Chính sách mới >> Tài chính 08/02/2012 08:25 AM

08/02/2012 08:25 AM

Đánh giá có nhiều cơ hội năm 2012 nhưng đa phần doanh nghiệp đều cho rằng chưa nên vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất do LS quá cao, nên tìm kiếm nguồn vốn giá rẻ từ thị trường vốn ngoại.

Trở lại làm ăn sau kỳ nghỉ tết, doanh nghiệp đã phải đối mặt ngay với vấn đề nan giải là lãi suất cao. Các doanh nghiệp sẽ tính bài toán kinh doanh đầu tư như thế nào trong bối cảnh hiện nay. Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp.

* TS Lê Xuân Nghĩa (phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia): Mấu chốt là giải quyết thanh khoản

Chính phủ, Ngân hàng (NH) Nhà nước và các doanh nghiệp đều mong muốn lãi suất (LS) sẽ giảm. Trên thực tế lạm phát tính theo tháng đã giảm mạnh từ tháng 7, đặc biệt tháng tết năm nay chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên còn ba vấn đề làm LS chưa thể giảm được. Thứ nhất là ký ức về lạm phát khiến người dân kỳ vọng LS tiền gửi cao vì họ so sánh với các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ. Thứ hai là thanh khoản của các NH đang gặp khó khăn. Thứ ba là LS cao khiến rủi ro tăng, đặc biệt với cho vay chứng khoán, bất động sản, hàng hóa... nên NH rất thận trọng trong việc cho vay.

Do đó, trước mắt LS có giảm hay không phụ thuộc việc NH Nhà nước sẽ giải quyết thanh khoản cho các NH như thế nào. Theo tôi, nếu nhanh thì sau sáu tháng đầu năm LS sẽ giảm dần, còn nếu chậm có thể lâu hơn nữa. Một khi thanh khoản NH ổn định, lòng tin được phục hồi thì kỳ vọng LS cao không còn nữa, nhiều người dân và DN có tiền sẽ gửi vào NH. Trong thời điểm này tôi cho rằng DN nên gói gọn kinh doanh trong nguồn vốn của mình, không nên mở rộng đầu tư.

* Ông Lê Văn Trí (phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam - Casumina): Tập trung cho quản trị

Chúng tôi buộc phải vay trên 1.300 tỉ đồng để đầu tư dự án sản xuất lốp radial toàn thép. Đây là dự án bắt buộc phải làm trong năm 2012, vì nếu không làm cơ hội sẽ đi qua khi các thị trường nhập khẩu chính sản phẩm này hiện khó lòng đặt mua hàng tiếp ở Trung Quốc do quốc gia này đang bị áp thuế khá cao.

Nói như vậy để thấy DN đang có cơ hội rất lớn để đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của thị trường. Nhưng rủi ro và áp lực cũng đang đè nặng lên vai DN khi mặt bằng lãi suất vẫn chưa thể giảm như kỳ vọng. Chúng tôi không thể ngưng lại khoản đầu tư này và chấp nhận đối mặt với muôn vàn khó khăn phía trước.

Việc đưa chi phí lãi vay ăn vào giá thành sản phẩm như thời gian trước khó có thể thực hiện, khi giá bán cạnh tranh đã trở thành mấu chốt cho quá trình đàm phán hợp đồng. Quay vòng vốn thật nhanh, tránh để nợ đọng kéo dài, vay ngoại tệ và chấp nhận rủi ro về mặt tỉ giá cho các hợp đồng mua thiết bị là những giải pháp chúng tôi đang quyết liệt thực hiện.

* Bà Đặng Quỳnh Đoan (giám đốc Công ty thời trang Việt Thy): Không đầu tư thêm

Thay vì mở rộng thêm hệ thống phân phối như dự tính ban đầu, tôi quyết định làm gọn lại hệ thống đang có, mạnh dạn đóng cửa những cửa hàng nào kinh doanh kém hiệu quả để tránh bị ngâm vốn nhằm đối phó với tình trạng LS cho vay vẫn quá cao.

Đây là một quyết định khá khó khăn, nhất là đối với DN kinh doanh hàng tiêu dùng, vốn rất cần mở rộng hệ thống bán lẻ của mình để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng hiệu quả nhất. Nhưng sẽ rất khó cho DN tiếp tục chọn phương án đầu tư trong năm nay, khi tín hiệu hạ LS từ phía ngân hàng vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Tôi nghĩ đây là xu thế chung của DN cho kế hoạch sản xuất trong năm nay khi mà hiệu quả kinh doanh của DN không còn nằm trong dự liệu của DN, mà tùy thuộc rất lớn vào chính sách điều hành tiền tệ của Nhà nước.

* Giám đốc một công ty sản xuất đồ gỗ ở Bình Dương: Tìm vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài

Hiện chúng tôi vẫn còn hợp đồng tín dụng cũ với ngân hàng từ năm 2011. Mặc dù chưa phải đi vay khoản mới nhưng có nhiều tín hiệu cho thấy năm nay việc vay vốn sẽ rất khó khăn. Sắp tới khi hết hợp đồng tín dụng cũ, phải vay mới mà không vay được, hoặc ngân hàng cho vay nhỏ giọt thì nhiều khả năng chúng tôi phải chấp nhận rủi ro bằng cách đi vay USD từ các tổ chức tín dụng nước ngoài. Một số doanh nghiệp đã tận dụng nguồn vốn này và được hưởng mức LS “mềm hơn”. Điều khiến doanh nghiệp lo ngại là rủi ro biến động tỉ giá. Tuy nhiên, đã vay thì phải tính toán trước các vấn đề nảy sinh để đưa ra phương án kinh doanh phù hợp.

* Bà Hana Hương Đặng (trưởng đại diện Quỹ BankInvest tại VN): Chờ đợi tín hiệu tốt

Năm 2012 vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan cho các quỹ đầu tư khi những yếu tố của nền kinh tế vĩ mô chưa ổn định: LS NH, tỉ lệ lạm phát còn cao; thị trường chứng khoán khó có khả năng thu hút vốn, bất động sản ngưng trệ... Mặc dù vậy, chúng tôi nhận thấy vẫn có khả năng đầu tư rất tốt vào các lĩnh vực chế biến thực phẩm - hàng tiêu dùng, bán lẻ, bệnh viện, trường học... nhưng do nguồn tiền không còn nhiều như trước nên sẽ chỉ tập trung cho các công ty thật sự có tiềm năng, hoạt động kinh doanh tốt. Đây chính là cơ hội của các quỹ trong tình hình kinh tế đặc biệt như năm nay, chúng tôi cũng đang có kế hoạch tiếp cận với những đối tác như thế thời gian tới.

Tuy nhiên chúng tôi sẽ nghe ngóng, quan sát nhiều hơn triển khai đầu tư vì thật sự nguồn tiền đầu tư của quỹ trong nước không còn nhiều. Tuy nguồn tiền từ các quỹ bên ngoài đang có, họ sẵn sàng đầu tư 30-50 triệu USD/công ty nhưng cái khó có thể tìm được những công ty này ở VN để họ đầu tư.

* Ông Huỳnh Anh Tuấn (tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC): Vẫn huy động được từ thị trường chứng khoán

Giải pháp tháo gỡ khó khăn trong vấn đề xoay xở vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh phải phụ thuộc nội tại của từng doanh nghiệp. Không phải thị trường chứng khoán sụt giảm là doanh nghiệp sẽ không huy động được vốn từ kênh này.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng giải quyết được vấn đề vốn qua thị trường chứng khoán. Để huy động được vốn từ các nhà đầu tư, cần đòi hỏi tiềm năng của doanh nghiệp và mục đích việc huy động vốn. Nếu doanh nghiệp đang làm ăn có lãi, việc huy động vốn cho những dự án mới mà khả năng sinh lợi được chứng minh rõ ràng, khoản đầu tư an toàn thì hoàn toàn vẫn có thể thu hút nhà đầu tư chứng khoán. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp nào vẫn có ý định và thực hiện việc mở rộng kinh doanh là tín hiệu đáng mừng. Tất nhiên phải dựa trên nền tảng hoạt động kinh doanh đang tốt.

* Ông Don Lam (tổng giám đốc Tập đoàn Vinacapital): Sáu tháng đầu năm là cơ hội lớn

Chúng tôi vẫn lạc quan về tình hình vĩ mô trong năm 2012, trong đó dự kiến tăng trưởng GDP sẽ được giữ ở mức 6% và sẽ không thúc đẩy lạm phát. Rủi ro ngoại hối sẽ đặc biệt thấp vì dòng vốn chảy vào VN giữ cán cân thanh toán thặng dư trong năm thứ hai liên tiếp. Cam kết FDI sẽ gia tăng tuy tốc độ có thể chậm hơn và mức giải ngân thực tế năm nay có thể vẫn giữ ở mức 11 tỉ USD như trong năm 2011.

Khi lạm phát có chiều hướng giảm xuống vào cuối năm nay, LS tiền gửi lẫn cho vay đều sẽ giảm theo, tính thanh khoản của thị trường sẽ cao hơn, thị trường VN sẽ được cải thiện. Do đó sáu tháng đầu năm là khoảng thời gian rất tốt để giải ngân. Vinacapital sẽ tập trung đầu tư vào một số lĩnh vực rất hứa hẹn của thị trường như ngành sản xuất hàng tiêu dùng và bán lẻ, do đặc điểm dân số đông và thu nhập bình quân đang tăng nhanh của người Việt. Ngành ngân hàng, bất động sản, nông nghiệp và y tế...cũng là những lĩnh vực có tiềm năng rất lớn.

Theo A. Hồng - Trần Vũ Nghi - Bạch Hoàn - Lê Nam
Tuổi trẻ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,743

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn