Chính sách mới >> Quốc tế 23/04/2015 09:46 AM

Châu Á nghiện nợ, đe dọa tăng trưởng

23/04/2015 09:46 AM

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các chính phủ và ngân hàng trung ương châu Á khuyến khích vay tiền, không ngừng giảm lãi suất thực của nền kinh tế. Giờ đây, các doanh nghiệp và người tiêu dùng đang bước vào giai đoạn trả nợ, trong khi nền kinh tế không có sự cải thiện đáng kể. Khi doanh nghiệp và người tiêu dùng tập trung vào việc trả nợ, tăng trưởng kinh tế châu Á chậm lại nhanh chóng.

Thói quen vay mượn của các nước châu Á sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu kết thúc vẫn tiếp tục. Ảnh: Reuters

Các ngân hàng trung ương châu Á cắt giảm lãi suất, hạ tỷ giá... nhưng tăng trưởng kinh tế không được cải thiện. Kim ngạch xuất khẩu không thể đạt được sự tăng trưởng mong muốn, nhu cầu tổng thể của nền kinh tế vẫn còn yếu, tăng trưởng tiền lương thực tế ít, mức giá cơ bản không thay đổi. Những điều này càng làm cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng khó khăn hơn để trả nợ.

Tình trạng trên có thể làm suy yếu nghiêm trọng triển vọng kinh tế châu Á và có thể kéo theo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại - theo báo Wall Street Journal.

Tình trạng vay

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey, từ năm 2007 đến nay, các nước đang phát triển chiếm gần một nửa khoản vay nợ mới của thế giới, trong đó hầu hết là các thị trường mới nổi ở châu Á. Trong số các khoản vay nợ mới của thế giới, Trung Quốc chiếm 1/3. Hơn nữa, châu Á không chỉ vay mượn nhiều trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu để tự bảo vệ mà thói quen vay mượn sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu kết thúc vẫn tiếp tục.

Báo Wall Street Journal dẫn lời kinh tế trưởng Paul Sheard của hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor cho biết: "Vấn đề là người ta đã vay quá nhiều, sợ rằng đến lúc lãi suất giảm xuống bằng không, mọi người sẽ không còn vay".

Tại Trung Quốc, đối tượng vay nợ là các doanh nghiệp nhà nước lớn, các nhà phát triển bất động sản và chính quyền địa phương. Tại Malaysia và Thái Lan, đối tượng vay là người tiêu dùng, vay để mua xe ô tô và các thiết bị điện tử.

Năm 2014, tỷ lệ nợ trên GDP của Nhật Bản tương đương 400% - cao nhất thế giới.

Morgan Stanley cho biết thậm chí không tính Nhật Bản, năm 2014, tỷ lệ nợ trên GDP của các nước châu Á với tổng sản phẩm trong nước (GDP) đã tăng đến 205%, con số này trong năm 2007 và năm 1996 lần lượt là 144% và 139%.

Trung Quốc đối mặt rủi ro

Trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu năm 2007, tỷ lệ nợ của Trung Quốc tương đương 158% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) – tương đương tỷ lệ nợ tại nhiều nước phát triển. Từ năm 2007 đến nay, Trung Quốc đã tăng đáng kể tỷ lệ nợ trên GDP, hiện là 282% GDP – tương đương mức ở Úc, Mỹ, Đức và Canada.

Các chuyên gia phân tích của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey cho rằng Trung Quốc đang đối mặt với các rủi ro. Rủi ro đầu tiên là các khoản nợ liên quan đến bất động sản. Khoảng 45% khoản nợ của Trung Quốc có liên quan đến bất động sản và các ngành công nghiệp liên quan như xây dựng và vật liệu. Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey cho rằng vấn đề hàng tồn kho dư thừa của các công ty bất động sản không được giải quyết trong trung hạn sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng trả nợ của các công ty này, dẫn đến vỡ nợ.

Nguy cơ tiếp theo là nợ của chính quyền địa phương quá cao. Hãng xếp hạng tín dụng Moody’s trước đó đã cảnh báo nợ của các chính quyền địa phương làm gia tăng áp lực cho các ngân hàng, có thể khiến xếp hạng tín dụng của Trung Quốc bị hạ xuống.

Tuy nhiên, so với Hàn Quốc và Nhật Bản, tỷ lệ vay tiêu dùng của Trung Quốc vẫn ở mức hợp lý. So với các nước phát triển, lãi suất thực của nền kinh tế Trung Quốc vẫn tương đối cao, chính sách tiền tệ vẫn còn nhiều không gian để điều chỉnh. Nhìn chung, việc "nghiện nợ" tạm thời không tác động lớn đến nhu cầu tổng thể của nền kinh tế Trung Quốc.

Sẽ tái phát khủng hoảng tài chính châu Á?

Hiện nay, tỷ lệ nợ của Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan và Hàn Quốc và các nước châu Á khác đều cao hơn mức trước khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990. Tỷ lệ nợ trên thu nhập của hộ gia đình Hàn Quốc, Malaysia, Úc và một số nước khác cao hơn so với mức ở Mỹ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Mặc dù tỷ lệ nợ của châu Á tăng lên nhiều nhưng khả năng tái phát cuộc khủng hoảng tài chính châu Á không lớn, theo các nhà phân tích. Lý do chính làm bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á là có quá nhiều khoản nợ bằng ngoại tệ. Nhưng hiện nay, hầu hết khoản nợ ở châu Á được tính bằng nội tệ. Do đó, nội tệ giảm giá so với đô la Mỹ sẽ không mang lại quá nhiều rủi ro cho các nước.

Đối với các nền kinh tế mới nổi châu Á, mối đe dọa nhiều nhất là động thái tăng lãi suất cơ bản của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Lãi suất dài hạn của Mỹ tăng lên có thể khiến lượng lớn luồng vốn chảy khỏi châu Á, tác động lên giá cổ phiếu và trái phiếu, nâng cao chi phí vay vốn, gây bất ổn trên thị trường ngoại hối. Tại Đông Nam Á, phần lớn các khoản nợ bằng nội tệ do các nhà đầu tư nước ngoài vay mượn; khi tình hình căng thẳng, các nhà đầu tư này nhanh chóng chuyển đổi tiền.

Hàn Quốc có thể dễ bị tổn thương hơn trước khi đối mặt với việc Fed tăng lãi suất cơ bản. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và hiện tại, tỷ lệ nợ của các hộ gia đình Hàn Quốc trên GDP đạt 81%, các ngân hàng Hàn Quốc đã tích lũy quá nhiều áp lực.

Bên cạnh đó, một số nước châu Á, trong đó có Hàn Quốc và Thái Lan, đang đối mặt với vấn đề kép của tỷ lệ nợ cao và dân số lão hóa. Điều này đồng nghĩa nền kinh tế tăng trưởng chậm lại của các nước này khó có thể đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu như quá khứ.

Phúc Minh

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,079

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn