Chế tài chống hàng giả: Hoàn thiện thêm một bước

28/02/2013 17:47 PM

(Chinhphu.vn) – Ngày mai (1/3), Nghị định 08/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả chính thức có hiệu lực. Theo đó, các hành vi sản xuất hàng giả có thể bị phạt tới 100 triệu đồng, buôn bán hàng giả có thể bị phạt tới 70 triệu đồng, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cơ quan chức năng thực hiện tiêu hủy hàng giả

Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tới thị trường.

Hoàn thiện bất cập trong công cụ pháp lý

Chị Đỗ Thị Quyên, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ, người tiêu dùng luôn mong muốn mua được những sản phẩm đảm bảo chất lượng, đúng giá trị đồng tiền mà mình bỏ ra. Vì thế rất mong nhà sản xuất và các cơ quan chức năng có biện pháp chống hàng giả, bảo đảm sức khỏe và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn ở Quận I, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Tình trạng sản xuất hàng giả, hàng nhái với mẫu mã giống như sản phẩm thật song chất lượng kém không chỉ gây thiệt hại về vật chất, sức khỏe,… cho người sử dụng, mà nguy hiểm hơn còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của những doanh nghiệp đã dày công xây dựng thương hiệu.

Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, ông Trương Quang Hoài Nam, Cục trưởng Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết: Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp, gây nên những tác hại lớn đối với sức khỏe con người, môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài và việc thực hiện các hiệp định quốc tế mà nước ta đã ký kết hoặc gia nhập.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho công tác đấu tranh chống hàng giả chưa đạt được hiệu quả như mong muốn là do các quy định pháp luật làm cơ sở pháp lý, công cụ cho công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn này  còn có những mâu thuẫn chồng chéo, không thống nhất. Pháp luật hiện hành chưa có quy định thống nhất hàng hóa như thế nào là hàng giả; quy định về xử phạt hành chính đối với hàng giả phân tán ở nhiều văn bản khác nhau, khó áp dụng và chưa nghiêm minh, triệt để.

Vì vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định 08/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả không chỉ khắc phục tình trạng bất cập nói trên, mà còn tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc áp dụng các chế tài xử phạt vi phạm hành chính đủ sức răn đe ngăn ngừa các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.

Làm rõ các loại hàng giả, hoạt động liên quan đến hàng giả

Cụ thể, Nghị định này quy định rõ: “Sản xuất hàng giả” là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chế tạo, chế bản, in ấn, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng giả để đưa vào lưu thông.

Còn “Buôn bán hàng giả” là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, trưng bày, giới thiệu, quảng cáo, khuyến mại, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác để đưa hàng giả vào lưu thông.

Cũng theo Nghị định, hàng giả được chia thành 4 loại, bao gồm: hàng không có giá trị sử dụng, công dụng; hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ; tem, nhãn, bao bì giả.

Quán triệt đến từng đội quản lý thị trường, tăng cường xử lý vi phạm

Để tăng cường ngăn chặn hàng giả, Nghị định 08/2013/NĐ-CP quy định xử lý nghiêm khắc các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, hành vi buôn bán hàng giả có thể bị xử phạt từ 100.000 đồng tới 70 triệu đồng; hành vi sản xuất hàng giả có thể bị xử phạt từ 200.000 đồng lên tới 100 triệu đồng.

Đặc biệt, các hành vi buôn bán, sản xuất các loại hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng là hàng hóa thiết yếu như, hàng giả là: lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; hàng giả là phụ gia thực phẩm, hóa mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm sẽ bị phạt tiền gấp hai lần mức phạt theo quy định.

Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn phải chịu các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không thời hạn giấy phép, chứng chỉ hành nghề và buộc cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả,… còn các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có dấu hiệu tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ông Nam khẳng định: Nghị định 08/2013/NĐ-CP là căn cứ pháp lý quan trọng trong việc xác định hàng giả để xử phạt hành chính và cả xử lý hình sự đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.

Ngay sau khi Nghị định được ban hành, Cục đã yêu cầu các Chi cục quán triệt phổ biến Nghị định đến các Đội quản lý thị trường và toàn thể cán bộ, công chức để triển khai thực hiện.

Trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường cả nước sẽ phối hợp với các lực lượng liên quan tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện nghiêm các quy định nêu trong Nghị định này.

Trần Mạnh – Hoàng Diên

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,120

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn