi suất hạ xuống, hỗ trợ cho TTCK khởi sắc.

Hồng Dung thực hiện

Đầu tư chứng khoán

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,682

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn