Tàu thủy gặp tai nạn phải nộp phí mới được trình báo?

24/09/2016 07:59 AM

Dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí áp dụng tại cảng, bến thủy nội địa đang được Bộ Tài chính hoàn thiện, trong đó bổ sung quy định phương tiện thủy khi trình báo tai nạn sẽ mất phí, tối đa là 100.000 đồng/lần. Quy định này đang gây băn khoăn cho không ít cơ quan chức năng và các chủ tàu, thuyền.

Trình báo tai nạn mất phí 100.000 đồng

Theo dự thảo Thông tư này, đối tượng chịu phí, lệ phí là các phương tiện thủy nội địa, tàu biển ra, vào hoạt động tại các cảng, bến thủy nội địa đã được cơ quan nhà nước công bố cấp phép hoạt động, trừ một số trường hợp quy định. Tổ chức thu phí, lệ phí là các cảng vụ đường thủy nội địa, các cảng vụ hàng hải, bao gồm cả trường hợp cơ quan có thẩm quyền giao hoặc ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý cảng, bến thủy nội địa (bao gồm cả cảng, bến thủy do tổ chức, cá nhân đầu tư) theo quy định của pháp luật.

Đáng nói, dự thảo Thông tư này đã bổ sung phí trình báo đường thủy nội địa. Đối với tàu biển là 100.000 đồng/lần; với phương tiện thủy nội địa, phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 sức ngựa, phương tiện có sức chở trên 12 người là 50.000 đồng/lần.

Trình báo đường thủy là việc khi phương tiện thủy nội địa, tàu biển, tàu cá bị tai nạn, sự cố trên đường thủy nội địa và trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa thì thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện trình báo tại cơ quan có thẩm quyền và được xác nhận. Trình báo đường thủy nội địa được xác nhận theo đúng trình tự, thủ tục có giá trị chứng cứ pháp lý khi giải quyết các tranh chấp có liên quan.

Cảng vụ Đường thủy nội địa xác nhận việc trình báo đối với phương tiện bị tai nạn, sự cố trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa. Trường hợp  xảy ra ngoài vùng nước cảng, bến thủy nội địa, thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện có thể trình báo tại một trong các cơ quan Cảng vụ Đường thủy nội địa, đơn vị quản lý đường thủy nội địa, Cảnh sát đường thủy hoặc UBND gần nhất nơi xảy ra tai nạn, sự cố.

Nộp phí để cân bằng giữa đường thủy nội địa và hàng hải

 Mặc dù mức phí mà các phương tiện sẽ phải nộp là không cao, nhưng theo ý kiến của hầu hết những đối tượng liên quan, quy định này sẽ không khuyến khích được việc tự giác trình báo tai nạn của các chủ tàu thuyền khi có va chạm.

Ông Phạm Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thủy nội địa cho rằng, quy định nộp phí khi trình báo tai nạn trong Dự thảo mới lần này là “bất hợp lý” bởi “thuyền đã gặp tai nạn mất hết rồi về đến bờ còn phải nộp 100.000 đồng tiền trình báo nữa thì người ta trình báo làm gì?”

Mặt khác, ông Nghĩa cho rằng, lĩnh vực đường thủy nội địa một năm có khoảng 1.000-2.000 vụ tai nạn, khoản phí thu được từ việc “nộp tiền trình báo tai nạn” này không đáng kể nên không cần thiết phải thu.

Trao đổi riêng với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông Trần Văn Thọ, Cục phó Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) cho biết, trên thực tế bên hàng hải có khái niệm “chứng thực kháng nghị hàng hải” tương tự như việc “trình báo đường thủy” của đường thủy nội địa. Mức phí phải nộp khi tàu biển nội địa gặp tai nạn phải “chứng thực kháng nghị hàng hải” từ 5-50 USD/lần (tùy theo dung tích tàu), với tàu quốc tế mức phí này là 50 USD/lần.

Nói rõ hơn, ông Thọ cho biết, với phương tiện thủy nội địa khi hoạt động trên cảng biển nếu gặp nạn trong vùng nước cảng biển vẫn phải trình bảo với Cảng vụ hàng hải và phải chịu mức phí tương tự như tàu biển. Tương tự, khi phương tiện thủy nội địa hoạt động trong vùng nước cảng bến thủy nội địa mà không thu phí thì “bất hợp lý” và không tương đồng với bên hàng hải. Ngược lại, khi tàu biển gặp tai nạn trong vùng nước bến thủy nội địa mà không thu phí cũng không công bằng.

“Mức thu phí của đường thủy nội địa từ 50.000-100.000 đồng/lần không quá cao mà chỉ mang tính chất tượng trưng, hỗ trợ thêm chi phí cho các cán bộ tại Cảng vụ phải đi đến hiện trường xác nhận việc phương tiện bị tai nạn, chìm đắm như thế nào”, ông Trần Văn Thọ cho biết.

Về ý kiến cho rằng “đã bị tai nạn còn phải mất tiền trình báo”, Cục phó Cục Đường thủy nội địa cho rằng, hầu hết các phương tiện thủy khi hoạt động đều có mua bảo hiểm, khi gặp tai nạn phải có giấy xác nhận trình báo tai nạn mới được Công ty bảo hiểm thanh toán chi phí.

Vì vậy, Cục Đường thủy nội địa cho rằng quy định này hợp lý nhằm bảo đảm công bằng cho các doanh nghiệp, chủ tàu khi hoạt động tại vùng nước bến thủy nội địa và hàng hải.

Theo Thông tư đang dự thảo, về mức thu, dự thảo quy định cụ thể về phí trọng tải là 165 đồng/tấn. Lệ phí ra vào cảng bến thủy nội địa từ 5.000 đồng đến 50.000 đồng tùy loại phương tiện thủy.

Dự thảo thông tư cũng quy định phí, lệ phí áp dụng tại các cảng, bến thủy nội địa là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước. Cơ quan thu lệ phí có trách nhiệm nộp 100% tổng số tiền lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước. Các cảng vụ đường thủy nội địa được để lại 100%, các cảng vụ hàng hải được để lại 50% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động của cơ quan thu phí. Các cảng vụ hàng hải có trách nhiệm nộp 50% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Thông tư này vẫn đang tiếp tục được lấy ý kiến góp ý trước khi ban hành.

Phan Trang

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,948

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn