Chính sách mới >> Tài chính 10/03/2012 08:25 AM

10/03/2012 08:25 AM

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý là điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ để hỗ trợ TTCK phát triển lành mạnh là tổ chức, giám sát việc thực thi chính sách.

Với 5 quyết sách được vạch ra trong Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vị thế của TTCK sẽ được nâng cao trong giai đoạn tới với vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ đạo cho nền kinh tế. Nhiều giải pháp mạnh cũng được đưa ra nhằm sớm hiện thực hóa các quyết sách.

Nâng cao vị thế của UBCK

Quyết sách đáng chú ý đầu tiên trong Chiến lược là tăng quy mô, độ sâu và tính thanh khoản của TTCK. Phấn đấu đưa tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu vào năm 2020 đạt khoảng 70% GDP, đưa thị trường trái phiếu trở thành một kênh huy động và phân bổ vốn quan trọng cho phát triển kinh tế. Chú trọng đa dạng hóa cơ sở NĐT, phát triển hệ thống NĐT tổ chức, khuyến khích đầu tư nước ngoài dài hạn, đào tạo NĐT cá nhân.

Thứ hai, tăng tính hiệu quả của TTCK với các giải pháp cụ thể: tái cấu trúc mô hình tổ chức TTCK theo hướng cả nước chỉ còn 1 Sở GDCK và từng bước cổ phần hóa tổ chức này để bảo đảm thống nhất trong hoạt động, thuận tiện trong nâng cao năng lực quản trị và thu hút vốn từ các thành viên thị trường. Đồng thời, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa phương thức giao dịch và sản phẩm nghiệp vụ của Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký...

Thứ ba, nâng cao năng lực cạnh tranh của các định chế trung gian thị trường và tổ chức phụ trợ trên cơ sở sắp xếp lại các CTCK, từng bước tăng quy mô, tiềm lực tài chính của CTCK, đa dạng hóa các hoạt động nghiệp vụ theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; mở cửa thị trường cho các trung gian tài chính nước ngoài phù hợp với lộ trình cam kết và mức độ cạnh tranh đối với các tổ chức trong nước.

Thứ tư, tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý nhà nước trên cơ sở cho phép UBCK có đủ quyền lực để thực thi tốt các chức năng quản lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi.

Quyết sách cuối cùng là tham gia chương trình liên kết thị trường ASEAN và thế giới theo lộ trình phát triển, đáp ứng yêu cầu về an ninh tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng hạn chế rủi ro, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa TTCK Việt Nam với các thị trường trong khu vực và trên thế giới. Tham gia hợp tác quốc tế đa phương giữa UBCK các nước trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ đa phương của Tổ chức quốc tế các UBCK (IOSCO).

Giải pháp mạnh

Để hiện thực hóa 5 quyết sách trên, Chiến lược đã đưa ra nhiều giải pháp mạnh. Trong đó, nổi bật là đến năm 2015 sẽ ban hành Luật Chứng khoán mới thay thế cho luật hiện hành, nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh. Ngoài áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về công bố thông tin (CBTT), quản trị công ty, xây dựng cơ chế bảo vệ NĐT nhỏ. Các chính sách mới còn chú trọng đơn giản hóa thủ tục chào bán chứng khoán bằng cách chuyển từ cơ chế thẩm định điều kiện chào bán sang cơ chế chào bán dựa trên CBTT đầy đủ. Cải tiến phương thức định giá, chào bán cổ phiếu của DNNN cổ phần hóa gắn với niêm yết trên TTCK theo hướng áp dụng phương pháp dựng sổ cho các tổ chức chào mua chuyên nghiệp, đồng thời với phương thức đấu giá cổ phần hóa. Xây dựng và phát triển TTCK phái sinh được chuẩn hóa theo hướng phát triển với các công cụ từ đơn giản đến phức tạp. Về dài hạn, cần thống nhất hoạt động thị trường phái sinh có công cụ gốc là chứng khoán, hàng hóa, tiền tệ.

Chiến lược mới lưu ý việc tạo điều kiện hình thành và phát triển các tổ chức đầu tư như: quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư chỉ số, quỹ bảo hiểm liên kết, quỹ hưu trí tự nguyện… Xây dựng cơ chế kết nối giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn, thông qua cho phép các công ty quản lý quỹ kết hợp với NHTM thiết kế các sản phẩm tài chính để NĐT có thể vay nợ bằng thế chấp chứng chỉ quỹ, phát triển các hình thức tiết kiệm liên kết đầu tư. Giảm số lượng CTCK, từng bước phát triển các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo mô hình kinh doanh đa năng và chuyên doanh.

Hoạt động thanh toán bù trừ đa phương, song phương cho chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh được định hình theo hướng rút ngắn quy trình và thời gian thanh toán. Triển khai mô hình thanh toán, bù trừ đối tác trung tâm (CCP). Phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trên hệ thống theo dõi thị trường, CBTT và báo cáo tự động tại UBCK; xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu chung cho toàn bộ thị trường để xử lý dữ liệu và cơ chế phân quyền truy cập dữ liệu xử lý…

“Dễ làm trước, khó làm sau”

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý là điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ để hỗ trợ TTCK phát triển lành mạnh là tổ chức, giám sát việc thực thi chính sách sao cho hiệu quả và minh bạch. Thực tế, việc tổ chức triển khai chính sách đối với TTCK hiện tại còn nhiều hạn chế, cần sớm khắc phục. Muốn vậy, UBCK cần công bố rõ ràng lộ trình triển khai chính sách và kiên trì theo đuổi để mang lại niềm tin cho thị trường.

Việc xây dựng và thực thi chính sách không thể ôm đồm, mà cần có trọng tâm để đáp ứng nhu cầu bức thiết của thị trường trong từng giai đoạn cụ thể. Các đòi hỏi bức thiết từ thị trường hiện tại là triệt để tách bạch tài khoản tiền của NĐT độc lập với CTCK; siết chặt điều kiện niêm yết; mạnh tay xử lý giao dịch nội gián, thao túng giá…

Để sớm triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển TTCK mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành, UBCK cần chọn lọc nhiệm vụ nào dễ, ít phải sửa đổi quy định pháp lý thì làm trước để sớm thiết thực hỗ trợ thị trường, những vấn đề phức tạp triển khai sau. Tránh tình trạng chính sách đợi chính sách, bởi dễ tạo ra lỗ hổng pháp lý kéo dài, tác động tiêu cực đến sự vận hành công bằng, minh bạch của thị trường.

Hữu Đạo

Đầu tư chứng khoán

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,550

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn