Vướng trong xử lý vi phạm hành chính

01/03/2014 10:34 AM

Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan tại Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15-10-2013 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 127) đang khiến các đơn vị Hải quan địa phương gặp khó khăn khi áp dụng vào thực tiễn. Thực tế này đang diễn ra tại Hải quan Bình Dương, Đắk Lắk, TP. HCM.


Công chức Hải quan Sóng Thần kiểm tra hàng hóa XNK. Ảnh: C.N

Hồ sơ thanh khoản, hoàn thuế

Theo phản ánh của Cục Hải quan TP. HCM, Công ty TNHH ABAN Việt Nam nộp hồ sơ thanh khoản cho hợp đồng gia công số ABVN 17 ngày 10-9-2013 tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư - gia công. Theo dữ liệu của cơ quan Hải quan, DN đã khai báo định mức sản phẩm có tỷ lệ hao hụt là 3% khi mở tờ khai XK. Tuy nhiên, ngày 3-12-2013, DN có công văn thông báo thực tế khi thực hiện gia công DN không có tỷ lệ hao hụt 3% mà thực tế tỷ lệ hao hụt là 0% và xin khai bổ sung để nộp thuế cho phần nguyên phụ liệu thừa do xây dựng định mức cao hơn thực tế sử dụng.

Trong trường hợp này, Cục Hải quan TP. HCM xác định hành vi của DN là vi phạm quy định về khai thuế tại Điều 8 Nghị định 127, tuy nhiên đơn vị còn phân vân giữa Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

Khoản 1, Điều 8 quy định: “Hành vi khai bổ sung hồ sơ khai thuế quá 60 ngày “kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan” mà không ghi cho hồ sơ thanh khoản”.

Điểm d, Khoản 2, Điều 8 quy định: Hành vi “khai tăng định mức XK sản phẩm gia công, định mức XK sản phẩm XK từ nguyên liệu, vật tư NK so với thực tế sử dụng”.

Theo Cục Hải quan TP. HCM, nếu áp dụng Điểm d này thì đúng hành vi nhưng không phù hợp do DN đã tự phát hiện và khai bổ sung. Trong khi đó, tại Khoản 1, Điều 8 Nghị định 127 quy định đối với khai bổ sung hồ sơ khai thuế mà hồ sơ thanh khoản cũng là hồ sơ có liên quan đến thuế, do đó, Hải quan TP. HCM cho rằng, áp dụng Khoản 1, Điều 8 Nghị định 127 là phù hợp.

Cục Hải quan Bình Dương cũng phản ánh về việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đối với thời hạn nộp hồ sơ thanh khoản, hoàn thuế (45 ngày theo Thông tư 194/2010/TT-BTC và 60 ngày theo Thông tư 128/2013/TT-BTC). Cục Hải quan Bình Dương đang lúng túng liên quan đến việc xác định có hay không hành vi vi phạm “không nộp hồ sơ thanh khoản, hoàn thuế đúng thời hạn quy định”.

Để thuận lợi trong công tác quản lý, theo dõi, đôn đốc thanh khoản hoàn thuế/ không thu thuế cũng như xử lý vi phạm, theo Cục Hải quan Bình Dương, căn cứ quy định về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, xét về hành vi thì các hồ sơ hoàn thuế/ không thu thuế DN nộp tại thời điểm hiện tại được áp dụng thời hạn nộp hồ sơ hoàn thuế theo quy định tại Thông tư số 128/2013/TT-BTC (không phân biệt tờ khai phát sinh tại thời điểm hiệu lực của Thông tư nào). Cục Hải quan Bình Dương đề nghị cho phép DN được nợ và bổ sung chứng từ thanh toán hàng nguyên liệu, vật tư NK giống như đối với hàng XK.

Thẩm quyền xử phạt

Ngày 15-12-2011, Công ty CP thiết bị dầu khí phía Nam làm thủ tục NK lô hàng đồ chơi trẻ em, xuất xứ Trung Quốc. Qua kiểm tra thực tế, ngoài những mặt hàng khai báo, Hải quan Bình Dương phát hiện 5.400 súng đồ chơi bằng nhựa (súng bắn phát quang hoạt động bằng pin) không khai báo hải quan. Để xử lý tang vật, Cục Hải quan Bình Dương đã báo cáo Tổng cục Hải quan và Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ để thống nhất hướng xử lý. Tuy nhiên, đến nay, vụ việc vi phạm đã sắp hết thời hiệu xử phạt mà vẫn không thể xử phạt được do phải đợi hướng dẫn thống nhất từ cơ quan cấp trên.

Cục Hải quan Bình Dương lúng túng bởi theo nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính thì mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh. Đối với trường hợp này, hành vi vi phạm đã bị phát hiện, ngăn chặn nhưng lại chưa được xử lý. Nguyên nhân là do vướng mắc về thẩm quyền xử phạt giữa cơ quan Hải quan và cơ quan chức năng chuyên ngành.

Cục Hải quan Bình Dương lý giải, theo quy định tại Điểm d, Khoản 5, Điều 4 Nghị định 127 quy định xử phạt đối với hành vi “XK, NK hàng hóa không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật”. Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm chung về chất lượng hàng hóa, sản phẩm. Tuy nhiên, nếu xét về mặt hàng, vướng mắc về thẩm quyền xử phạt hàng hóa NK không đạt chuẩn giữa cơ quan Hải quan và Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý theo quy định tại Khoản 4, Điều 69 và đối với những mặt hàng quy định tại Khoản 2, Điều 70 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 thì do các Bộ quản lý chuyên ngành, lĩnh vực khác chịu trách nhiệm. Như vậy, những vụ việc vi phạm mà tang vật là mặt hàng không phải do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý thì không xảy ra vướng mắc về thẩm quyền xử phạt. Cục Hải quan Bình Dương đang lúng túng bởi đơn vị hiểu như vậy có đúng không?

Khai bổ sung hồ sơ hải quan

Tại Cục Hải quan Đắk Lắk đang phát sinh một số DN làm thủ tục hải quan điện tử XK mặt hàng cà phê (chưa rang), hàng được miễn kiểm tra thực tế, có thuế suất thuế XK 0%, DN xuất thiếu số lượng so với khai báo, đã tự giác khai bổ sung nhưng ngoài thời hạn 60 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan và việc khai bổ sung này được thực hiện trước khi cơ quan Hải quan thanh, kiểm tra sau thông quan tại trụ sở DN.

Đối chiếu với quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 10 Thông tư 196/2012/TT-BTC ngày 15-11-2012 thì: “DN được khai bổ sung hồ sơ hải quan ngoài thời hạn 60 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan, DN tự phát hiện, tự giác khai báo trước khi cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra thuế, thanh tra thuế, kiểm tra sau thông quan tại trụ sở DN; đồng thời sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hiện hành”.

Để xử lý hành vi trên, Cục Hải quan Đắk Lắk đề xuất phương án để cơ quan Hải quan kiểm tra điều kiện, hồ sơ khai bổ sung (bao gồm cả vận tải đơn, hóa đơn thương mại) DN nộp, xuất trình nếu thấy phù hợp thì chấp nhận cho khai bổ sung, đồng thời xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 8 Nghị định 97/2007/NĐ-CP với hành vi khai bổ sung hồ sơ khai thuế quá 60 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan, hành vi này phải bị xử phạt nhằm răn đe DN bởi liên quan đến hậu quả xuất thiếu, xuất khống hàng XK để lợi dụng hoàn thuế GTGT, ảnh hưởng đến việc thống kê số liệu hàng hóa XNK (vì Nghị định 127 chưa có điều khoản nào áp dụng cho trường hợp này).

Cục Hải quan Đắk Lắk cũng đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét, nếu DN vi phạm xuất thiếu hàng XK tương tự như trường hợp trên thì có bị xử phạt vi phạm hành chính không, nếu bị xử phạt thì theo điều khoản nào của Nghị định 127?

Để sớm có hướng xử lý đối với những vướng mắc trên, các đơn vị địa phương đã báo cáo Tổng cục Hải quan xin ý kiến.

Hiện, Tổng cục Hải quan  đang tiếp nhận những ý kiến vướng mắc của Hải quan địa phương xung quanh Nghị định 127 để có hướng dẫn chung.

Đảo Lê

Theo Báo Hải quan

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,159

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn