Bảo đảm quyền lợi phụ nữ trong Luật Đất đai

14/05/2014 09:27 AM

Luật Đất đai 2003 và Luật Đất đai 2013 quy định, khi đất là tài sản chung của cả vợ và chồng thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng. Song trên thực tế, tại nhiều địa phương quy định này còn chưa được biết đến và áp dụng triệt để. Thậm chí ngay cả những cán bộ địa phương cũng thiếu hiểu biết hoặc chưa làm tốt theo luật định. Điều này làm cho quyền lợi của người phụ nữ trong Luật Đất đai bị ảnh hưởng.

Song trên thực tế, tại nhiều địa phương quy định này còn chưa được biết đến và áp dụng triệt để. Thậm chí ngay cả những cán bộ địa phương cũng thiếu hiểu biết hoặc chưa làm tốt theo luật định. Điều này làm cho quyền lợi của người phụ nữ trong Luật Đất đai bị ảnh hưởng.

 “Sổ đỏ” thường chỉ ghi tên chồng

Theo báo cáo Khảo sát Quyền tiếp cận đất của phụ nữ do nhóm An ninh lương thực và giảm nghèo (CIFPEN) và Tổ chức quốc tế chống đói nghèo tại Việt Nam ActionAid (AAV), 5 năm sau ngày Luật Đất đai 2003 ra đời với quy định ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì tại nhiều địa phương, kết quả mang lại không mấy khả quan. Tại Hòa Bình, Lai Châu, Vĩnh Long vẫn có trên 90% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang tên một người (phần lớn là tên người chồng).


Đa phần diện tích đất chỉ đứng tên người chồng, nhất là tại miền núi. Ảnh: Việt Hoàng

Viện Tư vấn phát triển kinh tế - Xã hội nông thôn miền núi (CISDOMA) dẫn số liệu của AVV, từ bảng so sánh GCNQSDĐ mang một tên (chồng) và 2 tên (vợ và chồng) tại 6 địa phương gồm Hòa Bình, Lai Châu, Ninh Thuận, Gia Lai, Trà Vinh và Vĩnh Long trên ba loại đất là: đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm và đất ở, thì trung bình có tới 83,96% đất trồng cây hàng năm, 82,6% đất trồng cây lâu năm và 79,2% đất ở ghi tên một người (chồng). Cá biệt có những tỉnh như Vĩnh Long, tính trung bình trên cả 3 loại đất trên thì có tới 96,2% GCNQSDĐ mang tên một người chồng và ở Lai Châu là 91,76%...

Nguyên nhân và hệ lụy

Thực tế trên được đánh giá từ nhiều phía. Trước hết từ góc độ nhìn nhận của chính người phụ nữ. Đa phần họ còn xem nhẹ vị thế của mình trong gia đình, chưa quan tâm tới quyền lợi của mình và vẫn duy trì suy nghĩ lạc hậu. Bà Trần Thị Minh Châu, chuyên gia về Giới và truyền thông, Giám đốc CISDOMA cho biết: Rất nhiều người phụ nữ nói: không biết suy nghĩ thế nào trước quy định GCNQSDĐ sẽ có thêm cả tên của chính mình, bởi từ trước tới nay, mọi việc đều do người chồng quyết định… Họ quan niệm “của chồng công vợ”, ai đứng tên cũng được, chồng đứng tên thì vợ “ăn theo”. 

Thống kê của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Nghệ An, Lâm Đồng, Long An và Ninh Thuận tính theo nhóm dân tộc và huyết thống về tỉ lệ hai vợ chồng cùng đứng tên trong GCNQSDĐ cho thấy hiện trạng: Nhóm dân tộc Kinh 20%, nhóm Phụ hệ thiểu số 4,2%, nhóm Mẫu hệ 11%, nhóm phụ hệ không phải người kinh là 15,7%.

Theo CISDOMA, nguyên nhân khác dẫn tới việc ghi thêm tên người vợ trong GCNQSDĐ gặp vướng mắc đó là “chưa tìm thấy văn bản nào hướng dẫn đổi GCNQSDĐ một tên (chồng hoặc vợ) thành hai tên (cả vợ và chồng) khi có đủ các điều kiện pháp lý trong trường hợp GCNQSDĐ được cấp trước 2004”. Trong khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai 2013 có quy định, việc đổi tên GCNQSDĐ từ một người đứng tên sang hai người chỉ được thực hiện “nếu có yêu cầu”, theo CISDOMA, việc quy định như vậy đã “hạn chế quyết tâm của cả chính quyền, địa phương và người dân trong việc cấp đổi GCNQSDĐ đứng tên cả vợ và chồng, gián tiếp làm hạn chế quyền lợi và quyền bình đẳng của người phụ nữ”.

CISDOMA cũng cho rằng năng lực thực thi luật của cán bộ địa phương, nhất là nông thôn nghèo, khu vực khó khăn và miền núi còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến luật chưa rộng khắp và chưa đúng đối tượng. Nhiều cán bộ còn thiếu trách nhiệm, chưa chủ động hướng dẫn người dân thực hiện ghi tên trong GCNQSDĐ theo quy định luật, thủ tục, giấy tờ còn phiền phức, tốn nhiều thời gian.

Người phụ nữ sẽ phát huy tốt vai trò của mình khi được nhìn nhận và quan tâm đúng mức, được đảm bảo sự công bằng về quyền lợi, sự bình đẳng. Xét riêng trong GCNQSDĐ, khi chưa có tên người phụ nữ thì chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước không được thực thi đầy đủ. Quan trọng hơn, với chính người hưởng lợi, việc chưa được ghi tên trong GCNQSDĐ đã làm giảm vai trò, vị thế của họ trong sử dụng đất, phát triển kinh tế, mất quyền lợi, thiệt thòi khi phân chia tài sản...

Bình đẳng cho phụ nữ

Theo bà Trần Thị Minh Châu, có tới trên 50% phụ nữ được hỏi trong quá trình nghiên cứu tâm lý trả lời muốn có tên mình trong GCNQSDĐ để đảm bảo quyền và vị thế. Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua trong Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII sắp tới. Để khẳng định và đảm bảo quyền lợi phụ nữ, những ý kiến đóng góp, xây dựng và tham mưu cho Ban soạn thảo cần đưa điều khoản Hướng dẫn chi tiết việc thi hành khoản 4, Điều 98 Luật Đất đai 2013, quy định việc ghi họ, tên vợ và họ, tên chồng trong GCNQSDĐ. Hướng dẫn cụ thể việc đổi, cấp mới với GCNQSDĐ từ ghi một tên sang hai tên với các trường hợp sổ đỏ đã được cấp trước 2004, và đây là việc bắt buộc, thuộc về trách nhiệm của địa phương. Hỗ trợ tài chính với hộ nghèo, miền núi, hộ khó khăn... khi cấp đổi sổ. Quy định rõ việc cán bộ địa phương phải có hướng dẫn, tuyên truyền cụ thể cho nhân dân biết rõ quy định của pháp luật.

“Nếu Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 làm tốt điều này, sẽ giải đáp được quyền lợi, đáp ứng số đông mong đợi của phụ nữ là được đồng sở hữu tài sản đất đai của gia đình. Được hưởng ngang quyền nam giới trong quyết định sử dụng đất. Có cơ sở pháp lý để bảo vệ tài sản đất của mình và con cái”, bà Châu nói.

Anh Đức

Theo TTXVN

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,246

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn