Điểm mới nhất của Luật thuế TNDN sửa đổi

26/03/2013 16:08 PM

Tại cuộc họp giao ban báo chí sáng 26/3/2013, đại diện Bộ Tài chính đã cung cấp thêm nhiều thông tin về dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (Luật thuế TNDN).

Theo Bộ Tài chính, dự án Luật thuế TNDN dự kiến sửa đổi, bổ sung 10/20 điều của Luật hiện hành, gồm 8 nhóm vấn đề với 18 nội dung, trong đó, nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu là về thuế suất, về ưu đãi thuế, về thu nhập miễn thuế và thu nhập chịu thuế, về các khoản chi được trừ, không được trừ…

 

Bổ sung các khoản thu nhập được miễn thuế

Các điều khoản sửa đổi, bổ sung trong Luật thuế TNDN đều giảm nghĩa vụ, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, cụ thể, về thu nhập được miễn thuế: Dự thảo Luật bổ sung vào diện thu nhập miễn thuế đối với một số khoản thu nhập sau: Thứ nhất, thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs) của doanh nghiệp được cấp chứng chỉ. Việc bổ sung quy định này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp xu thế tiến bộ của thế giới và khuyến khích doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ sản xuất sạch, công nghệ mới thân thiện với môi trường;

 

Thứ hai, là thu nhập từ hoạt động tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu của nhà nước của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, thu nhập từ hoạt động tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác của ngân hàng chính sách xã hội. Bộ Tài chính giải thích, việc bổ sung quy định trên để đảm bảo chính sách minh bạch, rõ ràng, đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ của hệ thống pháp luật và cơ sở pháp lý trong thực hiện;

 

Thứ ba, phần thu nhập không chia dùng để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học tư thục theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Quy định này nhằm đảm bảo minh bạch chính sách.

 

Nới rộng tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại từ 10% lên 15%.

Về khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN, tại khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật có quy định: nới rộng tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại từ 10% lên 15%, đồng thời loại bỏ một số khoản chi không mang tính chất quảng cáo, khuyến mại như chiết khấu thanh toán, chi báo biếu, báo tặng của cơ quan báo chí ra khỏi diện chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với khoản tài trợ theo chương trình của Nhà nước đối với các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

 

Luật cũng bổ sung quy định về khống chế chi phí lãi tiền vay không được trừ vào chi phí đối với khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu (tỷ lệ 4:1 đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tỷ lệ 10:1 đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng) và lộ trình thực hiện từ năm 2016; bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ đối với khoản chi đóng góp Quỹ hưu trí tự nguyện hoặc quỹ mang tính an sinh xã hội cho người lao động;

 

Dự thảo đã bỏ quy định doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan thuế về các định mức tiêu hao nguyên vật liệu, nhiên liệu, năng lượng do doanh nghiệp tự xây dựng để xác định chi phí hợp lý.

 

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về điều kiện khoản chi được trừ phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với những hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên. Đồng thời, Luật có quy định loại trừ các trường hợp không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn do hạ tầng công nghệ và mạng lưới ngân hàng còn chưa thật đồng đều giữa các vùng miền.

 

Thuế suất phổ thông cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa giảm từ 25% xuống còn 20%

Về thuế suất, dự thảo Luật điều chỉnh giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống 23%, đồng thời điều chỉnh giảm mức thuế suất từ 25% xuống còn 20% áp dụng đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vưa (sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng).

 

Cơ sở để điều chỉnh thuế suất xuống 20% đối với nhóm đối tượng trên, theo Bộ Tài chính, doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa là nhóm đối tượng chiếm số lượng lớn, dễ bị chịu tác động, ảnh hưởng trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế cần có biện pháp tháo gỡ kịp thời, bên cạnh đó cũng là loại hình doanh nghiệp thu hút phần lớn lực lượng lao động, tạo việc làm cho xã hội cũng như là cơ sở hình thành, phát triển thành doanh nghiệp lớn trong tương lai.

 

Bộ Tài chính cũng cho biết, so với các nước trong khu vực và thế giới thì mức thuế suất phổ thông giảm xuống 23% (riêng doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chỉ còn 20%) là mức tương đối thấp, đảm bảo tính cạnh tranh, hấp dẫn thu hút đầu tư.

 

Tại Malaysia, từ năm 2005 đến 2009 đã 3 lần điều chỉnh giảm mức thuế suất phổ thông, từ 28% trong năm 2005 xuống 25% trong năm 2009. Thái Lan cũng giảm từ mức 30% trong năm 2005 xuống còn 23% trong năm 2012.

 


Ảnh minh họa

 

Nhiều ưu đãi thuế

Về ưu đãi thuế, bên cạnh việc điều chỉnh giảm mức thuế suất phổ thông, trên cơ sở kết quả tổng kết đánh giá 04 năm thực hiện Luật và rà soát các quy định về ưu đãi thuế TNDN tại các văn bản pháp luật chuyên ngành, dự thảo Luật đã bổ sung thêm lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi.
 
Theo đó, bổ sung vào diện áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với một số đối tượng: doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản vật liệu mới, năng lượng mới không sử dụng nhiên liệu hóa thạch; phát triển công nghệ sinh hoạt; bảo vệ môi trường; Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư hoặc doanh nghiệp có dự án đầu tư mới có quy mô đầu tư và phạm vi tác động rộng lớn đến kinh tế - xã hội đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ.

 

Luật thuế TNDN cũng bổ sung vào diện áp dụng thuế suất 10% đối với thu nhập từ thực hiện dự án nghiên cứu phát triển: dự án ứng dụng công nghệ cao; dự án ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao. Thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư – kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua; Thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng báo trên báo) của cơ quan báo chí; Thu nhập từ hoạt động xuất bản của cơ quan xuất bản theo quy định của Luật xuất bản; Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện các dự án, như trồng, chăm sóc rừng, nuôi trồng nông, lâm, thủy sản trên đất hoang hóa hoặc vùng nước chưa được khai thức, sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, sản xuất, khai thác và tinh chế muối, đánh bắt hải sản ở vùng biển xa bờ.

 

Luật thuế TNDN bổ sung áp dụng thuế suất 20% đối với: Tổ chức tài chính vi mô; thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện các dự án, như trồng cây dược liệu; sản xuất , tính chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; dịch vụ kỹ thuật trồng cây công nghiệp và cây lâm nghiệp, bảo vệ cây trồng và vật nuôi, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông, thủy sản và thực phẩm; phát triển ngành nghề truyền thông.

 

Luật thuế TNDN cũng bổ sung địa bàn ưu đãi thuế đối với khu công nghiệp, trừ khu công nghiệp thuộc các thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Điều chỉnh thuế là giảm thu ngân sách

Theo tính toán, chỉ riêng việc điều chỉnh giảm thuế suất và ưu đãi mở rộng như trên, dự kiến sẽ làm giảm thu ngân sách năm 2014 khoảng trên 16.000 tỷ đồng, trong đó giảm khoảng hơn 12.000 tỷ đồng do điều chỉnh giảm thuế suất phổ thông từ 25% xuống 23% và giảm thêm khoảng trên 2.000 tỷ đồng do tiếp tục giảm thuế suất từ 23% xuống 20% đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, giảm thu ngân sách năm 2014 là hơn 2.000 tỷ đồng do bổ sung ưu đãi đối với đầu tư mở rộng.

 

Dự án Luật TNDN đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Hiện, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục lắng nghe các ý kiến góp ý để hoàn chỉnh dự án Luật trình Quốc hội.

 

Đinh Bách

Theo VnMedia

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 16,540

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn