Chính sách mới >> Tài chính 10/02/2012 14:05 PM

10/02/2012 14:05 PM

Lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ chia sẻ, để hạ lãi suất phải phụ thuộc vào thời điểm thuận lợi là khi lạm phát và tình hình thanh khoản ổn định. Lãi suất LNH dưới 10% chỉ là một dữ liệu để xem xét.

Ngày 8/2, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 03 về phiên họp thường kỳ tháng 1/2012, trong đó yêu cầu NHNN theo dõi sát tình hình để có phương án giảm lãi suất tín dụng ở mức hợp lý vào thời điểm phù hợp. Tất nhiên, điều này không có nghĩa NHNN phải hạ lãi suất ngay, nhưng hạ thế nào cho hợp lý và thời điểm nào thì vẫn có nhiều ý kiến khác nhau.

Ngân hàng ANZ cho rằng, nếu NHNN muốn hạ lãi suất, trước tiên cần đánh giá áp lực giá cả sau dịp Tết Nguyên đán và nếu nới lỏng chính sách tiền tệ chắt chặt, cần thực hiện chậm rãi để đảm bảo kiểm soát lạm phát. ANZ khuyến nghị, NHNN nên chờ đến sau quý I/2012 mới dần nới lỏng chính sách để đảm bảo lạm phát 2012 dưới mức 10%.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc Tiền tệ và thị trường vốn của Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam), lạm phát vẫn đang trong xu hướng giảm bởi chính sách tiền tệ thắt chặt. Đây cũng là yếu tố quan trọng để tính tới việc giảm lãi suất. Tuy nhiên, nếu dùng ý chí chủ quan “ép” lãi suất giảm xuống ngay lập tức có thể lặp lại bài học của năm 2009 - 2010. Vấn đề là dù lạm phát đã giảm nhưng vẫn tồn tại tình trạng ngân hàng vượt trần lãi suất, thiếu thanh khoản, nên nếu “ép” hạ lãi suất nhanh, thị trường chắc chắn sẽ bị bóp méo. Trong khi đó, nguyên nhân gốc rễ là tái cơ cấu khu vực kinh tế quốc doanh, tài chính công chưa giải quyết được thì không nên quá mạnh tay để ép lãi suất xuống.

“Tôi cho rằng, thậm chí toàn bộ thị trường và đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ quan ngại nếu nhìn thấy Việt Nam cắt giảm lãi suất ngay bây giờ”, ông Hải nói.

Ông Hải phân tích, trong ngắn hạn, chắc chắn cả doanh nghiệp và ngân hàng đều gặp khó khăn bởi lãi suất cao, nhưng đó là quá trình đào thải khắc nghiệt, là cái giá phải trả để chữa dứt được “căn bệnh”. Việc hạ lãi suất cần để thị trường tự điều chỉnh hơn là dùng ý chí chủ quan. Khi giải quyết được các nguyên nhân gốc rễ như lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu khu vực kinh tế quốc doanh…, thì lãi suất sẽ tự động giảm xuống, thị trường phát triển ổn định và bền vững hơn.

“Cần để thị trường tự điều chỉnh sẽ mang tính chất ổn định và lâu dài hơn. Nhiều khả năng 6 tháng cuối của năm 2012 sẽ thấy xu hướng giảm lãi suất thực sự”, ông Hải nhận định.

Lãnh đạo cao cấp của Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN chia sẻ, để hạ lãi suất phải phụ thuộc vào thời điểm thuận lợi là khi lạm phát và tình hình thanh khoản ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2012 tăng khá nhẹ, 1% so với tháng 12/2011 được coi là con số ấn tượng, nhưng chỉ số này mới chỉ đánh giá khoảng 20 ngày trong tháng 1. Bên cạnh đó, câu chuyện thanh khoản vẫn nóng được NHNN gắn liền với tiến trình tái cấu trúc hệ thống đang tiến hành. Lãi suất liên ngân hàng thấp dưới 10% trên thực tế chỉ là một dữ liệu để xem xét, cần theo dõi kỹ hơn.

“NHNN đang lấy thông tin từ các tổ chức tín dụng về tình hình vay mượn lẫn nhau để căn cứ vào đó có những quyết định tiếp theo. Thời điểm hiện tại, vẫn chưa thể giảm được lãi suất”, vị lãnh đạo trên nói.

Trong một tương quan khác, một số chuyên gia ngân hàng nêu quan điểm, có lẽ thời điểm này, NHNN đang chú trọng tới kế hoạch tái cấu trúc nhiều hơn. Cụ thể, việc bơm tiền của NHNN chỉ để duy trì thanh khoản cho hệ thống, thay vì để giảm lãi suất. Cụ thể, NHNN bơm vốn trên thị trường mở (OMO) đều có kỳ hạn ngắn, phần lớn là 7 hoặc 14 ngày. Trong giai đoạn trước Tết Âm lịch, có một số phiên được áp dụng kỳ hạn 21 ngày, chủ yếu để hỗ trợ các ngân hàng không bị đáo hạn số tiền quá lớn trong cùng một thời điểm. Với các kỳ hạn này, ngân hàng khó có thể chuyển hóa lượng tiền nói trên thành tín dụng.

Tuy nhiên, hiện các ngân hàng khó khăn về thanh khoản, nhưng NHNN lại không thực hiện nghiệp vụ bơm vốn. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục khống chế tín dụng trong dư nợ phi sản xuất, khống chế trần lãi suất tiền gửi 14%/năm. Tức là không có sự thay đổi nào về chính sách, các ngân hàng có khó khăn thanh khoản sẽ tiếp tục khó khăn, tạo một sức ép cần thiết cho các ngân hàng phải tự nguyện hợp nhất, sáp nhập.

Theo Nhuệ Mẫn
ĐTCK

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,469

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn