Công văn của Bộ không thể có giá trị cao hơn Ý kiến từ Luật sư?

26/07/2019 09:51 AM

Ngày 07/3/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Công văn 1736/BKHĐT-ĐKKD về việc đăng ký kinh doanh ngành, nghề “Hoạt động pháp luật”.

Đặc biệt đáng chú ý, trong đó Bộ đã hướng dẫn rằng: “Trường hợp cá nhân, tổ chức thành lập doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành, nghề “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” không theo các hình thức hành nghề của luật sư thì thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp”.

Hướng dẫn này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư bị các Luật sư cho rằng trái luật và đưa ra câu cảm thán là “Không cần học luật, không cần phải học luật sư, không cần tập sự, không cần điều kiện hành nghề là có thể thành lập doanh nghiệp tư vấn pháp luật!”.

Nhiều bạn đọc thắc mắc, vậy Công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Ý kiến từ Luật sư thì cái nào có giá trị pháp lý cao hơn? Ở đây ai đúng?

Câu trả lời trong trường hợp này là cả Công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư lẫn Ý kiến từ Luật sư đều không có giá trị bắt buộc thi hành vì nó không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nên nó chỉ có giá trị tham khảo. Bởi vậy, không thể nói Công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có giá trị cao hơn Ý kiến từ Luật sư và ngược lại.

Ở đây, “phần đúng rõ ràng thuộc về người đúng”, căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành thì muốn hoạt động trong lĩnh vực tư vấn pháp luật cần phải theo quy định của Luật Luật sư.

Trường hợp nếu pháp luật chưa rõ, nhiều người không hiểu, cần giải thích thì thuộc về thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội theo Khoản 3 Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 chứ không phải thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay Luật sư hoặc bất kỳ ai.

Hữu Phạm

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,812

Bài viết về

lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn