Thủ tục đăng ký bào chữa: Liệu có “bình mới rượu cũ”?

14/10/2016 16:30 PM

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 bỏ quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa và thay bằng thủ tục “đăng ký bào chữa”. Đây là quy định khiến nhiều người kỳ vọng xóa “giấy phép con”, đảm bảo kịp thời quyền có người bào chữa cho người phạm tội.

Thực tế cho thấy các luật sư tiến hành thủ tục “đăng ký bào chữa” vẫn gặp phải rất nhiều vướng mắc, thậm chí rắc rối không kém gì quy định cũ.

Nơi áp dụng, nơi không

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (LTTHS) hiện hành, trong thời hạn ba ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan, cơ quan điều tra, Viện KSND, TAND phải xem xét cấp giấy chứng nhận bào chữa, trường hợp từ chối phải nêu rõ lý do. Thế nhưng trên thực tế thời gian từ khi yêu cầu đến khi được cấp giấy chứng nhận kéo dài cả năm trời.

Trước nhiều ý kiến than phiền của các luật sư, Quốc hội đã yêu cầu phải bỏ quy định về việc cấp giấy chứng nhận bào chữa. Tuy nhiên, nếu không quy định thì trình tự tố tụng sẽ lỏng lẻo. Vì vậy ban soạn thảo Bộ LTTHS 2015 đã lồng ghép quy định “thủ tục đăng ký bào chữa”.

Theo đó, trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận đầy đủ giấy tờ của người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ, vào sổ đăng ký bào chữa và gửi thông báo cho người đăng ký.

Theo tìm hiểu, tại một số tòa án như TAND TP.HCM, TAND cấp cao tại Hà Nội... vẫn còn áp dụng việc cấp giấy chứng nhận bào chữa như cũ. Nhiều luật sư cho biết từ khi Bộ LTTHS 2015 bị lùi hiệu lực thi hành, có tòa án vẫn duy trì thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa, tuy nhiên một số cơ quan đã mạnh dạn áp dụng thủ tục đăng ký.

Sở dĩ có sự áp dụng không thống nhất quy định nêu trên bởi cả Bộ LTTHS và Bộ luật hình sự năm 2015 đều đã bị hoãn hiệu lực thi hành. Nghị quyết 144 của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành các bộ luật trên đã nêu rõ: “Áp dụng các quy định của Bộ LTTHS 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự”.

Tuy nhiên, việc hiểu như thế nào là quy định có lợi, hay áp dụng như thế nào đang là vấn đề bị bỏ ngỏ và chưa được giải thích cặn kẽ. Theo luật sư Nguyễn Minh Tâm - ủy viên Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư VN, thủ tục đăng ký bào chữa là quy định có lợi cho bị can, bị cáo. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này nên có cơ quan thích thì áp dụng, không thích thì thôi.

“Quy định đăng ký bào chữa hay thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa về bản chất không thay đổi. Luật cũ thì cấp giấy chứng nhận người bào chữa, luật mới thì cơ quan tố tụng ra thông báo về việc bào chữa.

Chung quy vẫn phải có giấy của cơ quan tố tụng, vẫn phải phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng. Như vậy có khác nào bình mới rượu cũ” - luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn luật sư TP Hà Nội, nhận định.

Cần có hướng dẫn

Bộ LTTHS 2015 chỉ quy định chung chung là “cơ quan tiến hành tố tụng kiểm tra giấy tờ và ra thông báo cho người đăng ký bào chữa”. Nhiều tòa án địa phương đã hỏi TAND tối cao cơ quan tố tụng trong trường hợp này là ai? Điều tra viên, kiểm sát viên hay thẩm phán có được quyền ra thông báo bào chữa hay chỉ lãnh đạo cơ quan mới được quyền ra thông báo?

Trao đổi về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Thị Thủy - vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, Viện KSND tối cao - cho biết hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể người cấp giấy chứng nhận bào chữa là ai.

“Đây không phải là chuyện quên hay sót. Chúng tôi đã đề xuất Ủy ban Tư pháp của Quốc hội với quan điểm là nên để điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán là người cấp giấy thông báo bào chữa chứ không đợi thủ trưởng đơn vị cấp. Có quy định như vậy mới bảo đảm được sự nhanh chóng, từ đó bảo đảm tốt hơn quyền bào chữa của các luật sư” - bà Thủy cho biết.

Quy định gửi thông báo bào chữa trong 24 giờ sau khi tiếp nhận hồ sơ trên thực tế không phải lúc nào cũng đáp ứng được. Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Viện KSND tối cao, cho rằng sau khi tiếp nhận thủ tục bào chữa, cơ quan tiếp nhận phải vào nhà tạm giữ, trại tạm giam hỏi ý kiến người bị buộc tội, sau đó mới thông báo cho người bào chữa. Nếu thuận lợi thì cấp thông báo trong vòng 24 giờ.

“Với các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng cấp trung ương thụ lý giải quyết, cơ quan tố tụng ở miền Bắc, người bị bắt, bị tạm giam ở trại tạm giam phía Nam thì việc gặp hỏi để lấy ý kiến người bị buộc tội, sau đó vào sổ đăng ký và thông báo cho người đăng ký bào chữa trong thời hạn 24 giờ là không thể thực hiện. Các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu để có văn bản hướng dẫn về vấn đề này” - bà Hương kiến nghị.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Chu Thành Quang, vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học TAND tối cao, cho biết đến thời điểm hiện tại, chưa có văn bản nào khẳng định phải áp dụng quy định đăng ký bào chữa của Bộ LTTHS 2015.

“Tuy nhiên, nghị quyết của Quốc hội đã nêu: áp dụng các quy định của Bộ LTTHS 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự, vì vậy việc áp dụng quy định trên là điều nên làm. Trước đây thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa rất rườm rà, phức tạp, bây giờ quy định mới đơn giản hơn thì nên áp dụng ngay để giảm tải gánh nặng thủ tục hành chính cho các cơ quan tiến hành tố tụng” - ông Quang cho biết.

Phải chế tài

“Vấn đề cấp giấy chứng nhận hay thủ tục đăng ký bào chữa lâu nay thường bị thực hiện không đúng quy định khiến rất nhiều luật sư bức xúc. Muốn làm tốt vấn đề này phải có chế tài nghiêm khắc với người tiến hành tố tụng.

Ví dụ trong thời hạn ra thông báo bào chữa mà anh không ra, hoặc kể từ ngày đã ra thông báo chấp nhận người bào chữa mà khi hỏi cung anh không mời luật sư, không có ý kiến bằng văn bản luật sư vắng mặt thì đây là lỗi vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Trong trường hợp này các bản cung không được chấp nhận và phải làm lại. Điều tra viên, kiểm sát viên giám sát vụ án phải bị xử lý kỷ luật” - luật sư Bùi Đình Ứng kiến nghị.

Tâm Lụa

Theo Tuổi trẻ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,053

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn