Đề nghị xây dựng dự án Luật Dân số

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
01/08/2022 17:10 PM

Chính phủ vừa thông qua Nghị quyết 95/NQ-CP ngày 01/8/2022 về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2022, trong đó, đề xuất xây dựng dự án Luật Dân số.

1. Đề nghị xây dựng Luật Dân số

Cụ thể, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu xây dựng Luật Dân số nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của các quy định hiện hành; thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/10/2017. 

Việc kế thừa và nâng quy định hiện hành lên thành Luật nhằm bảo đảm hiệu lực pháp lý của các quy phạm liên quan đến quyền con người, trách nhiệm của công dân, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước là cần thiết. 

Các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật cần thể hiện tư duy phù hợp với bối cảnh, điều kiện mới ở trong nước và quốc tế, có các biện pháp hiệu quả giải quyết xu hướng già hóa dân số, tận dụng lợi thế của cơ cấu dân số vàng phục vụ sự phát triển của đất nước trong thời gian tới. 

Đề nghị xây dựng dự án Luật Dân số

Đề nghị xây dựng dự án Luật Dân số (Hình từ Internet)

2. Các dự án pháp luật khác được đề cập

Tại Nghị quyết 95/NQ-CP , Chính phủ cũng quyết nghị các nội dung cụ thể liên quan đến một số dự án pháp luật khác, cụ thể như sau:

2.1 Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

Chính phủ thống nhất thông qua nội dung dự án Luật; trong đó có các nội dung đơn cử như: 

- Việc xây dựng dự án Luật phải phù hợp với hệ thống chính trị, điều kiện, bối cảnh của đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; khắc phục các vướng mắc, bất cập của Luật Phòng, chống rửa tiên 2012 ; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

- Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật phải bao quát các lĩnh vực mà các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện hành vi “rửa tiền”, bao gồm cả các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, tổ chức tài chính, tổ chức khác và cá nhân có liên quan. 

- Không quy định vấn đề tổ chức, bộ máy trong dự án Luật theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thống nhất việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 49 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại dự thảo Luật. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng Đề án về cơ quan có chức năng phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. 

- Mở rộng đối tượng báo cáo đối với các hoạt động mới phát sinh nhưng chưa có khung pháp lý điều chỉnh

- Về vấn đề cá nhân có ảnh hưởng chính trị (PEP): thống nhất với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…

2.2 Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Chính phủ thống nhất với các nội dung dự án Luật, yêu cầu hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo hướng: 

- Trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2022 , dự thảo Luật cần khắc phục được các vướng mắc, bất cập trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Việc xây dựng dự án Luật phải bảo vệ, bảo đảm thực thi các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người tiêu dùng. 

Đồng thời với việc quy định quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng, cần quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức kinh doanh với người tiêu dùng.

- Đẩy mạnh công tác phân cấp, phân quyền và chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ trong quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

- Bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của dự án Luật này với pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý hành chính, hình sự, dân sự.

2.3 Dự án Luật phòng thủ dân sự

Về một số nội dung quan trọng của dự án Luật, Bộ Quốc phòng nghiên cứu tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, chỉnh lý theo hướng: 

- Về quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự: Nội dung này có 2 loại ý kiến khác nhau nên Chính phủ thống nhất trình xin ý kiến Quốc hội 2 phương án. 

- Về quy định mức hỗ trợ phí bảo hiểm rủi ro do thảm họa, sự cố tại Luật Phòng thủ dân sự: Chính phủ thống nhất không quy định cụ thể mức hỗ trợ phí bảo hiểm rủi ro do thảm họa, sự cố trong dự thảo Luật;... 

- Về quy định cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự: Chính phủ thống nhất cần có cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự để chỉ đạo, đôn đốc, tham mưu cho các cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ về phòng thủ dân sự, nhưng không quy định cụ thể trong dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định. 

2.4 Dự án Luật giao dịch điện tử (sửa đổi)

Trong đó, thống nhất xây dựng dự án Luật giao dịch điện tử (sửa đổi) theo hướng:

- Mở rộng phạm vi điều chỉnh đến tất cả các loại giao dịch điện tử của các chủ thể là Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân; bảo đảm giá trị pháp lý của giao dịch điện tử; bảo đảm giao dịch điện tử an toàn, tin cậy, chính xác, thuận tiện, phòng ngừa việc lợi dụng, lừa đảo;...

- Đẩy mạnh giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước với nhau và giao dịch điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước với tổ chức, doanh nghiệp, người dân;...

Xem chi tiết tại Nghị quyết 95/NQ-CP ngày 01/8/2022.

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,532

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn