Phân biệt đối xử giữa nam, nữ khi tuyển dụng lao động bị phạt tới 30.000.000 đồng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
05/01/2022 14:58 PM

Phân biệt đối xử giữa nam và nữ trong tuyển dụng lao động được xem là hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động theo Nghị định 125/2021/NĐ-CP.

Phân biệt đối xử giữa nam, nữ khi tuyển dụng lao động bị phạt tới 30.000.000 đồng

Phân biệt đối xử giữa nam, nữ khi tuyển dụng lao động bị phạt tới 30.000.000 đồng (ảnh minh họa)

Cụ thể, Điều 8 Nghị định 125/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đến 15.000.000 đồng đối với hành vi từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế người lao động thuộc một giới tính nhất định.

(Trước đây, theo Điều 8 Nghị định 55/2009/NĐ-CP chỉ áp dụng mức phạt từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng đối với hành vi:

+ Từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế lao động nam hoặc lao động nữ vì lý do giới tính, trừ trường hợp áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; 

+ Sa thải hoặc cho thôi việc người lao động vì lý do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ).

Lưu ý: Mức phạt tiền đối với hành vi trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, còn mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 125/2021/NĐ-CP).

Như vậy, việc người sử dụng lao động phân biệt đối xử giữa nam và nữ trong tuyển dụng lao động có thể bị phạt đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân và lên đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức. 

Ngoài ra, các hành vi sau đây về vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến lao động cũng sẽ bị phạt cùng mức phạt từ 10.000.000 đến 15.000.000 đồng, bao gồm:

- Phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động;

- Ép buộc hoặc nghiêm cấm người khác lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp vì định kiến giới;

- Phân biệt đối xử về giới trong phân công công việc dẫn đến chênh lệch về thu nhập;

Đồng thời, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi đặt ra và thực hiện các quy định, quy chế có sự phân biệt đối xử về giới.

(Bổ sung mức phạt hành vi đặt ra và thực hiện các quy định, quy chế có sự phân biệt đối xử về giới so với trước đây).

* Biện pháp khắc phục hậu quả:

Biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 5 Điều 8 Nghị định 125/2021/NĐ-CP, theo đó:

- Buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp của người bị xâm phạm đối với các hành vi nêu trên;

- Buộc sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức, cá nhân có sự phân biệt đối xử về giới.

Xem chi tiết tại Nghị định 125/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,971

Bài viết về

lĩnh vực Vi phạm hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn