Hướng dẫn thẩm quyền giải quyết tố cáo trong lĩnh vực lao động

06/12/2019 09:32 AM

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Công văn 1761/TLĐ ngày 21/11/2019 hướng dẫn thẩm quyền giải quyết tố cáo trong lĩnh vực lao động, an toàn vệ sinh lao động.

Hướng dẫn thẩm quyền giải quyết tố cáo lĩnh vực lao động

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Theo đó, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc TLĐ như sau:

Tại khoản 1 Điều 31 Luật Tố cáo 2011 quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo: "Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức cá nhân mà nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nào thì cơ quan đó trách nhiệm giải quyết. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật thuộc phạm vi được giao, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".

Theo đó, tại Điều 39 Nghị định 24/2018/NĐ-CP ngày 27/02/2018 về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động quy định "Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động thuộc quản lý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội".

Tuy nhiên, Luật Tố cáo 2018 đã ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019 và thay thế Luật Tố cáo 2011, trong đó, khoản 1 Điều 41 quy định: "Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà có nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết".

Theo quy định tại khoản 4 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015: "Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành, văn bản đó đồng thời hết hiệu lực"; "Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn".

Như vậy, quy định tại Điều 39 Nghị định 24/2018/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.

Để đảm bảo việc giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, an toàn vệ sinh lao động đúng quy định của pháp luật, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn ngành Tổng công ty trực thuộc hướng dẫn các cấp công đoàn trực thuộc trong việc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo trong lĩnh vực lao động, an toàn, vệ sinh lao động căn cứ theo khoản 1 Điều 41 Luật Tố cáo 2018.

Xem chi tiết hướng dẫn tại Công văn 1761/TLĐ ngày 21/11/2019.

Châu Thanh

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,249

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn