Chủ nhiệm VPQH: Sẽ thành lập CLB Phóng viên nghị trường

13/06/2015 08:31 AM

Nhân dịp Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, Văn phòng Quốc hội và Hội Nhà báo Việt Nam sẽ thành lập CLB Phóng viên nghị trường.

Đánh giá cao vai trò của báo chí với Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, báo chí là cầu nối cử tri với Quốc hội, đưa các thông điệp cử tri đến với Quốc hội và ngược lại. Ông cũng cho biết, sẽ hỗ trợ để Câu lạc bộ các nhà báo theo dõi Quốc hội sớm ra mắt trong dịp 21/6 tới.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí với hoạt động Quốc hội trong thời gian vừa qua?

Tôi đánh giá cao vai trò của báo chí với Quốc hội. Báo chí góp phần truyền tải các dự án luật đi vào cuộc sống, ngược lại, những dự án luật mang hơi thở cuộc sống hơn, thông qua sự phản ánh của báo chí.

Báo chí cũng đem ý kiến của cử tri phản ánh tới Quốc hội. Ví dụ như việc sửa điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội vừa qua, vai trò của báo chí rất quan trọng. Báo chí đã tiếp thu, phản ánh những ý kiến của người dân, các doanh để truyền tải đến các ĐB Quốc hội, để ĐB Quốc hội nắm chắc thêm thông tin đó, từ đó có những quyết sách để điều chỉnh cho phù hợp với dự án luật.

Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc: VPQH sẽ phối hợp với Hội Nhà báo thành lập CLB Phóng viên nghị trường

Tuy nhiên, không phải ĐBQH nào cũng sẵn sàng cung cấp thông tin, đôi khi họ cũng còn ngần ngại khi trả lời phỏng vấn báo chí, ông nghĩ thế nào về việc này?

Có thể ĐB Quốc hội còn ngần ngại do chưa quen tiếp xúc với báo chí. Tôi mong muốn ĐB Quốc hội và báo chí phải gắn kết với nhau như những người bạn đồng hành. Tôi cũng mong muốn báo chí khi truyền tải ý kiến của ĐB Quốc hội phải đảm bảo tính trung thực, khách quan, đúng ý nghĩa, tránh giật tít câu khách, làm sai sự thật. Như vậy thì mối quan quan hệ giữa báo chí với ĐB sẽ thật sự thoải mái, cởi mở, như người bạn đồng hạnh.

Trong hoạt động giám sát, các ĐBQH có sử dụng thông tin từ báo chí như là kênh thông tin hỗ trợ cho quá trình giám sát hay không, thưa ông?

Trong giám sát, có rất nhiều kênh thu thập thông tin, trách nhiệm của văn phòng là cung cấp tài liệu cho ĐB liên quan đến nội dung, vấn đề mà ĐB cần giám sát. Quốc hội cũng mở cho ĐB cơ chế là ĐB có quyền giám sát ở nơi khác ngoài nơi họ ứng cử. Đây là điểm rất mới theo Nghị quyết 27 của Quốc hội. Bên cạnh đó, ĐB còn có những thông tin từ báo chí, để có thêm thông tin phục vụ giám sát được tốt hơn.

Đơn cử như vừa qua, khi Quốc hội chọn các vị Bộ trưởng đăng đàn chất vấn, ngoài những kênh thông thường như tiếp thu ý kiến của cử tri, phản ánh qua mặt trận tổ quốc Việt Nam đầu kỳ họp, ĐBQH cũng tiếp thu được từ báo chí rất nhiều lượng thông tin phản ánh những vấn đề cử tri quan tâm, từ đó chọn vấn đề đưa lên nghị trường. Báo chí đã giúp ĐBQH chọn những vấn đề, nhóm vấn đề “nóng”  để thảo luận trên nghị trường. Chọn 4 Bộ trưởng chất vấn trong kỳ họp này cũng dựa trê nguyên tắc đó và QH đã chọn 4 vị Bộp trưởng trả lời chất vấn đợt này rất đúng, trúng các vấn đề cần quan tâm. Các ĐBQH chất vấn Bộ trưởng những vấn đè sát với thực tiễn cuộc sống, được cử tri hoan nghênh.

Nhiều ý kiến cho rằng, hành lang pháp lý để bảo vệ cho nhà báo không có, từ đó làm giảm sút ý chí chiến đấu của nhà báo trong đấu tranh chống tiêu cực. Ông nghĩ sao vấn đề này?

Theo tôi, chúng ta đang đấu tranh mạnh với tham nhũng, tôi đánh giá cao vai trò của báo chí trong lĩnh vực này. Nếu phòng chống tham nhũng mà thiếu thông tin do báo chí cung cấp, tuyên truyền, thì không thể có hiệu quả. Vừa qua, có một số nhà báo bị hành hung và những hành vi hành hung nhà báo đều đáng bị lên án. Những vụ việc này đều đã được các lực lượng chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ để xử lý.

Chuẩn bị đến ngày 21/6, tôi mong muốn các nhà báo luôn dũng khí, bút sắc phản ánh kịp thời những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, phản ánh tích cực những hoạt động của Quốc hội, để có điều chỉnh kịp thời phục vụ cuộc sống. Ngược lại, rất mong các nhà báo phản ánh trung thực, kịp thời, nội dung cốt lõi các nghị quyết của Quốc hội để mang thông điệp đó truyền tải tới cử tri, người dân để nắm được. Theo tôi, đó mới là hiệu quả. Rất mong bao chí tác nghiệp cùng Quốc hội, đồng hành để giúp Quốc hội làm tốt nhiệm vụ của mình.

Cũng nhân dịp này, Văn phòng Quốc hội và Hội nhà báo sẽ thành lập và ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Phóng viên nghị trường, theo dõi Quốc hội. Tôi cũng mong muốn các nhà báo tích cực tham gia CLB này để gắn kết chặt chẽ với nhau hơn trong từng công việc cụ thể.

Trường Giang (ghi)

Theo Báo điện tử Bộ TTTT

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,407

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn