Từ 15/10: 27 trạm BOT bắt đầu thu phí không dừng

12/09/2017 08:24 AM

27 trạm BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh thu phí không dừng để minh bạch hóa, tiện lợi cho lái xe.

Trạm thu giá Tào Xuyên (Thanh Hóa) - Ảnh: Tạ Tôn

Tại cuộc đàm phán và ký kết hợp đồng dịch vụ thu giá sử dụng đường bộ đối với các trạm thu giá trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên tổ chức vào chiều qua (11/9), ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN khẳng định, sẽ không lùi thời hạn lắp đặt thu phí không dừng.

Vẫn còn 2 nhà đầu tư chưa ký hợp đồng

Về tiến độ lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng, Tổng cục Đường bộ VN cho biết, tính đến ngày 31/8, trong tổng số 27 trạm đàm phán ký hợp đồng, đã có 25 trạm hoàn thành ký hợp đồng với nhà đầu tư VETC. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hai nhà đầu tư chưa ký hợp đồng là Liên danh Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Thi Sơn - Công ty CP Thương mại và tư vấn đầu tư xây dựng, chủ đầu tư dự án BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp và Công ty CP Đầu tư xây dựng 194, đơn vị quản lý dự án BOT Cam Thịnh - Khánh Hòa.

Lý giải về việc hai nhà đầu tư chưa ký hợp đồng, ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc VETC cho biết, hai bên đã đàm phán nhiều lần, mỗi bên đưa ra quan điểm riêng. Quá trình đàm phán còn 4 điểm chưa thống nhất được với hai nhà đầu tư BOT như: Thời hạn hợp đồng, giá dịch vụ tổ chức thu phí, phí bảo lãnh hợp đồng, số lần chuyển tiền hàng ngày và khoản tiền chuyển cho khách hàng.

Quyết định số 4390 của Bộ GTVT phê duyệt dự án thu phí tự động không dừng (giai đoạn 1) áp dụng với 28 trạm thu phí trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và QL1, liên danh TASCO - VETC được Bộ GTVT chỉ định làm nhà đầu tư với tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, theo dạng hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Nhà đầu tư này được cho phép thu hồi vốn trong 20 năm (theo dự kiến hợp đồng) theo thời gian thu phí các dự án BOT.

Ông Nguyễn Văn Ngợi, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng 194, đơn vị quản lý dự án BOT Cam Thịnh - Khánh Hòa ủng hộ chủ trương thu giá tự động không dừng, tuy nhiên, qua nhiều lần đàm phán hợp đồng với nhà đầu tư VETC vẫn còn một số bất cập. “Về giá dịch vụ, chúng tôi chưa được VETC lập bảng chào giá dịch vụ để hai bên có cơ sở thương thảo hợp đồng, nhà đầu tư không biết được trên cơ sở nào nhà đầu tư VETC lấy 50% phí quản lý tổ chức thu”, ông Ngợi nói.

Cũng theo ông Ngợi, nhà đầu tư BOT mong muốn nhà đầu tư VETC chuyển tiền 2 lần trong ngày thay vì 1 lần như Công ty VETC đưa ra. Việc chuyển tiền 2 lần trong ngày không khó khăn. “Thời hạn hợp đồng VETC đưa ra là 5 năm, nhưng chúng tôi cho rằng chỉ nên là 2 năm. Trong thương thảo hợp đồng có quy định, sau 1 năm phải đánh giá lại chất lượng dịch vụ. Nếu sau 1 năm đơn vị cung cấp dịch vụ không đáp ứng được chất lượng dịch vụ sẽ chấm dứt hợp đồng”, ông Ngợi phân tích thêm.

Giải thích các vấn đề nhà đầu tư BOT nêu, ông Hồ Trọng Vinh cho biết, VETC đề xuất thời hạn hợp đồng theo các hợp đồng đã ký với nhà đầu tư BOT khác theo thời gian phụ lục hợp đồng của dự án BOT. Vòng đời thay đổi thiết bị lắp tại dự án BOT là 5 năm, nếu sau thời gian này nhà đầu tư BOT không lắp thiết bị của công ty nữa có thể chuyển sang nhà cung cấp dịch vụ khác. Sau một năm, hai bên đánh giá lại chất lượng dịch vụ của VETC và thực hiện tiếp thời gian còn lại của hợp đồng chứ không phải là ký hai năm rồi chấm dứt hợp đồng.

Trạm thu phí Tân Đệ, QL10 (xã Tân Lập, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) là một trong số các trạm đã được lắp đặt hệ thống thu phí tự động - Ảnh: Tạ Tôn.

Không thể tiếp tục lùi thời hạn

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, việc lắp đặt thu phí không dừng đảm bảo tính công khai minh bạch trong thu phí BOT. Đến nay, đã đàm phán được ký hợp đồng 25/27 nhà đầu tư. Ông Huyện yêu cầu, các đơn vị giám sát tiến độ từng ngày, từng tuần để đến ngày 30/9 tất cả các trạm vận hành thương mại, sau một tháng chạy thử, đến ngày 15/10 chính thức đi vào hoạt động.

Về đàm phán hợp đồng, theo ông Huyện, đối với Công ty CP Đầu tư xây dựng 194, nhà đầu tư sớm nghiên cứu thống nhất về giá dịch vụ đối với nhà đầu tư VETC, hạn cuối đến ngày 15/9, phải hoàn thành theo hướng thống nhất phân chia tỷ lệ giữa nhà đầu tư BOT và nhà đầu tư VETC theo hướng 50% phí quản lý thu phí theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Thống nhất thời hạn hợp đồng phải ký 5 năm, ông Huyện cho biết, trong hợp đồng sẽ đưa vào điều khoản hợp đồng 6 tháng hay 1 năm sẽ đánh giá việc thực hiện dịch vụ của nhà đầu tư VETC. Đối với dự án Cần Thơ - Phụng Hiệp, ông Huyện cho rằng, dự án đã được rà soát và được Chính phủ quyết định, khi thực hiện tất cả dữ liệu sẽ được kết nối về trung tâm giám sát của Tổng cục Đường bộ VN và được giám sát chặt chẽ, cho nên nhà đầu tư không lo thu phí BOT có minh bạch hay không.

“Việc lắp đặt thu phí không dừng là “thêm một con mắt” nữa để người dân tin tưởng vào tính công khai, minh bạch của thu phí BOT. Vì vậy, các đơn vị phải đẩy nhanh tiến độ triển khai, không thể lùi nữa. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ cùng với nhà đầu tư hoàn thiện chế tài thu phí không dừng, đảm bảo cho nhà đầu tư BOT hoàn vốn cũng như tính minh bạch trong thu phí BOT. Trường hợp nhà đầu tư VETC vi phạm sẽ xử lý theo quy định”, ông Huyện khẳng định.

Trần Duy

Theo Báo giao thông

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,672

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn