Cảnh sát giao thông không được “núp lùm” để xử phạt người vi phạm

24/02/2016 10:18 AM

Từ ngày 15/02/2016, Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông (CSGT) bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, CSGT phải tuần tra, kiểm soát công khai thông qua: Tuần tra, kiểm soát cơ động; Kiểm soát tại Trạm Cảnh sát giao thông; Kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông; Tuần tra, kiểm soát cơ động kết hợp kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông. Đồng thời, khi tuần tra, kiểm soát công khai CSGTphải sử dụng trang phục đúng quy định của Bộ Công an.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt CSGT có thể tuần tra, kiểm soát không công khai bằng hình thức hóa trang theo Điều 9 của Thông tư 01/2016/TT-BCA.

Như vậy, chỉ trong trường hợp CSGT mặc thường phục (hóa trang) mới được “núp lùm” để tuần tra, kiểm soát (như là bắn tốc độ…); còn trường hợp CSGT mặc quân phục thì buộc phải tuần tra, kiểm soát một cách công khai chứ không được “núp lùm” để xử phạt người vi phạm giao thông.

Điều 8. Tuần tra, kiểm soát công khai

1. Phương thức tuần tra, kiểm soát công khai

a) Tuần tra, kiểm soát cơ động;

b) Kiểm soát tại Trạm CSGT;

c) Kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông;

d) Tuần tra, kiểm soát cơ động kết hợp kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông.

Việc tuần tra, kiểm soát công khai trên đường cao tốc được thực hiện theo các phương thức quy định tại Điểm a, Điểm c, Điểm d Khoản này.

2. Tuần tra, kiểm soát công khai phải có kế hoạch được Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng CSGT, Trưởng Công an cấp huyện trở lên phê duyệt. Kế hoạch tuần tra, kiểm soát phải ghi rõ thời gian, tuyến đường, địa điểm thực hiện tuần tra, kiểm soát.

3. Khi tuần tra, kiểm soát công khai phải thực hiện các quy định sau đây:

a) Sử dụng trang phục theo đúng quy định của Bộ Công an;

b) Sử dụng phương tiện giao thông hoặc đi bộ để tuần tra, kiểm soát trong phạm vi địa bàn được phân công;

c) Sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và Thông tư này.

Điều 9. Tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang

1. Các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang

a) Hóa trang sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

b) Đấu tranh phòng, chống tội phạm; khi tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông phức tạp.

2. Thẩm quyền quyết định tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang

a) Cục trưởng Cục CSGT, Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT, Trưởng phòng CSGT, Trưởng Công an cấp huyện quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang đối với trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này.

3. Điều kiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang

a) Phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được người có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều này phê duyệt. Nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện, lực lượng, phương thức liên lạc, thời gian, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để tuần tra, kiểm soát;

b) Tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí một bộ phận cán bộ trong Tổ để hóa trang (mặc thường phục) thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật;

Bộ phận hóa trang và bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong một Tổ tuần tra, kiểm soát phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật;

c) Nghiêm cấm lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang để sách nhiễu, gây phiền hà, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

“Phải chấm dứt ngay tình trạng đứng núp khi làm nhiệm vụ. Nghiêm cấm việc rút, giật chìa khóa trên xe người vi phạm”.

Đó là khẳng định của đại tá Đào Vịnh Thắng, trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an Hà Nội, khi trao đổi với Tuổi Trẻ về việc chấn chỉnh những việc làm chưa đúng của lực lượng CSGT thủ đô. Ông Thắng cho biết:

- Để nâng cao chất lượng CSGT của Hà Nội, giám đốc Công an TP đã có quyết định về những việc được làm và không được làm của CSGT. Tuy nhiên, thời gian qua có một bộ phận cán bộ chiến sĩ làm chưa đúng, để nhân dân đánh giá về thái độ, tác phong chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm.

Có việc người dân phản ảnh về một số cán bộ chiến sĩ đứng ở chỗ khuất nhằm bắt lỗi vi phạm đối với người tham gia giao thông để xử lý. Hoạt động này không công khai, dễ gây hiểu lầm trong nhân dân. Do đó, chúng tôi phải siết chặt việc làm của cán bộ chiến sĩ khi ra đường, tránh gây ảnh hưởng, mất uy tín của CSGT.

Chúng tôi quyết định muộn nhất đến đầu năm 2015 phải chấm dứt hoàn toàn tình trạng cán bộ chiến sĩ túm tụm, không được đứng núp, không được giật chìa khóa, không được chỉ gậy vào người tham gia giao thông khi người ta có sai phạm. Đây là những biện pháp nhằm công khai, minh bạch hoạt động của lực lượng CSGT thủ đô, để người dân cùng giám sát hoạt động của lực lượng.

đào vĩnh thắng

Đại tá Đào Vịnh Thắng

Thanh Hữu

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 30,858

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn