Bản án tù giam với bị cáo chưa tròn 16 tuổi dưới góc nhìn luật sư

14/03/2016 09:22 AM

Phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Mai Trung Tuấn phạm tội “Cố ý gây thương tích” đã khép lại được hơn một tuần nhưng dường như dư âm về vụ án vẫn còn chưa dứt. Vụ án thu hút sự quan tâm lớn của dư luận xã hội bởi Nguyễn Mai Trung Tuấn thực hiện hành vi phạm tội khi chưa tròn 16 tuổi.

luật sư trương anh tú

Để có cái nhìn đa chiều về vụ án này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi ý kiến với Luật sư Trương Anh Tú - Chi hội Luật sư vì Quyền trẻ em - Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Luật sư Trương Anh Tú bày tỏ quan điểm : Nhắc lại nội dung vụ án, ở giai đoạn sơ thẩm, sau khi TAND huyện Thạnh Hóa (Long An) ra bản án tuyên Tuấn phạm tội và phạt Tuấn 46 tháng tù giam, các luật sư cũng như các chuyên gia về hình sự đã phân tích rất kỹ những vi phạm nghiêm trọng của cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án cấp sơ thẩm. Đặc biệt là việc giám định tỉ lệ thương tật của nạn nhân trong vụ án này vừa không đúng với thương tích, vừa vi phạm nghiêm trọng thủ tục.

Luật sư Trương Anh Tú: Không tự nhiên khi ban hành Bộ luật hình sự, Nhà nước lại dành riêng hẳn một chương để quy định về đường lối xử lý với người chưa thành niên phạm tội.

Về thời điểm thực hiện hành vi phạm tội của Tuấn, không cần phải tranh luận thì tất cả cũng đều rõ Tuấn thực hiện hành vi phạm tội khi chưa tròn 16 tuổi, độ tuổi được coi là người chưa thành niên theo pháp luật hình sự, do vậy khi xét xử cần phải áp dụng đường lối xử lý đối với người chưa thành niên theo quy định tại chương X Bộ luật hình sự nhưng phải chăng hai cấp Tòa án thuộc tỉnh Long An đã phớt lờ những quy định này. Có thể nói, đây là một tình tiết vô cùng quan trọng quyết định tới việc đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự hay không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với em Tuấn.

Sau phiên tòa sơ thẩm, Nguyễn Mai Trung Tuấn đã kháng cáo bản án sơ thẩm. Quá trình các cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) tỉnh Long An giải quyết vụ án có nhiều vấn đề còn mâu thuẫn, nhất là trong vấn đề giám định thương tật nhưng TAND tỉnh Long An vẫn kết án Nguyễn Mai Trung Tuấn 30 tháng tù giam.

Với cách giải quyết như trên của các CQTHTT tỉnh Long An đã chưa cho người dân thấy được bản chất tốt đẹp của nhà nước ta, một nhà nước mà quyền của trẻ em được đề cao và được quy định rất rõ trong nhiều văn bản như Hiến Pháp, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em…

Khoản 1 Điều 3 Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc năm 1990 mà Việt Nam là một thành viên tham gia có quy định rất rõ:“Trong mọi hoạt động liên quan tới trẻ em, dù được thực hiện bởi các cơ quan phúc lợi xã hội của nhà nước hay tư nhân, bởi tòa án, các nhà chức trách hành chính hay cơ quan pháp luật, thì lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu.”.

nguyễn mai trung tuấn

Nguyễn Mai Trung Tuấn bị TAND tỉnh Long An tuyên phạt 30 tháng tù khi chưa đủ 16 tuổi.

Để phù hợp với công ước trên, khoản 3 Điều 36 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004  của Viêt Nam cũng quy định rõ:“Việc xử lý trẻ em có hành vi vi phạm pháp luật chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ để trẻ em nhận thấy sai lầm, sửa chữa sai lầm và tiến bộ.”. Đối chiếu cách giải quyết vụ án của các CQTHTT tỉnh Long An thì có thể thấy rằng các cơ quan này chưa thực sự lĩnh hội tinh thần của những quy định trên.

Đành rằng hành hành vi của Tuấn đã thực hiện đối với người bị hại là sai, đáng bị lên án, tuy nhiên đúng hay sai, trách nhiệm của Tuấn đến đâu thì những cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ án cũng cần tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật cũng như Công ước mà Việt Nam là một thành viên tham gia. Hành vi của Tuấn là sai trái, nhưng khi đánh giá về nguyên nhân dẫn tới hành vi của Tuấn thì chúng ta thấy rằng có phần trách nhiệm của cộng đồng, xã hội, gia đình và nhà trường trong đó. Do vậy, chúng ta không thể đổ hết hậu quả lên đầu con trẻ.

Không tự nhiên khi ban hành Bộ luật hình sự, Nhà nước lại dành riêng hẳn một chương để quy định về đường lối xử lý với người chưa thành niên phạm tội. Bởi lẽ những quy định này được đưa ra là dựa trên cơ sở của tâm lý tội phạm học, theo đó, người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như tâm - sinh lý, trình độ nhận thức và kinh nghiệm sống của họ còn bị hạn chế… Trong các đặc điểm tâm lí của của người chưa thành niên như Tuấn, có hai khuynh hướng nổi bật liên quan đến tội phạm và khả năng giá giáo dục, cải tạo của họ. Người chưa thành niên là người dễ bị người khác dụ dỗ, kích động, thúc đẩy vào viện thực hiện tội phạm nhưng do ý thức phạm tội của họ chưa cao và chưa chắc chắn nên cũng dễ uốn nắn, cải tạo, giáo dục họ thành người có ý cho xã hội.

Do vậy trong vụ án này, thiết nghĩ chúng ta là những người lớn đừng nên cố chấp với Tuấn nữa mà cần bao dung hơn với Tuấn. Hãy để em được đến trường, học tập và trở thành một công dân có ích chứ không “ăn thua” với Tuấn, buộc em trở thành một tên tội phạm, sau khi mãn hạn tù trở thành một người bị xã hội hắt hủi, ghẻ lạnh. Đây cũng là mầm mống cho những hậu quả xấu của xã hội mà chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa ngay từ lúc này.

Anh Thế (ghi)

Theo Dân trí

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,561

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn