Chính sách mới >> Tài chính 21/06/2016 09:04 AM

Sẽ có 5 Nghị định nâng cấp các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài chính

21/06/2016 09:04 AM

Chiều nay, 20-6, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về các giải pháp triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.

Ông Ngô Hữu Lợi trả lời báo chí

Ông Ngô Hữu Lợi trả lời báo chí.

Nhiều giải pháp hỗ trợ DN

Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính cho biết: Ngay sau khi 2 Nghị quyết nói trên được ban hành, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ngay lập tức đưa ra kế hoạch hành động cụ thể.

Trong đó có 73 giải pháp, 118 sản phẩm đầu ra thực hiện Nghị quyết 19 với tiêu chí trong năm 2016-2017 và định hướng đến năm 2020 là đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế bao gồm cả 3 nhóm chỉ tiêu (hoàn thuế; quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế); rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới tối đa 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu và 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu; bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp, bảo đảm hàng năm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính; phối hợp hạn chế rào cản phi thuế quan thuộc nhóm 40 nước đứng đầu,...

Đặc biệt, ngành Tài chính phấn đấu đến năm 2020, thời gian nộp thuế tối đa là 110 giờ/năm; thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.

Đối với Nghị quyết 35, Bộ Tài chính đề ra 34 giải pháp, 46 sản phẩm đầu ra cụ thể để thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.

Đó là: đề xuất phương giảm tiền thuê đất; xử lý tổng thể về mức thu phí sử dụng đường bộ; trình Quốc hội Nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp ngay trong năm 2016; sửa đổi hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa giai đoạn 2016-2020,...

Giải đáp băn khoăn của các phóng viên về sự ảnh hưởng của các giải pháp nói trên tới việc thu ngân sách Nhà nước, ông Ngô Hữu Lợi cho biết: Tuy một số giải pháp có ảnh hưởng trước mắt đến công tác thu song bên cạnh đó lại có nhiều giải pháp tác động hỗ trợ trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh.

Do đó, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngược lại trở thành các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, ông Lợi cho biết thêm, thời gian qua, Bộ Tài chính cũng có nhiều giải pháp như thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, chống chuyển giá, xử lý nợ đọng,… để hỗ trợ tăng thu.

Quang cảnh buổi họp báo

Quang cảnh buổi họp báo.

Đã trình các Nghị định về điều kiện kinh doanh

Trả lời về việc xây dựng các văn bản về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực của Bộ Tài chính để kịp có hiệu lực cùng với Luật Đầu tư, Vụ trưởng Vụ Pháp chế chia sẻ: Ngay sau khi Nghị quyết 59/NQ-CP của Chính phủ được ban hành về triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp rà soát các quy định về ngành nghề đầu tư kinh doanh và điều kiện đầu tư kinh doanh quy định tại Quyết định của Thủ tướng, Thông tư của Bộ Tài chính, để nâng cấp lên Nghị định.

Theo đó, trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính có 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, và 11 Thông tư có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh cần đưa lên Nghị định, thuộc 9 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Cụ thể: Kinh doanh dịch vụ kiểm toán; kinh doanh bán hàng miễn thuế; kinh doanh dịch vụ tập kết, kiểm tra hải quan trong, ngoài khu vực của khẩu; kinh doanh chứng khoán; kinh doanh bảo hiểm; kinh doanh tái bảo hiểm; môi giới bảo hiểm; đại lý bảo hiểm; kinh doanh dịch vụ đào tạo đại lý bảo hiểm.

Các Nghị định này có thể chia thành 2 nhóm.

Nhóm 1 gồm các nghị định được xây dựng để quy định điều kiện đầu tư kinh doanh hiện đang quy định tại Quyết định của Thủ tướng, Thông tư của Bộ. Nhóm này có 5 Nghị định cần xây dựng là: Nghị định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với kiểm toán viên hành nghề, tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng; Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực Hải quan; Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán; Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều tại các nghị định.

Ông Lợi nhấn mạnh: “Đưa Thông tư lên thành Nghị định không có nghĩa là đưa cơ học các điều kiện ở Thông tư lên mà trong quá trình xây dựng, có nhiều điều kiện, quy định được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp hơn với thực tế”.

Nhóm 2 gồm các Nghị định quy định về các ngành nghề đầu tư kinh doanh chưa có quy định pháp luật gồm: Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế; Nghị định về kinh doanh casino; Nghị định quy định về quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.

Tất cả các nghị định nói trên đều đã được Bộ Tài chính soạn thảo và trình Chính phủ để ban hành. Như vậy, đã đảm bảo thời hạn trình Chính phủ theo yêu cầu của Thủ tướng.

Hồng Vân

Theo Báo Hải quan

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,158

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn