Giải đáp 36 thắc mắc thường gặp về chế độ hưu trí, tử tuất

30/09/2016 09:46 AM

Sau đây là tổng hợp các giải đáp thắc mắc của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan bảo hiểm xã hội… liên quan đến chế độ hưu trí, tử tuất.

Giải đáp 36 thắc mắc thường gặp về chế độ hưu trí, tử tuất

hưu trí tử tuất

STT

Thắc mắc

Giải đáp

1

Lương hưu và trợ cấp một lần khi nghỉ hưu

Ông Lê Quốc Vũ (Sóc Trăng) sẽ nghỉ hưu vào ngày 1/4/2017, ông có 39 năm 7 tháng công tác. Vậy, trước khi nghỉ hưu ông Vũ có được hưởng chế độ do đã đóng BHXH trên 30 năm không? Cách tính lương hưu của ông như thế nào?

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 56 Luật BHXH, từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 1/1/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.

Khoản 1, Điều 58 Luật BHXH quy định, người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

Về mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần, Điều 62 Luật BHXH quy định, đối với người lao động tham gia BHXH trước ngày 1/1/1995 mà có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Trường hợp của ông Vũ, khi nghỉ hưu (tháng 4/2017) nếu ông đã đủ 60 tuổi thì ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, mức hưởng được thực hiện theo quy định Khoản 1, Điều 58 Luật BHXH nêu trên.

Về cách tính lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, cơ quan BHXH sẽ căn cứ diễn biến thời gian đã đóng BHXH, tiền lương thực tế được ghi nhận tại sổ BHXH để xem xét, giải quyết theo quy định của Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Để được biết chi tiết, đề nghị ông liên hệ với cơ quan BHXH nơi ông đang đóng BHXH để được trả lời.

2

Điều kiện nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động

Bà Nguyễn Thị Thủy (Hà Nội) sinh tháng 7/1970, đóng BHXH từ tháng 6/1994. Nếu trong tháng 9/2016 bà đi giám định sức khỏe và được xác định suy giảm khả năng lao động 61% thì bà có được nghỉ hưởng chế độ hưu trí không?

Căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 55 Luật BHXH 2014, từ ngày 1/1/2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Đối chiếu quy định trên, theo như bà trình bày, nếu bà có kết quả giám định y khoa suy giảm khả năng lao động 61% trở lên trong tháng 9/2016 thì bà đủ điều kiện hưởng lương hưu từ tháng 10/2016.

3

Có được tính phụ cấp thâm niên nghề trong lương hưu?

Ông Nguyễn Quang Minh - Huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận hỏi:

Tôi sinh năm 1967, làm giáo viên và quản lý tại các trường tiểu học thuộc huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận từ tháng 10/1985-1/2015, hưởng lương theo mã ngạch 2 số đầu là 15, phụ cấp thâm niên 28%. Tháng 2/2015, tôi được điều động về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ninh Phước, hưởng lương ngạch chuyên viên. Tôi xin hỏi, tháng 11/2017, tôi nghỉ hưu thì phụ cấp thâm niên 28% trước đó của tôi có được tính trong lương hưu không?

Việc tính lương hưu của người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đã đóng BHXH bao gồm phụ cấp thâm niên nghề sau đó chuyển sang ngành nghề có hoặc không có phụ cấp thâm niên nghề rồi mới nghỉ hưu, được thực hiện theo quy định tại Khoản 6, Điều 9 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc và hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo nội dung ông trình bày, đối chiếu quy định tại Điểm d, Khoản 4, Điều 20 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH nêu trên thì: “Trường hợp người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đã đóng BHXH bao gồm phụ cấp thâm niên nghề sau đó chuyển sang các ngành nghề có hoặc không có phụ cấp thâm niên nghề, khi nghỉ hưu trong tiền lương tháng đóng BHXH của những năm cuối để tính lương hưu có thời gian đóng có phụ cấp thâm niên nghề có thời gian đóng không có phụ cấp thâm niên nghề, nếu mức lương hưu tính theo Điểm b khoản này thấp hơn thì được lấy tiền lương tháng đóng BHXH bao gồm phụ cấp thâm niên liền kề trước đó tương ứng với số năm quy định tại Khoản 1 Điều này, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ hưu để tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH”.

Như vậy, tại thời điểm ông Minh đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí, căn cứ sổ BHXH thể hiện diễn biến quá trình đóng BHXH của ông, cơ quan BHXH sẽ giải quyết theo quy định.

4

Mức bình quân tiền lương đóng BHXH để tính lương hưu

Ông Nguyễn Văn Tiến - Huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An hỏi: Tôi sinh ngày 8/1/1961, có 35 năm đóng BHXH. Hiện tôi là Ủy viên thường trực HĐND huyện, hưởng phụ cấp chức vụ 0,45 và đã đóng BHXH theo mức phụ cấp này được 5 năm. Do sắp xếp lại tổ chức bộ máy, sắp tới tôi sẽ giữ chức vụ khác có mức phụ cấp là 0,3 và tôi còn 4 năm 5 tháng nữa mới đủ tuổi nghỉ hưu. Vậy, khi tính lương hưu, tôi được tính theo mức phụ cấp 0,45 đã đóng BHXH 5 năm trước đây, hay tính theo mức phụ cấp 0,3 tôi phải đóng trong hơn 4 năm sắp tới?

Tại Điều 62 Luật BHXH quy định về mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người lao động tham gia BHXH trước ngày 1/1/1995 mà có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Trường hợp của ông Tiến, nếu có toàn bộ thời gian đóng BHXH từ trước tháng 1/1995 đến khi nghỉ hưu theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì khi nghỉ hưu mức bình quân tiền lương làm căn cứ tính lương hưu được thực hiện theo quy định nêu trên. Việc tính lương hưu cụ thể đối với trường hợp của ông được thực hiện trên cơ sở diễn biến quá trình công tác và tiền lương thực tế được ghi nhận trên sổ BHXH. Đề nghị ông liên hệ với cơ quan BHXH tỉnh Nghệ An hoặc BHXH huyện nơi ông công tác để được giải thích cụ thể.

5

Nghỉ hưởng chế độ hưu trước tuổi cần điều kiện gì?

Ông Đinh Quang Tạo - TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh hỏi:Tôi sinh ngày 1/8/1966 làm công nhân, đóng BHXH được 28 năm, trong đó có 19 năm làm nghề độc hại. Năm 2013 công ty không có việc làm, phải tái cơ cấu nên một số công nhân về nghỉ chờ chế độ theo Nghị định 91/2010/NĐ-CP. Năm 2016, tôi đủ 50 tuổi sang tuổi 51. Vậy, tôi có thể làm thủ tục hưởng chế độ hưu trí được không và cần các điều kiện gì?

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 15 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì “người lao động nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó có tổng thời gian làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành và thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu”.

Theo thư ông Tạo trình bày thì ông sinh tháng 8/1966, có thời gian tham gia BHXH được 28 năm, trong đó có 19 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

Đối chiếu với quy định trên thì ông sẽ được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi. Đề nghị ông liên hệ với cơ quan BHXH nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể.

6

Điều kiện nghỉ hưu theo đối tượng suy giảm khả năng lao động

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Quận 8, TP. Hồ Chí Minh hỏi:Tôi sinh ngày 26/1/1966, làm công nhân sửa máy trên tàu vận chuyển xi măng thuộc Công ty Xi măng Hà Tiên, đóng BHXH được 25 năm. Tháng 2/2016, tôi được Hội đồng giám định y khoa giám định mất sức lao động 64%. Tôi xin hỏi, trường hợp của tôi khi nào được hưởng lương hưu theo diện suy giảm khả năng lao động?

Theo nội dung ông trình bày, ông sinh tháng 1/1966, có thời gian tham gia BHXH được 25 năm, tháng 2/2016 ông được Hội đồng giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động 64%. Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, ông sẽ được nghỉ hưu vào tháng 2/2021 khi ông đủ 55 tuổi.

7

Trường hợp nào được điều chỉnh lương hưu?

Bà Đinh Thị Hoa - Tỉnh Hà Giang hỏi:Tôi sinh ngày 25/10/1955, vào ngành Giáo dục từ năm 1970 và đã công tác 40 năm liên tục, dạy mẫu giáo hệ dân lập. Tôi đóng BHXH bắt buộc từ tháng 1/1995 đến hết tháng 12/2010 là được 16 năm liên tục. Tôi đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH nên tôi đóng BHXH tự nguyện từ năm 2011 đến hết tháng 3/2014. Tổng số năm đóng BHXH là 20 năm. Tôi được nhận hưởng lương hưu từ tháng 4/2015, với số tiền hưu là: 561.300 đồng/tháng. Tôi xin hỏi, tôi có được tăng lương hưu lên mức lương cơ sở không?

Bà Hoa nghỉ hưu từ tháng 4/2015 thuộc đối tượng được điều chỉnh tăng 8% lương hưu theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 Nghị định số 55/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ.

Nếu mức lương hưu của bà sau khi điều chỉnh tăng 8% theo quy định mà thấp hơn 1.750.000 đồng/tháng thì được tăng thêm 250.000 đồng/tháng; nếu sau khi điều chỉnh tăng 8% mà lương hưu của bà cao hơn 1.750.000 đồng/tháng thì được tăng lên bằng 2.000.000 đồng theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 3 Nghị định số 55/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ.

Sau khi điều chỉnh như trên nếu lương hưu của bà thấp hơn mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng và bà có hồ sơ giấy tờ chứng minh có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non trước ngày 1/1/1995 thì lương hưu của bà được điều chỉnh bằng mức lương cơ sở hiện hành (1.210.000 đồng/tháng) theo quy định tại Khoản 4, Điều 3 Nghị định số 55/2016/NĐ-CP.

8

Đối tượng hưởng trợ cấp tuất

Bà Phạm Thị Chung - Huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An hỏi: Bố tôi là bộ đội về hưu năm 1993, chết năm 2002. Thời điểm đó, tôi có 3 người em dưới 18 tuổi; bà nội, bà ngoại trên 80 tuổi, mẹ tôi 44 tuổi. Vậy, trong gia đình tôi ai được hưởng trợ cấp tuất? Mẹ tôi năm nay 58 tuổi có được hưởng chế độ không? Nếu được thì hồ sơ gồm những gì?

Theo quy định tại Điều 32, Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/1/1995 của Chính phủ thì thân nhân (do bố của bà khi còn sống trực tiếp nuôi dưỡng) sau đây được hưởng tiền tuất hàng tháng:

- Con chưa đủ 15 tuổi (bao gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú được pháp luật công nhận, con đẻ mà khi người chồng chết người vợ đang mang thai). Nếu con còn đi học thì được hưởng tiền tuất hàng tháng đến khi đủ 18 tuổi.

- Bố, mẹ (cả bên vợ và bên chồng); vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp đã hết tuổi lao động (nam đủ 60 tuổi trở lên, nữ đủ 55 tuổi trở lên).

Những thân nhân của người lao động thuộc diện hưởng tiền tuất hàng tháng nêu trên có thu nhập ổn định bảo đảm mức sống tối thiểu (mức lương tối thiểu) thì không áp dụng được hưởng tiền tuất hàng tháng.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 33 thì số thân nhân được hưởng tiền tuất hàng tháng không quá 4 người và được hưởng kể từ ngày người lao động chết. Trường hợp đặc biệt do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết.

Khi bố của bà Chung chết, mẹ của bà lúc đó mới 44 tuổi không đủ điều kiện hưởng trợ cấp hàng tháng. Nay, mẹ bà 58 tuổi cũng không thuộc đối tượng được giải quyết bổ sung hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

9

Tính thời điểm hưởng lương hưu thế nào?

Bạn Bình Nguyên - TP Hồ Chí Minh hỏi: Trường hợp nhân viên nữ đã đủ 20 năm đóng BHXH, có ngày sinh như sau: Nếu sinh ngày 5/2/1961 thì thời gian nghỉ hưu ghi trong quyết định là tháng mấy (có phải là 5/2/2016)? Nếu sinh ngày 15/2/1961 thì thời gian nghỉ hưu ghi trong quyết định là tháng mấy (có phải là 1/3/2016)?

Tại Điều 18 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định thời điểm hưởng lương là ngày 1 tháng liền kề sau tháng sinh của năm mà người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu.

Trường hợp nữ lao động đã đủ 20 năm đóng BHXH sinh tháng 2/1961 thời điểm hưởng lương hưu 1/3/2016.

10

Cán bộ hưu từ trần, thân nhân hưởng chế độ gì?

Ông Trần Văn Hóa - Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng hỏi: Bố tôi có thời gian tham gia kháng chiến. Năm 1979, bố tôi nghỉ hưu, cấp bậc Thượng úy. Bố tôi chết ngày 29/2/2016 và bị cắt lương hưu từ tháng 3/2016. Tôi xin hỏi, như vậy có đúng không? Gia đình tôi được hưởng những chế độ gì?

Theo quy định của pháp luật về BHXH, trường hợp người đang hưởng lương hưu bị chết thì sẽ thôi hưởng lương hưu ở tháng liền kề tháng chết. Trường hợp bố của ông chết ngày 29/2/2016, thôi hưởng lương hưu từ tháng 3/2016 là đúng với quy định của pháp luật.

Đối với người đang hưởng lương hưu hàng tháng bị chết, thân nhân được hưởng các quyền lợi sau:

- Người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng phí bằng 10 lần mức tiền lương cơ sở tại tháng mà người nghỉ hưu chết.

- Thân nhân đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 67 Luật BHXH được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng quy định tại Điều 68 Luật BHXH

Trường hợp không có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng thì được giải quyết trợ cấp tuất một lần với mức hưởng quy định tại Khoản 2, Điều 70 Luật BHXH.

Đề nghị ông căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 111 Luật BHXH, hoàn thiện hồ sơ, nộp cho cơ quan BHXH nơi cư trú để được xem xét, giải quyết.

36

Căn cứ xét hưởng trợ cấp tuất với thân nhân bệnh binh

Anh của ông Đỗ Văn Tự (tỉnh Thanh Hóa) là bệnh binh, tỷ lệ mất sức lao động khi xuất ngũ là 51% và định kỳ 2 năm/lần được Hội đồng giám định y khoa nơi cư trú khám lại. Lần giám định gần nhất trước khi anh của ông Tự chết thì tỷ lệ mất sức lao động là 61%.

Nay, chị của ông Tự đủ 55 tuổi, khi chị của ông làm hồ sơ đề nghị được hưởng chế độ theo quy định thì được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Bỉm Sơn trả lời, trường hợp anh của ông chỉ được tính tỷ lệ mất sức lao động là 51% theo tỷ lệ mất sức khi xuất ngũ. Ông Tự hỏi, như vậy có đúng không?

Theo quy định, các biên bản giám định là căn cứ để xem xét, tiếp tục giải quyết chế độ bệnh binh, không phải là căn cứ để xem xét điều chỉnh nâng mức trợ cấp và giải quyết chế độ trợ cấp tuất đối với thân nhân bệnh binh.

Vì vậy trường hợp của chị ông Tự không thuộc diện áp dụng chế độ tiền tuất đối với thân nhân bệnh binh.

Thanh Hữu (tổng hợp)

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 25,118

Bài viết về

Giải đáp thắc mắc về bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn