Phó chủ tịch Quốc hội: Cần quy định rõ trường hợp được nổ súng

11/01/2017 07:57 AM

Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng cần quy định chặt chẽ các trường hợp được nổ súng trong thực thi công vụ, nhất là khi xảy ra tình huống khẩn cấp.

Chiều 10/1, góp ý dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng "có những điều khoản chưa chặt".

Theo ông, nhiều lực lượng được trang bị vũ khí nhưng quy định không rõ nên “anh em rất ngại vì ranh giới giữa thực hiện đúng và vi phạm khá mong manh”. Ông Hiển ví dụ, công an và tên cướp chĩa súng vào nhau thì người thi hành công vụ theo nguyên tắc phải thực hiện nhiều động tác cảnh báo, như vậy sẽ bị đối phương bắn trước.

“Trường hợp khẩn cấp thì công an phải được bắn chứ. Vì thế Luật nên quy định cụ thể các trường hợp nổ súng mà luật pháp bảo vệ”, Phó chủ tịch Quốc hội nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Ảnh: Q.H

Cũng góp ý vào nội dung nêu trên, bà Lê Thị Nga (Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp) lo ngại nguyên tắc nổ súng "...căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng" được quy định trong dự thảo Luật, có thể dẫn đến phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của người cầm súng.

Tuy nhiên, Thượng tướng Lê Quý Vương (Thứ trưởng Bộ Công an) lý giải đây là nguyên tắc chính của người cầm súng cũng như chỉ huy của người cầm súng. Dẫn trường hợp vây bắt một đối tượng phạm tội ở Kon Tum mà công an biết rõ đối tượng trang bị nhiều súng, lựu đạn, ông Vương cho biết căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ lúc đó thì chỉ huy được quyền ra lệnh nổ súng, thậm chí tiêu diệt đối tượng.

Theo tướng Vương, trong chống ma tuý ở Sơn La, 2 năm qua đã xảy ra 6 lần đấu súng giữa lực lượng chức năng với nhóm tội phạm. “Các đối tượng trang bị vũ khí quân dụng, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả, vì thế lực lượng chức năng buộc phải nổ súng”, ông nói.

Ông khẳng định, trường hợp nhóm tội phạm ở Sơn La chỉ trang bị bán vũ trang thì lực lượng chức năng sẽ nổ súng cảnh báo, nếu chống cự thì mới tấn công sát thương… để đảm bảo nguyên tắc.

Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, dự thảo Luật đã quy định trường hợp nổ súng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, hoặc lạm dụng việc nổ súng để xâm phạm sức khỏe, tính mạng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Những trường hợp được nổ súng không cần cảnh báo

a) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin, mua bán và vận chuyển trái phép chất ma túy hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội trên;

b) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;

c) Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

d) Đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;

đ) Động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

(Dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ)

Võ Hải - Anh Minh

Theo VnExpress

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,200

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn