Chính sách mới >> Tài chính 08/12/2011 15:23 PM

08/12/2011 15:23 PM

3 ngân hàng tham gia hợp nhất đầu tiên đều có mối quan hệ kinh doanh với nhau từ trước do vậy thỏa thuận để tạo ra ngân hàng quy mô lớn hơn không quá khó khăn.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bắt đầu quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại bằng quyết định cho phép ba ngân hàng thương mại cổ phần Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa và Sài Gòn hợp nhất với sự tham gia của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV).

Mới vào giữa năm nay, những cổ đông cũ của ngân hàng Đệ Nhất đã quyết định chuyển nhượng phần lớn cổ phần cho một nhóm các nhà đầu tư. Cho đến lúc bấy giờ, Đệ Nhất là một ngân hàng nhỏ, ít tiếng tăm và tương đối sạch sẽ về mặt nợ nần. Đã có một thời, nhiều chủ đầu tư muốn mua Đệ Nhất, nhưng cuối cùng ngân hàng đã thuộc về nhóm nhà đầu tư tỏ ra có tiềm lực tài chính.

Đã có những khơi nguồn về việc hợp nhất ba ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), Tín Nghĩa và Đệ Nhất kể từ việc chuyển nhượng kể trên. Các nhóm cổ đông lớn của SCB và Tín Nghĩa đều có quan hệ kinh doanh với nhau. Việc thỏa thuận để tạo ra một ngân hàng quy mô hơn không quá khó khăn đối với họ. Vướng mắc gay cấn trong mỗi cuộc sáp nhập bao giờ cũng là xác định giá trị doanh nghiệp, thì với cả ba, yếu tố này không thành vấn đề. SCB lớn hơn cả so với hai ngân hàng còn lại xét về vốn điều lệ, mạng lưới, nhưng thâm niên, hiệu quả kinh doanh, hệ số nợ… gần như nằm ở cùng một cung bậc. Nếu cứ lấy hệ số chuyển đổi đơn thuần là 1:1, thì quá trình hợp nhất của cả ba sẽ diễn ra nhanh chóng.

Tuy nhiên việc sáp nhập không chỉ đơn thuần là gom ba thành một. Ở đây có sự góp mặt của cổ đông nhà nước thông qua BIDV. Điều gì đã khiến Nhà nước phải vào cuộc?

Sự sáp nhập lần này là sự thay đổi căn bản thứ hai trong lịch sử thành lập và hoạt động của SCB. Trước đây khi chuyển đổi từ Ngân hàng Quế Đô, SCB đã từng bị mất gần hết vốn, phải đổi mới cổ đông. Tín Nghĩa cũng có một lịch sử chông gai khi đi lên từ ngân hàng thương mại cổ phần Tân Việt. Sau những thử thách đầu những năm 2000, cả hai đã cố gắng để không lặp lại những sai lầm cũ. SCB đã có thời điểm được vào tốp 10 ngân hàng cổ phần hàng đầu, được IFC, Royal Bank of Scotland đặt vấn đề mua cổ phần và đã hoàn thiện hồ sơ, chuẩn bị niêm yết trên sàn TPHCM.   

Cơn lốc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhanh chóng chứng tỏ ảnh hưởng nặng nề của nó, lĩnh vực bất động sản Việt Nam bị tác động và đó cũng là thời gian SCB, Tín Nghĩa không kiểm soát được dòng vốn đầu ra của mình. Tỷ lệ dư nợ cho vay bất động sản so với tổng dư nợ của cả hai vượt các quy định an toàn hoạt động. Chạy theo lợi nhuận, cả hai đã sử dụng phần lớn vốn huy động ngắn hạn cho vay dài hạn.

Thông cáo báo chí của NHNN ghi rõ: “Thời gian gần đây, ba ngân hàng này đã có những thiếu hụt thanh khoản tạm thời do mất cân đối kỳ hạn giữa nguồn vốn huy động và cho vay. Các dự án đầu tư  của ba ngân hàng  nhìn chung có hiệu quả nhưng nguồn vốn ngân hàng cho vay chủ yếu là trung và dài hạn, trong khi nguồn vốn huy động lại chủ yếu ngắn hạn. Có những thời điểm khách hàng rút tiền với khối lượng lớn khiến các ngân hàng trên có những lúc mất thanh khoản tạm thời”. Khi dòng tiền không quay về, họ vay liên ngân hàng để tài trợ tiếp cho khách hàng với hy vọng nuôi nợ để đòi nợ.
 
Khi các quy định về giới hạn vay vốn liên ngân hàng trên tổng vốn huy động ra đời, SCB và Tín Nghĩa thực sự “khó thở”. Trong các cơn sốt tiền đồng những năm vừa qua, SCB gần như lúc nào cũng là con nợ ăn đong. Cuối cùng họ bắt buộc xin tái cấp vốn NHNN. Các đợt tái cấp vốn liên tiếp phải gia hạn.

Trên thực tế, khả năng mất vốn của các ngân hàng trên ở mức thấp vì tài sản thế chấp cho các khoản vay đều có giá trị không thể phủ nhận. Cầm cố vay tiền ở SCB và Tín Nghĩa là quyền sử dụng các khu đất, các tòa nhà, khách sạn, trung tâm thương mại ở TPHCM.

NHNN đã hỗ trợ tài chính nhằm đảm bảo thanh khoản cho ba ngân hàng. Song, sự hỗ trợ không thể kéo dài mà không đưa đến một kết cục giải quyết dứt điểm một số tác nhân có thể gây nên biến động bất thường của lãi suất, sự ổn định của thị trường tiền tệ. Nhà nước sẽ chuyển vốn hỗ trợ thành vốn góp và nắm giữ một tỷ lệ nhất định cổ phần của ngân hàng mới trên cơ sở hợp nhất cả ba. Tỷ lệ góp vốn của Nhà nước là bao nhiêu, với giá nào phụ thuộc vào công việc kiểm toán, đánh giá lại giá trị cổ đông. Danh mục nợ nần, tài sản thế chấp, tài sản cố định… sẽ là những địa chỉ đầu tiên được đụng đến.
 
Sẽ có những chủ nợ lo lắng vì họ không nằm trong dạng được ưu tiên trả nợ. Giống như công cuộc củng cố, mua bán sáp nhập, xử lý ngân hàng yếu kém trước đây, quyền lợi của người dân gửi tiền được ưu tiên hàng đầu. “Người gửi tiền sẽ được trả đủ cả vốn lẫn lãi kể cả trong trường hợp họ có nhu cầu rút tiền trước hạn (lãi không kỳ hạn - NV) tại ba ngân hàng” - một quan chức NHNN khẳng định.     

BIDV nhiều năm trước đã từng tham gia xử lý Ngân hàng Nam Đô. Bây giờ lại là BIDV ký hợp đồng hợp tác toàn diện với ba ngân hàng cổ phần sẽ hợp nhất trong đợt này. Trong một thông cáo báo chí chính thức phát đi từ hội sở ngày 6-12-2011, BIDV nhấn mạnh sẽ hỗ trợ nguồn vốn, hợp tác kinh doanh tiền tệ, thanh toán với ngân hàng mới hình thành từ ba ngân hàng nói trên. Tất nhiên BIDV, đại diện quản lý phần vốn nhà nước góp vào ngân hàng mới, sẽ kiểm soát công việc quản trị điều hành thông qua giới thiệu các ứng cử viên vào hội đồng quản trị, ban giám đốc.

Xét cho cùng, đưa BIDV nhập cuộc là lựa chọn tối ưu của NHNN lúc này. Agribank phải cáng đáng dịch vụ tài chính cho cả khu vực nông nghiệp - nông thôn. Vietcombank và Vietinbank đã cổ phần hóa, có cổ đông nước ngoài, nên không thể gánh vác công việc mang tính chính sách nặng nề như tham gia sáp nhập, mua bán. Các ngân hàng cổ phần mạnh không chìa tay miễn phí để đỡ các ngân hàng yếu kém nếu thiếu chính sách ưu đãi cơ chế đi kèm. BIDV là sự trông cậy tốt nhất của Nhà nước trong bối cảnh tái cơ cấu ngân hàng hiện tại.     

 Theo Hải Lý
TBKTSG

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,978

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn