Thông tư hướng dẫn trái Nghị định khiến nhạc sĩ bức xúc

14/04/2016 08:40 AM

Thông tư 01/2016 do Bộ VH-TT&DL ban hành, hướng dẫn Nghị định 79/2012 đang khiến nhiều nhạc sĩ bức xúc vì tước đi quyền tác giả chính đáng của họ.

thông tư 01/2016/TT-BVHTTDL

Quyền tác giả được quy định trong Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012  được Chính phủ mới thông qua.

Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012 được Chính phủ mới thông qua (còn gọi là Nghị định 15/2016) quy định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang gửi Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở VH-TT&DL phải có “một văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thoả thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả”.

Những tưởng đây là niềm vui đối với nhiều nhạc sĩ vì quyền tác giả được quy định trong văn bản pháp luật. Nhưng ngay sau đó, Thông tư 01/2016  do Bộ VH-TT&DL ban hành, hướng dẫn Nghị định này lại khiến nhiều nhạc sĩ không khỏi bức xúc, vì tước đi quyền tác giả chính đáng của họ.

Thông tư này ban hành kèm theo mẫu Đơn cam kết số 14, hoàn toàn trái với tinh thần của Nghị định 15/2016. 

Tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả bị gạt ra ngoài

Trong mẫu Đơn cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thanh toán nhuận bút, thù lao sử dụng tác phẩm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, thay vì quy định cá nhân, đơn vị tổ chức phải xin phép, cam kết chi trả nhuận bút, thù lao với các tác giả, thì chỉ quy định cá nhân, tổ chức cam kết với đơn vị đăng ký nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang (tức Cục Nghệ thuật biểu diễn). 

Sáng ngày 13-4, trong cuộc gặp gỡ báo chí, phản ánh sự bất cập của Thông tư này, ông Phó Đức Phương - giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) bức xúc:

“Thông tư 01/2016 lập lờ và làm trái với Nghị định 15/2016  bằng cách kèm theo một mẫu văn bản xin cấp phép biểu diễn, trong đó có hướng dẫn người đi xin phép đơn phương ký vào cam kết chi trả nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, để gửi cho Cục nghệ thuật biểu diễn. Các tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả bị các cơ quan quản lý nhà nước gạt ra ngoài, không kiểm soát được quyền sở hữu tác phẩm hợp pháp của mình”. 

Ông Đỗ Khắc Chiến - nguyên phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả cũng cho rằng, các quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả đã được ghi rõ trong điều 20, Luật Sở hữu trí tuệ, nhưng lại không được tôn trọng trong Thông tư trên. 

“Mẫu đơn số 14 của Thông tư, chỉ thấy sự cam kết của đơn vị, cá nhân tổ chức với đơn vị cấp phép biểu diễn, mà không thấy các tác giả - chủ sở hữu tài sản của họ đâu cả. Cũng không có ai đứng ra làm chứng về thoả thuận đó. Nên đó chỉ là lời tuyên bố đơn phương, không có gì ràng buộc họ phải thực hiện cả.

Thông tư lẽ ra phải hướng dẫn theo tinh thần của Nghị định. Nhưng Thông tư 01/2016, thậm chí còn làm sai lệnh tinh thần Nghị định, bởi cam kết giữa hai bên (bao gồm tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả) khác hoàn toàn với một bản tự cam kết. Thông tư này vô cùng tác hại đối với nhiều vấn đề về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở VN. Nhiều đơn vị, cá nhân, có thể lợi dụng kẽ hở của Thông tư này để không thi hành những quy định của pháp luật về quyền tác giả”.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cũng khẳng định, cơ quan quản lý nhà nước không có quyền thay mặt các nhạc sĩ, để thực hiện cam kết về quyền tác giả, nếu chưa được các nhạc sĩ cho phép. 

thông tư 01/2016/TT-BVHTTDL

Mẫu đơn cam kết đi kèm Thông tư 01 Ảnh 0694: Quy định về quyền tác giả trong Nghị định 15/2016/NĐ-CP - Ảnh: V.V.Tuân

Nhiều điểm bất hợp lý

Xung quanh vấn đề này, luật sư Lê Quang Vy (Đoàn luật sư TP HCM) phân tích thêm những điểm bất hợp lý của Thông tư 01/2016:

“Đơn cam kết theo Thông tư số 01, không lấy gì đảm bảo cho chủ sở hữu quyền tác giả, bởi lẽ: đây là tài sản của tác giả, nên người sử dụng phải cam kết với chính tác giả chứ tại sao lại đi cam kết với cơ quan cấp phép? (là đơn vị không sở hữu quyền); phải cam kết với tác giả để nếu khi tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm không thực hiện đúng cam kết thì tác giả có cơ sở đề khởi kiện; mẫu đơn cam kết của Thông tư 01 cũng không quy định thời hạn thực hiện cam kết, như vậy cứ cam kết, cơ quan cấp phép cứ cấp phép, sử dụng xong tác giả (nếu biết) đi đòi tiền tác quyền cũng chỉ nhận lời hứa là sẽ trả như đơn cam kết mà không rõ một thời hạn nào?”.

Ông Vy cũng nói thêm, mẫu đơn cam kết của Thông tư 01 thực hiện theo Điều 11, Nghị định 21/2015 là không hợp lý, bởi tại Điều 1, Nghị định này quy định rõ đối tượng điều chỉnh theo Nghị định là các tổ chức, cá nhân, sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm bằng nguồn kinh phí nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm mà chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.

Do đó, mẫu Đơn cam kết được ban hành theo Thông tư số 01/2016 không phù hợp với các đơn vị dân doanh cũng như các tác phẩm không thuộc quyền sử hữu quyền tác giả của Nhà nước.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết, sắp tới, ông cùng các nhạc sĩ khác sẽ có công văn gửi phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Ủy ban văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội và Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện để phản ánh vấn đề này. 

VŨ VIẾT TUÂN - TRÀ MY

Theo Tuổi trẻ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,575

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn