Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Cần bảo vệ người bán dâm

23/09/2016 16:00 PM

Dù để ngỏ khả năng phi hình sự hóa hoạt động mại dâm, nhưng theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm, đây không phải hợp pháp hóa hoạt động mại dâm. Mục tiêu là tạo môi trường an toàn hơn để bảo vệ người hoạt động mại dâm, đảm bảo quyền con người, không gạt họ ra rìa xã hội.

người bán dâm

Việt Nam xem xét bỏ hình sự hóa hoạt động mại dâm. (Ảnh minh họa).

Khuyến nghị lập hội nghề nghiệp

Sáng 22/9, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA), đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phi hình sự hóa mại dâm của New Zealand. Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, mại dâm là một phần của xã hội, phản ứng sao tùy thuộc bối cảnh mỗi nước.

Năm 2012, Việt Nam có những sửa đổi về luật hành chính, bỏ quy định đưa người hành nghề mại dâm vào trại tập trung. Tuy nhiên, mại dâm vẫn được hình sự hóa ở Việt Nam, khiến người hoạt động mại dâm gặp nhiều rủi ro, như sống trong sợ hãi, kỳ thị, bị lạm dụng, dễ tổn thương…

Tại New Zealand, mại dâm không bị xử hình sự, nhưng các hoạt động liên quan đều bị xử lý hình sự, như: Chứa chấp, tổ chức cơ sở mại dâm, sống dựa vào thu nhập từ bán dâm của người khác…

Tại một hội thảo về hoạt động mại dâm cách đây ít ngày, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cũng khuyến nghị, Việt Nam nên thành lập tổ chức, hội nghề nghiệp cho người bán dâm.

Tổ chức này nhằm bảo vệ quyền của người bán dâm. Theo ILO, dù Việt Nam có nhiều câu lạc bộ, tổ nhóm của người bán dâm, nhưng đều hoạt động phi chính thức, nên không thể đứng ra để bảo vệ người hoạt động mại dâm.

Gần người bán dâm để bảo vệ

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, mại dâm là vấn đề khó giải quyết ở Việt Nam; đây được xem là tệ nạn nên có nhiều nỗ lực ngăn chặn, nhưng mại dâm vẫn tồn tại. Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu xây dựng Luật Phòng chống mại dâm, trong đó có học hỏi kinh nghiệm các nước.

 “Phải làm sao vừa đảm bảo quyền công dân, bảo vệ người bán dâm vẫn đạt được mục tiêu quản lý, ứng xử”, ông Đàm nói. Theo đó, mục tiêu hướng tới là mại dâm không phải nguy cơ với văn hóa, truyền thống, lây lan bệnh tật…

Thứ trưởng Đàm cũng để ngỏ khả năng không hình sự hóa hoạt động mại dâm, như kinh nghiệm các nước, trong đó có New Zealand đã làm. Dù luật pháp có thể thông thoáng hơn, nhưng không có nghĩa khuyến khích hoạt động mại dâm.

 “Việc phi hình sự hóa mại dâm không có nghĩa là hợp pháp hóa, mà sẽ tạo môi trường an toàn hơn để bảo vệ người hoạt động mại dâm, không gạt họ ra rìa xã hội. Bản thân người hoạt động mại dâm phải có chỗ dựa từ cơ quan quản lý, công an. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi nó”, ông Đàm nói.

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, không có chuyện thành lập Hội nghề nghiệp cho người bán dâm, vì chúng ta chưa xem đây là một nghề, dù thực tế tồn tại các nhóm sinh hoạt của người bán dâm với nhau.

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, bộ này đang xây dựng Luật Phòng chống mại dâm. Tuy nhiên, có ý kiến nên lấy tên luật này là Luật Quản lý mại dâm, hay Luật Phòng ngừa mại dâm, vì đây là vấn đề xã hội, khó có thể loại trừ khỏi đời sống.

 “Đây là vấn đề mấu chốt, không chỉ tên gọi mà liên quan đến quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước với việc xử lý vấn đề mại dâm ở Việt Nam. Sử dụng khái niệm quản lý cũng dễ gây hiểu nhầm là hợp pháp hóa mại dâm”, ông Lập nói. Dự kiến, năm 2018, luật này sẽ được trình Quốc hội phê chuẩn.

L.H.Việt - Dương Hưng

Theo Tiền phong

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,113

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn