TAND TP HCM ra bản án sai nghiêm trọng

16/08/2016 08:32 AM

TAND TP HCM đã không phát hiện những sai sót về họ tên thật của bị cáo và mẹ bị cáo dẫn đến công tác thi hành án gặp khó

VKSND Cấp cao tại TP HCM vừa kháng nghị tái thẩm bản án hình sự sơ thẩm số 55/2009/HSST ngày 25-2-2009 của TAND quận Gò Vấp và bản án hình sự phúc thẩm số 1154/2009/HSPT ngày 20-7-2009 của TAND TP HCM.

Tòa sai, công an bó tay

Năm 2008, Phạm Thị Hoa (SN 1985, quê Tây Ninh) và Nguyễn Tấn Ngọc sống chung với nhau. Trong thời gian này, Hoa phát hiện Ngọc có quan hệ với chị H.K.P và lấy tiền của Hoa cho P. Để lấy lại số tiền của mình, Hoa bàn bạc với Ngọc mua bơm tiêm và thuốc đỏ giả làm máu nhiễm HIV để khống chế cướp xe máy của chị P.

Sau đó, Hoa rủ thêm Phan Thị Thanh Thảo cùng thực hiện. Khoảng 21 giờ ngày 10-7-2008, Ngọc đi xe máy chở Hoa và Thảo đến quán karaoke Hoàng Lan trên đường Trần Quang Khải (quận 1) để chặn cướp xe của chị P. Đến 23 giờ cùng ngày, chị P.T.K.N đi xe tay ga chở chị P.T.K.H từ quán Hoàng Lan đi ra. Tưởng là chị P. nên Hoa kêu Ngọc đuổi theo, ép xe, dùng bơm tiêm thuốc đỏ khống chế cướp xe máy của chị N. Sau khi chiếm đoạt xe máy thì các bị cáo bị Công an quận Gò Vấp bắt giữ.

Xử sơ thẩm, TAND quận Gò Vấp tuyên phạt Hoa 5 năm tù, Ngọc 5 năm tù và Thảo 4 năm tù cùng về tội “Cướp tài sản”. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Phạm Thị Hoa kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

Xử phúc thẩm ngày 20-7-2009, TAND TP HCM tuyên chấp nhận một phần kháng cáo, sửa án sơ thẩm từ 5 năm xuống còn 4 năm tù đối với Phạm Thị Hoa về tội “Cướp tài sản”. Ngày 28-8-2009, TAND quận Bình Tân nhận ủy thác thi hành án hình sự đối với bị án Phạm Thị Hoa. Do Hoa đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên được tạm hoãn thi hành án.

Ngày 28-2-2014, TAND quận Bình Tân yêu cầu truy nã đối với bị án Phạm Thị Hoa. Tuy nhiên, Công an TP HCM không thể ra lệnh truy nã bị án Phạm Thị Hoa được vì họ tên của Hoa và mẹ Hoa trong bản án phúc thẩm không trùng khớp với tài liệu xác minh.

Sai sót ít ngờ!

Cụ thể, Hoa không phải họ Phạm mà là họ Vũ, còn mẹ của Hoa không phải là Võ Thị Mai mà là Vũ Thị Mai.

Lời khai của Phạm Thị Hoa cho thấy từ nhỏ đến lớn, Hoa sử dụng giấy khai sinh bản sao tên Phạm Thị Hoa. Tuy nhiên, giấy khai sinh gốc tên Vũ Thị Hoa. Như vậy, căn cứ tài liệu, chứng cứ đã xác minh được, đủ cơ sở xác định bản án sơ thẩm của TAND quận Gò Vấp và bản án phúc thẩm của TAND TP HCM đã tuyên không đúng với họ tên thật của bị cáo và mẹ bị cáo.

VKSND Cấp cao tại TP HCM nhận định: Đây là tình tiết mới thuộc về nhân thân bị cáo mà các cơ quan tiến hành tố tụng quận Gò Vấp và TP HCM đã không phát hiện dẫn đến việc điều tra, truy tố và xét xử không đúng với họ tên thật của bị cáo và mẹ bị cáo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác thi hành án hình sự và truy nã bị án. Những tình tiết mới này đã làm thay đổi cơ bản lý lịch tư pháp bị cáo cũng như quyết định của bản án sơ thẩm và phúc thẩm đối với bị cáo.

Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM), việc VKSND Cấp cao tại TP HCM kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là cần thiết và có căn cứ. Mặc dù việc xét xử không đúng với họ tên thật của bị cáo và mẹ bị cáo không ảnh hưởng đến nội dung vụ án nhưng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thi hành án hình sự do đã làm thay đổi lý lịch tư pháp của bị cáo.

Trách nhiệm để xảy ra việc xác định sai họ của bị cáo và mẹ bị cáo trước hết thuộc về cơ quan điều tra. Có thể cơ quan điều tra đã chủ quan không xác minh lý lịch tư pháp nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của bị can mà chỉ căn cứ vào giấy khai sinh (đã bị chỉnh sửa).

Kế đến, khi hồ sơ vụ án được chuyển sang VKS sau đó chuyển sang tòa án để xét xử thì 2 cơ quan này chỉ xem xét lý lịch bị can theo hồ sơ do cơ quan điều tra cung cấp vì vậy không phát hiện ra việc sai sót.

Luật sư Công cho rằng sai sót này là vô cùng quan trọng vì mỗi người có tên riêng cùng các quan hệ nhân thân đặc biệt mà không thể giống nhau, qua đó phân biệt được giữa người này và người khác. Vì vậy, sai sót này dẫn đến tình trạng bản án không thể thi hành được hoặc trong quá trình thi hành, thực hiện bản án, các cơ quan liên quan sẽ khó khăn khi thể hiện trong các văn bản, giấy tờ như khi ban hành quyết định thi hành án xong thì quyết định đó mang tên ai? Bị án sau khi chấp hành xong với quyết định ấy có thể thực hiện việc đăng ký lại các giấy tờ như thế nào, các cơ quan hành chính có chấp nhận sự khác nhau giữa giấy tờ tùy thân cũ với các quyết định có giá trị pháp lý mới hay không?

Để khắc phục hậu quả của vụ việc trên, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM cần xem xét lại theo thủ tục tái thẩm theo hướng hủy một phần bản án hình sự sơ phẩm và phúc thẩm liên quan đến phần xét xử đối với bị cáo Phạm Thị Hoa. Từ đó, điều chỉnh toàn bộ các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến bị cáo này để khi ban hành bản án được chính xác tuyệt đối.

PHẠM DŨNG

Theo Người lao động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,623

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn