Chính sách mới 10/09/2015 08:20 AM

Bộ Xây dựng trả lời Sở Xây dựng Kon Tum về các vấn đề liên quan đến Thông tư 01/2015/TT-BXD

10/09/2015 08:20 AM

Ngày 8/9/2015, Bộ Xây dựng có công văn trả lời Sở Xây dựng Kon Tum về các vấn đề liên quan đến Thông tư số 01/2015/TT-BXD ngày 20/3/2015 của Bộ Xây dựng về Hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng (viết tắt là Thông tư số 01/2015/TT-BXD) và Nghị định số 103/2014/NĐ-CP ngày 11/11/2014 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng (viết tắt là Nghị định số 103/2014/NĐ-CP).

Bộ Xây dựng cho biết, Thông tư số 01/2015/TT-BXD được ban hành theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 5724/VPCP-KTTH ngày 29/7/2014 của Văn phòng Chính phủ về hệ thống cấp bậc công nhân trực tiếp sản xuất, xác định đơn giá nhân công áp dụng trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo quy định của Bộ Luật lao động năm 2012.


Đối tượng áp dụng của Thông tư số 01/2015/TT-BXD là chủ đầu tư, tư vấn, các cơ quan quản lý và các đối tượng có liên quan đến lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Mức lương nhân công công bố tại Phụ lục 1 của Thông tư số 01/2015/TT-BXD (được hiểu là mức lương tối thiểu đầu vào) là cơ sở để xác định đơn giá nhân công xây dựng trong Tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình (được hiểu là đơn giá nhân công xây dựng đầu vào)… để cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở xác định giá gói thầu, lựa chọn nhà thầu và quản lý chi phí theo quy định tại Nghị định số 112/2009/NĐ-CP  của Chính phủ ngày 14/12/2009 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Trong khi đó, đối tượng áp dụng của Nghị định số 103/2014/NĐ-CP là các cơ quan, tổ chức, cá nhân (người sử dụng lao động)… có thuê mướn lao động theo hợp đồng. Mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định số 103/2014/NĐ-CP (được hiểu là mức lương tối thiểu đầu ra) là cơ sở để người sử dụng lao động trả cho người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận (không được nhân mức lương tối thiểu vùng này với hệ số cấp bậc theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP  để xác định đơn giá nhân công xây dựng đầu vào).

Nguyên tắc xác định và điều chỉnh đơn giá nhân công xây dựng được quy định tại Điều 3 Thông tư số 01/2015/TT-BXD, theo đó việc xác định đơn giá nhân công xây dựng phải đảm bảo: Phù hợp với trình độ tay nghề theo cấp bậc nhân công trong hệ thống định mức dự toán xây dựng công trình, phù hợp với mặt bằng giá nhân công xây dựng trên thị trường lao động của từng địa phương nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, phù hợp với đặc điểm tính chất công việc của nhân công xây dựng và phải đáp ứng yêu cầu chi trả một số khoản chi phí thuộc trách nhiệm của người lao động phải trả theo quy định (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và một số khoản phải trả khác).

Theo nguyên tắc trên thì đơn giá nhân công điều tra theo thị trường tại khu vực nơi xây dựng công trình đã bao hàm tất cả các loại phụ cấp cần thiết. Mức lương nhân công xây dựng đầu vào công bố tại Phụ lục của Thông tư số 01 chỉ để tham khảo. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức điều tra, khảo sát, công bố đơn giá nhân công thị trường tại địa phương làm cơ sở lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình đảm bảo chi phí đầu tư xây dựng được tính đúng, tính đủ theo quy định của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.

Hiện nay, hơn 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có văn bản hướng dẫn xác định chi phí nhân công xây dựng theo Thông tư số 01. Như vậy, hầu hết các địa phương đã thống nhất với cách xác định đơn giá nhân công xây dựng đầu vào theo quy định của Thông tư số 01/2015/TT-BXD.

Bên cạnh đó, Điều 4 của Thông tư số 01/2015/TT-BXD quy định: Đơn giá nhân công xây dựng đầu vào = lương nhân công đầu vào tại Phụ lục 1 x hệ số cấp bậc tại Phụ lục 2 của Thông tư này và chia cho 26 ngày làm việc trong tháng. Theo phương pháp xác định nêu trên thì giá nhân công theo tháng của một công nhân xây dựng bậc 1/7 thuộc nhóm I (bậc thấp nhất trong thang lương) tại vùng II là: 2.150.000 x 1,55 = 3.332.500 đồng/tháng.

Như vậy, so với mức lương tối thiểu vùng được Chính phủ quy định tại Nghị định số 103/2014/NĐ-CP là 2.750.000 đồng/tháng thì giá nhân công xây dựng tính theo Thông tư số 01/2015/TT-BXD đã cao hơn 582.500 đồng/tháng (cao hơn 21 % so với lương tối thiểu vùng của Chính phủ).

Thực tế hiện nay vẫn có một số địa phương xác định giá nhân công xây dựng đầu vào bằng cách lấy lương tối thiểu vùng của Chính phủ nhân với hệ số cấp bậc thợ theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định số 49/2013/NĐ-CP  ngày 14/5/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về tiền lương thì Nghị định số 205/2004/NĐ-CP đã hết hiệu lực. Do đó việc xác định giá nhân công xây dựng đầu vào như một số địa phương hiện nay là sai quy định, hậu quả là giá nhân công xây dựng đầu vào cao hơn rất nhiều so với lương thực tế mà người lao động được hưởng; dẫn đến thất thoát, lãng phí, giảm hiệu quả đầu tư xây dựng.

Như vậy, hướng dẫn của Thông tư số 01/2015/TT-BXD ngày 20/3/2015 của Bộ Xây dựng đúng theo quy định của Nghị định số 103/2014/NĐ-CP ngày 11/11/2014 của Chính phủ.

Theo Trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,334

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn