Gỡ vướng cho Hải quan TP.HCM khi thực hiện Thông tư 38

25/05/2015 08:32 AM

Báo Hải quan đã trao đổi với Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) về những vướng mắc của Hải quan TP.HCM trong quá trình thực hiện Thông tư 38/2015/TT-BTC về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan theo những quy định mới của Luật Hải quan.

Công chức Hải quan cảng Sài Gòn KV 1 kiểm tra hàng NK. Ảnh: THUHÒA

Hải quan TP.HCM gặp vướng mắc, tại Khoản 2 Điều 3 quy định về các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, hồ sơ khai bổ sung, hồ sơ đăng ký Danh mục hàng hoá miễn thuế, hồ sơ báo cáo sử dụng hàng hóa miễn thuế, hồ sơ xét miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, hồ sơ đề nghị xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa, hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế, hồ sơ nộp dần tiền thuế nợ, hồ sơ xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, hồ sơ đề nghị xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp cho cơ quan Hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc nộp bản giấy theo quy định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan... ngoài hồ sơ bản giấy phải nộp trực tiếp, DN nộp hồ sơ điện tử qua hệ thống thì kiểm tra như thế nào? CBCC có quyền yêu cầu DN nộp hồ sơ giấy để kiểm tra không? Nếu có trong trường hợp nào?

Trả lời vướng mắc này, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, cơ quan Hải quan chỉ kiểm tra hồ sơ do DN xuất trình trên hệ thống. Không yêu cầu DN nộp bản giấy, trường hợp nộp bản giấy đề nghị quy định rõ các chứng từ phải nộp bản giấy.

Vướng mắc tại Điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định bỏ hợp đồng, hóa đơn thương mại, bảng kê chi tiết hàng hóa trong hồ sơ hải quan. Với quy định này, Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, không có bảng kê chi tiết hàng hóa thì công chức Hải quan rất khó khăn trong việc kiểm hóa tỷ lệ hàng hóa; nếu không có hợp đồng thì không thể phân biệt hàng thương mại và hàng phi mậu dịch, hàng sửa chữa theo hợp đồng dịch vụ sửa chữa và những trường hợp khác. Bên cạnh đó, DN không khai hợp đồng gia công, sản xuất XK thì làm cách nào để biết được DN thực hiện hợp đồng lần đầu để tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất theo quy định. DN gia công không thông báo hợp đồng gia công thì căn cứ vào đâu để biết DN thực hiện gia công và thực hiện thủ tục cho DN. Nếu DN đăng kí tờ khai NK, tờ khai XK ở nhiều chi cục khác nhau thì xử lý như thế nào, ai sẽ chịu trách nhiệm quản lý DN, kiểm tra cơ sở sản xuất, kiểm tra tình hình sử dụng nguyên phụ liệu vật tư...

Với vướng mắc này, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, theo quy định thì cơ quan Hải quan không yêu cầu nộp giấy đăng ký trong hồ sơ hải quan. Cơ quan Hải quan chỉ căn cứ vào giấy thông báo kết quả kiểm tra hoặc giấy thông báo miễn kiểm tra để thực hiện thông quan. Hàng thuộc diện XK, NK theo quy định của bộ, ngành quản lý thì thực hiện theo chính sách quản lý.

Tại Điều 20 Thông tư 38 quy định về các trường hợp khai bổ sung, Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, DN được khai bổ sung trong các trường hợp, sau khi hệ thống phân luồng tờ khai nhưng trước thời điểm kiểm tra trực tiếp hồ sơ hải quan là không phù hợp với Luật Hải quan 2014. Đối với trường hợp, DN tự phát hiện và khai sau thời điểm cơ quan Hải quan kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa nhưng trước khi thông quan và bị xử lý theo quy định. Việc xử phạt trong trường hợp này là không phù hợp. Nếu DN để hàng hóa thông quan rồi mới khai bổ sung thì không bị phạt.

Đối với trường hợp, người khai hải quan thực hiện khai bổ sung theo yêu cầu của cơ quan Hải quan khi kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa và bị xử lý theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, quy định việc xử lý trong trường hợp này là không phù hợp vì: Khi kiểm tra thực tế hàng hóa, nếu phát hiện hàng cấm, hàng thừa, hàng không đúng khai báo thì DN có phải khai báo bổ sung không? Khi đó hành vi được xử lý như thế nào khi DN có khai báo với cơ quan Hải quan.  Đối với những vướng mắc này, Cục Hải quan TP.HCM đề nghị Tổng cục Hải quan có hướng dẫn cụ thể, thống nhất quan điểm xử phạt trong trường hợp DN tự phát hiện, trước khi cơ quan Hải quan kiểm tra, thanh tra thì không bị xử lý (bao gồm cả trường hợp tự phát hiện sau khi cơ quan Hải quan kiểm tra hồ sơ đến trước khi thông quan hàng).

Giải đáp vướng mắc này, Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, quy định tại Thông tư 38/2014/TT-BTC đã làm rõ hơn quy định “thời điểm thông báo việc kiểm tra” tại Luật Hải quan 2014. Tại Thông tư 38 chỉ quy định các trường hợp về khai bổ sung. Việc xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo các quy định về xử lý vi phạm hành chính.

Cục Hải quan TP.HCM cho rằng quy định về trách nhiệm người khai hải quan quy định tại Điều 20 chưa cụ thể về hồ sơ khai bổ sung, điều kiện khai bổ sung, và đề nghị hướng dẫn và bổ sung các điều kiện để xem xét, giải quyết cho DN khai bổ sung. Theo đại diện của Cục Giám sát quản lý về hải quan, so với quy định cũ, quy định mới tại Luật Hải quan 2014 và hướng dẫn tại Thông tư 38/2015/TT-BTC đã bỏ điều kiện về khai hải quan, theo Luật Hải quan 2014, khai hải quan thuộc vào quyền của người khai hải quan.

Còn trách nhiệm người khai hải quan phải nộp chứng từ chứng minh hàng hóa không XK, theo đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan, đối với hàng XK, chứng từ chứng minh là văn bản cam kết của người khai hải quan. Đối với hàng NK, tùy vào từng trường hợp cụ thể (ví dụ: Xác nhận không có thông báo hàng đến của hãng tàu; văn bản xác nhận không giao hàng của chủ hàng nước ngoài).

Đối với vướng mắc về quy định phải có giấy phép khi thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa có phù hợp Nghị định 08/2015/NĐ-CP; hàng hóa chuyển tiêu thụ nội địa có buộc phải kiểm tra thực tế hàng hóa để xác định DN có sử dụng hàng hóa trước khi thông quan không? Đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, trường hợp hàng hóa đã có giấy phép tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu thì thực hiện theo quy định tại điểm a.

Trường hợp chưa thực hiện theo quy định tại điểm a thì khi làm thủ tục chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc đồng ý bằng văn bản.

Bên cạnh đó, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, việc kiểm tra thực tế thực hiện trên nguyên tắc quản lý rủi ro, vì vậy, tại Thông tư 38 không quy định cụ thể nội dung này.

Một số vướng mắc khác mà Hải quan TP.HCM đề xuất như: Xây dựng chương trình để kết xuất tờ khai phải hủy thuộc luồng Xanh; nên mở rộng chức năng giám định của các Trung tâm PTPL để phục vụ cho việc giám định của cơ quan Hải quan để hạn chế thủ tục thanh toán chi phí giám định; Việc thanh toán chi phí phát sinh trong trường hợp không phát hiện vi phạm; Mẫu đơn đề nghị đưa hàng hóa về bảo quản 09/BQHH/GSQL không thể hiện số tờ khai, tên hàng, vận đơn... Cục Giám sát quản lý về hải quan ghi nhận và sẽ đưa vào quy trình hướng dẫn rõ thêm hoặc theo hướng giao cho Vụ Tài vụ quản trị nghiên cứu, báo cáo lãnh đạo Tổng cục triển khai thực hiện.

Thu Trang

Theo Báo Hải Quan

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,787

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn