Chính sách mới >> Tài chính 11/03/2012 18:11 PM

11/03/2012 18:11 PM

NHNN cho biết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng có thể được điều chỉnh nên các NHTM không cần thiết phải nghĩ đến “cung - cầu” để có thể chuyển nhượng hay mua bán.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 cho các tổ chức tín dụng (TCTD) theo nhóm ngân hàng. Phát biểu trên báo, một tổng giám đốc ngân hàng cho rằng “các ngân hàng được phân bổ tín dụng theo những mức khác nhau, nhưng có thể NHNN không quản lý cứng nhắc.

Nghĩa là sẽ có những ngân hàng không sử dụng hết hạn mức, và có những ngân hàng không được phép tăng trưởng tín dụng, thì các ngân hàng có thể thỏa thuận với nhau, miễn sao không để ảnh hưởng đến hạn mức chung trong toàn ngành, vẫn đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tổng thể tín dụng quốc gia”. Phát biểu này hàm ý là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng có thể chuyển nhượng. Liệu có đúng vậy không?

Mục tiêu vĩ mô

Giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo nhóm ngân hàng là một trong những giải pháp để NHNN thực hiện nghị quyết 01/NQ-CP ngày 3-1-2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế xã hội năm 2012 với mục tiêu thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ thận trọng, linh hoạt, phối hợp hài hòa với các chính sách tài khóa; đảm bảo khả năng thanh khoản của các TCTD; kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 14-16% và tín dụng khoảng 15-17%.

Trong thực tế, yêu cầu đảm bảo khả năng thanh khoản phải được tính đến từng TCTD, do đó kiểm soát tăng trưởng tín dụng  cũng phải cụ thể với từng TCTD. Yêu cầu này không thể thực hiện và mục tiêu sẽ bị phá vỡ nếu chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được chuyển nhượng.

Và tái cơ cấu

Việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 đối với các TCTD theo nhóm ngân hàng căn cứ thực trạng hoạt động và khả năng tăng trưởng tín dụng của mỗi TCTD, sau khi NHNN đã “khám sức khỏe” và phân loại thành bốn nhóm với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tương ứng là lành mạnh (17%), trung bình (15%), dưới trung bình (8%) và yếu kém (0%).

Việc phân nhóm các TCTD là một trong các biện pháp kỹ thuật của quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Các TCTD đều phải thực hiện các giải pháp ở mức độ và nội dung khác nhau nhằm tái cơ cấu, nâng cao chất lượng và đổi mới phương thức hoạt động; trong đó những ngân hàng không được tăng trưởng tín dụng phải tập trung cao cho việc tái cơ cấu. Do vậy, nếu chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà có thể chuyển nhượng thì việc đánh giá phân loại các TCTD không còn ý nghĩa, đồng thời sẽ làm chệch hướng việc tái cơ cấu. Không thể nói việc chuyển nhượng “chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng” giữa các TCTD như làm “từ thiện” để xóa cảnh “kẻ ăn không hết người lần không ra” nhằm phủ nhận thực tế là “sức khỏe” của mỗi cơ thể đều khác nhau nên khả năng “hấp thụ” cũng khác nhau.

Về mặt nghiệp vụ tại các TCTD, việc chuyển dư nợ từ TCTD này sang TCTD khác là đơn giản và hoàn toàn có thể thực hiện bằng nhiều cách nhưng dù bằng cách nào thì cũng phải tuân thủ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được NHNN thông báo. Mọi biện pháp nghiệp vụ nhằm làm tăng dư nợ tín dụng cao hơn mức cho phép đều phạm luật và có thể gây hậu quả cho nền kinh tế.

Không thể có “cung - cầu”

Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ phù hợp với từng TCTD nếu đúng với “sức khỏe” thực. Do đó, để mỗi TCTD có thể huy động được vốn, thu nợ cho vay đúng hạn, cung cấp và tăng trưởng tín dụng với chất lượng tốt đối với khách hàng và trong phạm vi chỉ tiêu cho phép là điều không dễ. Mặt khác, tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 13-2-2012 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn hiệu quả năm 2012, đã nói rõ: “Sau sáu tháng thực hiện, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD phù hợp với diễn biến tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng, đảm bảo đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ”. Như vậy có thể thấy, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng có thể được điều chỉnh nên không cần thiết phải nghĩ đến “cung - cầu” để có thể chuyển nhượng hay mua bán.

Theo Phạm Như Liên
TBKTSG

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,030

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn