Chưa sòng phẳng với người lao động

11/05/2017 08:35 AM

Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư lớn nhưng nhiều đối tượng tham gia lại mất quyền lợi một cách oan uổng

Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư lớn nhưng nhiều đối tượng tham gia lại mất quyền lợi một cách oan uổng

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) thừa ủy quyền Chính phủ đã có tờ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết số 34/NQ-CP đề xuất điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với người sử dụng lao động được quy định tại điều 57 Luật Việc làm từ 1% xuống 0,5%. Nếu được Quốc hội thông qua, nghị quyết sẽ chính thức có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2019.

Thất nghiệp mà không được trợ cấp

Theo BHXH Việt Nam, tính đến cuối năm 2016, kết dư quỹ BHTN ước tính đạt 58.668 tỉ đồng. Đây chính là một trong những lý do để Chính phủ trình dự thảo nghị quyết nêu trên. Tuy nhiên, có một nghịch lý xảy ra là tuy quỹ BHTN kết dư rất lớn song nhiều người lao động (NLĐ) tham gia BHTN lại bị mất quyền lợi một cách oan uổng.

bảo hiểm thất nghiệp

Hai trong số gần 700 công nhân Công ty Sae Hwa Vina không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp vì công ty nợ BHXH

Chẳng hạn trường hợp của chị Nguyễn Thị Thủy (quận Gò Vấp, TP HCM). Chị làm việc tại một công ty ở quận 12, TP HCM từ tháng 2-2008. Tháng 6-2014, khi phát hiện mình bị ung thư vú, chị xin nghỉ việc để điều trị. Sau hơn 2 năm điều trị, thấy không còn đủ sức khỏe để đáp ứng yêu cầu công việc nên tháng 8-2016, chị xin thôi việc.

Theo sổ BHXH đã chốt, tính đến tháng 6-2014, chị Thủy có 5 năm 5 tháng tham gia BHTN. Song, khi chị đi làm thủ tục hưởng BHTN thì bị cơ quan chức năng từ chối chi trả vì không đóng đủ BHTN từ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động. Từ đó đến nay, sức khỏe yếu, chị ở nhà làm nội trợ, không tiếp tục tham gia BHTN nên coi như mất đi khoản tiền đã đóng vào quỹ BHTN.

Cũng lâm vào cảnh buộc phải "cho không, biếu không" khoản tiền BHTN đã đóng là trường hợp của bà Huỳnh Thị Gái (huyện Củ Chi, TP HCM), 59 tuổi, nguyên CN Công ty TNHH Sae Hwa Vina. Tính đến tháng 2- 2013, bà Gái tham gia BHTN được hơn 4 năm. Tuy nhiên, khi đóng cửa, công ty vẫn còn nợ BHXH, BHYT, BHTN nên bà và gần 700 đồng nghiệp khác không được giải quyết chế độ BHTN do không đáp ứng điều kiện "tháng liền kề" theo quy định.

"Thời điểm công ty phá sản, chúng tôi vừa bị nợ lương, nợ BHXH nên cuộc sống rất khó khăn. Nếu như lúc đó được nhận khoản trợ cấp thất nghiệp thì đỡ biết mấy. Đằng này, rõ ràng ai cũng biết chúng tôi bị mất việc làm, bị thất nghiệp nhưng theo quy định cứng nhắc của pháp luật, chúng tôi bị tước mất quyền lợi. Thật quá bất công" - bà Gái bức xúc.

Trong thư gửi Báo Người Lao Động mới đây, ông Lê Quang Bình (TP Đà Nẵng), 60 tuổi, cũng bày tỏ bức xúc không kém vì không được hưởng BHTN. Trước đây, ông Bình là cán bộ phường không chuyên trách, đã tham gia BHTN từ năm 2009 đến cuối năm 2015. Từ ngày 1-1-2016, ông Bình ngừng đóng BHTN vì Luật BHXH năm 2014 quy định cán bộ xã, phường không chuyên trách sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và không còn thuộc đối tượng tham gia BHTN. Thời điểm đó, do còn công tác nên ông Bình chưa được hưởng BHTN. Đến tháng 10-2016, ông Bình phải nghỉ việc khi phường sắp xếp lại cán bộ theo quyết định của UBND TP Đà Nẵng nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

"Cơ quan BHXH bảo thời gian đóng của tôi sẽ được bảo lưu, sau này nếu tiếp tục tham gia sẽ được tính cộng dồn để hưởng. Nhưng tôi năm nay đã 60 tuổi, đã hết tuổi lao động thì sao tìm được việc nữa mà tham gia?" - ông Bình thắc mắc.

Không bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng

Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Giám đốc Công ty Luật Tín Nghĩa, cho rằng bản chất của BHTN là nhằm bảo đảm hay bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi bị mất việc làm. Cho nên, bên cạnh việc bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia, BHTN phải tuân thủ đúng nguyên tắc đóng - hưởng để bảo vệ quyền lợi của người tham gia.

Trong thực tế, sau thời điểm Nghị định 28/2015/NĐ-CPThông tư 04/2013/TT-BLĐTBXH có hiệu lực, nhiều NLĐ không đáp ứng được điều kiện "tháng liền kề" nên bị tước bỏ quyền được hưởng BHTN. Như vậy là chưa sòng phẳng với NLĐ và khiến họ bị thiệt hai lần. "Bởi lẽ, nếu không tham gia BHTN, theo quy định của Bộ Luật Lao động (BLLĐ), khi thôi việc, NLĐ được chi trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc. Nhưng khi tham gia BHTN, họ phải đóng thêm phí BHTN mà không được hưởng chế độ BHTN khi thất nghiệp" - ông Lễ phân tích.

Đồng tình với nhận định trên, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, kiến nghị bên cạnh việc giảm mức đóng BHTN cho người sử dụng lao động, Chính phủ nên giảm phần đóng hoặc nới lỏng phần hưởng cho NLĐ, đặc biệt là những đối tượng lao động cao tuổi, bị bệnh hiểm nghèo, NLĐ tại các doanh nghiệp nợ BHXH, chủ bỏ trốn hay cán bộ phường, xã không chuyên trách… để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.

Bên cạnh đó, nhằm tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng thì nên cho trường hợp NLĐ nghỉ hưu được hưởng BHTN. "Quỹ BHXH và BHTN là 2 quỹ độc lập. NLĐ nghỉ hưu hưởng chế độ do quỹ BHXH chi trả thì không có cớ gì "xù" trợ cấp thất nghiệp của họ. Hơn nữa, trong lần sửa đổi Bộ Luật Lao động này, ban soạn thảo đã đưa vào dự thảo đề xuất cho người nghỉ hưu được hưởng trợ cấp thôi việc, tức cho khoảng thời gian từ năm 2008 trở về trước. Vậy thì tại sao từ năm 2009 trở về sau lại không chi trả trợ cấp thất nghiệp cho họ trong khi họ vẫn đóng BHTN vào quỹ hằng tháng?" - ông Triều băn khoăn.

Mai Chi

Theo Người lao động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,129

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn