Kiểu như “Thánh cô cô bóc” phải được xử lý nghiêm

15/06/2015 08:06 AM

Việc đưa thông tin không đúng sự thật về một cá nhân, tổ chức cần thiết phải xử lý nghiêm minh bởi lẽ hành vi này gây ra những hậu quả nặng nề.

Vừa qua, Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an thực hiện lệnh bắt khẩn cấp, khám xét đối với Trần Thị Hương Giang (37 tuổi, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) để điều tra hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo điều 258, Bộ Luật hình sự. Hương Giang được xác định là người sở hữu một số nickname như: Huyen Nguyen, Tuyết Anh Trần, "thánh cô cô bóc"... trong “Tập đoàn thánh bóc”.

“Tập đoàn” này đưa lên mạng xã hội các bài viết nhằm bôi nhọ, xuyên tạc, danh dự, nhân phẩm của các cá nhân dẫn đến dư luận xấu trong xã hội.

VOV.VN phỏng vấn luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng Luật sư Giang Thanh để làm rõ hơn vấn đề pháp lý liên quan đến vụ án này.

PV: Luật sư đánh giá như thế nào về hành vi của Trần Thị Hương Giang khi bị cơ quan điều tra truy xét về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo điều 258, Bộ Luật hình sự?

Luật sư Giang Hồng Thanh: Được biết Cơ quan CSĐT Bộ Công an vào cuộc để xác minh làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của Trần Thị Hương Giang do có đơn tố cáo của các nạn nhân.

Luật sư Giang Hồng Thanh

Sau khi có căn cứ pháp lý, Cơ quan điều tra đã khởi tố và bắt tạm giam Trần Thị Hương Giang về tội danh theo Điều 258, Bộ luật hình sự.

Có vẻ như đây là lần đầu tiên một người xâm phạm lợi ích hợp pháp của cá nhân bị khởi tố theo điều luật này.

Quyền tự do dân chủ là một khái niệm rất rộng, bao hàm nhiều quyền năng khác nhau.

Hiến pháp nước ta quy định công dân có những quyền như “quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”, “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”, “quyền tự do kinh doanh”… Tuy nhiên việc thực hiện các quyền này phải theo quy định của pháp luật.

Theo những thông tin trên báo chí, Trần Thị Hương Giang đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm đến danh dự, uy tín của nhiều cá nhân.

Tuy nhiên, chúng ta chưa thể đánh giá được tính chất, mức độ vi phạm của Trần Thị Hương Giang, bởi lẽ quá trình điều tra mới chỉ bắt đầu.

Tại giai đoạn này, chỉ có các điều tra viên mới là những người nắm rõ nhất hành vi vi phạm pháp luật của Trần Thị Hương Giang.

PV: Thực tế câu chuyện lợi dụng mạng xã hội, lợi dụng các diễn đàn để nói xấu, bôi nhọ, xuyên tạc, danh dự, nhân phẩm của các cá nhân dẫn đến dư luận xấu trong xã hội từ trước đến nay có diễn ra thường xuyên không và đã có vụ việc nào bị xử lý hình sự chưa, thưa luật sư?

Luật sư Giang Hồng Thanh: Việc bêu xấu, bôi nhọ, xuyên tạc nhằm xâm phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác là việc làm không khó để có thể bắt gặp, kể cả đối với những người nổi tiếng.

Trần Thị Hương Giang tại cơ quan điều tra

Tuy nhiên cần phải phân biệt giữa hai khái niệm “bêu xấu” và “xuyên tạc”. “Bêu xấu” thì có khả năng sự việc được nhắc đến là có thật, còn “xuyên tạc” thì rõ ràng không có sự việc xảy ra. Hậu quả pháp lý của hai hành vi này khác nhau hoàn toàn.

Nếu như việc “bêu xấu” có thể dẫn đến các vụ kiện dân sự thì “xuyên tạc” lại có dấu hiệu của việc vi phạm pháp luật hình sự.

Có thể kể ra vụ kiện dân sự cách đây vài năm giữa ca sỹ P.T với một blogger nổi tiếng do blogger này bị cho là “bêu xấu” ca sĩ P.T.

Còn đối với hành vi xuyên tạc, tức là đưa thông tin không đúng sự thật về một cá nhân, việc xử lý hình sự từ trước đến nay chủ yếu dựa vào Điều 122 Bộ luật hình sự “Tội vu khống” hoặc Điều 121 “Tội làm nhục người khác”, chứ bản thân tôi chưa biết đến trường hợp người nào đó bị xử lý về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258 Bộ luật hình sự.

PV: Đối với hành vi như kiểu “Tập đoàn thánh bóc”, theo luật sư cần xử lý thế nào mới đủ sức răn đe?

Luật sư Giang Hồng Thanh: Đầu tiên cần phải khẳng định, việc cố tình đưa thông tin không đúng sự thật về một cá nhân, tổ chức là một hành vi vi phạm pháp luật, rất cần thiết phải xử lý nghiêm minh bởi lẽ hành vi này gây ra những hậu quả nặng nề đối với các nạn nhân.

Trên thực tế tại Việt Nam đã có người phải tìm đến cái chết do không chịu nổi áp lực dư luận vì bị bịa đặt thông tin.

Tuy nhiên theo quy định của pháp luật, đối với các tội “Vu khống” và “Làm nhục người khác”, cơ quan có thẩm quyền chỉ có thể xử lý người vi phạm nếu như người bị vu khống, bị làm nhục có yêu cầu.

Thế nhưng nhiều khi nạn nhân của hành vi này lại có thái độ cam chịu hoặc cho rằng khó xử lý được người vi phạm nên không trình báo.

Qua đây, với tư cách là một người hành nghề trong lĩnh vực luật pháp, tôi khuyến cáo những nạn nhân bị bịa đặt về thông tin, cần thiết phải tố giác những người thực hiện hành vi này để nhằm ngăn chặn đến mức thấp nhất thiệt hại mà họ có thể gây ra đối với bản thân.

Bên cạnh đó việc xử lý đối với những trường hợp này cũng là lời cảnh báo để những người đã và đang thực hiện hành vi phải điều chỉnh lại cách xử sự sao cho phù hợp với quy định của pháp luật và với quy tắc đạo đức xã hội.

PV: Xin cảm ơn luật sư./.

Việt Đức

Theo Đài Tiếng Nói Việt Nam

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,127

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn