Mức thuế chống bán phá giá của Việt Nam chỉ là “lấy lệ”?!

19/09/2014 08:39 AM

Lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mức thuế chống bán phá giá với mặt hàng thép cán nguội không gỉ nhập khẩu. Thế nhưng nhiều người cho rằng mức thuế chống bán phá giá này chỉ là “lấy lệ” vì quá thấp.

Mức thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với mặt hàng thép cán nguội không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc ở mức 4,64 – 6,87%, Cộng hòa Indonesia: 3,07%, Malaysia: 10,71%, Lãnh thổ Đài Loan: 13,79 – 37,29%. Những con số trên cho thấy, mức thuế trên là quá thấp. Trong khi đó, một số mặt hàng xuất khẩu của nước ta bị áp thuế chống bán phá giá rất cao. Dường như các nước khác muốn áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng Việt Nam bao nhiêu thì được bấy nhiêu.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Phòng điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương cho biết: “Rất khó để áp thuế chống bán phá giá ở mức cao đối với những mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam có hiện tượng bán phá giá”.

Theo chia sẻ của bà Giang, mức thuế chống bán phá giá trên được tính toán theo quy định trong pháp lệnh về chống bán phá giá của Việt Nam, trùng khớp với Hiệp định chống bán phá giá của WTO.

Được biết sau khi đưa ra kết quả biên độ tính chống bán phá giá trên, rất nhiều doanh nghiệp thép phản đối. Họ nói rằng chưa bao giờ có vụ điều tra chống bán phá giá nào đặc biệt trong ngành thép mà biên độ chống bán phá giá đưa ra lại thấp như vậy.

Thực tế phương pháp tính biên độ chống bán phá giá giống hệt nhau, tức là so sánh tỷ lệ phần trăm giữa giá xuất khẩu sang Việt Nam và giá họ bán ở thị trường nội địa của họ.

Ở đây có điểm khác biệt lớn khi mà Việt Nam bị kiện và đi kiện. Trong các vụ bị kiện, thông thường các nước Mỹ, EU, họ không sử dụng bảng giá bán thực tế của nước ta. Ví dụ như mặt hàng tôm, chúng ta bị áp thuế chống bán phá giá 20%. Không có chuyện chúng ta bán Tôm trong nước thấp hơn giá bán ở nước ngoài đến 20%. Mức giá này là do Mỹ, EU sử dụng bảng giá của nước thứ 3 thay thế cho bảng giá bán tại Việt Nam.

Ngược lại, khi Việt Nam điều tra chống bán phá giá các nước, rất khó áp mức thuế cao, nhất là các nước thuộc ASEAN. Việt Nam đã kí hiệp định về việc công nhận các nước thuộc ASEAN là nền kinh tế thị trường. Khi ký hiệp định này, chúng ta có lợi thế đó là khi họ điều tra chống bán phá giá sản phẩm của nước ta, bắt buộc họ phải sử dụng số liệu của chúng ta không được phép sử dụng số liệu thay thế như Hoa Kỳ, EU điều tra. 

Ngược lại, chúng ta cũng có bất lợi đó là khi điều tra họ, chúng ta buộc phải sử dụng số liệu chính xác của họ, không thể dử dụng số liệu thay thế từ một nước thứ 3 nào khác.  Đó là lí do tại sao ngoại trừ Đài Loan mức thuế chống bán phá giá được áp dụng với các 3 nước kia khá thấp”, bà Châu Giang nhấn mạnh.

Được biết Đài Loan là nước bị áp mức thuế cao nhất do không hợp tác khi có đơn khởi kiện chống bán phá giá... Tuy nhiên mức thuế Đài Loan bị áp vẫn phù hợp với hiệp ước chống bán phá giá của WTO./.

Ngọc Diệp

Theo Pháp luật VN

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,425

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn