HỎI - ĐÁP VỀ COVID-19 20/04/2020 14:10 PM

Bị cho nghỉ việc do Covid-19 được nhận các khoản trợ cấp nào?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Thanh Lợi
20/04/2020 14:10 PM

Xin hỏi người lao động bị cho nghỉ việc do công ty bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có thể nhận được các khoản hỗ trợ nào (đối với lao động có hợp đồng và không có hợp đồng)? - Đây là câu hỏi của bạn Kim Xuân (Email: xuankim****@gmail.com)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đối với người lao động (NLĐ) có hợp đồng lao động (HĐLĐ)

Căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 38 Bộ luật lao động 2012 và Điểm a Khoản 2 Điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ nếu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. Nhưng phải báo cho người lao động biết trước:

- Ít nhất 45 ngày nếu là HĐLĐ không xác định thời hạn;

- Ít nhất 30 ngày nếu là HĐLĐ xác định thời hạn;

- Ít nhất 03 ngày làm việc nếu là HĐLĐ theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Khi bị công ty chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp này, NLĐ có thể nhận được các khoản trợ cấp sau đây:

* Một là, khoản trợ cấp thôi việc

Khi HĐLĐ chấm dứt công ty có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Trong đó:

- Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho công ty trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và thời gian làm việc đã được công ty chi trả trợ cấp thôi việc.

- Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 06 tháng liền kề trước khi NLĐ thôi việc.

* Hai là, khoản trợ cấp thất nghiệp (TCTN)

Căn cứ Điều 49 Luật việc làm 2013 thì NLĐ đang đóng BHTN được hưởng TCTN khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Chết.

Do đó, nếu NLĐ bị công ty chấm dứt HĐLĐ theo Điểm c Khoản 1 Điều 38 Bộ luật lao động 2012 (kể trên) và đã có thời gian đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ đối với HĐLĐ xác định thời hạn, không xác định thời hạn; hoặc đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ đối với HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng thì có thể nộp hồ sơ hưởng TCTN cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận TCTN để được giải quyết hưởng TCTN.

Mẫu Đơn Đề Nghị Hưởng Trợ Cấp Thất Nghiệp

Thời gian hưởng TCTN được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng TCTN, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng TCTN nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Mức hưởng TCTN hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm chấm dứt HĐLĐ.

Trường hợp NLĐ không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được Nhà nước hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 với mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng, thời gian áp dụng từ tháng 4/6/2020.

2. Đối với NLĐ không có giao kết HĐLĐ (còn được gọi là lao động tự do)

NLĐ làm việc không có giao kết HĐLĐ khi nghỉ việc không được nhận trợ cấp thôi việc cũng như TCTN.

Trong trường hợp này, người lao động sẽ được Nhà nước hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 với mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng, thời gian áp dụng từ tháng 4/6/2020.

Thanh Lợi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 18,998

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn