03/02/2012 13:42 PM

Trao đổi với VnExpress.net, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho rằng, nên điều chỉnh lại giờ tan học ca chiều bởi hiệu quả giảm ùn tắc không nhiều nhưng ảnh hưởng quá lớn đến sinh hoạt của các em.

- Hai ngày qua, ngành giáo dục thủ đô đã thực hiện đổi giờ theo quy định của thành phố, ông đánh giá thế nào về sự điều chỉnh này?

- Ngay sau khi có quyết định của UBND TP Hà Nội, Sở GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo và tổ chức hội nghị hướng dẫn các trường thực hiện nghiêm. Ngày đầu tiên, 6 đoàn kiểm tra của Sở đi kiểm tra đôn đốc các trường thực hiện quyết định. Dù có những bất hợp lý nhưng nhìn chung, tất cả trường đều chấp hành nghiêm chỉnh và đã thông báo đầy đủ đến cha mẹ học sinh.

Tuy nhiên, để đánh giá đầy đủ việc điều chỉnh giờ thì chưa thể làm ngay được. Nếu có ai đó cho rằng hai ngày qua, do điều chỉnh giờ nên đường đã thông thoáng hơn thì tôi nghĩ là hơi vội vàng. Chúng ta đều biết phải qua ngày rằm tháng giêng, hàng chục nghìn sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp mới đến trường. Và theo thông lệ, hết tháng giêng lực lượng lao động nhập cư mới bắt đầu ổn định công việc tại Hà Nội, khi đó tình hình giao thông mới bộc lộ hết.

Mặt khác, việc điều chỉnh giờ không phải là giải pháp duy nhất mà chỉ là một trong hàng loạt giải pháp thành phố đã và sẽ phải làm. Ví như nâng cấp, cải thiện hạ tầng giao thông, tuyên truyền giáo dục văn hóa giao thông, tăng cường xử phạt vi phạm và đề xuất biện pháp giảm mật độ phương tiện giao thông nội đô... Vì thế không thể đòi hỏi việc đổi giờ có thể cho thấy hiệu quả ngay lập tức được.

Bên cạnh đó, hai ngày qua các lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông làm việc từ rất sớm và phân luồng quyết liệt. Phải chăng giao thông từ đó cũng đã có chuyển biến tích cực hơn?

Sau 2 tuần thực hiện việc đổi giờ Sở sẽ tổ chức hội nghị để rút kinh nghiệm để tổng hợp ý kiến về những mặt được và chưa được của các cơ sở, từ đó có kiến nghị. Ảnh: Hoàng Hà.

- Vậy việc điều chỉnh này đã gây ra những khó khăn gì cho ngành giáo dục?

- Qua kiểm tra, các trường đều nêu những khó khăn nhất định, cha mẹ học sinh cũng có ý kiến với những mức độ khác nhau. Đó là việc giao giữa hai ca sáng và chiều của khối THCS quá gấp gáp, học sinh THPT học về quá muộn. Tiết học cuối buổi sáng của cấp THCS và cuối giờ chiều của THPT, học sinh thường đói bụng, khả năng tiếp thu kém, thiếu tập trung hơn.

Rồi việc học sinh các trường THPT về muộn thường phải đi xa, nhiều gia đình không yên tâm về an ninh cho các em, nhất là các trường ở vùng ngoại thành như Thượng Cát (Từ Liêm), Ngọc Hồi, Ngô Thì Nhậm (Thanh Trì)... Các em gái phải tự mình đạp xe qua khu vực đường đồng vắng vẻ, qua nghĩa trang Văn Điển lúc 7h30-8h tối trong mùa đông rét mướt thế này thì quả thật rất đáng lo ngại.

Một số trường "liên cấp" như Nguyễn Siêu, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa đón học sinh bằng xe buýt thì không biết phải phân riêng biệt giờ học, giờ đón đưa thế nào. Đó là chưa kể học sinh các lớp 12 bậc THPT muốn tham gia các lớp ôn thi đại học, học thêm ngoại ngữ buổi tối cũng không còn thời gian nữa...

Sau 2 tuần thực hiện, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm để tổng hợp ý kiến về những mặt được và chưa được của các trường, từ đó kiến nghị lên các cấp quản lý.

- Khoảng thời gian 18-19h thay vì được thư giãn, nghỉ ngơi sau ngày làm việc căng thẳng thì học sinh và giáo viên vẫn phải cặm cụi trên lớp. Điều này ảnh hưởng thế nào tới chất lượng giáo dục?

- Thực trạng này đã được lãnh đạo các trường, giáo viên và cha mẹ học sinh phản ánh. Ngoài ra, hai ngày nay, các hàng quán ăn nhanh như bánh mỳ thịt nguội, bánh bao, thịt xiên nướng, sữa đậu nành... bắt đầu bám xung quanh các trường học để phục vụ học sinh ăn uống đầu giờ sáng và cuối giờ chiều cũng khiến chúng tôi lo lắng về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi cho rằng, chắc cơ quan y tế cũng sẽ phải vào cuộc.

Ảnh: Hoàng Hà.

Hàng quán ăn tối mọc lên quanh các trường khiến nhiều người lo lắng về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Hoàng Hà.

- Sau khi lắng nghe ý kiến các trường, giáo viên, phụ huynh và trực tiếp ghi nhận suốt 2 ngày qua, ông thấy cần điều chỉnh những gì?

- Dù gặp một vài khó khăn nhưng tôi cho rằng nếu việc điều chỉnh giờ học thật sự mang lại hiệu quả thì thầy và trò ngành giáo dục sẽ vẫn sẵn sàng cùng nhau khắc phục để góp phần chung tay làm giảm vấn nạn ùn tắc giao thông của thủ đô.

Tuy nhiên, có những việc theo cá nhân tôi cần kiến nghị điều chỉnh. Ví dụ như việc học quá muộn của học sinh THPT (đặc biệt là các trường ngoại thành). Số học sinh học ca chiều ở các trường này so với toàn bộ học sinh của 12 quận, huyện không lớn nên hiệu quả làm giảm ùn tắc giao thông sẽ không nhiều. Song, việc thay đổi giờ lại làm ảnh hưởng quá lớn đến sinh hoạt của các em.

Do vậy, điều này nên điều chỉnh lại cho phù hợp. Bởi xét cho cùng, học sinh mới chính là đối tượng mà cả xã hội chúng ta đều phải hướng tới và chăm lo trước hết.

Bên cạnh đó, giáo viên ngoài nhiệm vụ nhà giáo thì họ cũng là phụ huynh. Các nữ giáo viên phải thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ chăm lo cho con. Việc tan làm quá muộn phần nào gây xáo trộn cuộc sống của họ.

- Cũng có con theo học THPT, vậy việc điều chỉnh giờ ảnh hưởng thế nào tới sinh hoạt của gia đình ông?

- Tôi có con đang học THPT nên cũng chịu tác động như tất cả gia đình khác, không có ngoại lệ. Con tôi đi xe buýt đến trường nên phải dậy sớm, vội vã đi học nên không kịp ăn sáng. Tôi đã nhắc nhở cháu phải cẩn thận trong việc ăn uống ở bên ngoài, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Buổi tối thì tôi còn về muộn hơn con, 19h30 mới rời cơ quan nên gia đình tôi có truyền thống không ăn tối cùng nhau từ lâu rồi.

Tiến Dũng - Hoàng Thùy

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,283

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn