Chính sách mới >> Tài chính 23/12/2011 16:49 PM

23/12/2011 16:49 PM

Những điều hành của NHNN trong thời gian qua phần nào đạt kết quả tích cực. Duy chỉ có một điểm mà Thống đốc vẫn chưa thực hiện hoặc không thực hiện đó là bỏ trần lãi suất huy động.

Như VnEconomy từng đề cập ở một bài viết trước, trong một trao đổi bên lề gần đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói rằng, những định hướng chính mà Ngân hàng Nhà nước về điều hành chính sách và quản lý thị trường cơ bản đã có kết quả.

Thứ nhất, chủ trương hạ lãi suất cho vay VND từ cuối tháng 9/2011 xuống 17 - 19%/năm đã được các ngân hàng thương mại triển khai.

Thứ hai, cam kết điều chỉnh tỷ giá USD/VND từ thời điểm 7/9/2011 cho đến hết năm 2011 không quá 1% cũng chỉ còn ít ngày nữa để chính thức đạt đích.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước đã bước đầu có các giải pháp can thiệp thị trường vàng mà không phải dùng đến việc cấp hạn ngạch nhập khẩu, chi ngoại tệ cho nhập khẩu; dù hiện nhà điều hành vẫn còn thiếu các công cụ pháp lý rõ ràng và đầy đủ hơn cho khả năng can thiệp.

Cả ba định hướng và kết quả trên đều có trong những thông điệp mà Thống đốc đưa ra khi tiếp nhận vị trí lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, thị trường còn ghi nhận cả những kết quả tích cực khác không có trong trao đổi nói trên.

Đó là trần lãi suất huy động VND đã được làm nghiêm trong những tháng gần đây. Và mới nhất, một sự kiện mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã ghi dấu ấn khi cho tiến hành hợp nhất ba ngân hàng thương mại có vấn đề (dù thành công của việc hợp nhất còn cần thêm thời gian để kiểm chứng).

Thế nhưng, có một điểm mà Thống đốc vẫn chưa thực hiện được, cũng chưa rõ lúc nào sẽ thực hiện được hoặc không thực hiện… Đó là bỏ trần lãi suất huy động.

16 ngày sau khi tiếp nhận nhiệm vụ lãnh đạo ngành, trả lời phỏng vấn của báo giới về cơ chế trần lãi suất, Thống đốc nói: “Cuộc sống đôi khi cũng cần phải có biện pháp hành chính. Áp dụng biện pháp hành chính vì chúng ta chưa tìm ra được các công cụ mang tính kinh tế mà việc sử dụng cho phép đạt được mục tiêu trong thời gian ngắn nhất. Sử dụng biện pháp hành chính là cực chẳng đã và chỉ trong thời hạn ngắn. Trần lãi suất huy động là một giải pháp hành chính, sức sống của nó không thể dài được. Khi thị trường ổn định, nhất định sẽ bỏ trần lãi suất”.

Cuối năm 2010, trước sự xáo trộn của lãi suất trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng cơ chế trần lãi suất huy động VND với 14%/năm. Đến nay đã hơn một năm, một năm căng thẳng với cơ chế trần.

Mục đích chính của cơ chế là đưa ra một giải pháp hành chính can thiệp tức thời những xáo trộn trên thị trường. Đó là giá trị tích cực được nhiều ý kiến trong và ngoài ngành, hoặc từ các chuyên gia ủng hộ tại thời điểm đó. Ở một giá trị khác, chính Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận rằng là rất tích cực khi vào cuối 2010 trần ấn định mốc 14%/năm, trong khi chỉ tiêu kiềm chế lạm phát năm 2011 ban đầu là 7% - tức người gửi tiền “có lãi” so với lạm phát kỳ vọng đó.

Cho đến nay, khi lạm phát cả năm 2011 đã vượt 18%, thực tế là quá khác. Nhưng trả lời trước Quốc hội, Thống đốc nói: “Đến tháng 8 chúng ta thấy rằng trần lãi suất 14% là đúng và là tích cực. Bởi vì nếu bắt đầu từ tháng 8 là chúng ta trả lãi suất cho một năm tiếp theo, không phải là chúng ta đã trả lãi suất cho một năm đã qua”.

Tiếp tục áp trần với 14%/năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục “neo” một kỳ vọng có thể hiểu họ cho là hợp lý về lạm phát trong dân cư. Một yếu tố tham khảo ở đây là định hướng kiếm chế lạm phát năm tới dưới 10% cũng đã được đưa ra, còn niềm tin của công chúng với chỉ tiêu đó lại là vấn đề khác. 14%/năm so với kỳ vọng lạm phát kiềm chế được dưới 10% trong một năm tới, nếu vậy, trần lãi suất đó hiện là tích cực với người gửi tiền. Là tích cực thì chưa vội điều chỉnh hoặc gỡ bỏ.

Với hệ thống ngân hàng, sau những quyết định xử phạt quyết liệt các trường hợp vi phạm vừa qua, cơ chế trần cơ bản đã được nghiêm, trật tự thị trường được thiết lập lại. Đó cũng là tích cực, và theo đó có lẽ cũng chưa vội để điều chỉnh hoặc gỡ bỏ trần.

Thế nhưng, định hướng “khi thị trường ổn định, nhất định sẽ bỏ trần lãi suất” mà Thống đốc đã nêu vẫn còn đó. Quan trọng hơn, nếu cơ chế trần tiếp tục kéo dài sẽ dẫn tới những hệ quả gì, bên cạnh giá trị tạo trật tự cho thị trường (hoặc có thể còn là một công cụ để thanh lọc hệ thống, một chốt chặn để hạn chế tình trạng lãi suất cho vay bị đẩy lên quá cao, hay do chưa có các công cụ quản lý khác hữu hiệu…)?

Một câu trả lời vui từ lãnh đạo một ngân hàng thương mại rằng: “Nếu tiếp tục áp cơ chế trần lãi suất huy động, báo chí các bạn sẽ còn rất nhiều chuyện để viết”.

Còn trên thực tế, một năm căng thẳng vừa qua cũng đã cho thấy có nhiều vấn đề đặt ra.

Thứ nhất là tình trạng vượt trần, lách trần trong phần lớn thời gian của năm 2011. Gần đây chính lãnh đạo ngân hàng lớn nói rằng có hiện tượng “tái xuất” và vẫn phức tạp. Phía sau đó vẫn còn quan ngại về rủi ro đạo đức và rủi ro nghiệp vụ trong hệ thống.

Thứ hai, cơ chế trần tiếp tục tồn tại đồng nghĩa với sự triệt tiêu cạnh tranh trong huy động vốn giữa các ngân hàng xét ở công cụ chủ yếu nhất. Từ đây, khó khăn thanh khoản do khó huy động vốn vẫn là nỗi ám ảnh đối với các ngân hàng nhỏ, mà thực tế thời gian qua đã được phản ánh ở sự dịch chuyển dòng tiền gửi bất lợi đối với họ.

Thứ ba, hệ lụy của sự dịch chuyển đó là mối liên hệ với thị trường liên ngân hàng. Bất cập cũng đã xẩy ra với cơ chế áp điều kiện thế chấp, bảo đảm tài sản lần đầu tiên nảy sinh, ảnh hưởng xấu tới môi trường và hạn chế vai trò của thị trường này trong điều hòa vốn cho hệ thống.

Thứ tư, áp trần lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước chặn đầu vào nhưng “thả” đầu ra và năm 2011 dự kiến thị trường sẽ chứng kiến một sự gia tăng mạnh của tỷ lệ lãi biên trong các ngân hàng thương mại. Những tính toán gần đây của một số công ty chứng khoán cho thấy có những nhà băng thu chênh lệch lãi bình quân đạt tới 4,2%, thậm chí trên dưới 5% trong năm nay, trong khi liên tiếp 3 năm trước đó chỉ duy trì quanh 3%. Tất nhiên, một cái khó của các nhà băng là do năm nay không được đẩy mạnh tín dụng như những năm trước để có thể thực sự chia sẻ ở tỷ lệ này.

Như Thống đốc từng nhìn nhận, áp trần là một biện pháp hành chính cực chẳng đã, và sẽ bỏ khi thị trường ổn định. Như vậy, sau hơn một năm cùng với những vấn đề nảy sinh nói trên, liệu đời sống của cơ chế trần sẽ còn kéo dài đến bao lâu nữa? Và thị trường cần bao lâu nữa mới thực sự ổn định?

Theo Minh Đức
VnEconomy

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,031

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn