Tìm giải pháp 'ngăn' lao động Việt Nam bỏ trốn và phạm pháp ở nước ngoài

17/04/2017 08:41 AM

Tình trạng lao động Việt Nam (VN) bỏ trốn và phạm pháp ở nước sở tại không chỉ ảnh hưởng xấu đến uy tín của lao động VN trên thị trường lao động quốc tế mà còn dẫn đến hậu quả nhãn tiền là nhiều nước đã thu hẹp, thậm chí từ chối đối với lao động người Việt. Nguyên nhân của tình trạng trên không chỉ do ý thức của người lao động mà còn đến từ các cơ quan quản lý và sử dụng lao động, thậm chí có cả sự bất cập của các quy định pháp luật.

Người lao động

Ảnh minh họa.

“Tại anh, tại ả”

Tại Hội nghị “Nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” mới đây, đại diện Bộ Ngoại giao thừa nhận rằng mặc dù tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp có giảm so với những năm trước đây nhưng vẫn ở mức cao.

Điển hình tại Hàn Quốc, mỗi năm có từ 8.000- 11.600 người  lao động mới của VN sang làm việc, tuy nhiên, trước tình trạng người lao động VN sau khi hết hạn hợp đồng không về nước mà ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp có thời điểm lên đến 75%, nên từ cuối năm 2012 đến tháng 6/2016, Hàn Quốc đã tạm ngừng tiếp nhận lao động VN.

Hiện nay trong số hơn 48.000 lao động tại Hàn Quốc, có khoảng 17.000 lao động bất hợp pháp. Trong khi đó, tại thị trường Đài Loan hiện nay có khoảng 26.500 lao động VN bỏ hợp đồng, cư trú và làm việc bất hợp pháp, chiếm gần 50% tổng số lao động nước ngoài bỏ hợp đồng và chiếm gần 15% số lao động VN đang làm việc tại Đài Loan. Không chỉ bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp, số lao động VN vi phạm pháp luật sở tại cũng có xu hướng tăng lên.

Nguyên nhân của tình trạng trên đến từ nhiều phía. Không phủ nhận ý thức của người lao động VN còn kém, nhưng qua tiếp xúc và ghi nhận từ người dân, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung cho rằng, vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa thực hiện đúng cam kết với người lao động, thu phí của người lao động quá cao, thậm chí có cả “phí môi giới”... Đó là chưa kể một số doanh nghiệp tuyển chọn lao động thông qua các khâu trung gian nên không kiểm soát được chất lượng lao động và không quản lý được việc thu tiền của người lao động.

Tìm giải pháp căn cơ

Chính vì phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn trước khi sang nước ngoài làm việc nên nhiều lao động VN luôn luôn có tâm lý là phải kiếm cho bằng được thật nhiều tiền để “thu hồi vốn”, bất chấp việc vi phạm pháp luật nước sở tại. Bên cạnh đó, một trong các hình thức “cưỡng chế” đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài là bắt họ phải ký quỹ, đặt cọc..., vô hình trung lại tạo ra cái vòng luẩn quẩn và “kích thích” người lao động bỏ trốn nhiều hơn. Nhiều ý kiến cho rằng chính khoản tiền ký quỹ này như một gánh nặng đối với lao động phải đầu tư ban đầu, càng làm cho lao động tìm cách bỏ ra ngoài làm việc nhằm trang trải nợ nần.

Đáng chú ý, theo các chuyên gia, các quy định ràng buộc và chế tài đối với lao động xuất khẩu của nước ta trong thời gian qua còn lỏng lẻo cũng là một trong những nguyên nhân làm cho lao động dễ dàng bỏ trốn. Sự thiếu đồng bộ trong hành lang pháp lý, cùng với thủ tục trình tự xét xử phức tạp, việc tìm kiếm lao động bỏ trốn ở nước ngoài để đưa ra tòa không hề đơn giản, cho nên đến nay hầu như chưa có trường hợp lao động bỏ trốn nào bị đưa ra tòa.

“Một số hành vi vi phạm nhưng chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật nên thiếu căn cứ để xử lý; còn có những quy định của pháp luật chưa đồng bộ, nên chưa điều chỉnh hết các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn; ngoài ra còn có sự xung đột pháp luật giữa nước tiếp nhận với quy định của Việt Nam”- ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH nêu thực tế.

Giải quyết bất cập trên, nhiều ý kiến đề nghị cần siết lại quy định trong tuyển chọn lao động, nâng mức chế tài không chỉ đối với doanh nghiệp có lao động bỏ trốn  cũng như thu phí của người lao động cao hơn mức quy định của pháp luật mà với cả người lao động nếu có hành vi phá vỡ hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài làm ăn phi pháp.

“Nhưng giải pháp căn cơ vẫn là khắc phục cho được những bất cập được cho là nguyên nhân khiến lao động bỏ trốn, đó là nâng thời hạn hợp đồng xuất khẩu lao động, cho người lao động đi làm việc 5 năm thay vì mức thông thường là 3 năm như hiện nay. Được như vậy, người lao động sẽ yên tâm làm việc, không có tâm lý trốn chui, trốn lủi ở nước sở tại để kiếm thêm tiền”- ông Đàm Phương Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Toàn Cầu kiến nghị.

Cũng trăn trở trước thực trạng này, nhưng theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, cần phải có một chuyên đề tập hợp kiến nghị và giải pháp từ phía doanh nghiệp đối với tình trạng lao động bỏ trốn, từ đó Bộ LĐTB&XH sẽ tập hợp lại và tìm ra hướng khắc phục cụ thể trong thời gian tới.

Khánh Chi

Theo Báo Pháp luật Việt Nam

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,300

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn