Quy định về tầng lánh nạn, gian lánh nạn nhà chung cư

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
09/10/2020 08:36 AM

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2019/BXD về Quy hoạch xây dựng, QCVN 04:2019/BXD về Nhà chung cư và QCVN 06:2020/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình, tầng lánh nạn, gian lánh nạn nhà chung cư được quy định như sau:

Quy định về tầng lánh nạn nhà chung cư

Quy định về tng lánh nn nhà chung cư (Ảnh minh họa)

Tầng lánh nạn là tầng dùng để sơ tán tạm thời, được bố trí trong tòa nhà có chiều cao lớn hơn 100 m. Tầng lánh nạn có bố trí một hoặc nhiều gian lánh nạn.

Gian lánh nạn là khu vực bố trí trong tầng lánh nạn dùng để sơ tán tạm thời khi xảy ra sự cố cháy.

Theo QCVN 04:2019/BXD (Điều 2.9.4), đối với nhà có chiều cao từ 100 m đến 150 m, ngoài việc tuân thủ các quy định tại Điều 2.9.1, 2.9.2, cần phải bố trí tầng lánh nạn, gian lánh nạn, đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Tầng lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng. Không cho phép bố trí các căn hộ hoặc một phần căn hộ, văn phòng trên tầng lánh nạn. Không cho phép bố trí các hoạt động thương mại trên tầng lánh nạn.

CHÚ THÍCH 1: Có thể sử dụng tầng kỹ thuật hoặc một phần tầng kỹ thuật làm gian lánh nạn khi đáp ứng các quy định tại khoản b), c), d), e) f), g), h) của Điều 2.9.4.

b) Các gian lánh nạn bố trí ở tầng lánh nạn, phải được bảo vệ bằng bộ phận ngăn cháy có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 150.

c) Gian lánh nạn phải có diện tích với định mức 0.3 m2/người, đảm bảo đủ chứa tổng số người như liệt kê dưới đây:

- Số người của tầng có gian lánh nạn;

- Một nửa tổng số người của tất cả các tầng phía trên tính từ tầng có gian lánh nạn đến tầng có gian lánh nạn tiếp theo; một nửa tổng số người của tất cả các tầng phía trên đối với tầng có gian lánh nạn trên cùng;

- Một nửa tổng số người của tất cả các tầng phía dưới tính từ tầng có gian lánh nạn đến tầng có các gian lánh nạn tiếp theo; một nửa tổng số người của tất cả các tầng phía dưới đối với tầng có gian lánh nạn dưới cùng.

d) Gian lánh nạn phải được thông gió tự nhiên qua các ô thông tường cố định bố trí trên hai tường ngoài (ô thông gió) đảm bảo các yêu cầu:

- Tổng diện tích các ô thông gió ít nhất phải bằng 25 % diện tích gian lánh nạn;

- Chiều cao nhỏ nhất của các ô thông gió (tính từ cạnh dưới đến cạnh trên) không được nhỏ hơn 1,2 m;

- Các ô thông gió cho gian lánh nạn phải được bố trí cách ít nhất 1,5 m theo phương ngang và 3,0 m theo phương đứng tính từ các ô thông tường không được bảo vệ khác nằm ngang bằng hoặc phía dưới nó. Nếu các ô thông gió cho gian lánh nạn có tổng diện tích không nhỏ hơn 50 % diện tích gian lánh nạn thì khoảng cách theo phương đứng được phép giảm xuống đến 1,5 m.

e) Tất cả các trang bị, dụng cụ đặt trong gian lánh nạn phải làm bằng vật liệu không cháy.

f) Gian lánh nạn phải có cửa thông với buồng thang không nhiễm khói và phải có cửa ra thang máy chữa cháy.

g) Gian lánh nạn phải có trang thiết bị chống cháy riêng gồm: họng nước chữa cháy trong nhà, hệ thống chữa cháy tự động Sprinkler, chiếu sáng sự cố, điện thoại liên lạc với bên ngoài, hệ thống truyền thanh chỉ dẫn thoát nạn...

h) Phía trong buồng thang bộ thoát nạn và trên mặt ngoài của tường buồng thang bộ thoát nạn ở vị trí tầng lánh nạn phải có biển thông báo với nội dung “GIAN LÁNH NẠN/FIRE EMERGENCY HOLDING AREA” đặt ở chiều cao 1 500 mm tính từ mặt nền hoàn thiện của chiếu tới hoặc sản tầng lánh nạn. Chiều cao chữ trên biển thông báo không nhỏ hơn 50 mm.

CHÚ THÍCH Bên cạnh việc trình bày bằng tiếng Việt và tiếng Anh, nội dung biển thông báo có thể được trình bày thêm bằng các ngôn ngữ khác tùy thuộc đặc điểm người sử dụng phổ biến trong nhà.

Trong nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp: Đối với gian lánh nạn, chiều cao thông thủy không được nhỏ hơn 2,6 m.

Tất cả các tầng hầm trong nhà có từ 2 hoặc 3 tầng hầm, phải được trang bị hệ thống liên lạc khẩn cấp hai chiều giữa phòng trực điều khiển chống cháy tới những khu vực sau:

- Các thang máy chữa cháy;

- Tất cả các gian lánh nạn;…

Theo QCVN 01:2019/BXD, việc xác định tổng diện tích sàn để xác định hệ số sử dụng đất, cho phép “trừ các diện tích sàn phục vụ cho hệ thống kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy, gian lánh nạn và đỗ xe của công trình” - điểm 1.4.21. Như vậy, diện tích bố trí phòng lánh nạn tại các tầng không tính vào hệ số sử dụng đất của công trình.

Xem chi tiết nội dung tại QCVN 04:2019/BXD và QCVN 06:2020/BXD.

Châu Thanh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 67,549

Bài viết về

lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn