Án dân sự sẽ được xử rút gọn?

09/02/2013 08:59 AM

Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đang xúc tiến xây dựng Dự thảo Pháp lệnh Thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự (TTDS). Đây được coi là một giải pháp hữu hiệu đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, giảm lượng án dân sự quá hạn, tồn đọng và nâng cao chất lượng xét xử.

Tiện lợi cho cả Tòa án và người dân

Thực ra thủ tục rút gọn trong TTDS không phải là vấn đề hoàn toàn mới, nó từng được quy định tại nhiều sắc lệnh và đạo luật trong lịch sử TTDS Việt Nam để áp dụng đối với những vụ án nhỏ, giá ngạch thấp, tính chất giản đơn, không quan trọng. Thời điểm xây dựng BLTTDS năm 2004Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2004, TAND Tối cao đã soạn thảo và đưa vào dự thảo nhiều quy định về thủ tục rút gọn, được Chính phủ và hầu hết các bộ nhất trí.


Hình minh họa

Tuy nhiên, do những cản trở từ một số nguyên tắc của Hiến pháp nên sau đó thủ tục rút gọn vẫn chưa thể hiện thực hóa. Đến cuối năm 2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII. Theo đó, Pháp lệnh Thủ tục rút gọn trong TTDS được đưa vào chương trình chuẩn bị và giao cho TAND Tối cao là cơ quan trình dự thảo. Giữa tháng 8/2012, Chánh án TAND Tối cao đã ra quyết định thành lập ban soạn thảo và tổ biên tập Dự án Pháp lệnh Thủ tục rút gọn trong TTDS.

Theo Dự án Pháp lệnh Thủ tục rút gọn trong TTDS của TAND Tối cao thì thủ tục rút gọn trong TTDS khác với thủ tục thông thường ở chỗ nó giảm bớt một số công đoạn nhất định trong trình tự giải quyết án, được quy định một cách linh hoạt hơn và tổ chức xét xử bởi một thẩm phán; tiêu chuẩn của những vụ án giải quyết bằng thủ tục rút gọn phải là những tranh chấp đơn giản, có chứng cứ rõ ràng.

Thực tiễn xét xử cho thấy, có rất nhiều vụ việc đơn giản, chứng cứ rõ mười, đương sự chỉ chờ một phán quyết của tòa án để thực hiện việc thi hành án bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ. Nhưng tòa không thể đưa ra xét xử ngay vì một trong các nguyên nhân là thẩm phán sợ nếu không tiến hành đầy đủ các bước lấy lời khai, hòa giải… như luật định, dù không cần thiết thì cũng có thể bị hủy, sửa án.

Vì vậy, nếu pháp luật bổ sung thủ tục rút gọn trong án dân sự sẽ là một bước tiến bộ lớn, giảm được lượng án tồn đọng, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc…

Rõ ràng việc áp dụng thủ tục rút gọn vừa giải quyết kịp thời quyền lợi chính đáng của người dân, vừa đỡ tốn thời gian, công sức của tòa án và các đương sự. Tuy nhiên, khi áp dụng thủ tục rút gọn cần phải có các quy định chặt chẽ, chi tiết từ khâu tiền tố tụng đến khi thụ lý, giải quyết. Ở giai đoạn tiền tố tụng, luật cần tôn trọng, bảo đảm quyền khởi kiện của người dân.

Còn trong giai đoạn giải quyết án, hồ sơ đã thể hiện chứng cứ rõ ràng, đã được hai bên đương sự đều thừa nhận thì có thể rút gọn một số thao tác tố tụng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn liệu việc tổ chức xét xử rút gọn chỉ bởi một thẩm phán như vậy có trái với nguyên tắc “tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số” mà Hiến pháp đã quy định?

Theo quan điểm này, xử theo thủ tục rút gọn tuy rút ngắn về thời gian, giảm bớt một số thủ tục nhưng vẫn phải lập HĐXX với thành phần như bình thường để việc xét xử tránh tình trạng thẩm phán độc đoán, lạm quyền. Ở một số nước trên thế giới, khi giải quyết án dân sự theo thủ tục rút gọn, tòa án ban hành lệnh (hay quyết định) mà không cần phải mở phiên tòa và cũng không cần triệu tập các bên đương sự.

Thẩm phán Tạ Quốc Hùng (Phó Chánh án TAND TP Hà Nội) cho rằng tình hình ở nước ta khác nên vẫn cần phải mở phiên tòa để nghe các bên đương sự trình bày, giải thích hay đối chiếu xem có mâu thuẫn hay sự giả mạo về giấy tờ hay không. Phiên xử này vẫn phải tiến hành các bước như thủ tục thông thường.

Cần quy định cụ thể để dễ áp dụng

Thạc sĩ Bùi Thị Dung Huyền (Viện Khoa học xét xử - TANDTC) cho rằng, thủ tục rút gọn trong TTDS được áp dụng cho tranh chấp đơn giản có giá trị thấp ở một mức độ nhất định hoặc tranh chấp mà chứng cứ về quyền, nghĩa vụ và sự vi phạm giữa các bên đã rõ ràng như các tranh chấp về hợp đồng vận chuyển hành khách, về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng có nội dung rõ ràng, tình tiết đơn giản, giá trị tranh chấp không quá 10 triệu đồng; hay những vụ án hôn nhân- gia đình mà vợ chồng không tranh chấp về tài sản, về số tiền cấp dưỡng, về thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn; hoặc án tranh chấp hợp đồng vay, thuê, mượn, trao đổi tài sản mà các bên không tranh chấp về quyền sở hữu...

Ngoài ra, có thể quy định các loại vụ kiện khác cũng có thể được giải quyết theo thủ tục rút gọn nếu các đương sự thỏa thuận và yêu cầu tòa. “Thủ tục rút gọn sẽ không được áp dụng với những vụ án cần phải tống đạt giấy tờ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam”- Thạc sỹ Huyền nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến băn khoăn về khái niệm “những tranh chấp đơn giản, có chứng cứ rõ ràng” khá trừu tượng, dẫn đến cách hiểu cách áp dụng chưa thống nhất. Tương tự, khi áp dụng thủ tục rút gọn thì tòa án có phải bắt buộc tiến hành hòa giải hay không; có nên ấn định cụ thể về thời hạn xét xử theo thủ tục rút gọn hay không?. Hoặc có nên quy định đối với án áp dụng thủ tục rút gọn thì án sơ thẩm cũng là chung thẩm, hay đương sự vẫn có quyền kháng cáo để tòa xử theo thủ tục phúc thẩm như bình thường?.

Về vấn đề này, có một số ý kiến cho rằng đối với án đơn giản, chứng cứ rõ ràng được xét xử theo thủ tục rút gọn thì chỉ cần xử một lần là có hiệu lực thi hành ngay; ngược lại cũng có ý kiến cho rằng vẫn cần quy định thủ tục xét lại bản án theo thủ tục phúc thẩm như bình thường, bởi phương án trên không phù hợp quy định hiện hành về nguyên tắc hai cấp xét xử trong TTDS.

Thiết nghĩ, những vấn đề trên cần được cân nhắc để có bổ sung, hướng dẫn chi tiết trong Dự thảo Pháp lệnh thủ tục rút gọn trong TTDS tới đây để luật thực sự đi vào cuộc sống.

Nguyễn Lê

Theo phapluatvn.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,334

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn