Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 127/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính cưỡng chế thi hành quyết định lĩnh vực hải quan

Số hiệu: 127/2013/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 15/10/2013 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Tăng mức phạt vi phạm về giám sát hải quan

Chính phủ đã ban hành Nghị định 127/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Theo đó, hành vi vi phạm quy định về giám sát hải quan sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng thay vì từ 5 đến 15 triệu đồng như quy định tại Nghị định 18/2009/NĐ-CP, các hành vi gồm:
 
- Tự ý phá niêm phong hải quan;
- Tự ý thay đổi bao bì, nhãn hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan;
- Không bảo quản nguyên trạng hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan hoặc hàng hóa được giao bảo quản theo quy định của pháp luật chờ hoàn thành việc thông quan.
 
Ngoài ra, hành vi vận chuyển hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, hàng kinh doanh TN-TX… không đúng tuyến đường, cửa khẩu, thời gian quy định mà không có lý do xác đáng sẽ bị xử phạt từ 10 đến 20 triệu.
 
Nghị định 127 có hiệu lực từ ngày 15/12/2013.

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 127/2013/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2013

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HẢI QUAN

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật hải quan ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hải quan ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật quản lý thuế ngày 29 tháng 11 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Chương 1.

XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HẢI QUAN

MỤC 1. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Chương này quy định hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền xử phạt; thủ tục xử phạt vi phạm hành chính; việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan quy định tại Nghị định này bao gồm:

a) Vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục hải quan;

b) Vi phạm các quy định của pháp luật về kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;

c) Vi phạm các quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi tắt là thuế);

d) Vi phạm các quy định pháp luật khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

3. Các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực hải quan nhưng không được quy định tại Nghị định này mà được quy định tại các văn bản pháp luật khác thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại các văn bản đó.

Điều 2. Tình tiết giảm nhẹ trong lĩnh vực hải quan

1. Các tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 9 Luật xử lý vi phạm hành chính.

2. Vi phạm lần đầu.

3. Tang vật vi phạm có trị giá không quá 50% mức tiền phạt tối thiểu của khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm.

Điều 3. Thời hiệu xử phạt hành chính trong lĩnh vực hải quan

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm pháp luật về thuế trong lĩnh vực hải quan:

a) Đối với vi phạm hành chính là hành vi trốn thuế, gian lận thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được miễn, giảm, hoàn thì thời hiệu xử phạt là 05 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.

b) Quá thời hiệu xử phạt vi phạm pháp luật về thuế thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn hoặc số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trong thời hạn mười năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế.

2. Thời hiệu xử phạt đối với các hành vi vi phạm khác ngoài các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này thì thực hiện theo quy định tại Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính.

3. Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến thì thời hiệu được áp dụng theo quy định tại Điểm a Khoản 1, Khoản 2 Điều này.

Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

4. Trong thời hạn được quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này mà cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

Điều 4. Mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức

1. Mức phạt tiền quy định tại Mục 2 Chương I Nghị định này là mức phạt đối với tổ chức; mức phạt đối với cá nhân bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

2. Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 9, Khoản 1 Điều 14 Nghị định này là mức xử phạt đối với cá nhân.

3. Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật về thuế quy định tại các Điều 8 Nghị định này là mức phạt tiền được áp dụng đối với cá nhân và tổ chức theo quy định tại Khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế ngày 20 tháng 11 năm 2012.

Điều 5. Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

1. Các trường hợp không xử phạt theo quy định tại Điều 11 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Hàng hóa, phương tiện vận tải được đưa vào lãnh thổ Việt Nam do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng thì phải thông báo với cơ quan hải quan hoặc cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật; hàng hóa, phương tiện vận tải đó phải được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam sau khi các yếu tố nêu trên được khắc phục.

2. Nhầm lẫn trong quá trình nhập khẩu, gửi hàng hóa vào Việt Nam nhưng đã được người gửi hàng, người nhận hoặc người đại diện hợp pháp thông báo bằng văn bản với cơ quan hải quan, được thủ trưởng cơ quan hải quan nơi tiếp nhận và xử lý hồ sơ chấp nhận trước thời điểm quyết định kiểm tra thực tế hàng hóa hoặc quyết định miễn kiểm tra thực tế hàng hóa; trừ trường hợp hàng hóa nhập khẩu là ma túy, vũ khí, tài liệu phản động, hóa chất độc Bảng I trong Công ước cấm vũ khí hóa học.

3. Các trường hợp được sửa chữa, khai bổ sung theo quy định của pháp luật.

4. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại Điều 8, Điều 13 Nghị định này nhưng số tiền thuế chênh lệch không quá 500.000 đồng đối với trường hợp vi phạm do cá nhân thực hiện hoặc 2.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm do tổ chức thực hiện.

5. Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không đúng với khai hải quan về số lượng, trọng lượng quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và Khoản 4 Điều 7 Nghị định này mà hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không đúng với khai hải quan có trị giá không quá 10% trị giá hàng hóa thực xuất khẩu, thực nhập khẩu, nhưng tối đa không quá 10.000.000 đồng.

6. Khai đúng tên hàng hóa thực xuất khẩu, nhập khẩu nhưng khai sai mã số, thuế suất lần đầu.

7. Vi phạm quy định về khai hải quan đối với ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, vàng của người xuất cảnh, nhập cảnh mà tang vật vi phạm có trị giá dưới 5.000.000 đồng.

MỤC 2. CÁC HÀNH VI VI PHẠM, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Điều 6. Vi phạm quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan, nộp hồ sơ thuế

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Khai, nộp hồ sơ hải quan không đúng thời hạn quy định, trừ vi phạm quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ Khoản 2; Điểm a, b Khoản 3; Khoản 4 Điều này;

b) Không nộp đúng thời hạn chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chậm nộp theo quy định của pháp luật hải quan.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không khai báo và làm thủ tục đúng thời hạn quy định khi thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa đã được xác định thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế;

b) Không nộp hồ sơ đúng thời hạn quy định để báo cáo, thanh khoản, quyết toán, xét hoàn thuế;

c) Không làm thủ tục xử lý đúng thời hạn quy định đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm, máy móc thiết bị thuê mượn thuộc hợp đồng gia công theo phương án đã đăng ký trong hồ sơ thanh khoản;

d) Không tái xuất, tái nhập hàng hóa đúng thời hạn quy định hoặc thời gian đã đăng ký với cơ quan hải quan, trừ vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều này;

đ) Không tái xuất, tái nhập phương tiện vận tải của cá nhân, tổ chức ở khu vực biên giới thường xuyên qua lại khu vực biên giới đúng thời hạn quy định;

e) Không chấp hành đúng chế độ báo cáo, cung cấp và khai báo thông tin hàng hóa chịu sự giám sát, quản lý hải quan tại khu phi thuế quan theo quy định của pháp luật;

g) Điều chỉnh định mức sản xuất sản phẩm gia công; định mức sản xuất sản phẩm xuất khẩu từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu không đúng thời hạn quy định;

h) Vi phạm quy định khác về thời hạn khai thuế theo quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tái xuất hàng hóa tạm nhập thuộc diện miễn thuế, hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất đúng thời hạn quy định;

b) Không tái xuất, tái nhập phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh đúng thời hạn quy định, trừ trường hợp xử phạt theo Điểm đ Khoản 2 Điều này;

c) Lưu giữ hàng hóa quá cảnh trên lãnh thổ Việt Nam quá thời hạn quy định.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này mà phương tiện vi phạm là ô tô dưới 24 chỗ ngồi.

5. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tái xuất hàng hóa tạm nhập, phương tiện vận tải tạm nhập đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm d, đ Khoản 2; Điểm a, b Khoản 3 và Khoản 4 Điều này trừ trường hợp được phép tiêu thụ hàng hóa tại Việt Nam theo quy định;

b) Buộc đưa hàng hóa ra khỏi Việt Nam đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều này.

Điều 7. Vi phạm quy định về khai hải quan

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không khai hoặc khai không đúng các nội dung trên tờ khai hải quan mà không thuộc các trường hợp nêu tại các Khoản 2, 3, 4 Điều này và Điều 8, Điều 13, Điều 14 Nghị định này;

b) Không khai hoặc khai sai so với thực tế về tên hàng, chủng loại, số lượng, trọng lượng, xuất xứ hàng hóa là hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không khai hoặc khai sai so với thực tế về tên hàng, chủng loại, số lượng, trọng lượng, chất lượng, trị giá, xuất xứ hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Hàng hóa từ nước ngoài vào cảng trung chuyển, khu phi thuế quan hoặc từ cảng trung chuyển, khu phi thuế quan ra nước ngoài hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa để gia công, sửa chữa, bảo hành; trừ vi phạm quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 13 Nghị định này;

b) Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu;

c) Hàng hóa sử dụng, tiêu hủy trong khu phi thuế quan;

d) Khai không đồng nhất theo quy định giữa tên hàng với các tiêu chí của hàng hóa đăng ký trên danh mục nguyên vật liệu nhập khẩu và danh mục sản phẩm xuất khẩu hoặc giữa danh mục đăng ký với thực tế quản lý tại doanh nghiệp chế xuất.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không khai hoặc khai sai so với thực tế về tên hàng, chủng loại, xuất xứ, số lượng, trọng lượng, chất lượng, trị giá đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế theo quy định của pháp luật;

b) Lập và khai không đúng các nội dung trong hồ sơ thanh khoản, báo cáo về hàng hóa của doanh nghiệp trong khu phi thuế quan;

c) Không khai nguyên vật liệu gia công tự cung ứng;

d) Thay đổi địa chỉ cơ sở sản xuất hàng gia công mà không thông báo cho cơ quan hải quan theo quy định pháp luật;

đ) Khai tăng so với định mức sản xuất sản phẩm gia công; định mức sản xuất sản phẩm xuất khẩu từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi khai khống về tên hàng, số lượng, trọng lượng, trị giá hàng hóa xuất khẩu; trừ trường hợp vi phạm quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 13 Nghị định này.

5. Vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này mà có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, được hoàn; gian lận, trốn thuế thì xử phạt theo Điều 8 hoặc Điều 13 Nghị định này.

Điều 8. Vi phạm quy định về khai thuế

Người nộp thuế có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, được hoàn thì bị xử phạt như sau:

1. Trường hợp người nộp thuế tự phát hiện và khai bổ sung hồ sơ khai thuế quá 60 (sáu mươi) ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhưng trước khi cơ quan hải quan kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế thì bị xử phạt 10% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế được miễn, giảm, được hoàn cao hơn so với quy định của pháp luật về thuế.

2. Phạt 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế được miễn, giảm, được hoàn cao hơn so với quy định của pháp luật về thuế đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không khai hoặc khai sai về tên hàng, chủng loại, số lượng, trọng lượng, chất lượng, trị giá, mã số hàng hóa, thuế suất, xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà cơ quan hải quan phát hiện trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; trừ các hành vi quy định tại Điều 13 Nghị định này;

b) Vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này mà bị phát hiện sau khi hàng hóa đã thông quan nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm đã tự nguyện nộp đủ số tiền thuế phải nộp theo quy định trước thời điểm lập biên bản vi phạm;

c) Khai sai về đối tượng không chịu thuế;

d) Khai tăng định mức sản xuất sản phẩm gia công; định mức sản xuất sản phẩm xuất khẩu từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu so với thực tế sử dụng;

đ) Sử dụng hàng hóa trong hạn ngạch thuế quan không đúng quy định;

e) Lập và khai không đúng các nội dung trong hồ sơ quyết toán thuế, hồ sơ thanh khoản, hồ sơ miễn thuế, hồ sơ xét miễn, giảm thuế, hoàn thuế;

g) Các hành vi không khai hoặc khai sai khác làm thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, được hoàn.

3. Vi phạm quy định tại Điều này mà có hành vi gian lận, trốn thuế thì xử phạt theo Điều 13 Nghị định này.

4. Quy định tại Điều này không áp dụng đối với các trường hợp vi phạm quy định tại Điều 14 Nghị định này.

Điều 9. Vi phạm quy định về khai hải quan của người xuất cảnh, nhập cảnh đối với ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, vàng

1. Mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, vàng vượt mức quy định khi xuất cảnh mà không khai hoặc khai sai thì bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 10.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 30.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên mà không phải là tội phạm.

2. Không khai hoặc khai sai so với quy định của pháp luật về ngoại tệ tiền mặt, tiền Việt Nam bằng tiền mặt, vàng mang theo khi nhập cảnh thì bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên mà không phải là tội phạm.

3. Vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này mà số ngoại tệ tiền mặt, tiền Việt Nam bằng tiền mặt, vàng đã khai nhiều hơn số lượng thực tế mang theo thì xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với trường hợp trị giá khai khống tương đương từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với trường hợp trị giá khai khống tương đương từ 100.000.000 đồng Việt Nam trở lên.

4. Xuất cảnh, nhập cảnh mang theo vàng, ngoại tệ tiền mặt thuộc diện không được mang theo mà không khai hoặc khai sai thì bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá dưới 50.000.000 đồng.

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp tang vật vi phạm có trị giá dưới 100.000.000 đồng.

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp tang vật vi phạm có trị giá trên 100.000.000 đồng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Tang vật vi phạm được trả lại khi quyết định xử phạt đã được thực hiện. Việc xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt, tiền Việt Nam bằng tiền mặt, vàng thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Vi phạm quy định về kiểm tra hải quan, thanh tra thuế

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi tự ý tẩy xóa, sửa chữa chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đã được đăng ký mà không ảnh hưởng đến số tiền thuế phải nộp hoặc không ảnh hưởng đến chính sách mặt hàng.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không bố trí người, phương tiện phục vụ việc kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải khi cơ quan hải quan yêu cầu mà không có lý do xác đáng;

b) Vi phạm các quy định về lưu mẫu, lưu hồ sơ, chứng từ.

3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không xuất trình hàng hóa còn đang lưu giữ là đối tượng kiểm tra sau thông quan theo yêu cầu của cơ quan hải quan;

b) Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, đúng thời hạn chứng từ, tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh khi cơ quan hải quan yêu cầu theo quy định của pháp luật;

c) Sử dụng phần mềm khai hải quan điện tử chưa được cơ quan hải quan xác nhận tương thích với hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế của cơ quan Hải quan.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Đánh tráo hàng hóa đã kiểm tra hải quan với hàng hóa chưa kiểm tra Hải quan;

b) Giả mạo niêm phong hải quan; nộp, xuất trình chứng từ, tài liệu giả mạo cho cơ quan hải quan nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Sử dụng tài khoản truy cập, chữ ký số được cấp cho tổ chức, cá nhân khác để thực hiện thủ tục hải quan điện tử;

d) Sử dụng chứng từ không hợp pháp để làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo quy định.

6. Hình thức phạt bổ sung:

a) Tịch thu hàng hóa vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại các Điểm a, b, d Khoản 5 Điều này mà hàng hóa thuộc diện cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật hoặc thuộc trường hợp phải có giấy phép mà không có giấy phép;

b) Tịch thu niêm phong, chứng từ, tài liệu giả mạo đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều này.

7. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại các Điểm a, b, d Khoản 5 Điều này trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.

8. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều này để trốn thuế, gian lận thuế thì bị xử phạt theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.

Điều 11. Vi phạm quy định về giám sát hải quan

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Vận chuyển hàng hóa quá cảnh, chuyển cảng, chuyển khẩu, chuyển cửa khẩu, hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất không đúng tuyến đường, địa điểm, cửa khẩu, thời gian quy định hoặc đăng ký trong hồ sơ hải quan mà không có lý do xác đáng;

b) Tự ý phá niêm phong hải quan;                                  

c) Tự ý thay đổi bao bì, nhãn hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan;

d) Không bảo quản nguyên trạng hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan hoặc hàng hóa được giao bảo quản theo quy định của pháp luật chờ hoàn thành việc thông quan;

đ) Lưu giữ hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất không đúng địa điểm quy định.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Tự ý tiêu thụ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan;

b) Tự ý tiêu thụ hàng hóa được giao bảo quản chờ hoàn thành việc thông quan theo quy định;

c) Tự ý tiêu thụ phương tiện vận tải đăng ký lưu hành tại nước ngoài tạm nhập cảnh vào Việt Nam.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi quy định tại các Điểm a, b Khoản 2 Điều này mà hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Hàng hóa thuộc diện cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc không đủ điều kiện để xuất khẩu, nhập khẩu hoặc thuộc trường hợp phải có giấy phép mà không có giấy phép khi xuất khẩu, nhập khẩu;

b) Hàng hóa là hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất thuộc diện phải có giấy phép mà không có giấy phép; hàng hóa thuộc danh mục cấm kinh doanh tạm nhập - tái xuất, tạm ngừng kinh doanh tạm nhập - tái xuất.

4. Hình thức phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 2, Điểm a Khoản 3 Điều này.

5. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện việc vận chuyển hàng hóa quá cảnh, chuyển cảng, chuyển khẩu, chuyển cửa khẩu, hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất đúng cửa khẩu, tuyến đường quy định đối với vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này;

b) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này;

c) Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này;

d) Buộc loại bỏ bao bì, nhãn hàng hóa đã thay đổi đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này.

Điều 12. Vi phạm quy định về kiểm soát hải quan

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không chấp hành hiệu lệnh của công chức Hải quan theo quy định khi di chuyển phương tiện vận tải trong địa bàn hoạt động Hải quan;

b) Không thực hiện yêu cầu mở nơi cất giữ hàng hóa theo quy định để thực hiện quyết định khám hành chính.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau mà tang vật vi phạm có trị giá dưới 50.000.000 đồng:

a) Chứa chấp, mua bán, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không có chứng từ hợp pháp trong địa bàn hoạt động hải quan;

b) Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới mà không phải là tội phạm.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đưa phương tiện vận tải nước ngoài qua lại biên giới đất liền không đúng tuyến đường, cửa khẩu quy định.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này mà tang vật vi phạm có trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này mà tang vật vi phạm có trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Bốc dỡ hàng hóa không đúng cảng đích ghi trong bản lược khai hàng hóa, vận tải đơn mà không có lý do xác đáng;

c) Tự ý xếp dỡ, chuyển tải, sang mạn, sang toa, cắt toa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh trên phương tiện vận tải đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan;

d) Tẩu tán, tiêu hủy hoặc vứt bỏ hàng hóa để trốn tránh sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.

6. Hình thức phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật vi phạm đối với các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2, Khoản 4; Điểm a, Điểm d Khoản 5 Điều này.

7. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 5 Điều này mà tang vật vi phạm không còn;

b) Buộc tái xuất phương tiện vận tải đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này.

Điều 13. Xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế

1. Các hành vi trốn thuế, gian lận thuế trong lĩnh vực hải quan gồm:

a) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp, không đúng với thực tế giao dịch để kê khai thuế; tự ý tẩy xóa, sửa chữa chứng từ dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, được hoàn;

b) Khai sai mã số hàng hóa, thuế suất đối với những mặt hàng đã được cơ quan hải quan hướng dẫn mã số hàng hóa, thuế suất;

c) Vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 8 Nghị định này mà không tự giác nộp đủ số tiền thuế thiếu theo quy định trước thời điểm lập biên bản vi phạm;

d) Làm thủ tục xuất khẩu nhưng không xuất khẩu sản phẩm gia công, sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu;

đ) Khai nhiều hơn so với thực tế hàng hóa xuất khẩu về chủng loại, số lượng, trọng lượng sản phẩm gia công, sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu, hàng tái xuất có số thuế gian lận từ 100.000.000 đồng trở lên;

e) Xuất khẩu sản phẩm gia công, sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu không phù hợp với nguyên liệu đã nhập khẩu; nhập khẩu sản phẩm gia công từ nước ngoài không phù hợp với nguyên liệu đã xuất khẩu;

g) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế, hoàn thuế, không thu thuế không đúng mục đích mà không khai báo với cơ quan Hải quan;

h) Không khai hoặc khai sai hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào nội địa;

i) Không ghi chép trong sổ sách kế toán các khoản thu, chi liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;

k) Bán hàng miễn thuế không đúng đối tượng quy định;

l) Các hành vi cố ý không khai hoặc khai sai khác về tên hàng, chủng loại, số lượng, trọng lượng, chất lượng, trị giá, thuế suất, xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để trốn thuế, gian lận thuế.

2. Người nộp thuế có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế theo quy định, còn bị phạt tiền như sau:

Phạt 01 lần số tiền thuế trốn, gian lận trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng.

Trường hợp có tình tiết tăng nặng thì đối với tổ chức mỗi tình tiết tăng nặng mức phạt tăng lên 0,2 lần nhưng không vượt quá 03 lần số tiền thuế trốn, gian lận; đối với cá nhân mỗi tình tiết tăng nặng mức phạt tăng lên 0,1 lần nhưng không quá 1,5 lần số tiền thuế trốn, gian lận.

Trường hợp vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì xét giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc mỗi tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng.

3. Quy định tại Điều này không áp dụng đối với các trường hợp vi phạm quy định tại Điều 14 Nghị định này.

Điều 14. Vi phạm các quy định chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trái với quy định về trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới; hàng hóa của người xuất cảnh, nhập cảnh.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trái với quy định về nhập khẩu hàng viện trợ nhân đạo; xuất khẩu, nhập khẩu hàng quà biếu, tài sản di chuyển.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Quá cảnh, chuyển khẩu hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải không đúng nội dung giấy phép của cơ quan có thẩm quyền;

b) Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không đúng nội dung ghi trong giấy phép;

c) Tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập hàng hóa thuộc diện phải có giấy phép mà không có giấy phép, trừ vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều này.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quá cảnh, chuyển khẩu hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải thuộc diện phải có giấy phép mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Tạm nhập - tái xuất hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất thuộc diện phải có giấy phép mà không có giấy phép; thuộc danh mục cấm kinh doanh tạm nhập - tái xuất hoặc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập - tái xuất;

b) Xuất khẩu, nhập khẩu, đưa vào Việt Nam hàng hóa thuộc danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa thuộc diện tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu;

c) Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phải có giấy phép mà không có giấy phép;

d) Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật;

đ) Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không có nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật;

e) Nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam mà trên nhãn thể hiện chưa đúng, đủ những nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật;

g) Sử dụng hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện, máy móc, thiết bị để gia công thuộc diện cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; thuộc diện nhập khẩu có điều kiện, giấy phép không đúng mục đích mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

6. Hình thức phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1; Khoản 2; Điểm b, Điểm g Khoản 5 Điều này; trừ trường hợp cơ quan có thẩm quyền yêu cầu đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất.

7. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, đình chỉ xuất khẩu hoặc buộc tiêu hủy đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này trong trường hợp tang vật vi phạm thuộc danh mục xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện hoặc phải có giấy phép.

Trong thời hạn quy định tại Khoản 4 Điều 23 của Nghị định này, nếu cơ quan có thẩm quyền cho phép nhập khẩu thì được phép nhập khẩu.

b) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3; Khoản 4; các Điểm a, c, d, đ Khoản 5 Điều này; trừ hàng hóa xuất khẩu.

Trong thời hạn quy định tại Khoản 4 Điều 23 của Nghị định này, nếu cơ quan có thẩm quyền cho phép nhập khẩu thì được phép nhập khẩu.

c) Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b, Điểm g Khoản 5 Điều này;

d) Buộc khắc phục các vi phạm về nhãn hàng hóa trước khi hàng hóa được thông quan đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm e Khoản 5 Điều này.

Điều 15. Vi phạm quy định về quản lý kho ngoại quan, kho bảo thuế

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không thông báo cho cơ quan hải quan khi hợp đồng thuê kho đã hết hạn;     

b) Không đưa hàng hóa ra khỏi kho ngoại quan khi hợp đồng thuê kho đã hết hạn.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Di chuyển hàng hóa từ kho ngoại quan này sang kho ngoại quan khác khi chưa được sự đồng ý của cơ quan hải quan;

b) Tự ý mở rộng, thu hẹp, di chuyển địa điểm kho ngoại quan;

c) Không mở sổ theo dõi việc xuất khẩu, nhập khẩu, xuất kho, nhập kho hàng hóa theo quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không khai hoặc khai sai so với thực tế về tên hàng, chủng loại, số lượng, trọng lượng, xuất xứ hàng hóa từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan, kho bảo thuế; hàng hóa từ kho ngoại quan, kho bảo thuế đưa ra nước ngoài;

b) Không chấp hành đúng chế độ báo cáo hàng hóa chịu sự giám sát hải quan tại kho ngoại quan, kho bảo thuế theo quy định pháp luật;

c) Không làm thủ tục thanh khoản hàng hóa nhập, xuất kho ngoại quan đúng thời hạn quy định.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Đưa từ nước ngoài vào kho ngoại quan hàng hóa thuộc diện không được lưu giữ trong kho ngoại quan theo quy định;

b) Tiếp tục kinh doanh kho ngoại quan khi đã bị thu hồi Giấy phép thành lập kho ngoại quan;

c) Tẩy xóa, sửa chữa Giấy phép thành lập kho ngoại quan;

d) Tự ý tẩu tán hàng hóa lưu giữ trong kho ngoại quan, kho bảo thuế;

đ) Tiêu hủy hàng hóa lưu giữ trong kho ngoại quan, kho bảo thuế không đúng quy định pháp luật.

5. Hình thức phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều này.

6. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá hàng hóa vi phạm trong trường hợp hàng hóa không còn đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều này;

b) Buộc đưa hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong vòng 30 ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt hoặc buộc tiêu hủy hàng hóa đối với vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1; Điểm a Khoản 3; Điểm a Khoản 4 Điều này;

c) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa trước khi đưa hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều này.

Điều 16. Xử phạt đối với Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng và tổ chức, cá nhân liên quan

1. Trong thời hạn 10 (mười) ngày, kể từ ngày hết hạn trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người bị cưỡng chế mà Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng không thực hiện trích toàn bộ hoặc một phần tương ứng số tiền thuế, tiền phạt phải nộp từ tài khoản tiền gửi của tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan vào tài khoản của ngân sách nhà nước theo yêu cầu của cơ quan hải quan, khi mà tại thời điểm nhận được quyết định cưỡng chế, tài khoản tiền gửi của người bị cưỡng chế có số dư đủ hoặc thừa so với số tiền thuế, tiền phạt phải nộp thì bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền tương ứng với số tiền không trích chuyển vào tài khoản của ngân sách nhà nước đối với trường hợp người nộp thuế bị xử lý vi phạm pháp luật về thuế hoặc bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp không thực hiện các quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực hải quan.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cố tình không thực hiện quyết định cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ một phần tiền lương, thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế của cơ quan hải quan.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin, chứng từ, tài liệu, dữ liệu điện tử, nội dung giao dịch qua tài khoản của người nộp thuế mở tại tổ chức tín dụng liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh khi cơ quan hải quan yêu cầu theo quy định của pháp luật;

b) Thông đồng, bao che người nộp thuế trốn thuế, gian lận thuế, không thực hiện quyết định cưỡng chế hành chính thuế trong lĩnh vực hải quan.

MỤC 3. CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ BẢO ĐẢM VIỆC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH; THẨM QUYỀN, THỦ TỤC XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 17. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính

1. Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Phần thứ 4 Luật xử lý vi phạm hành chính và quy định tại Nghị định này.

2. Trong một lô hàng có hàng hóa là tang vật vi phạm và hàng hóa không phải là tang vật vi phạm thì chỉ được tạm giữ hàng hóa là tang vật vi phạm. Trường hợp chưa xác định được có vi phạm xảy ra hay không thì chỉ lấy mẫu hàng hóa để làm cơ sở xác định.

3. Đối với tang vật là ngoại tệ tiền mặt, tiền Việt Nam bằng tiền mặt của người xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu, giấy thông hành thì chỉ tạm giữ số ngoại tệ, tiền Việt Nam bằng tiền mặt vượt quá số ngoại tệ, tiền Việt Nam không phải khai hải quan theo quy định của pháp luật.

4. Việc khám phương tiện vận tải, đồ vật của các đối tượng được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ phải tuân theo các quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Khi có căn cứ để khẳng định túi ngoại giao, túi lãnh sự bị lạm dụng vào mục đích trái với quy định của Điều ước quốc tế về quan hệ ngoại giao, quan hệ lãnh sự mà Việt Nam là thành viên hoặc trong hành lý, phương tiện vận tải có hàng hóa thuộc diện cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu hoặc hàng hóa thuộc diện không được hưởng chế độ ưu đãi, miễn trừ theo quy định của pháp luật thì Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xử lý theo quy định của Điều ước quốc tế.

5. Khi phát hiện có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế thì Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan có thẩm quyền quyết định khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

6. Trong trường hợp có căn cứ cho rằng cá nhân cất giấu ma túy trong người thì việc khám người có thể thực hiện trực tiếp hoặc bằng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật.

Điều 18. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính

1. Khi đang thi hành công vụ, những người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 19 Nghị định này có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

2. Đối với những hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực hải quan xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa thì người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm tổ chức lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển ngay cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 19 Nghị định này khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga.

Điều 19. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

1. Công chức Hải quan đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng đối với cá nhân; phạt tiền đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức.

2. Đội trưởng thuộc Chi cục Hải quan, Đội trưởng thuộc Chi cục Kiểm tra sau thông quan có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân; phạt tiền đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức.

3. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu, Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển và Đội trưởng Đội kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân; phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại Điểm b Khoản này;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Nghị định này.

4. Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân; phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với tổ chức;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại Điểm b Khoản này;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Nghị định này.

5. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật xử lý vi phạm hành chính;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Nghị định này.

6. Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển có quyền xử phạt theo quy định tại Điều 40 và Điều 41 của Luật xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính về hải quan được quy định tại Điều 12 Nghị định này.

7. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về thuế quy định tại Điều 8, Điều 13 và Điểm a Khoản 1 Điều 16 Nghị định này.

8. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 38 của Luật xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này.

Điều 20. Giao quyền xử phạt

Những người có thẩm quyền xử phạt quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5 và Khoản 7 Điều 19 Nghị định này có thể giao quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Việc giao quyền xử phạt thực hiện theo quy định tại Điều 54 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Điều 21. Nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả

1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người được quy định tại Điều 19 Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính.

2. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.

3. Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt vi phạm hành chính do người thụ lý đầu tiên thực hiện.

4. Trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo nguyên tắc sau đây:

a) Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó;

b) Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt;

c) Nếu hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của nhiều người thuộc các ngành khác nhau, thì thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm.

5. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hải quan xảy ra trên đất liền, vùng lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc địa bàn quản lý của hải quan nơi nào thì hải quan ở nơi đó có trách nhiệm xử phạt theo thẩm quyền quy định tại Nghị định này; trường hợp do Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Kiểm tra sau thông quan phát hiện thì thực hiện việc xử phạt theo thẩm quyền.

6. Ở những địa điểm dọc biên giới quốc gia, nơi chưa có tổ chức hải quan thì Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển đóng tại địa bàn đó có quyền xử phạt theo quy định tại Điều 40 và Điều 41 của Luật xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan quy định tại Điều 12 Nghị định này.

Điều 22. Thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt

Thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan thực hiện theo quy định tại Chương III Luật xử lý vi phạm hành chính và các quy định tại Mục 3 Chương I Nghị định này.

Điều 23. Xử lý đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu quá thời hạn làm thủ tục hải quan, hàng hóa không có chủ sở hữu, hàng hóa nhập khẩu buộc phải đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc phải tái xuất

1. Hàng hóa nhập khẩu quá thời hạn 90 (chín mươi) ngày, kể từ ngày hàng hóa tới cửa khẩu dỡ hàng mà không có người đến làm thủ tục hải quan thì người có thẩm quyền tại các Khoản 3, 4 và 5 Điều 19 Nghị định này phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở Hải quan. Trong thời hạn 180 (một trăm tám mươi) ngày, kể từ ngày thông báo, nếu không có người đến làm thủ tục hải quan thì người có thẩm quyền quy định tại các Khoản 3, 4 và 5 Điều 19 Nghị định này phải ra quyết định tịch thu hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm theo quy định.

2. Trường hợp không xác định được chủ sở hữu của tang vật, phương tiện vi phạm, người có thẩm quyền quy định tại các Khoản 3, 4 và 5 Điều 19 Nghị định này phải thông báo về việc này trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở Hải quan. Sau thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày thông báo mà vẫn không có người đến nhận thì người có thẩm quyền quy định tại các Khoản 3, 4 và 5 Điều 19 Nghị định này phải ra quyết định tịch thu hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm theo quy định.

3. Hàng hóa nhập khẩu không đúng giấy phép, hợp đồng, vận tải đơn hoặc lược khai hàng hóa mà người nhận hàng từ chối nhận, thì xử lý theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

4. Quá thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt của cơ quan hải quan mà hàng hóa vẫn chưa được tái xuất hoặc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc quá cảnh ra khỏi Việt Nam thì người có thẩm quyền quy định tại các Khoản 3, 4 và 5 Điều 19 Nghị định này phải ra quyết định tịch thu hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm theo quy định, trừ trường hợp có lý do chính đáng.

Điều 24. Miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, trình tự thủ tục và thẩm quyền miễn, giảm tiền phạt

1. Cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan có quyền đề nghị miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính mà số tiền phạt từ 3.000.000 đồng trở lên trong trường hợp gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, hỏa hoạn, thảm họa, tai nạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo.

Mức miễn, giảm tiền phạt tối đa bằng số tiền phạt còn lại trong quyết định xử phạt và không quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại, chi phí chữa bệnh.

2. Hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính gồm:

a) Đơn đề nghị miễn, giảm tiền phạt, trong đó nêu rõ:

- Lý do đề nghị miễn, giảm tiền phạt.

- Giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, thảm họa, tai nạn bất ngờ, dịch bệnh, chi phí chữa bệnh, bệnh hiểm nghèo.

- Số tiền phạt đề nghị miễn, giảm.

b) Trường hợp thiệt hại về tài sản, chữa bệnh được cơ quan bảo hiểm bồi thường (nếu có) thì phải kèm theo bản sao có xác nhận công chứng về bồi thường thiệt hại, về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh của cơ quan bảo hiểm (nếu có);

c) Xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc nơi có tài sản bị thiệt hại. Trường hợp cá nhân bị bệnh hiểm nghèo thì phải có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh; chi phí khám, chữa bệnh có đầy đủ chứng từ quy định.

3. Trình tự, thẩm quyền miễn, giảm tiền phạt thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 77 Luật xử lý vi phạm hành chính.

4. Không miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp đã thực hiện xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan hoặc đã hết thời hiệu giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Chương 2.

CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HẢI QUAN

MỤC 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 25. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Chương này quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với các tổ chức, cá nhân đã quá thời hạn chấp hành mà không tự nguyện chấp hành các quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan hoặc có hành vi phát tán tài sản, bỏ trốn.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan theo quy định của pháp luật;

b) Cơ quan hải quan, công chức hải quan;

c) Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.

3. Các quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan gồm:

a) Các quyết định hành chính thuế trong lĩnh vực hải quan: Thông báo về số tiền thuế nợ và tiền chậm nộp; quyết định ấn định thuế; thông báo số tiền thuế phải nộp lại do được hoàn cao hơn; các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế trong lĩnh vực hải quan;

b) Các quyết định hành chính khác trong lĩnh vực hải quan gồm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan và quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

4. Đối tượng bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế bao gồm:

a) Người khai hải quan, người nộp thuế có nghĩa vụ chấp hành các quyết định hành chính nêu tại Khoản 3 Điều này mà không chấp hành;

b) Kho bạc Nhà nước, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác; tổ chức, cá nhân đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không trích nộp, khấu trừ tiền của đối tượng bị cưỡng chế vào tài khoản thu ngân sách nhà nước hoặc tài khoản tạm giữ của cơ quan hải quan mở tại Kho bạc Nhà nước;

c) Người bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thuế, tiền phạt thay cho người nộp thuế theo thông báo của cơ quan hải quan trong trường hợp người nộp thuế không nộp tiền thuế, tiền phạt;

d) Tổ chức, cá nhân nắm giữ tiền, tài sản của người nộp thuế không chấp hành quyết định cưỡng chế thu tiền, tài sản của người nộp thuế do họ nắm giữ;

đ) Tổ chức, cá nhân có liên quan không chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan hải quan.

Điều 26. Trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan

1. Đối với các quyết định hành chính thuế trong lĩnh vực hải quan nêu tại Điểm a Khoản 3 Điều 25 Nghị định này bị cưỡng chế trong trường hợp:

a) Đã quá 90 (chín mươi) ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế hoặc hết thời hạn chấp hành các quyết định hành chính thuế trong lĩnh vực hải quan hoặc đã hết thời hạn gia hạn nộp tiền thuế, nộp dần tiền nợ thuế mà người nộp thuế hoặc người bảo lãnh không tự nguyện chấp hành;

b) Cá nhân, tổ chức chưa chấp hành các quyết định hành chính thuế trong lĩnh vực hải quan mà có hành vi phát tán tài sản, bỏ trốn.

Bộ Tài chính quy định việc xác định hành vi phát tán tài sản, bỏ trốn của đối tượng bị cưỡng chế.

2. Đối với các quyết định hành chính khác trong lĩnh vực hải quan nêu tại Điểm b Khoản 3 Điều 25 Nghị định này bị cưỡng chế trong trường hợp đã quá 10 (mười) ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt hoặc đã quá thời hạn thi hành ghi trong quyết định mà cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc người bảo lãnh của họ không tự nguyện chấp hành.

Điều 27. Các biện pháp cưỡng chế

1. Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; yêu cầu phong tỏa tài khoản.

2. Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập.

3. Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

4. Thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.

5. Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật.

6. Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ.

7. Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.

8. Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Các biện pháp cưỡng chế nêu tại các Khoản 3, 4 và Khoản 7 Điều này chỉ áp dụng đối với các quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế trong lĩnh vực hải quan nêu tại Điểm a Khoản 3 Điều 25 Nghị định này.

Điều 28. Nguồn tiền khấu trừ và tài sản kê biên đối với tổ chức bị áp dụng cưỡng chế thi hành quyết định hành chính

Nguồn tiền khấu trừ và tài sản kê biên đối với tổ chức bị áp dụng cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật khác liên quan.

Điều 29. Thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế

1. Những người sau đây có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế và có nhiệm vụ tổ chức việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính của mình và của cấp dưới:

a) Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;

b) Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố;

c) Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan;

d) Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan;

đ) Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế đối với những quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan do mình ban hành.

3. Phân định thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế:

a) Những người có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều này có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế đối với các quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan do mình ban hành hoặc quyết định hành chính do cấp dưới ban hành nhưng không có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế;

b) Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định cưỡng chế trong trường hợp đối tượng bị cưỡng chế tại nhiều Chi cục thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố đó;

c) Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định cưỡng chế trong trường hợp đối tượng bị cưỡng chế tại nhiều Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

4. Trường hợp cần áp dụng biện pháp cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề thì cơ quan Hải quan lập hồ sơ, tài liệu và có văn bản thông báo, chuyển giao cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp đối tượng bị cưỡng chế hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề để xử lý theo quy định.

5. Người có thẩm quyền cưỡng chế quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này có thể giao quyền cho cấp phó. Việc giao quyền chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt và phải thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền. Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền tiếp cho bất kỳ cá nhân nào khác.

Điều 30. Quyết định cưỡng chế

1. Việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế của người có thẩm quyền quy định tại Điều 29 Nghị định này.

2. Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan bao gồm những nội dung sau: ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người ra quyết định; họ tên, nơi cư trú, trụ sở của đối tượng bị cưỡng chế; lý do cưỡng chế; biện pháp cưỡng chế; thời gian, địa điểm thực hiện; cơ quan chủ trì thực hiện quyết định cưỡng chế; cơ quan có trách nhiệm phối hợp; chữ ký của người ra quyết định, dấu của cơ quan ra quyết định.

3. Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan phải được gửi cho đối tượng bị cưỡng chế, tổ chức, cá nhân liên quan trong thời hạn 05 (năm) ngày trước khi thực hiện cưỡng chế; trường hợp cưỡng chế bằng biện pháp quy định tại Khoản 5 Điều 27 Nghị định này thì quyết định phải được gửi cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thực hiện cưỡng chế trước khi thực hiện.

Điều 31. Thi hành quyết định cưỡng chế

1. Người ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan có nhiệm vụ tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế đó.

Người ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan có trách nhiệm gửi ngay quyết định cưỡng chế cho các tổ chức, cá nhân liên quan và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính của mình và của cấp dưới.

2. Tổ chức, cá nhân nhận được quyết định cưỡng chế phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định cưỡng chế và phải chịu mọi chi phí về việc tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế.

3. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đối tượng bị cưỡng chế có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với cơ quan hải quan thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.

4. Lực lượng công an nhân dân có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn và hỗ trợ cơ quan hải quan trong quá trình cưỡng chế khi có yêu cầu của người ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.

5. Tổ chức, cá nhân liên quan đến đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện việc cưỡng chế khi có yêu cầu của người ra quyết định cưỡng chế.

Điều 32. Hiệu lực thi hành quyết định cưỡng chế

1. Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế có hiệu lực thi hành trong thời hạn 01 (một) năm, kể từ ngày ban hành quyết định; trừ trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 39 Nghị định này.

Trường hợp tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế cố tình trốn tránh, trì hoãn thi hành quyết định cưỡng chế thì thời hiệu thi hành được tính lại kể từ thời điểm hành vi trốn tránh, trì hoãn được chấm dứt.

2. Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan chấm dứt hiệu lực kể từ khi tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp (nếu có) bị cưỡng chế đã được nộp đủ vào ngân sách nhà nước. Căn cứ để chấm dứt thi hành quyết định cưỡng chế là chứng từ nộp đủ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp (nếu có) vào ngân sách nhà nước của người bị cưỡng chế, có xác nhận của Kho bạc Nhà nước hoặc cơ quan được phép thu thuế, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác trích chuyển tiền nộp thuế, nộp phạt từ tài khoản của người nộp thuế.

Điều 33. Xác minh điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế

1. Kiểm tra cơ sở dữ liệu thông tin hiện có về tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế.

2. Xác minh những thông tin về tài khoản, tài sản, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế của đối tượng bị cưỡng chế trước thời điểm ra quyết định cưỡng chế.

3. Việc xác minh đối với tài sản thuộc diện phải đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng cần căn cứ vào hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc cho tặng; thông qua chủ sở hữu, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng hoặc người làm chứng như xác nhận của người bán, của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng về việc mua bán, đồng thời có thể thông báo rộng rãi để người có quyền, nghĩa vụ liên quan bảo vệ lợi ích của họ.

4. Đối với đối tượng bị cưỡng chế là các cơ quan hoặc tổ chức, người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế cần xác minh điều kiện về tiền, tài sản của các cơ quan, tổ chức này bằng việc kiểm tra tài sản, hệ thống sổ sách và xác minh tại các cơ quan quản lý vốn, tài sản; cơ quan đăng ký kinh doanh, đăng ký tài sản; ngân hàng; tổ chức tín dụng hoặc cá nhân, tổ chức liên quan khác.

Điều 34. Thủ tục gửi văn bản yêu cầu, thông báo, quyết định cưỡng chế đến đối tượng bị cưỡng chế, tổ chức, cá nhân có liên quan

1. Văn bản yêu cầu, thông báo, Quyết định cưỡng chế được giao trực tiếp cho đối tượng bị cưỡng chế, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trường hợp đối tượng nhận là cơ quan, tổ chức thì các văn bản nêu trên phải được giao trực tiếp cho người đại diện theo pháp luật hoặc người chịu trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đó và phải được những người này ký nhận.

Trường hợp đối tượng nhận là cá nhân thì các văn bản nêu trên được giao trực tiếp và phải được ký nhận hoặc điểm chỉ. Trường hợp đối tượng nhận vắng mặt thì các văn bản nêu trên được giao cho một trong số những người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với người đó, bao gồm: vợ, chồng, con, ông, bà, cha, mẹ, bác, chú, cô, cậu, dì, anh, chị, em của đối tượng nhận, của vợ hoặc chồng người đó. Việc giao văn bản phải lập thành biên bản. Ngày lập biên bản được coi là ngày giao nhận các văn bản nêu trên.

Trường hợp đối tượng nhận không có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú hoặc có nhưng những người này từ chối nhận hoặc đối tượng nhận vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về thì phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc giao nhận, có chữ ký của người chứng kiến.

2. Trong trường hợp có khó khăn trong việc giao trực tiếp thì việc chuyển văn bản được thực hiện bằng thư bảo đảm qua dịch vụ bưu chính.

3. Trong trường hợp không thực hiện được việc gửi văn bản theo Khoản 1, Khoản 2 Điều này thì cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế thông báo nội dung văn bản bằng hình thức niêm yết công khai bản chính trong thời gian ít nhất là 05 (năm) ngày tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đặt trụ sở chính của tổ chức hoặc nơi cư trú của người được thông báo và tại nơi ở của người được thông báo nếu xác định được nơi ở cụ thể của người đó.

Việc niêm yết công khai phải được lập biên bản, ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết, thời gian niêm yết, nội dung thông báo và người thực hiện niêm yết, có xác nhận của chính quyền địa phương. Ngày niêm yết được coi là ngày thông báo hợp lệ.

4. Trong trường hợp không thể thực hiện việc thông báo theo các hình thức nêu tại các Khoản 1, 2, 3 Điều này thì cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế thông báo liên tiếp hai lần trên báo, đài phát thanh hoặc đài truyền hình của trung ương hoặc của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nếu xác định đối tượng bị cưỡng chế đang ở tại địa phương đó hoặc website và cổng thông tin điện tử của cơ quan ra quyết định cưỡng chế.

Điều 35. Nguyên tắc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan

1. Chỉ được áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với các trường hợp quy định tại Điều 26 Nghị định này.

2. Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế trong lĩnh vực hải quan được áp dụng theo quy định từ Mục 2 đến Mục 7 Chương này. Trường hợp đã ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp tiếp theo mà có thông tin, điều kiện để thực hiện biện pháp cưỡng chế trước đó thì người ra quyết định cưỡng chế có quyền quyết định thực hiện biện pháp cưỡng chế trước để bảo đảm thu đủ số tiền thuế, tiền phạt.

Trường hợp người nộp thuế chưa chấp hành quyết định hành chính thuế mà có hành vi bỏ trốn, tẩu tán tài sản thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có quyền quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp để đảm bảo thu hồi tiền thuế, tiền phạt kịp thời cho ngân sách nhà nước, không cần phải áp dụng lần lượt.

3. Đối với trường hợp áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính khác trong lĩnh vực hải quan quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 25 Nghị định này, người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế của đối tượng bị cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương để quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp quy định tại Khoản 1 Điều này.

4. Chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế trong lĩnh vực hải quan đối với trường hợp người nộp thuế được cơ quan quản lý thuế cho phép nộp dần tiền nợ thuế trong thời hạn không quá mười hai tháng, kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế.

5. Việc kê biên tài sản phải thực hiện vào ban ngày (từ 8 giờ đến 17 giờ). Không tổ chức thực hiện kê biên 15 ngày trước và sau tết nguyên đán.

Điều 36. Bảo đảm thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính

1. Khi có quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính, nếu có dấu hiệu cho thấy đối tượng bị cưỡng chế có hành vi tẩu tán hoặc làm hư hại tiền bạc, tài sản thì người đã ra quyết định cưỡng chế có quyền yêu cầu các cơ quan tổ chức hữu quan, chính quyền địa phương nơi cá nhân bị cưỡng chế cư trú hoặc công tác, tổ chức bị cưỡng chế đóng trụ sở thực hiện biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tiền bạc, tài sản.

2. Trường hợp đối tượng bị cưỡng chế có hành vi chống đối không thực hiện quyết định cưỡng chế thì người đã ra quyết định cưỡng chế có quyền huy động lực lượng, phương tiện để bảo đảm thi hành cưỡng chế.

3. Những cá nhân bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính mà chưa thực hiện hoặc trốn tránh thực hiện sẽ bị dừng xuất cảnh.

Điều 37. Chi phí cưỡng chế thi hành quyết định hành chính

1. Chi phí cho các hoạt động cưỡng chế thi hành quyết định hành chính được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế đã phát sinh trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế hành chính phù hợp với giá cả ở từng địa phương, bao gồm:

a) Chi phí huy động người thực hiện quyết định cưỡng chế;

b) Chi phí thù lao cho các chuyên gia định giá để tổ chức đấu giá, chi phí tổ chức bán đấu giá tài sản;

c) Chi phí thuê phương tiện tháo dỡ, chuyên chở đồ vật, tài sản;

d) Chi phí thuê giữ hoặc bảo quản tài sản đã kê biên;

đ) Chi phí thực tế khác (nếu có).

2. Người ra quyết định cưỡng chế được sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện các biện pháp cưỡng chế. Cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế có trách nhiệm hoàn trả chi phí cưỡng chế cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp cá nhân, tổ chức không tự nguyện hoàn trả chi phí cưỡng chế thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có thể ra quyết định cưỡng chế bằng các biện pháp quy định tại Điều 27 Nghị định này.

MỤC 2. CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH THUẾ BẰNG BIỆN PHÁP TRÍCH TIỀN TỪ TÀI KHOẢN CỦA ĐỐI TƯỢNG BỊ CƯỠNG CHẾ TẠI KHO BẠC NHÀ NƯỚC, NGÂN HÀNG, TỔ CHỨC TÍN DỤNG; YÊU CẦU PHONG TỎA TÀI KHOẢN

Điều 38. Xác minh điều kiện thi hành cưỡng chế trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế

1. Người ra quyết định cưỡng chế kiểm tra cơ sở dữ liệu thông tin hiện có về tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế; tổ chức xác minh thông tin về tài khoản, số tiền hiện có trong tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế.

2. Việc gửi và nhận văn bản xác minh được thực hiện theo chế độ đối với văn bản mật, nếu gửi qua dịch vụ bưu chính thì phải thực hiện bằng hình thức bảo đảm. Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm bảo mật những thông tin về tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế khi được cung cấp.

Điều 39. Quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế

1. Người có thẩm quyền căn cứ vào cơ sở dữ liệu hiện có, số nợ thuế quá 90 (chín mươi) ngày và thông tin đã nhận được để ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng.

2. Quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngoài việc ghi rõ những nội dung theo quy định tại Khoản 2 Điều 30 Nghị định này, còn phải ghi rõ số tiền bị trích từ tài khoản (bao gồm số tiền ghi trên quyết định hành chính thuế và chi phí cưỡng chế tính đến hết thời hạn 05 (năm) ngày trước khi tiến hành cưỡng chế); lý do trích tiền từ tài khoản; họ tên, mã số thuế, số tài khoản của đối tượng bị khấu trừ; tên, địa chỉ Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng nơi người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ mở tài khoản; tên, địa chỉ, số tài khoản thu ngân sách nhà nước hoặc tài khoản tiền gửi của cơ quan hải quan mở tại Kho bạc Nhà nước, phương thức chuyển số tiền bị khấu trừ vào tài khoản thu ngân sách nhà nước hoặc tài khoản tiền gửi nêu trên; thời hạn thi hành và phải được người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế ký tên và đóng dấu.

3. Trong trường hợp cần thiết phải phong tỏa các tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thì quyết định cưỡng chế phải ghi rõ phong tỏa các tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế để thực hiện biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính.

4. Quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản tiền gửi được gửi cho đối tượng bị cưỡng chế, Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng nơi tổ chức, cá nhân bị áp dụng cưỡng chế mở tài khoản tiền gửi và các cơ quan có liên quan trong thời hạn 05 (năm) ngày kể từ ngày ban hành.

5. Đối với quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan tại Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng, yêu cầu phong tỏa tài khoản có hiệu lực thi hành trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày ban hành quyết định. Hết thời hạn trên mà Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng chưa trích đủ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp (nếu có) còn nợ thì phải thông báo bằng văn bản cho người ra quyết định cưỡng chế biết.

Điều 40. Trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng nơi đối tượng bị cưỡng chế mở tài khoản

1. Cung cấp thông tin về toàn bộ số hiệu tài khoản, số dư tiền gửi của tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế mở tại đơn vị mình trong thời hạn 03 (ba) ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản.

2. Tiến hành phong tỏa các tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế ngay khi nhận được quyết định cưỡng chế của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế (đối với quyết định cưỡng chế có yêu cầu phong tỏa tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế ).

3. Thực hiện giữ lại trong tài khoản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế số tiền tương đương với số tiền mà cá nhân, tổ chức phải nộp theo yêu cầu của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế; chuyển số tiền của đối tượng bị cưỡng chế vào tài khoản thu ngân sách nhà nước hoặc tài khoản tiền gửi của cơ quan hải quan mở tại Kho bạc Nhà nước ghi trong quyết định cưỡng chế trong thời hạn 05 (năm) ngày kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế; đồng thời thông báo cho cơ quan đã ra quyết định cưỡng chế và đối tượng bị cưỡng chế biết.

4. Nếu tài khoản tiền gửi của đối tượng bị cưỡng chế không còn tiền để trích nộp, Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng phải thông báo bằng văn bản cho người ra quyết định cưỡng chế biết trong thời hạn không quá 10 (mười) ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản tiền gửi hoặc khi quyết định cưỡng chế hết hiệu lực mà tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế không đủ số tiền để trích chuyển nộp vào ngân sách.

5. Trong thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế, nếu số dư trong tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế ít hơn số tiền đối tượng bị cưỡng chế phải nộp thì tổ chức nêu trên vẫn phải giữ lại và trích chuyển số tiền đó. Trong trường hợp trong tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế còn số dư mà các tổ chức nêu trên không thực hiện trích nộp vào tài khoản thu ngân sách nhà nước hoặc tài khoản tiền gửi của cơ quan hải quan mở tại Kho bạc Nhà nước theo quyết định cưỡng chế thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.

Điều 41. Thủ tục thu tiền bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản

1. Việc trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế được thực hiện trên cơ sở các chứng từ thu theo quy định hiện hành. Chứng từ thu sử dụng để trích chuyển tiền từ tài khoản được gửi cho các bên liên quan.

2. Trường hợp người nộp thuế đã tự nguyện nộp đủ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp (nếu có) trước khi bị áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản thì cơ quan hải quan phải thông báo ngay cho Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, dừng việc phong tỏa tài khoản và dừng việc thực hiện cưỡng chế.

3. Trường hợp đối tượng bị cưỡng chế có mở tài khoản tiền gửi tại nhiều Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng khác nhau thì người có thẩm quyền quyết định cưỡng chế căn cứ số dư tài khoản để quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản đối với một tài khoản hoặc nhiều tài khoản để đảm bảo thu đủ tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp và chi phí cưỡng chế (nếu có).

MỤC 3. CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH THUẾ BẰNG BIỆN PHÁP KHẤU TRỪ MỘT PHẦN TIỀN LƯƠNG HOẶC THU NHẬP

Điều 42. Phạm vi và đối tượng bị áp dụng cưỡng chế

Biện pháp này được áp dụng đối với cá nhân bị cưỡng chế là cán bộ, công chức hoặc cá nhân đang làm việc được hưởng tiền lương hoặc thu nhập tại một cơ quan, tổ chức theo hợp đồng có thời hạn từ 06 (sáu) tháng trở lên, hợp đồng không xác định thời hạn hoặc hưởng trợ cấp hưu trí hoặc mất sức hàng tháng hoặc cá nhân có các nguồn thu nhập hợp pháp khác.

Điều 43. Thủ tục cưỡng chế

1. Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế phải tổ chức xác minh về các khoản thu nhập hợp pháp của người bị cưỡng chế, bao gồm: lương, lương hưu, trợ cấp mất sức, tiền thưởng và các khoản thu nhập hợp pháp khác và ra quyết định cưỡng chế.

2. Căn cứ kết quả xác minh, người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế.

3. Quyết định cưỡng chế khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập đối với cá nhân phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người ra quyết định; họ tên, địa chỉ của cá nhân bị cưỡng chế khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập; tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế; số tiền bị khấu trừ (theo số ghi trên quyết định hành chính và chi phí cưỡng chế tính đến hết thời hạn 05 (năm) ngày trước khi tiến hành cưỡng chế), lý do khấu trừ; tên, địa chỉ của Kho bạc Nhà nước nhận tiền, phương thức chuyển số tiền bị khấu trừ đến Kho bạc; thời gian thi hành; chữ ký của người ra quyết định, dấu của cơ quan ra quyết định.

Điều 44. Tỷ lệ khấu trừ

1. Đối với tiền lương, tiền lương hưu hoặc trợ cấp mất sức của cá nhân: Tỷ lệ khấu trừ không thấp hơn 10% (mười phần trăm) và không quá 30% (ba mươi phần trăm) tổng số tiền lương, trợ cấp hàng tháng của cá nhân đó.

2. Đối với những khoản thu nhập khác thì tỷ lệ khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế, nhưng không quá 50% (năm mươi phần trăm) tổng số thu nhập.

Điều 45. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế

1. Ngay khi đến kỳ trả tiền lương hoặc thu nhập gần nhất, cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế có trách nhiệm khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế theo nội dung ghi trong quyết định cưỡng chế và chuyển số tiền đã khấu trừ vào tài khoản thu ngân sách nhà nước hoặc tài khoản tiền gửi của cơ quan hải quan mở tại Kho bạc Nhà nước ghi trong quyết định cưỡng chế, đồng thời thông báo cho người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế biết.

2. Trường hợp chưa khấu trừ đủ số tiền thuế, số tiền phạt theo quyết định cưỡng chế mà hợp đồng lao động của đối tượng bị cưỡng chế chấm dứt, cơ quan, tổ chức sử dụng lao động phải thông báo cho người ra quyết định cưỡng chế biết trong thời hạn 05 (năm) ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.

3. Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế không thực hiện quyết định cưỡng chế thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 16 Nghị định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.

MỤC 4. CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH THUẾ BẰNG BIỆN PHÁP DỪNG LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VÀ BIỆN PHÁP THÔNG BÁO HÓA ĐƠN KHÔNG CÒN GIÁ TRỊ SỬ DỤNG

Điều 46. Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

1. Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được áp dụng khi cơ quan hải quan không áp dụng được biện pháp cưỡng chế quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 27 Nghị định này hoặc đã áp dụng các biện pháp này mà chưa thu đủ số tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp (nếu có) hoặc trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 26 Nghị định này.

2. Không áp dụng biện pháp này đối với các trường hợp sau đây:

a) Hàng hóa xuất khẩu không phải nộp thuế xuất khẩu;

b) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ trực tiếp an ninh, quốc phòng, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu trợ khẩn cấp; hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại.

3. Quyết định cưỡng chế được gửi đến đối tượng bị cưỡng chế và thông báo trên mạng thông tin hải quan chậm nhất 05 (năm) ngày trước khi áp dụng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

4. Quyết định cưỡng chế phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; số quyết định, căn cứ pháp lý ra quyết định; lý do cưỡng chế, họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người ra quyết định; họ tên, địa chỉ của đối tượng bị cưỡng chế; số tiền thuế, tiền phạt chưa nộp chi tiết theo từng tờ khai, vụ việc; tổng số tiền bị cưỡng chế; tên, địa chỉ, số tài khoản tại Kho bạc Nhà nước; thời hạn thi hành; chữ ký của người ra quyết định, dấu của cơ quan ra quyết định.

5. Việc tạm dừng áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đảm bảo: Không có nợ thuế quá hạn, tiền chậm nộp, tiền phạt của các lô hàng khác; phải nộp thuế trước khi thông quan đối với lô hàng đang làm thủ tục; số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đang còn nợ phải được tổ chức tín dụng bảo lãnh theo quy định.

Điều 47. Thủ tục áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng

1. Việc cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng được áp dụng khi cơ quan Hải quan không áp dụng được các biện pháp cưỡng chế quy định tại các Khoản 1, 2, 3 Điều 27 Nghị định này hoặc đã áp dụng nhưng vẫn chưa thu đủ số tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp (nếu có) hoặc trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 26 Nghị định này.

2. Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế phải gửi văn bản yêu cầu cơ quan thuế quản lý trực tiếp ra thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.

3. Trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan hải quan, cơ quan thuế quản lý trực tiếp phải ra thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Trường hợp không thực hiện thì phải thông báo cho cơ quan hải quan và nêu rõ lý do.

MỤC 5. CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH THUẾ BẰNG BIỆN PHÁP KÊ BIÊN TÀI SẢN, BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN KÊ BIÊN

Điều 48. Phạm vi và đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị để bán đấu giá

1. Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị để bán đấu giá được áp dụng khi cơ quan hải quan không áp dụng được biện pháp cưỡng chế quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và Khoản 4 Điều 27 Nghị định này hoặc đã áp dụng các biện pháp này mà chưa thu đủ số tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp (nếu có) hoặc trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 26 Nghị định này.

2. Đối tượng bị áp dụng:

Cá nhân, tổ chức bị áp dụng biện pháp kê biên tài sản để bán đấu giá khi không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, không thanh toán chi phí cưỡng chế, bao gồm:

a) Cá nhân là lao động tự do không có cơ quan, tổ chức quản lý lương, thu nhập cố định;

b) Cá nhân, tổ chức không có tài khoản hoặc có số tiền gửi từ tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng nhưng không đủ để áp dụng biện pháp khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản;

3. Không áp dụng kê biên tài sản trong trường hợp người nộp thuế là cá nhân đang trong thời gian chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh được thành lập theo quy định của pháp luật.

Điều 49. Những tài sản sau đây không được kê biên

1. Đối với cá nhân bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế:

a) Nhà ở duy nhất của cá nhân và gia đình người bị cưỡng chế;

b) Thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu của cá nhân, gia đình cho người bị cưỡng chế;

c) Công cụ lao động thông thường cần thiết được dùng làm phương tiện sinh sống chủ yếu hoặc duy nhất của cá nhân và gia đình người bị cưỡng chế;

d) Quần áo, đồ dùng sinh hoạt thiết yếu của cá nhân và gia đình người bị cưỡng chế;

đ) Đồ dùng thờ cúng; di vật, huân chương, huy chương, bằng khen.

2. Đối với cơ sản xuất, kinh doanh:

a) Thuốc chữa bệnh, phương tiện, dụng cụ, tài sản thuộc cơ sở y tế, khám chữa bệnh, trừ trường hợp đây là các tài sản lưu thông để kinh doanh; lương thực, thực phẩm, dụng cụ, tài sản phục vụ ăn giữa ca cho người lao động;

b) Nhà trẻ, trường học và các thiết bị, phương tiện, đồ dùng thuộc các cơ sở này, nếu đây không phải là tài sản lưu thông để kinh doanh của doanh nghiệp;

c) Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, phòng chống ô nhiễm môi trường;

d) Cơ sở hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, an ninh, quốc phòng;

đ) Nguyên - vật liệu, thành phẩm, bán thành phẩm là các hóa chất độc hại nguy hiểm không được phép lưu hành;

e) Số nguyên - vật liệu, bán thành phẩm đang nằm trong dây chuyền sản xuất khép kín.

3. Đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (gọi chung là cơ quan, tổ chức) hoạt động bằng nguồn vốn do ngân sách nhà nước cấp thì không kê biên các tài sản được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước mà yêu cầu cơ quan, tổ chức đó có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ tài chính để thực hiện quyết định cưỡng chế.

Trường hợp cơ quan, tổ chức có nguồn thu từ các hoạt động có thu hợp pháp khác thì kê biên các tài sản được đầu tư, mua sắm từ nguồn thu đó để thực hiện quyết định cưỡng chế, trừ các tài sản sau đây:

a) Thuốc chữa bệnh, phương tiện, dụng cụ, tài sản thuộc cơ sở y tế, khám chữa bệnh, trừ trường hợp đây là các tài sản lưu thông để kinh doanh; lương thực, thực phẩm, dụng cụ, tài sản phục vụ việc ăn giữa ca cho cán bộ, công chức;

b) Nhà trẻ, trường học, các thiết bị, phương tiện, đồ dùng thuộc các cơ sở này, nếu đây không phải là tài sản lưu thông để kinh doanh của cơ quan, tổ chức;

c) Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, phòng chống ô nhiễm môi trường;

d) Trụ sở làm việc.

Điều 50. Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản

1. Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ (cấp bậc), đơn vị người ra quyết định; họ tên, nơi cư trú, trụ sở của cá nhân, tổ chức bị kê biên tài sản; số tiền bị xử phạt; tài sản bị kê biên; địa điểm kê biên; chữ ký của người ra quyết định, dấu của cơ quan ra quyết định.

2. Việc kê biên tài sản phải được thông báo cho cá nhân, tổ chức bị kê biên tài sản, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lưu giữ tài sản kê biên trước khi tiến hành cưỡng chế là 05 (năm) ngày, trừ trường hợp việc thông báo sẽ gây trở ngại cho việc tiến hành kê biên.

Điều 51. Thủ tục thực hiện biện pháp kê biên tài sản

1. Việc kê biên tài sản phải thực hiện vào ban ngày và trong giờ làm việc hành chính áp dụng tại địa phương kê biên tài sản.

2. Người ra quyết định cưỡng chế hoặc người được phân công thực hiện quyết định cưỡng chế chủ trì thực hiện việc kê biên.

3. Khi tiến hành kê biên tài sản phải có mặt cá nhân bị cưỡng chế hoặc người đã thành niên trong gia đình, đại diện cho tổ chức bị kê biên tài sản, đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến.

Nếu cá nhân phải thi hành quyết định cưỡng chế hoặc người đã thành niên trong gia đình, đại diện cho tổ chức bị kê biên tài sản cố tình vắng mặt, thì vẫn tiến hành kê biên tài sản nhưng phải có đại diện của chính quyền địa phương và người chứng kiến.

4. Cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế có quyền đề nghị kê biên tài sản nào trước, người được giao chủ trì kê biên phải chấp nhận nếu xét thấy đề nghị đó không ảnh hưởng đến việc cưỡng chế.

Nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế không đề nghị cụ thể việc kê biên tài sản nào trước thì tài sản thuộc sở hữu riêng được kê biên trước.

5. Chỉ kê biên những tài sản thuộc sở hữu chung của cá nhân bị cưỡng chế với người khác nếu cá nhân bị cưỡng chế không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thi hành quyết định cưỡng chế. Trường hợp tài sản có tranh chấp thì vẫn tiến hành kê biên và giải thích cho những người cùng sở hữu tài sản kê biên về quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự.

Cơ quan tiến hành kê biên có trách nhiệm thông báo công khai thời gian, địa điểm tiến hành kê biên để các đồng sở hữu biết. Hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày kê biên mà không có người khởi kiện thì tài sản kê biên được đem bán đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.

6. Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày kê biên tài sản, đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế trong lĩnh vực hải quan quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 25 Nghị định này không nộp đủ tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp thì cơ quan hải quan được quyền bán đấu giá tài sản kê biên để thu đủ tiền thuế nợ, tiền phạt.

Điều 52. Biên bản kê biên tài sản

1. Việc kê biên tài sản phải được lập biên bản. Trong biên bản phải ghi thời gian, địa điểm tiến hành kê biên tài sản; họ tên, chức vụ người chủ trì thực hiện việc kê biên; người đại diện cho tổ chức bị cưỡng chế kê biên tài sản, cá nhân có tài sản bị kê biên hoặc người đại diện hợp pháp cho họ; người chứng kiến; đại diện chính quyền địa phương (hoặc cơ quan của cá nhân bị cưỡng chế); mô tả tên gọi, tình trạng, đặc điểm từng tài sản bị kê biên.

2. Người chủ trì thực hiện việc kê biên; người đại diện cho tổ chức bị cưỡng chế kê biên tài sản, cá nhân có tài sản bị kê biên hoặc người đại diện hợp pháp cho họ; người chứng kiến; đại diện chính quyền địa phương (hoặc cơ quan của cá nhân bị cưỡng chế) ký tên vào biên bản. Trong trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.

3. Biên bản kê biên được lập thành 02 bản, cơ quan ra quyết định cưỡng chế giữ 01 bản, 01 bản được giao cho cá nhân bị kê biên hoặc đại diện tổ chức bị cưỡng chế kê biên ngay sau khi hoàn thành việc lập biên bản kê biên tài sản.

Điều 53. Giao bảo quản tài sản kê biên

1. Người chủ trì thực hiện kê biên lựa chọn một trong các hình thức sau đây để bảo quản tài sản kê biên:

a) Giao cho người bị cưỡng chế, thân nhân của người bị cưỡng chế hoặc người đang quản lý, sử dụng tài sản đó bảo quản;

b) Giao cho một trong những đồng sở hữu chung bảo quản nếu tài sản đó thuộc sở hữu chung;

c) Giao cho tổ chức, cá nhân có điều kiện bảo quản.

2. Đối với tài sản là vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ thì tạm giao cho Kho bạc Nhà nước quản lý; đối với các tài sản như vật liệu nổ công nghiệp, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm thì tạm giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý.

3. Khi giao bảo quản tài sản kê biên, người chủ trì thực hiện kê biên phải lập biên bản ghi rõ: Ngày, tháng, năm bàn giao bảo quản; họ và tên người chủ trì thực hiện quyết định cưỡng chế, cá nhân, đại diện tổ chức bị cưỡng chế, người được giao bảo quản tài sản, người chứng kiến việc bàn giao; số lượng, tình trạng (chất lượng) tài sản; quyền và nghĩa vụ của người được giao bảo quản tài sản.

Người chủ trì thực hiện kê biên, người được giao bảo quản tài sản, cá nhân, đại diện tổ chức bị cưỡng chế, người chứng kiến ký tên vào biên bản. Trong trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.

Biên bản được giao cho người được giao bảo quản tài sản, cá nhân, đại diện tổ chức bị cưỡng chế, người chứng kiến và người chủ trì thực hiện kê biên mỗi người giữ một bản.

4. Người được giao bảo quản tài sản được thanh toán chi phí thực tế, hợp lý để bảo quản tài sản, trừ những người quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này.

5. Người được giao bảo quản tài sản mà để xảy ra hư hỏng, đánh tráo, làm mất hay hủy hoại tài sản thì phải chịu trách nhiệm bồi thường và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm theo quy định của Nghị định này hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.

Điều 54. Định giá tài sản kê biên

1. Việc định giá tài sản đã kê biên được tiến hành tại nhà của cá nhân hoặc trụ sở của tổ chức bị kê biên hoặc nơi lưu giữ tài sản bị kê biên (trừ trường hợp phải thành lập Hội đồng định giá).

2. Tài sản đã kê biên được định giá theo sự thỏa thuận giữa người chủ trì thực hiện quyết định cưỡng chế với đại diện tổ chức hoặc cá nhân bị cưỡng chế và chủ sở hữu chung trong trường hợp kê biên tài sản chung. Thời hạn để các bên thỏa thuận về giá không quá 05 (năm) ngày, kể từ ngày tài sản được kê biên.

Đối với tài sản kê biên có giá trị dưới 1.000.000 đồng hoặc tài sản thuộc loại mau hỏng, nếu các bên không thỏa thuận được với nhau về giá thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm định giá.

3. Trường hợp tài sản kê biên có giá trị từ 1.000.000 đồng trở lên thuộc loại khó định giá hoặc các bên không thỏa thuận được về giá thì trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày tài sản bị kê biên, người đã ra quyết định cưỡng chế đề nghị cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng định giá, trong đó người đã ra quyết định cưỡng chế là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn liên quan là thành viên.

Trong thời hạn 07 (bảy) ngày kể từ ngày được thành lập, Hội đồng định giá phải tiến hành việc định giá. Cá nhân bị kê biên hoặc đại diện tổ chức có tài sản bị kê biên được tham gia ý kiến vào việc định giá, nhưng quyền quyết định giá thuộc Hội đồng định giá.

Việc định giá tài sản dựa trên giá thị trường tại thời điểm định giá. Đối với tài sản mà nhà nước thống nhất quản lý giá thì việc định giá dựa trên cơ sở giá tài sản do nhà nước quy định.

4. Việc định giá tài sản phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ thời gian, địa điểm tiến hành định giá, thành phần những người tham gia định giá, tên và trị giá tài sản đã được định giá, chữ ký của các thành viên tham gia định giá và của chủ tài sản.

Điều 55. Thẩm quyền thành lập Hội đồng định giá tài sản

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có tài sản bị kê biên quyết định thành lập Hội đồng định giá đối với những trường hợp việc cưỡng chế hành chính do Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan ra quyết định.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có tài sản bị kê biên quyết định thành lập Hội đồng định giá đối với những trường hợp việc cưỡng chế hành chính do Cục trưởng Cục Hải quan, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu ra quyết định.

3. Việc thành lập Hội đồng định giá ở các cơ quan Trung ương do Bộ trưởng Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan quyết định.

Điều 56. Nhiệm vụ của Hội đồng định giá

1. Nghiên cứu, đề xuất việc tổ chức và chuẩn bị nội dung họp Hội đồng định giá.

2. Chuẩn bị các tài liệu cần thiết cho việc định giá.

3. Tiến hành định giá tài sản.

4. Lập biên bản định giá.

Điều 57. Chuyển giao tài sản đã kê biên để bán đấu giá

1. Đối với tài sản bị kê biên để bán đấu giá, căn cứ vào giá trị tài sản được xác định theo quy định tại Điều 54 Nghị định này, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định kê biên, người chủ trì cưỡng chế ký hợp đồng bán đấu giá với các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp (Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, doanh nghiệp bán đấu giá tài sản) để tổ chức bán đấu giá tài sản theo quy định.

2. Việc chuyển giao tài sản kê biên cho cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá phải được lập thành biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ: ngày, tháng, năm bàn giao; người bàn giao, người nhận; chữ ký của người giao, người nhận; số lượng, tình trạng tài sản. Hồ sơ bàn giao tài sản kê biên cho cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá bao gồm: Quyết định cưỡng chế kê biên; các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp (nếu có); văn bản định giá tài sản và biên bản bàn giao tài sản đó.

3. Trong trường hợp tài sản kê biên là hàng hóa cồng kềnh hoặc có số lượng lớn mà Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh hoặc cơ quan tài chính cấp huyện không có nơi cất giữ tài sản thì sau khi thực hiện xong thủ tục chuyển giao có thể ký hợp đồng bảo quản tài sản với nơi đang giữ tài sản đó. Chi phí cho việc thực hiện hợp đồng bảo quản được thanh toán từ số tiền bán đấu giá tài sản thu được sau khi bán đấu giá.

4. Khi tài sản kê biên đã được chuyển giao cho cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá thì thủ tục bán đấu giá tài sản đó được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về bán đấu giá tài sản.

5. Đối với tài sản thuộc sở hữu chung, khi bán đấu giá thì ưu tiên bán trước cho người đồng sở hữu.

6. Trường hợp số tiền bán đấu giá tài sản nhiều hơn số tiền ghi trong quyết định xử phạt và chi phí cho việc cưỡng chế thì trong thời hạn 10 (mười) ngày, kể từ ngày bán đấu giá, cơ quan thi hành biện pháp cưỡng chế kê biên bán đấu giá tài sản làm thủ tục trả lại phần chênh lệch cho người, tổ chức bị cưỡng chế.

Điều 58. Chuyển giao quyền sở hữu tài sản

1. Người mua tài sản kê biên được pháp luật công nhận và bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản đó.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu cho người mua theo quy định của pháp luật.

3. Hồ sơ chuyển quyền sở hữu gồm có:

a) Bản sao quyết định cưỡng chế hành chính bằng biện pháp kê biên tài sản để bán đấu giá;

b) Biên bản bán đấu giá tài sản;

c) Các giấy tờ khác liên quan đến tài sản (nếu có).

MỤC 6. CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH THUẾ BẰNG BIỆN PHÁP THU TIỀN, TÀI SẢN CỦA ĐỐI TƯỢNG BỊ CƯỠNG CHẾ DO TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHÁC ĐANG GIỮ

Điều 59. Phạm vi áp dụng biện pháp cưỡng chế

Việc cưỡng chế thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác (sau đây gọi là bên thứ ba) đang giữ được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Cơ quan hải quan không áp dụng được các biện pháp cưỡng chế quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và Khoản 5 Điều 27 Nghị định này hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ các khoản tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp (nếu có) hoặc trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 26 Nghị định này.

2. Cơ quan Hải quan có căn cứ xác định bên thứ ba đang có khoản nợ hoặc giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế.

Điều 60. Nguyên tắc thu tiền, tài sản từ bên thứ ba đang giữ tài sản của đối tượng bị cưỡng chế

1. Bên thứ ba có khoản nợ đến hạn phải trả đối tượng bị cưỡng chế hoặc đang giữ tiền, tài sản, hàng hóa của đối tượng bị cưỡng chế.

2. Trường hợp tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do bên thứ ba đang giữ là đối tượng của các giao dịch bảo đảm hoặc thuộc trường hợp giải quyết phá sản thì việc thu tiền, tài sản từ bên thứ ba được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản và giao dịch bảo đảm.

3. Số tiền bên thứ ba nộp vào ngân sách nhà nước thay cho đối tượng bị cưỡng chế được xác định là số tiền đã thanh toán cho đối tượng bị cưỡng chế.

Căn cứ vào chứng từ thu tiền, tài sản của bên thứ ba, cơ quan có thẩm quyền thực hiện cưỡng chế thông báo cho đối tượng bị cưỡng chế và các cơ quan liên quan được biết.

Điều 61. Trình tự, thủ tục cưỡng chế

1. Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có văn bản yêu cầu bên thứ ba đang nắm giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế cung cấp thông tin về tiền, tài sản đang nắm giữ hoặc công nợ phải trả đối với đối tượng bị cưỡng chế.

2. Trên cơ sở thông tin mà bên thứ ba đang nắm giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế, người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do bên thứ ba đang giữ hoặc công nợ phải trả đối với đối tượng bị cưỡng chế.

3. Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế phải được gửi ngay cho đối tượng bị cưỡng chế và bên thứ ba đang nắm giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế. Bên thứ ba có trách nhiệm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp (nếu có) thay cho đối tượng bị cưỡng chế hoặc chuyển giao tài sản của đối tượng bị cưỡng chế cho cơ quan ra quyết định cưỡng chế để thực hiện kê biên tài sản. Việc kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản thực hiện theo quy định tại Mục 5 Chương này.

Điều 62. Trách nhiệm của bên thứ ba đang có khoản nợ, đang giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế

1. Cung cấp cho cơ quan hải quan thông tin về khoản nợ hoặc khoản tiền, tài sản đang giữ của đối tượng thuộc diện cưỡng chế, trong đó nêu rõ số lượng tiền, thời hạn thanh toán nợ, loại tài sản, số lượng tài sản, tình trạng tài sản trong thời hạn 05 (năm) ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu.

2. Khi nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan hải quan, không được chuyển trả tiền, tài sản cho đối tượng bị cưỡng chế cho đến khi thực hiện nộp tiền vào ngân sách nhà nước hoặc chuyển giao tài sản cho cơ quan hải quan. Trong trường hợp không thực hiện được yêu cầu của cơ quan hải quan thì phải có văn bản giải trình với cơ quan hải quan trong thời hạn 05 (năm) ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan hải quan.

3. Tổ chức, cá nhân đang có khoản nợ hoặc giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế không thực hiện nộp thay số tiền thuế bị cưỡng chế hoặc chuyển giao tài sản trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan hải quan thì bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều 27 Nghị định này.

MỤC 7. CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH THUẾ BẰNG BIỆN PHÁP THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ KINH DOANH, GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP HOẶC GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG, GIẤY PHÉP HÀNH NGHỀ

Điều 63. Phạm vi áp dụng biện pháp cưỡng chế

1. Biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Mục này được thực hiện khi cơ quan Hải quan không áp dụng được các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 và Khoản 6 Điều 27 Nghị định này hoặc đã áp dụng nhưng vẫn chưa thu đủ số tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp (nếu có) hoặc trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 26 Nghị định này.

2. Khi thực hiện biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Mục này, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phải thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 64. Cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề

Khi áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề, cơ quan Hải quan phải gửi văn bản yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề để thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề trong thời hạn 05 (năm) ngày, kể từ ngày xác định đối tượng thuộc diện bị áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan Hải quan, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề phải ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề. Trường hợp không ra quyết định thu hồi phải thông báo cho cơ quan Hải quan về lý do không thu hồi.

MỤC 8. CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH KHÁC TRONG LĨNH VỰC HẢI QUAN

Điều 65. Cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm

1. Áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng đối với cá nhân, tổ chức không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, không thanh toán chi phí cưỡng chế khi cá nhân có tiền gửi tại ngân hàng ở Việt Nam (trừ trường hợp đang bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập) hoặc tổ chức có tiền gửi tại ngân hàng ở Việt Nam.

2. Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm được thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này.

Điều 66. Cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập đối với cá nhân vi phạm

1. Đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập là:

a) Cá nhân bị cưỡng chế là cán bộ, công chức hoặc cá nhân đang làm việc được hưởng tiền lương hoặc thu nhập tại một cơ quan, tổ chức theo hợp đồng có thời hạn từ 6 tháng trở lên hoặc hợp đồng không xác định thời hạn;

b) Cá nhân bị cưỡng chế đang được hưởng trợ cấp hưu trí hoặc mất sức hàng tháng.

2. Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập của cá nhân vi phạm được thực hiện theo quy định tại các Điều 43, 44, 45 Nghị định này.

Điều 67. Cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá

1. Chỉ áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị để bán đấu giá đối với cá nhân, tổ chức không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, không thanh toán chi phí cưỡng chế khi:

a) Cá nhân là lao động tự do không có cơ quan, tổ chức quản lý lương, quản lý thu nhập cố định;

b) Cá nhân, tổ chức không có tài khoản hoặc số tiền gửi từ tài khoản tại ngân hàng không đủ để áp dụng biện pháp khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng;

c) Cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện để áp dụng biện pháp khấu trừ hoặc cố tình không thực hiện quyết định cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ, không thanh toán chi phí cưỡng chế.

2. Chỉ được kê biên tài sản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tương ứng với số tiền đã ghi trong quyết định xử phạt và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế.

3. Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản để bán đấu giá được thực hiện tương tự như trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế trong lĩnh vực hải quan quy định tại Mục 5 Chương II Nghị định này.

Điều 68. Cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình tẩu tán tài sản

1. Chỉ áp dụng biện pháp cưỡng chế thu tiền, tài sản khác của cá nhân, tổ chức vi phạm do cá nhân, tổ chức khác đang giữ khi cá nhân tổ chức vi phạm cố tình tẩu tán tài sản và cơ quan Hải quan có căn cứ xác định bên thứ ba đang giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế.

2. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp này thực hiện theo quy định tại Mục 6 Chương II Nghị định này.

Điều 69. Cưỡng chế buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả

1. Việc cưỡng chế để thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải có quyết định cưỡng chế bằng văn bản. Trong quyết định phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ của người ra quyết định; họ tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, các biện pháp khắc phục hậu quả phải thực hiện; thời gian hoàn thành cưỡng chế; cá nhân, cơ quan có trách nhiệm chủ trì tổ chức các hoạt động cưỡng chế; cơ quan có trách nhiệm tham gia; chữ ký và họ tên của người ra quyết định, dấu của cơ quan ra quyết định.

Quyết định cưỡng chế để thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được gửi đến cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế trước khi tiến hành cưỡng chế 05 (năm) ngày để thực hiện.

2. Trường hợp cưỡng chế thi hành biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế áp dụng các biện pháp cưỡng chế nêu tại các Điều 65, 66, 67, 68 Nghị định này.

3. Đối với trường hợp cưỡng chế thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả khác:

a) Khi nhận được quyết định cưỡng chế để thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra, cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế phải phối hợp với các cơ quan có liên quan, huy động lực lượng, phương tiện để thực hiện biện pháp đã ghi trong quyết định;

b) Trước khi tiến hành cưỡng chế, nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tự nguyện thi hành thì cơ quan chủ trì cưỡng chế lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành;

c) Trường hợp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế cố tình vắng mặt thì vẫn tiến hành cưỡng chế nhưng phải có đại diện của chính quyền địa phương và người chứng kiến;

d) Việc thi hành quyết định cưỡng chế để thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được lập biên bản và giao cho người bị cưỡng chế một bản. Biên bản thi hành quyết định cưỡng chế để thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải ghi rõ thời gian, địa điểm, cơ quan chủ trì tiến hành cưỡng chế; cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế; đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến; kết quả thực hiện. Cá nhân hoặc đại diện tổ chức bị cưỡng chế, đại diện cơ quan đã ra quyết định cưỡng chế, đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến ký vào biên bản. Trong trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.

Chương 3.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 70. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2013.

2. Bãi bỏ các Nghị định: số 97/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 6 năm 2007 và số 18/2009/NĐ-CP ngày 18 tháng 2 năm 2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Điều 71. Điều khoản chuyển tiếp

1. Các quy định về xử phạt, quy định về hoãn, miễn thi hành quyết định xử phạt và các quy định về xử phạt khác có lợi cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính được áp dụng đối với hành vi xảy ra trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết.

2. Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, các Nghị định: số 97/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 6 năm 2007 và số 18/2009/NĐ-CP ngày 18 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ để giải quyết.

Điều 72. Hướng dẫn, tổ chức thi hành

Bộ Tài chính hướng dẫn, tổ chức thi hành Nghị định này và phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp tuyên truyền, giáo dục và vận động nhân dân thực hiện, giám sát việc thi hành Nghị định này.

Điều 73. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN; các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

THE GOVERNMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 127/2013/ND-CP

Hanoi, October 15, 2013

 

DECREE

ON PENALTIES FOR ADMINISTRATIVE VIOLATIONS AND ENFORCEMENT OF ADMINISTRATIVE DECISIONS PERTAINING TO CUSTOMS CONTROLS

Pursuant to the Law on Government organization dated December 25, 2001;

Pursuant to the Law on Handling administrative violations dated June 20, 2012;

Pursuant to the Law on Customs dated June 29, 2001 and the Law on the amendments to the Law on Customs dated June 14, 2005;

Pursuant to the Law on Tax administration dated November 29, 2006 and the Law on the amendments to the Law on Tax administration dated November 20, 2012;

At the request of the Minister of Finance,

The Government promulgates a Decree on penalties for administrative violations and enforcement of administrative decisions pertaining to customs controls.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

ADMINISTRATIVE PENALTIES FOR CUSTOMS OFFENCES

SECTION 1. GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope of regulation

1. This Chapter specifies the violations, penalties, fines, remedial measures, the power to impose penalties, the procedures for imposing administrative penalties; implementation of preventive measures and enforcement of administrative penalties for customs offences.

2. Customs offences in this Decree include:

a) Violations against law regulations on customs procedures;

b) Violations against law regulations on customs inspection, customs supervision, and customs control;

c) Violations against legislation on tax on exports and imports (hereinafter referred to as tax);

d) Violations against other law regulations on exports and imports, vehicles entering and leaving Vietnam, vehicles in transit.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 2. Mitigating circumstances

1. The mitigating circumstances specified in Article 9 of the Law on Handling administrative violations.

2. First offences.

3. The value of illegal goods does not exceed 50% the minimum fine of the fine bracket.

Article 3. Statute of limitations

1. Time limit for imposing penalties for tax offences:

a) The time limit for imposing penalties for tax evasion or tax fraud that are not liable to criminal prosecutions, understatement of tax payable, or overstatement of reduced, exempt, or refunded amount is 05 years from the day on which the violation is committed.

b) The taxpayer is exempt from the penalty after the aforesaid period, but must pay the tax arrears, the excessively exempted, reduced or refunded tax, or the evaded tax over the last ten years to government budget from the day on which the offence is discovered.

2. The time limit for imposing penalties for other violations than those specified in Clause 1 of this Article is similar to that in Article 6 the Law on Handling administrative violations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The period during which the case is examined by the proceeding agency is included in the time limit for imposing penalties.

4. If the offender deliberately avoid or obstruct the imposition of penalties during the period specified in Clause 1 and Clause 2 of this Article, the time limit for imposing penalties shall begin again when the avoidance or obstruction is stopped.

Article 4. Fines imposed upon individuals and organizations

1. The fines specified in Section 2 Chapter 1 of this Decree are imposed upon organizations. The fines imposed upon individuals are 1/2 of those imposed upon organizations, except for the cases specified in Clause 2 and Clause 3 of this Article.

2. The fines for the violations specified in Article 9 Clause 1 Article 14 of this Decree are imposed upon individuals.

3. The fines for tax offences specified in Article 8 of this Decree are imposed upon individuals and organizations according to Clause 33 Article 1 of the Law on the amendments to the Law on Tax administration dated November 20, 2012.

Article 5. Cases in administrative penalties for customs offences are exempt

1. The cases in which penalties are exempt according to Article 11 of the Law on Handling administrative violations.

Customs authority or other competent authorities must be notified of the goods and vehicles that are imported to Vietnam due to unexpected events of force majeure events; such goods and vehicles must be removed from Vietnam after the event has passed.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Cases in which adjustments to the declaration are permissible.

4. A violation specified in Article 8 or Article 13 of this Decree is committed but the tax difference does not exceed 500,000 VND if the violation is committed by an individual, or 2,000,000 VND if the violation is committed by an organization.

5. The quantity or weight of exports or imports is different from the customs declaration according to Clauses 1, 2, 3, and 4 Article 7 of this Decree, but their value does not exceed 10% of the value of exported or imported  goods in reality but not exceeding 10,000,000 VND.

6. The names of exports or imports are correct but the code or tax rates are incorrect for the first time.

7. Violations against regulations on customs declaration of cash in foreign currencies, cash in Vietnamese currency, or gold taken along when leaving or entering Vietnam, the value of which does not exceed 5,000,000 VND.

SECTION 2. VIOLATIONS, PENALTIES, AND REMEDIAL MEASURES

Article 6. violations against regulations on time limit for completing customs procedures and submitting tax statement.

1. A warning shall be given or a fine of from 500,000 VND to 1,000,000 shall be imposed for any of the following violations:

a) Submitting the customs dossier behind schedule, except for the violations specified in Points a, b, c, d, dd Clause 2, Point a and Point b Clause 3, and Clause 4 of this Article;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. A fine of from 1,000,000 VND to 5,000,000 VND shall be imposed for any of the following violations:

a) Failure to make statement and complete the procedures on schedule when changing the purpose of the goods classified as goods eligible for tax exemption;

b) Failure to submit the dossier on schedule for reporting, settlement, or tax refund;

c) Failure to follow the procedures for handling excess materials and supplies, scrap, machinery or equipment that are rented or borrowed under a processing contract as registered in the dossier;

d) Failure to re-export or re-import on schedule or within the period registered with the customs authority, except for the violations specified in Point a Clause 3 of this Article;

dd) Failure to re-export or re-import the vehicles that regularly cross the border on schedule;

e) Failure to comply with the regulations on reporting, provision of information about the goods under the customs supervision in a free trade zone as prescribed by law;

g) Failure to adjust the intended amount of processed products, exported products made on imported raw materials and supplies on schedule;

h) Violating other regulations on deadline for making tax statement.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Failure to re-export the temporarily imported goods eligible for tax exemption or goods temporarily imported for re-export on schedule;

b) Failure to re-export or re-import the vehicles on schedule, except for the case specified in Point dd Clause 2 of this Article;

c) Retain goods in transit in Vietnam past the deadline.

4. A fine of from 35,000,000 VND to 50,000,000 VND shall be imposed for the violation in Point b Clause 3 of this Article if the vehicle has fewer than 24 seats.

5. Remedial measures:

a) Violators of Point d and Point dd Clause 2, Point a and Point b Clause 3, and Clause 4 of this Article shall have to re-export the temporarily imported goods or vehicles, unless they are allowed to be sold in Vietnam;

b) Violators of Point c of Clause 3 of this Article shall have to remove the goods from Vietnam.

Article 7. Violations against regulations on customs declaration

1. A fine of from 500,000 VND to 1,000,000 VND shall be imposed for any of the following violations:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Failure to make a declaration or to provide correct information about the names, categories, quantity, weight, and origins of goods being humanitarian aid or grant aid approved by competent authorities.

2. A fine of from 1,000,000 VND to 3,000,000 VND shall be imposed for the failure to declare or to provide correct information about the names, categories, quantity, weight, and origins of goods that are:

a) Goods sent to the transshipment port from abroad or a free trade zone, or sent from a transshipment port or free trade zone to abroad, or from a free trade zone to the domestic market for processing, repair, or warranty, except for the violations in Point h Clause 1 Article 13 of this Decree;

b) Goods in transit;

c) Goods used or destructed within a free trade zone;

d) The goods names and indications of goods in the list of imported raw materials or the list of exported products are inconsistent, or between the registered list and the actual goods at the export processing company are inconsistent.

3. A fine of from 3,000,000 VND to 5,000,000 VND shall be imposed for any of the following violations:

a) Failure to make a declaration or to provide correct information about the names, categories, quantity, quality, or value of exports or imports that are exempt from tax as prescribed by law;

b) Provide incorrect information in the report on goods of the company in a free trade zone;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Changing the address of the export processing facility without notifying the customs authority as prescribed by law;

dd) Declaring false increase in intended quantity of processed products, intended quantity of products made of imported materials or supplies of the export processing company.

4. A fine of from 20,000,000 VND to 40,000,000 VND shall be imposed for providing false information about the names, quantity, weight, or value of exported goods, except for the case specified in Point e Clause 1 Article 13 of this Decree.

5. In case of understatement of the tax payable or overstatement of tax exempted, reduced, refunded, the violation specified in Clause 3 of this Article shall be penalized in accordance with Article 8 or Article 13 of this Decree.

Article 8. Violations against regulations on tax statement

The tax payer that makes understatement of the tax payable or overstatement of tax exempted, reduced, refunded shall be penalized as follows:

1. If the taxpayer realizes the mistake and adjust the tax statement within 60 days from the day registration date of the customs declaration and before the customs authority carries out a tax inspection at the premises of the taxpayer, a fine of 10% of the understated amount of tax payable or the overstated amount of tax exempted, reduced or refunded shall be imposed.

2. A fine of 20% of the understated amount of tax payable or the overstated amount of tax exempted, reduced or refunded shall be imposed for any of the following violations:

a) Failure to make a declaration or to provide correct information about the names, categories, quantity, weight, quality, numbers, tax rates, and origins of exports or imports while following the customs procedure, except for the violations in Article 13 of this Decree;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Providing incorrect information about tax-free goods;

d) Declaring false increase in intended quantity of processed products, intended quantity of products made of imported materials or supplies;

dd) Using in-quota goods improperly;

e) Providing incorrect information in the application for tax settlement, application for finalization, application for tax exemption, tax reduction, or tax refund;

g) Other acts that lead to the understatement of the tax payable or overstatement of tax exempted, reduced, or refunded.

3. Article 13 of this Decree shall apply if tax evasion or tax fraud is committed together with the violation in this Decree.

4. This Article does not apply to the cases specified in Article 14 of this Decree.

Article 9. Violations against regulations on customs declaration of cash in foreign currencies, cash in Vietnamese currency, or gold taken along when leaving or entering Vietnam

1. Penalties for the failure to declare or to correctly declare the amount of cash in foreign currencies, cash in Vietnamese currency, or gold carried by a person in excess to the legal limit when leaving Vietnam.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) A fine of from 5,000,000 VND to 15,000,000 VND shall be imposed if the value is from 30,000,000 VND to below 70,000,000 VND;

c) A fine of from 15,000,000 VND to 25,000,000 VND shall be imposed if the value is from 70,000,000 VND to below 100,000,000 VND;

d) A fine of from 30,000,000 VND to 50,000,000 VND shall be imposed if the value is from 100,000,000 VND but are not liable to criminal prosecution.

2. Penalties for the failure to declare or to declare correctly the amount of cash in foreign currencies, Vietnamese currency in cash, or gold carried by a person when entering Vietnam:

a) A fine of from 1,000,000 VND to 2,000,000 VND shall be imposed if the value is from 10,000,000 VND to below 50,000,000 VND;

b) A fine of from 2,000,000 VND to 10,000,000 VND shall be imposed if the value is from 50,000,000 VND to below 100,000,000 VND;

c) A fine of from 10,000,000 VND to 20,000,000 VND shall be imposed if the value is from 100,000,000 VND but are not liable to criminal prosecution.

3. Penalties for overstating the amount of cash in foreign currencies, Vietnamese currency in cash, or gold carried:

a) A fine of from 5,000,000 VND to 15,000,000 VND shall be imposed if the amount in excess to the legal limit is from 10,000,000 VND to below 100,000,000 VND;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Penalties for the failure to declare or to declare correctly the amount of gold or cash in foreign currencies carried by a person against the law when entering or leaving Vietnam:

a) A fine of from 5,000,000 VND to 10,000,000 VND shall be imposed if the value is below 50,000,000 VND;

b) A fine of from 10,000,000 VND to 30,000,000 VND shall be imposed if the value is below 100,000,000 VND;

c) A fine of from 30,000,000 VND to 50,000,000 VND shall be imposed if the value is over 100,000,000 VND but below the level liable to criminal prosecution.

5. The exhibit shall be returned after the decision on penalty imposition is implemented. The export and import of cash in foreign currencies, Vietnamese currency in cash, and gold must comply with law.

Article 10. Violations against regulations on customs inspection and tax inspection

1. A warning shall be given or a fine of 500,000 VND to 2,000,000 VND shall be imposed for falsifying the registered customs dossier, provided this falsification does not makes a change to the amount of tax payable or affect the goods policies.

2. A fine of from 2,000,000 VND to 4,000,000 VND shall be imposed for any of the following violations:

a) Failure to assign employees or provide instruments serving physical inspection of goods or vehicles at the request of the customs authority without acceptable explanation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. A fine of from 4,000,000 VND to 10,000,000 VND shall be imposed for any of the following violations:

a) Failure to present the goods in storage that must undergo post-clearance inspection at the request of the customs authority;

b) Documents or files related to exports or imports, vehicles are not provided, not provided in full, or provided behind schedule when requested by the customs authority;

c) Using customs declaration programs the compatibility of which with the information processing system of the custom is not certified by the authority.

4. A fine of from 10,000,000 VND to 20,000,000 VND shall be imposed for failing to comply with the decision on tax inspection made by the customs authority.

5. A fine of from 20,000,000 VND to 60,000,000 VND shall be imposed for any of the following violations:

a) Swapping goods that have undergone inspection with those that have not;

b) Forging the customs seal; submitting forged documents to the customs authority but not liable to criminal prosecution;

c) Using the another entity’s account or signature to complete electronic customs procedures;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Additional penalties:

a) Confiscating the illegal goods specified in Points, a, b, and d Clause 5 of this Article, which are banned from export or import, suspended from export or import, fail to meet conditions or standards prescribed by law, or not having any license though a license is compulsory;

b) Confiscating and sealing the forged documents specified in Point b Clause 4 of this Article.

7. Remedial measures:

Violators of Point a, b, and d Clause 5 of this Article shall have to pay an amount equal to the value of illegal goods if illegal goods no longer exist.

8. The entity that commits the violation in Point b Clause 5 of this Article for the purpose of tax evasion or tax fraud shall incur the penalties in Article 13 of this Decree.

Article 11. Violations against regulations on customs supervision

1. A fine of from 10,000,000 VND to 20,000,000 VND shall be imposed for any of the following violations:

a) Failure to adhere to the route, location, destination, time of transporting goods in transit, goods temporarily imported for re-export specified in the customs dossier without acceptable explanation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Illegally changing the packages or labels of goods under customs supervision;

d) Failure to maintain the status quo of the goods under customs supervision or goods in storage pending customs clearance;

dd) Storing goods temporarily imported for re-export at improper places.

2. A fine of from 20,000,000 VND to 40,000,000 VND shall be imposed for any of the following violations:

a) Illegally selling goods under customs supervision;

b) Illegally selling goods in storage pending customs clearance;

c) Illegally selling the vehicles that are registered overseas and temporarily imported into Vietnam.

3. A fine of from 40,000,000 VND to 60,000,000 VND shall be imposed for any of the violations specified in Point a and Point b Clause 2 of this Article which involves:

a) The goods are banned from export or import, suspended from export or import, fail to meet the conditions for export or import, or not having any license though a license is compulsory; or

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Additional penalties:

Confiscating the illegal goods specified in Point c Clause 2 and Point a Clause 3 of this Article.

5. Remedial measures:

a) Violators of Point a Clause 1 of this Article shall have to transport of goods in transit, goods temporarily imported for re-export on correct route and at correct checkpoints;

b) Violators of Point b Clause 3 of this Article shall have to remove or re-export the illegal goods from Vietnam;

c) Violators of Clause 2 and Clause 3 of this Article shall have to pay an amount equal to the value of illegal goods if illegal goods no longer exist;

d) Violators of Point c Clause 1 of this Article shall have to remove the packages and labels that are changed.

Article 12. Violations against regulations on customs control

1. A fine of from 1,000,000 VND to 2,000,000 VND shall be imposed for any of the following violations:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Failure to open the goods storage for administrative inspection.

2. A fine of from 2,000,000 VND to 5,000,000 VND shall be imposed for any of the following violations if the value of illegal goods is below 50,000,000 VND:

a) Storing, trading, transporting exports or imports in the customs area without legitimate documents;

b) Illegally transporting goods across the border but not constituting a crime.

3. A fine of from 5,000,000 VND to 10,000,000 VND shall be imposed for sending foreign vehicles across the border without adhering to the prescribed route or checkpoint.

4. A fine of from 10,000,000 VND to 30,000,000 VND shall be imposed for any of the violations in Clause 2 of this Article but the value of illegal goods is from 50,000,000 VND to below 100,000,000 VND.

5. A fine of from 30,000,000 VND to 60,000,000 VND shall be imposed for any of the following violations:

a) Any of the violations in Clause 2 of this Article but the value of are compelled is from 100,000,000 VND but below the level liable for criminal prosecution;

b) Unloading goods at another port of destination than that in the goods manifest or bill of lading without acceptable explanation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Illegally liquidating or destroying goods to avoid customs inspection or customs supervision.

6. Additional penalties:

Confiscating the illegal goods specified in Clause 2, Clause 4, Point a and Point d Clause 5 of this Article.

7. Remedial measures:

a) Violators of Point d Clause 5 of this Article shall have to pay an amount equal to the value of illegal goods if the illegal goods no longer exist;

b) Violators of Clause 3 of this Article shall have to re-export the vehicles.

Article 13. Penalties for tax evasion and tax fraud

1. Acts of tax evasion and tax fraud include:

a) Using illegal or false documents to make tax statement; falsifying documents that lead to understatement of tax payable or overstatement of tax exempted, reduced, refunded

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Violating Point b Clause 2 Article 8 of this Decree without voluntarily paying the tax arrears before an offence notice is made;

d) Following export procedures without exporting the processed products or products made of imported raw materials;

dd) Overstatement of the quantity, weight, or categories of processed products or products made of imported raw materials, or re-exported goods that involves tax evasion of 100,000,000 VND or more;

e) Exporting processed products, products made of other raw materials than the imported ones; importing products processed abroad that are made of other raw materials than the exported ones;

g) Changing the purposes of tax-free goods, goods eligible for tax exemption, tax reduction, or tax refund without notifying the customs authority;

h) Failure to make a declaration or to make a correct declaration of goods imported into the domestic market from a free trade zone;

i) Failure to record the receipts and expenditures related to the determination of tax payable;

k) Selling duty-free goods to ineligible buyers;

l) Deliberately declaring incorrect names, categories, quantity, weight, quality, value, tax rates, or origins of exports or imports or not at all to evade tax.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

A fine equal to the amount of evaded tax shall be imposed if no aggravating circumstances are found.

Every aggravating circumstance that is found will cause the fine to increase by 20% but not exceeding 03 times the evaded tax. If the violation is committed by an individual, every aggravating circumstance will cause the fine to increase by 10% but not exceeding 1.5 times the evaded tax.

Every mitigating circumstance will cancel out an aggravating circumstance.

3. This Article does not apply to the cases specified in Article 14 of this Decree.

Article 14. Violations against policies on management of exports, imports and goods in transit; vehicles entering and leaving Vietnam, and vehicles in transit

1. A fine of from 500,000 VND to 2,000,000 VND shall be imposed for exporting or importing goods against the regulations on trading goods of border residents, goods carried by people entering and leaving Vietnam.

2. A fine of from 1,000,000 VND to 3,000,000 VND shall be imposed for exporting or importing goods against the regulations on importing humanitarian aid; regulations on exporting and importing gifts or movable assets.

3. A fine of from 5,000,000 VND to 10,000,000 VND shall be imposed for any of the following violations:

a) Transiting goods; exporting, importing or transiting vehicles against the license issued by competent authorities;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Temporarily importing or temporarily exporting goods without a license though a license is compulsory, except for the case specified in Point a Clause 5 of this Article.

4. A fine of from 10,000,000 VND to 30,000,000 VND shall be imposed for transiting goods, exporting, importing, or transiting vehicles without a license though a license is compulsory.

5. A fine of from 30,000,000 VND to 60,000,000 VND shall be imposed for any of the following violations:

a) Temporarily importing goods without any license though a license is compulsory; temporarily importing goods in the list of goods banned or suspended from temporary import for re-export;

b) Exporting, importing, or bringing to Vietnam the goods in the list of goods banned from export or import or the list of goods suspended from export or import;

c) Exporting or importing goods without any license though a license is compulsory;

d) Exporting or importing goods that fail to meet the conditions or standards prescribed by law;

dd) Exporting or importing goods without labels;

e) Importing to Vietnam the goods, the labels of which do not contain every compulsory information prescribed by law;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Additional penalties:

Confiscating the illegal goods specified in Clause 1, Clause 2, Point b and Point g Clause 5 of this Article, except for the cases in which competent authorities request that the goods be re-exported or removed from Vietnam.

7. Remedial measures:

a) Violators of Clause 1 and Clause 2 of this Article shall have to remove the illegal goods from Vietnam, suspend the export, or destroy the illegal goods if the illegal goods are in the list of goods subject to conditional export or import, or a license is required by law.

Goods may be imported if the import is permitted by a competent authority within the period specified in Clause 4 Article 23 of this Decree.

b) Violators of Clause 3, Clause 4, Points a, c, d, and dd Clause 5 of this Article shall have to re-export goods or remove goods from Vietnam, except for exported goods.

Goods may be imported if the import is permitted by a competent authority within the period specified in Clause 4 Article 23 of this Decree.

c) Violators of Point b and Point g Clause 5 of this Article shall have to pay an amount equal to the value of illegal goods if the illegal goods no longer exist;

d) Violators of Point e Clause 5 of this Article must rectify the labels before the goods receive customs clearance.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. A fine of from 500,000 VND to 2,000,000 VND shall be imposed for any of the following violations:

a) Failure to notify the customs authority of the expiration of the contract to lease the warehouse;

b) Failure to remove goods from the bonded warehouse when the contract expires.

2. A fine of from 2,000,000 VND to 5,000,000 VND shall be imposed for any of the following violations:

a) Moving goods from one bonded warehouse to another without approval by the customs authority;

b) Illegally expanding, contracting, or moving the bonded warehouse;

c) Failure to record the export, import, and movement of goods in the bonded warehouse in writing as prescribed by law.

3. A fine of from 5,000,000 VND to 10,000,000 VND shall be imposed for any of the following violations:

a) Failure to make a declaration or to provide correct information about the names, categories, quantity, quality, or value of goods sent to the bonded warehouse or tax-suspension warehouse, the goods sent to abroad from the bonded warehouse or tax-suspension warehouse;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Failure to complete the procedures for finalizing goods moved in and moved out of the bonded warehouse on schedule.

4. A fine of from 10,000,000 VND to 20,000,000 VND shall be imposed for any of the following violations:

a) Sending goods that must not be stored in bonded warehouses by law to the bonded warehouse from abroad;

b) Keeping on proving bonded warehouse services after the license to establish the bonded warehouse is revoked;

c) Falsifying the license to establish the bonded warehouse;

d) Illegally liquidating goods in the bonded warehouse or tax-suspension warehouse;

dd) Destroying goods in the bonded warehouse or tax-suspension warehouse against the law.

5. Additional penalties:

Confiscating the illegal goods specified in Point d Clause 4 of this Article.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Violators of Point d Clause 4 of this Article shall have to pay an amount equal to the value of illegal goods if the illegal goods no longer exist;

b) Violators of Point b Clause 1, Point a Clause 4, and Point a Clause 4 of this Article shall have to remove the goods from Vietnam within 30 days from the day on which the decision on penalty imposition or destruction is received;

c) Violators of Point a Clause 4 of this Article shall have to remove the illegal elements of the goods before they are removed from Vietnam.

Article 16. Penalties imposed upon State Treasuries, credit institutions, and relevant entities

1. The State Treasury or credit institution that fails to transfer the amount of money equal to the tax or fine from the violator’s account within 10 days from the deadline to government budget at the request of the customs authority, provided the balance of the violator’s account is sufficient to pay the tax or fine shall be penalized as follows:

a) A fine equal to the amount payable to government budget shall be imposed if the taxpayer incurs penalties for tax offences or has to implement tax decisions;

b) A fine of from 5,000,000 VND to 10,000,000 VND shall be imposed for the failure to implement decisions on enforcing the implementation of decision on penalty imposition for other administrative customs offences.

2. A fine of from 1,000,000 VND to 5,000,000 VND shall be imposed for deliberate failure to implement the decision on enforced deductions from the violator’s salary or income.

3. A fine of from 5,000,000 VND to 10,000,000 VND shall be imposed for any of the following violations:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Collaborating or assisting the taxpayer in tax evasion or avoiding the implementation of the administrative decisions pertaining to customs controls.

SECTION 3. MEASURES FOR PREVENTING ADMINISTRATIVE VIOLATIONS AND ENSURING THE IMPOSITION OF PENALTIES FOR ADMINISTRATIVE VIOLATIONS; PROCEDURES AND POWER TO IMPOSE PENALTIES FOR ADMINISTRATIVE VIOLATIONS

Article 17. Application of measures for preventing administrative violations and ensuring the imposition of penalties for administrative violations

1. The application of measures for preventing administrative violations and ensuring the imposition of penalties for administrative violations shall comply with Part 4 of the Law on Handling administrative violations and this Decree.

2. If illegal goods and legal goods are in the same shipment, only illegal goods shall be impounded. If the violation is not confirmed, goods shall be sampled as the basis for confirmation.

3. If the illegal goods are cash in foreign currencies, Vietnamese currency in cash of the person entering or leaving Vietnam with a passport or laissez-passers, only the amount that exceeds the allowance shall be impounded.

4. The inspection of vehicles and belongings of the entity entitled to immunity must comply with the International Agreements to which Vietnam is a signatory. When it is confirmed that the diplomatic bag or consular bag is misused in contravention of the International Agreements on diplomatic relations and consular relations to which Vietnam is a signatory, or the luggage/vehicle contains goods banned from export or import, or goods that are not eligible for diplomatic immunity and privileges, the Director of the General Department of Customs shall decide the penalty in accordance with the International Agreements.

5. If tax evasion is suspected, the Director of the General Department of Customs, the Director of the Smuggling Investigation and Prevention Department, the Director of the Department of Post-clearance Inspection, the Director of the Customs Department, the Director of the Sub-department of Customs, the Director of the Sub-department of Post-clearance Inspection shall carry out a search for illegal documents or illegal goods.

6. If a person is suspected of hiding drugs, a body-search may be carried out directly or with specialized instruments.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Duty officers and the persons entitled to impose penalties specified in Article 19 of this Decree are entitled to issue offence notices.

2. If the administrative violations are committed on the plane, on the ship, or on the train, the captain shall make the offence notice and transfer it to the person specified in Article 19 of this Decree when the plane, the ship, or the train arrives at the terminal.

Article 19. The power to impose penalties for administrative customs offences

1. Customs officers on duty are entitled to:

a) Give warnings;

b) Impose a fine of up to 500,000 VND on a person; impose a fine of up to 1,000,000 VND on an organization.

2. The team leaders of Sub-departments of Customs, team leaders of a Sub-departments of Post-Clearance Inspection are entitled to:

a) Give warnings;

b) Impose a fine of up to 5,000,000 VND on a person; impose a fine of up to 10,000,000 VND on an organization.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Give warnings;

b) Impose a fine of up to 25,000,000 VND on a person; impose a fine of up to 50,000,000 VND on an organization.

c) Confiscate illegal goods and vehicles, the value of which does not exceed the fine specified in Point b of this Clause;

d) Enforce the remedial measures specified in this Decree.

4. The Director of the Smuggling Investigation and Prevention Department, the Director of the Department of post-clearance inspection, Directors of provincial and inter-provincial Customs Departments are entitled to:

a) Give warnings;

b) Impose a fine of up to 50,000,000 VND on a person; impose a fine of up to 100,000,000 VND on an organization.

c) Suspend the license, practicing certificate, or operation for a certain period of time;

d) Confiscate illegal goods and vehicles, the value of which does not exceed the fine specified in Point b of this Clause;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. The Director of the General Department of Customs is entitled to:

a) Give warnings;

b) Impose the up to the maximum fines specified in Article 24 of the Law on Handling administrative violations;

c) Confiscate illegal goods and vehicles;

d) Enforce the remedial measures specified in this Decree.

6. The Border guard and the Coastguard are entitled to impose penalties in accordance with Article 4 and Article 41 of the Law on Handling administrative violations for the administrative violations specified in Article 12 of this Decree.

7. Directors of Sub-departments of Customs, Directors of Sub-departments of Post-Clearance Inspection, Directors of provincial and inter-provincial Customs Departments, Director of the Smuggling Prevention Department, Director of the Department of Post-Clearance Inspection, and the Director of the General Department of Customs are entitled to impose penalties for tax offences specified in Article 8, Article 13, and Point a Clause 1 Article 16 of this Decree.

8. Presidents of the People’s Committees are entitled to impose penalties for the administrative violations specified in this Decree in accordance with Article 38 of the Law on Handling administrative violations.

Article 20. Delegation of the power to impose penalties

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The delegation of the power to impose penalties must comply with Article 54 of the Law on Handling administrative violations.

Article 21. Determination of the power to impose penalties for administrative violations and take remedial measures

1. The maximum fines the persons specified in Article 19 of this Decree may impose are applied to an administrative violation.

2. Where a fine is imposed, the maximum fine the person may impose depends on the maximum fine of the fine bracket for that violation.

3. If multiple persons are entitled to impose a penalty, the penalty shall be imposed by the first person who examines the case.

4. If multiple administrative violations are committed by a person, the power to impose penalties shall be decided as follows:

a) If the penalties, fines, value of illegal goods or vehicles that are confiscated and remedial measures are within the competence of a competent person, that person shall impose penalties;

b) If the penalties, fines, value of illegal goods or vehicles that are confiscated and remedial measures are beyond the competence of a competent person, the case shall be transferred to a competent authority;

c) If multiple persons specialized in various fields are entitled to impose penalties for a violation, the President of the competent People’s Committee of the locality where the violation is committed shall impose the penalties.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. At the positions along the national border where customs authority is not available, the local Border guard or the local Coastguard shall impose penalties in accordance with Article 40 and Article 41 of the Law on Handling administrative violations for the administrative customs offences specified in Article 12 of this Decree.

Article 22. Procedures for imposing penalties and implementing decision on penalty imposition

The procedures for imposing penalties and implementing decision on penalty imposition for administrative customs offences shall comply with Chapter III of the Law on Handling administrative violations and Section 3 Chapter I of this Decree.

Article 23. Handling goods imported after the deadline for completing customs procedure, goods without owner, imported goods that must be re-exported or removed from Vietnam

1. If goods that have been imported for more than 90 days from the day on which they arrived at the port of unloading and no one carries out the customs procedure, the competent persons specified in Clauses 3, 4, and 5 Article 19 of this Decree must make an announcement on the media and post such announcement at the premises of the customs authority. Within 180 days from the announcement date, if no one carries out the customs procedure, the aforesaid competent person shall make a decision to confiscate or destroy the goods as prescribed.

2. If the owner of the goods or vehicles is not identifiable, the aforesaid competent person must announce this on the media and post the announcement at the premises of the customs authority. After 30 days from the announcement date, if no one receives the goods, the competent persons specified in Clause 3, Clause 4, and Clause 5 Article 19 of this Decree shall make a decision to confiscate or destroy the goods as prescribed.

3. The goods are imported in contravention of the license, contract, bill of lading, or cargo manifest and are refused by the recipient shall be handed as prescribed in Clause 2 of this Article.

4. If goods are not re-exported or removed from after 30 days from the day on which the decision on penalty imposition is received, the competent persons specified in Clause 3, Clause 4, and Clause 5 Article 19 of this Decree shall issue a decision to confiscate or destroy the goods, unless legitimate explanation is provided.

Article 24. Exemption and reduction of fines for administrative customs offences; procedures and the power to decide exemption and reduction of fines

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The maximum reduction is equal to the outstanding fine written in the decision on penalty imposition and must not exceed the value of damaged property, goods, or the treatment cost.

2. An application for exemption or reduction of fine consists of:

a) A written request for exemption or reduction of fine, specifying:

- The reason for requesting the exemption or reduction.

- The value of property or goods damaged by the natural disaster, conflagration, calamity, accident, contagion, the cost of fatal disease treatment.

- The amount of fine being exempt or reduced.

b) Where the damage to property or treatment cost is covered by the insurer, a notarized copy of the certification of compensation for damage or treatment cost provided by the insurer must be enclosed;

c) A certification made by the People’s Committees of the commune where the person resides or where the damaged property is situated. If the person suffers from a fatal disease, a certification of the treatment cost made by a medical facility must be enclosed.

3. The procedures and power to grant exemption or reduction of fines shall comply with Clause 2 Article 77 of the Law on Handling administrative violations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter 2.

ENFORCEMENT OF ADMINISTRATIVE DECISIONS ON CUSTOMS CONTROLS

SECTION 1. GENERAL REGULATIONS

Article 25. Scope and subjects of application

1. This Chapter deals with the principles, entitlements, and procedures for enforcing administrative decisions on customs controls when the violator fails to implement such decisions by the deadline, illegally liquidate their assets, or make a getaway.

2. Subjects of application:

a) The organizations and individuals that have to implement administrative decisions as prescribed by law (hereinafter referred to as violators);

b) Customs authorities and customs officials;

c) State agencies, other organizations and individuals related to the enforcement of administrative decisions on customs control.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Tax decisions: notifications of outstanding tax and late payment interest, decisions on tax imposition, notification of tax arrears due to excessive refund, decision on administrative penalties for tax offences pertaining to customs control;

b) Other administrative decisions including decisions on penalties for administrative violations and decisions on remedial measures.

4. Subjects of enforcement:

a) The declarants and taxpayers that fail to implement the administrative decisions specified in Clause 3 of this Article;

b) The State Treasuries, banks, other credit institutions, organizations and individuals that administer the salaries or incomes of the violators and fail to transfer money from the violator’s account to government budget or the customs authority’s accounts at State Treasuries;

c) The guarantor that fails to pay tax or fines on behalf of the taxpayer at the request of the customs authority when the taxpayer fails to pay such amount;

dd) The organizations and individuals that hold money or property of the taxpayer and fail to implement the decision on confiscation of the taxpayer’s money or property they are holding;

dd) The relevant organizations and individuals that fail to implement decision on penalty imposition for administrative violations issued by customs authorities.

Article 26. Cases of enforcement of administrative decisions

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The taxpayer or the guarantor fails tom implement the tax decisions after 90 days from the deadline for paying tax or deadline for implementation of tax decisions, including the extended deadline for paying tax by instalments;

b) The violator fails to implement a tax decision and is suspected of hiding property or making a getaway.

The Ministry of Finance shall specify the identification of violators that are illegally liquidating their assets or making a getaway.

2. The violator or the guarantor fails to implement other administrative decisions specified in Point b Clause 3 Article 25 of this Decree after 10 days from the day on which the decision on penalty imposition is received or after the deadline written in the decision.

Article 27. Enforcement measures

1. Transferring money from the violator’s account at a State Treasury, commercial bank, or credit institution; request for account blockade

2. Deduction from salaries or incomes.

3. Suspension of customs procedures for export or import.

4. Invalidation of invoices.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Confiscating the violator’s money or assets that are held by a third party.

7. Revoking the Certificate of Business registration, Certificate of Enterprise registration, license for establishment and operation, or practice certificate.

8. Compelling the application of the remedial measures in Clause 1 Article 28 of the Law on Handling administrative violations.

The enforcement measures specified in Clause 3 and Clause 4 Article 7 of this Article are only applied to the decisions on enforcement of tax decisions specified in Point a Clause 4 Article 25 of this Decree.

Article 28. Sources of deduction and distrained assets of the organization that has to implement administrative decisions

Sources of deduction and distrained assets of the organization that has to implement administrative decisions on customs control shall comply with the laws on penalties for administrative violations and relevant laws.

Article 29. Power to issue the decision on enforcement

1. The following persons are entitled to issue the decision on enforcement and responsible for organizing the enforcement of the administrative decisions they and their inferior make:

a) The Director of the General Department of Customs;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) The Director of Smuggling Investigation and Prevention Department affiliated to the General Department of Customs;

d) The Director of Department of Post-clearance Inspection affiliated to the General Department of Customs;

dd) Directors of Sub-departments of Customs, Directors of Sub-departments of Post-Clearance Inspection.

2. Presidents of the People’s Committees of provinces are entitled to issue decisions on enforcement of decision on penalty imposition for administrative violations pertaining to customs control they issue.

3. Determination of the power to issue decisions on enforcement:

a) The competent persons specified in Clause 1 of this Article are entitled to issue decisions on enforcement of administrative decisions on customs control they issue, or the administrative decisions their inferior issues without being able to enforce;

b) Directors of provincial and inter-provincial Customs Departments shall issue decisions on enforcement if the violator is under the management of multiple Sub-departments in the same province;

c) The Director of the General Department of Customs shall issue the decision on enforcement if the violator is under the management of multiple Customs Departments.

4. When taking enforcement measures such as invoice invalidation, revocation of the Certificate of Business registration, Certificate of Enterprise registration, license for establishment and operation, or practice certificates, the customs authority shall compile documents, make an announcement, and send them to the tax authority that monitors the violator or the agency that issues the aforesaid paper.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 30. Decision on enforcement

1. The enforcement of administrative decisions shall be carried out when a decision on enforcement is issued by one of the competent persons specified in Article 29 of this Decree.

2. A decision on enforcement of administrative decisions contains: the date of decision; full name and position of the decision issuer; full name and address of the violator; reasons for enforcement, enforcement measures, time and location of enforcement, the presiding agency, cooperating agencies, the signature of the decision issuer, and the seal of the agency.

3. The decision on enforcement must be sent to the violator, relevant organizations and individuals within 05 days before the enforcement is carried out. If the measures in Clause 5 Article 27 of this Decree Article are taken, the decision must be sent to the President of the People’s Committee of the commune, ward or town where the enforcement is carried out.

Article 31. Implementation of the decision on enforcement

1. The person that issues the decision on enforcement shall organize the implementation of such decision.

The person that issues the decision on enforcement must also send it to relevant organizations and individuals and organize the enforcement of the administrative decisions they or their inferior issued.

2. The organization or person that receives the decision on enforcement must implement it and incur the enforcement cost.

3. The People’s Committee of the commune, ward or town shall instruct relevant agencies to cooperate with the custom authority in the enforcement of administrative decisions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. The organizations and individuals related to the violator shall cooperate in the enforcement at the request of the person that issues the decision on enforcement.

Article 32. Effect of the decision on enforcement

1. A decision on enforcement is effective for 01 year from its issuance date, except for the case specified in Clause 5 Article 39 of this Decree.

If the violator deliberately avoid or delay implementing the decision on enforcement, the time limit shall begin again when the avoidance or delay is stopped.

2. The decision on enforcement shall be terminated when the tax, fine, or late payment interest has been paid in full to government budget. The basis for terminating the decision on enforcement is the receipt of payment of tax, fine, or late payment interest to government budget, which is certified by a State Treasury, tax-collecting agency, commercial bank, or credit institution that transfers money from the taxpayer’s account.

Article 33. Verification of conditions for implementing the decision on enforcement

1. Check the database for current information about the violator.

2. Verify the information about the account, asset, and conditions for implementing the decision on enforcement of the violator before the decision on enforcement is issued.

3. The verification of assets that must be registered or transferred must be based on the sale contract or transfer contract; request the owner, local governments, a competent authority, or a witness to certify the trade. A public announcement may be made so that relevant persons are able to defend their interests.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 34. Procedures for sending request, notification, and decision on enforcement to the violator and relevant entities

1. The written request, notification, and decision on enforcement shall be sent directly to the violator and relevant entities.

If the recipient is an organization, the documents must be directly given to the legal representative or the person in charge of receiving documents of the organization and the receipt must be certified by signature.

If the recipient is an individual, the documents shall be given directly and the receipt must be certified by signature. If the authorized recipient is absent, the aforesaid documents shall be given to one of his/her relative that is capable of civil acts such as spouse, child, parent, grand parent, uncle, aunt, brother, or sister of the recipient or of his/her spouse. The receipt must be recorded in writing. The day on which the record is made is considered the date of receipt of the aforesaid documents.

Where no relative of the recipient agrees to receive or is capable of receiving such documents, or the recipient is absent without a definite day of return, a record on the failure to receive bearing the signatures of witnesses shall be made.

2. If the direct delivery is difficult, the documents shall be sent by registered mail.

3. If the documents cannot be sent by registered mail as prescribed in Clause 1 and Clause 2 of this Article, the agency that implements the decision on enforcement shall post the decision on enforcement as an announcement for at least 05 days at the People’s Committee of the commune, ward or town where the organization is situated and at the residence of the notified person if it is identifiable.

The posting must be recorded in writing, specifying the date, period, and contents. The posting date is considered the valid notification date.

4. If the announcement cannot be made as prescribed in Clauses 1, 2, and 3 of this Article, the agency that implements the decision on enforcement shall make 02 announcements on the radio or television or on the website of the agency that implements the decision on enforcement.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Administrative decisions shall only be enforced in the cases specified in Article 26 of this Decree.

2. The measures for enforcement of tax decisions are specified from Sections 2 to 7 of this Chapter. If the next enforcement measure has been decided but the previous enforcement measure is able to be taken, the person that issues the decision on enforcement is entitle to decide the application of the previous enforcement measure to ensure the sufficient payment of tax and fines.

If the taxpayer attempts to disperse his/her assets or make a getaway before implementing the tax decisions, the person competent to issue the decision on enforcement may take all appropriate enforcement measures to ensure sufficient payment of tax and fines to government budget.

3. If other enforcement measures specified in Point b Clause 3 Article 25 of this Decree are take, the person competent to issue the decision on enforcement shall take appropriate enforcement measures in Clause 1 of this Article based on the capability to implement the decision on enforcement and local conditions.

4. The application of enforcement measures shall be delayed if the taxpayer is allowed by the tax authority to pay tax by instalments within 12 months.

5. Assets shall be distrained during daylight (from 8 a.m. to 5 p.m.). Assets must not be distrained 15 days before and after lunar new year’s eve.

Article 36. Assurance of implementation of the decision on enforcement

1. When a decision on enforcement is issued, if the violator is suspected of illegally liquidating or damaging their assets, the person that issues the decision on enforcement is entitled to request the agencies concerned and the local government to stop such act.

2. If the violator refuses to implement the decision on enforcement, the person that issues the decision on enforcement is entitled to resort to force to ensure the enforcement.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 37. Enforcement cost

1. The enforcement cost is calculated based on the expenditures incurred during the implementation of the decision on enforcement that suit local prices, including:

a) Expenditure on mobilizing forces to implement the decision on enforcement;

b) Remunerations paid to valuators to hold auction, cost of asset auction;

c) Expenditures on vehicles use for dismantlement and transport of assets;

d) Expenditures on storage or preservation of distrained assets;

dd) Other actual expenditures (if any).

2. The person that issues the decision on enforcement may use government budget to take enforcement measures. The violator shall pay the enforcement cost to a competent authority. If the violator fails to voluntarily pay the enforcement cost, the person that issues the decision on enforcement may take the measures specified in Article 27 of this Decree.

SECTION 2. ENFORCEMENT OF DECISIONS TO ENFORECE THE TRANSFER OF MONEY FROM VIOLATORS’ ACCOUNTS AT STATE TREASURIES, BANKS, CREDIT INSTITUTIONS; REQUEST FOR ACCOUNT BLOCKADE

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The person that issues the decision on enforcement shall check the database for information about the violator, verify the information about their account balance.

2. The written certification shall be delivered as a confidential document, or sent by registered mail. The person that issues the decision on enforcement is responsible for the confidentiality of the information about the violator’s account.

Article 39. Decision to enforce the transfer of money from the violator’s account

1. Based on the existing information, the overdue tax debt (over 90 days) to issue the decision to enforce the transfer of money from the violator’s account at the State Treasury or credit institution.

2. Apart from the information specified in Clause 2 Article 30 do this Decree, the decision to enforce the transfer must specify the amount of money transferred from the account (including the amount written on the tax decision and enforcement cost up until 05 days before the enforcement), the reasons for enforcement; the full name, tax code, and account number of the violator; the name and address of the State Treasury or credit institution where the violator’s account is opened, the name, address, and number of the customs authority’s account at a State Treasury, the method of transfer, the deadline, the signature and seal of the person that issues the decision on enforcement.

3. If the blockade of the violator’s accounts is necessary, the decision on enforcement must specify that the violator’s accounts will be blocked to serve the transfer of money from such accounts.

4. The decision to enforce the transfer of money shall be sent to the violator, the State Treasury or credit institution where the violator’s account is opened, and relevant agencies within 05 days from its issuance.

5. The decision on account blockade is effective for 30 days from its issuance. If the State Treasury or credit institution fails to transfer the tax, fines and late payment interest ((if any) in full, a written notification must be sent to the person that issues the decision on enforcement.

Article 40. Responsibilities of State Treasuries and credit institutions where the violator’s accounts are opened

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The violator’s accounts shall be blocked right after the receipt of the person that issues the decision on enforcement (if the decision on enforcement requests that the violator’s accounts be blocked).

3. Retain an amount of money equal to the amount payable by the violator in the account, transfer such amount to the state account or customs authority’s account at the State Treasury written in the decision on enforcement within 05 days from the day on which the decision on enforcement is received, then notify the transfer to the agency that issued the decision on enforcement and the violator.

4. The State Treasury or the credit institution must notify the person that issues the decision on enforcement in writing within 10 days from the day on which the decision on enforcement is received If the account balance of the violator is not sufficient to make the transfer, or the account balance of the violator is not sufficient to make the transfer when the decision on enforcement expires.

5. During the effective period of the decision on enforcement, if the account balance of the violator is smaller than the amount payable, the balance must be retained and transferred. If the violator’s account balance is positive but the aforesaid organization fails to transfer it to government budget or customs authority’s account at a State Treasury in accordance with the decision on enforcement, penalties in Article 16 of this Decree shall be imposed.

Article 41. Procedures for transferring money from accounts

1. Money in the violator’s account shall be transferred based on the receipts according to current regulations. Receipts shall be sent to relevant parties.

2. Where the taxpayer has voluntarily paid the tax, fines and late payment interest (if any) before the enforcement is carried out, the customs authority must immediately request the State Treasury, commercial bank, or credit institution to terminate the account blockade and enforcement.

3. Where the taxpayer opens deposit accounts at various State Treasuries or credit institutions, the person competent to decide the enforcement shall enforce the transfer of money from one or multiple accounts to ensure the sufficient payment of tax, fines, late payment interest, and enforcement cost (if any).

SECTION 3. ENFORCEMENT OF TAX DECISIONS BY MAKING DEDUCTIONS FROM SALARIES OR WAGES

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

This measure is to be taken against officials or the persons earning salaries or incomes form an organization under an at least 6-month contract, an infinite-term contract, or earning monthly pension or disability benefits, or other lawful incomes.

Article 43. Procedures for enforcement

1. Before making the decision on enforcement, the person competent to issue the decision on enforcement must verify the lawful incomes of the violator, including: salaries, pension, disability benefits, bonus, and other lawful incomes.

2. Based on the verification result, the competent person shall issues a decision to enforce the deduction from the violator’s salary or income.

3. The decision to enforce deductions from salaries or incomes must specify the date and basis of the decision; full name, position and workplace of the issuer; full name and address of the violator whose salaries or incomes are deducted, name and address of the organization that administers such salaries or income; the deducted amount (written on the administrative decision and enforcement cost up until 05 days before the enforcement), reasons for deduction; name and address of the State Treasury to which the money is transferred, method of transfer; time of enforcement, signatures of and seal of the issuer.

Article 44. Deduction rate

1. Not more than 10% of the salary, pension or disability benefits shall be deducted, and not more than 30% of the monthly salary and benefits shall be deducted.

2. For other incomes, the deduction rate depends on the actual income but not more than 50% of the total income shall be deducted.

Article 45. Responsibilities of the organization or employer that administers the violator’s salaries or incomes

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. If the labor contract terminates while the amount deducted is not sufficient to cover the outstanding tax or fines, the employer must notify the person that issues the decision on enforcement within 05 days from the day on which the labor contract terminates.

3. If the agency or employer that administers the violator’s salaries or incomes fails to implement the decision on enforcement, penalties for administrative violations specified in Article 16 of this Decree.

SECTION 4. ENFORCEMENT OF TAX DECISIONS IN THE FORM OF SUSPENSION OF CUSTOMS PROCEDURES FOR EXPORT OR IMPORT AND INVOICE INVALIDATION

Article 46. Suspension of customs procedures for export or import

1. Customs procedures for export or import shall be suspended when the customs authority fails to take the enforcement measures in Clause 1 and Clause 2 Article 27 of this Decree, or such measures are taken but the outstanding tax, fines and late payment interest (if any) are not collected in full, or in the case specified in Point b Clause 1 Article 26 of this Decree.

2. This measure shall not be taken in the following cases:

a) Exported goods are exempt from export tax;

b) Goods are exported or imported to directly serve national defense and security, response to natural disasters, epidemics, emergency assistance; humanitarian aid and grant aid.

3. The decision on enforcement shall be sent to the violator and posted on the customs network at least 05 days before the suspension of customs procedures for export or import.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. The suspension of customs procedures must ensure that: no overdue tax, late payment interest, and fines imposed on other shipments are owed; tax must be paid before the current shipment is given customs clearance; the outstanding tax, late payment interest and fines must be guaranteed by a credit institution as prescribed.

Article 47. Procedures for enforcement in the form of invoice invalidation

1. Invoices shall be invalidated when the customs authority fails to take the enforcement measures specified in Clause 1, Clause 2 and Clause 3 Article 27 of this Decree, or such measures have been taken but the outstanding tax, fines and late payment interest are not collected in full, or in the case in Point b Clause 1 Article 26 of this Decree.

2. The person competent to issue the decision on enforcement shall request the tax authority in writing to make a notification of invoice invalidation.

3. Within 10 days from the receipt of the request by customs authority, the tax authority must issue the notification of invoice invalidation. If the request is refused, a notification and explanation must be sent to the customs authority.

SECTION 5. ENFORCEMENT OF TAX DECISIONS BY DISTRAINING ASSETS AND SELLING DISTRAINED ASSETS AT AUCTION

Article 48. Scope of enforcement

1. Assets shall be distrained and sold at auction when the customs authority fails to take the enforcement measures in Clause 1, Clause 2, Clause 3 and Clause 4 Article 27 of this Decree, or such measures are taken but the outstanding tax, fines and late payment interest (if any) are not collected in full, or in the case specified in Point b Clause 1 Article 26 of this Decree.

2. Subjects of enforcement:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Freelance workers without having their salaries or incomes managed by any organization;

b) The violator does not have a deposit account or the account balance is not sufficient for deduction or transfer;

3. Assets shall not be distrained if the taxpayer is receiving treatment at a lawful medical facility.

Article 49. Assets banned from distraint

1. For violators that are individuals:

a) The single house of the violator and their family;

b) Medicines and food serving essential needs of the violator and their family;

c) Primary or only means of living of the violator and their family;

d) Clothing and essential belongings of the violator and their family;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. For businesses:

A) Medicines, instruments, tools, assets of medical facilities, unless they are for sale; foods, tools and assets serving the catering for workers;

b) Kindergartens, schools, their equipment and instruments, unless they are for sale;

c) Equipment and instruments for assurance of occupational safety, fire safety, and prevention of pollution;

d) Infrastructure serving public interests, national defense and security;

dd) Materials, finished products, semi-finished products being harmful chemicals banned from circulation;

e) The raw materials or semi-finished products in a closed production line.

3. For state agencies, socio-political organizations, socio-professional organizations (hereinafter referred to as organizations) funded by government budget, the assets funded by government budget shall not be distrained. Such organizations must request competent authorities to provide financial support to implement the decisions on enforcement.

If the aforesaid organizations earn incomes from other lawful activities, the assets obtain from such incomes shall be distrained, except for:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Kindergartens, schools, their equipment and instruments, unless they are for sale;

c) Equipment and instruments for assurance of occupational safety, fire safety, and prevention of pollution;

d) The office building.

Article 50. Decision on enforcement by distraining assets

1. The decision to enforcement must specify the date and basis of the decision; full name, position and workplace of the issuer; full name and address of the violator whose assets are distrained, the level of fines and value of distrained assets, the distraint location, the signature of the issuer and the seal of the agency that issues the decision.

2. The asset distraint must be notified to the violator and the People’s Committee of the commune at least 05 days before the distraint, unless the notification would obstruct the distraint.

Article 51. Procedures for distraining assets

1. Assets shall be distrained during working hours in daylight.

2. The person that issues the decision on enforcement or the person assigned to implement the decision on enforcement shall organize the distraint.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

If the violator, the adult in their family, or the representative of the organization the assets of which are distrained is deliberately absent, assets shall be distrained in the presence of the representative of the local government and the witness.

4. The violator is entitled to choose the assets being distrained first. The person assigned to organize the distraint must accept the request if it is found not obstructing the enforcement.

If the violator does not specify which assets to be distrained first, the assets under private ownership shall be distrained first.

5. The assets under common ownership shall only be distrained if the violator has no private assets or their private assets are not sufficient to implement the decision on enforcement. The assets in dispute are still distrained. The co-owners of such assets shall be provided with information about their rights to file a lawsuit under civil proceedings.

The agency that organizes the distraint shall notify the co-owners of the time and location. If no lawsuit is filed after the period of 03 months, the distrained assets shall be sold at auction in accordance with legislation on auction.

6. If the violator specified in Point a Clause 2 Article 25 of this Decree fails to pay the outstanding tax, fines, and late payment interest in full within 30 days from the distraint, the customs authority is entitled to sell the assets at auction to collect the outstanding tax and fines in full.

Article 52. Record on asset distraint

1. The asset distraint must be recorded in writing. The record must specify the time and location of the distraint, full name and position of the distraint organizer; the representative of the organization the assets of which are distrained, the person whose assets are distrained or their legal representatives; the witness, the representative of the local government, the names, conditions and characteristics of every distrained asset.

2. The record must bear the signatures of the distraint organizer, the representative of the organization the assets of which are distrained, the person whose assets are distrained or their legal representatives, the representative of the local government. The absence of any aforesaid person must be specified and explained in the record.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 53. Preservation of distrained assets

1. The distraint organizer shall select one of the following methods to preserve distrained assets:

a) Request the person whose assets are distrained or their family or the asset manager to preserve the assets;

b) Request one of the co-owner to preserve the assets if they are under a common ownership;

c) Request a capable organization or person to preserve the assets.

2. The assets that are jewelry or foreign currencies shall be kept by a State Treasury. The assets that are industrial explosives, supporting devices, historic items, national treasures, relics, rare forestry products shall be managed by specialized agencies.

3. The distraint organizer must make a record specifying: the date of the delivery, full name of the person in charge of the implementation of the decision on enforcement, the violator, the person assigned to preserve the assets, the witness of the delivery, the quantity and condition of assets, rights and obligations of the person assigned to preserve assets.

The record must bear the signatures of the distraint organizer, the person assigned to preserve assets, the violator or their representative, and the witness. The absence of any aforesaid person must be specified and explained in the record.

Each copy of the record shall be kept by the person assigned to preserve assets, the violator or their representative, the witness, and the distraint organizer.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. If the assets are damaged, swapped, lost, or destroyed, the person assigned to preserve assets shall pay compensation and face the penalties in this Decree or criminal prosecution depending on the nature and seriousness of the violation.

Article 54. Valuating distrained assets

1. Distrained assets shall be assessed at the house of the person or at the office of the organization of which the assets are distrained, or at the place where distrained assets are stored (except for the case in which a Valuation Council must be established).

2. Value of distrained assets shall be decided under an agreement between the enforcement organizer and the representative of the violator (and the co-owners if the distrained assets are under a common ownership). The agreement on the value must be reached within 05 days from the day on which assets are distrained.

If the value of distrained assets is below 1,000,000 VND, or the assets degrade quickly and both parties fail to reach an agreement of their value, the person competent to issue the decision on enforcement shall valuate them.

3. If the value of distrained assets is over 1,000,000 VND and is hard to be determined, or both parties fail to reach an agreement on their value, the person that issues the decision on enforcement shall request a competent authority to establish a Valuation council within 15 days from the distraint. The person that issues the decision on enforcement is the president of the council, representatives of the finance agency and relevant agencies are members.

The Valuation council must assess the assets within 07 days from its establishment. The person whose assets are distrained or the organization of which the assets are distrained may participate in the valuation, but the decision on the value shall be made by the Valuation council.

Assets shall be assessed according to the market prices at that time. For the assets the prices of which are under the management of the state, the valuation depends on the asset prices fixed by the state.

4. The valuation must be recorded in writing. The record must specify the time and location of valuation, participants in the valuation, names and values of the assets, and bear the signatures of the participants and the asset owner.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The President of the People’s Committee of the district where assets are distrained shall decide the establishment of the Valuation council if the enforcement is decided by the Director of the Sub-department of Customs or the Director of the Sub-department of Post-Clearance Inspection.

2. The President of the People’s Committee of the province where assets are distrained shall decide the establishment of the Valuation council if the enforcement is decided by the Director of the Department of Customs or the Director of the Department of Post-Clearance Inspection or the Director of the Department Smuggling Prevention.

3. The establishment of the Valuation Council at central agencies shall be decided by the Minister of Finance and relevant Ministers.

Article 56. Tasks of the Valuation Council

1. Request and prepare for the meeting of the Valuation Council.

2. Prepare necessary documents for the valuation.

3. Carry out the valuation.

4. Make valuation records

Article 57. Selling distrained assets at auction

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The transfer of distrained assets to the auction organization must be recorded in writing. The record must specify the date of transfer, the transferor, the transferee, the quantity and conditions of the assets, and bear the signatures of the transferor and transferee. An asset transfer dossier consists of: the decision on distraint, documents related to the ownership and rights to use, documents about asset valuation and the transfer record.

3. If distrained assets are oversized or bulk cargo that the auction organization is not able to store, a contract for asset preservation may be signed with the facility where the assets are stored after the transfer procedures is completed.  The payment for the preservation contract shall be defrayed by the amount collected from the sale of assets at auction.

4. When the distrained assets are transferred to the auction organization, the auction procedures shall comply with legislation on asset auction.

5. If the assets are under a common ownership, the co-owners shall be favored buying them at the auction.

6. If the amount collected from the auction is larger than the amount written in the decision on penalty imposition and the enforcement cost, the agency that organizes the enforcement shall return the difference to the violator within 10 days from the auction.

Article 58. Transfer of asset ownership

1. Buyers of distrained assets shall have their asset ownership recognized and protected by the law.

2. Competent authorities shall complete the procedures for transferring the ownership to the buyers in accordance with law.

3. An ownership transfer dossier consists of:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The auction record;

c) Other documents related to the assets (if any).

Section 6. Enforcement of tax decisions in the form of confiscation of the violator’s money and assets that are held by another organization or person

Article 59. Scope of enforcement

The violator’s money and assets that are held by a third party shall be confiscated when all of the following conditions are satisfied:

1. The customs authority fails to take the enforcement measures specified in Clauses 1, 2, 3, 4 and 5 Article 27 of this Decree, or such measures have been taken without collecting the outstanding tax, fines and late payment interest (if any) in full, or in the case specified in Point b Clause 1 Article 26 of this Decree.

2. The customs authority confirms that the third party is holding money or assets of the violator, or owes a debt to the violator.

Article 60. Rules for confiscating the violator’s money or assets held by the third party

1. The third party owes a due debt to the violator or is holding the money, assets, or goods of the violator.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The amount of money paid by the third party to government budget on behalf of the violator is considered an amount paid by the violator.

Based on the receipts, the competent authority shall notify the violator and relevant agencies of the confiscation.

Article 61. Enforcement procedures

1. The person competent to issue the decision on enforcement shall request the third party in writing to provide information about the amount of money or assets they are holding or the debt they owe to the violator.

2. Based on the information provided by the third party, the aforesaid person shall issue a decision on confiscation of the money or assets held by the third party, or a decision to collect the debt owed by the third party to the violator.

3. The decision on enforcement must be immediately sent to the violator and the third party. The third party shall pay tax, fines and late payment interest (if any) on behalf of the violator, or transfer the violator’s assets to the agency that issues the decision on enforcement.  Then the assets shall be distrained and sold at auction in accordance with Section 5 of this Chapter.

Article 62. Responsibilities of the third party

1. Provide the customs authority with information about the violator's money or assets they are holding, or the debt they owe to the violator, including the amount of money, debt deadline, categories, quantity and condition of assets, within 05 days from the day on which the request is received.

2. Do not return the money or assets to the violator when receiving the request from the customs authority until money has been paid to government budget or assets have been transferred to the customs authority. If the third party is not capable of complying with the request by the customs authority, a written explanation must be sent to the customs authority within 05 days from the receipt of the said request.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

SECTION 7. ENFORCEMENT OF TAX DECISIONS IN THE FORM OF REVOCATION OF THE CERTIFICATE OF BUSINESS REGISTRATION, CERTIFICATE OF ENTERPRISE REGISTRATION, LICENSE FOR ESTABLISHMENT AND OPERATION, OR PRACTICE CERTIFICATE

Article 63. Scope of enforcement

1. The enforcement measures specified in this Section shall be taken when the customs authority fails to take the enforcement measures specified in Clauses 1, 2, 3, 4, 5 and 6 Article 27 of this Decree, or such measures have been taken without collecting the outstanding tax, fines and late payment interest (if any) in full, or in the case specified in Point b Clause 1 Article 26 of this Decree.

2. The competent authority that takes the enforcement measures specified in this Section must make an announcement on the media.

Article 64. Enforced revocation of the Certificate of Business registration, Certificate of Enterprise registration, license for establishment and operation, or practice certificate

When the enforced revocation of the Certificate of Business registration, license for establishment and operation, or practice certificate is decided, the customs authority shall send a written request to the state agency that issued the Certificate of Business registration, Certificate of Enterprise registration, license for establishment and operation, or practice certificate for the revocation of such certificate or license within 05 days from the day on which the enforcement is decided.

Within 10 days from the receipt of the request from the customs authority, the issuer shall make a decision to revoke the certificate or license. If a decision on revocation is not issued, a notification and explanation must be sent to the customs authority.

SECTION 8. ENFORCEMENT OF OTHER DECISION ON PENALTY IMPOSITION FOR ADMINISTRATIVE VIOLATIONS PERTANING TO CUSTOMS CONTROL

Article 65. Enforced deduction from the violator’s account

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The procedures for deducting money from the violator’s account shall comply with Section 2 Chapter II of this Decree.

Article 66. Enforced deduction from the violator’s salary or income

1. Subjects of enforcement:

a) The violator is an official or a worker earning salaries or incomes from an organization under an at least 6-month contract or an indefinite contract;

b) The violator earning monthly pension or disability benefits.

2. The procedures for making deductions from the violator’s salaries or incomes shall comply with Article 43, Article 44 and Article 45 of this Decree.

Article 67. Enforced distraint of assets, the value of which is equal to the fines, for sale at auction

1. The following violators that fail to voluntarily implement the decision on penalty imposition or fail to pay the enforcement cost shall has their assets distrained and sold at auction:

a) Freelance workers whose salaries or incomes are not managed by any organization;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) The violator who deliberately avoids implementing the decision on enforcement by deduction or fails to pay the enforcement cost or fails to satisfy requirements for deductions.

2. The violator's assets shall be distrained in proportion to the amount of money written in the decision on penalty imposition and the enforcement cost.

3. The procedures for distraining assets for sale at auction are similar to the procedures in Section 5 Chapter II of this Decree.

Article 68. Confiscation of the violator’s money or assets that is held by a third party in case the violator attempts to illegally liquidate their assets

1. The violator’s money or assets that is held by a third party shall only be confiscated when the violator attempts to illegally liquidate their assets and the customs authority confirms that a third party is holding the violator’s money or assets.

2. The procedures for this method of enforcement shall comply with Section 6 Chapter II of this Decree.

Article 69. Enforcement of application of remedial measures

1. The enforcement of application of the measures for remedying the damage caused by the administrative violations must be decided in writing. The decisions must specify the date of decision, the full name and position of the issuer, the full name and address of the violator, the remedial measures to be taken; the deadline, the person or agency in charge of the enforcement, the participating agencies, and bear the signatures of the issuer and the seal of the agency that issues the decision.

The decision on enforcing the application of remedial measures shall be sent to the violator at least 05 days before the enforcement.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Enforcement of application of other remedial measures:

a) When receiving a decision to enforce the application of measures for remedying the damage caused by the administrative violations, the person or organization assigned to organize the implementation of the decision on enforcement shall cooperate with relevant agencies and mobilize forces to take the measures specified in the decision;

b) Before carrying out the enforcement, if the violator voluntarily implements the decision, the agency in charge of the enforcement shall make a record on the voluntary implementation;

c) If the violator is deliberately absent, the enforcement shall be carried out in the presence of the representative of the local government and the witness;

d) The implementation of the decision to enforce the application of the remedial measures shall be recorded in writing. One copy of the record shall be given to the violator. The record on the implementation of the decision to enforce the application of remedial measures must specify the time, location of enforcement, the agency in charge of enforcement, the violator, the representative of the local government, the witness, and the result. The record must bear the signatures of the violator, their representative, the representative of the agency that issues the decision on enforcement, the representative of the local government, and the witness. If any of the aforesaid persons is absent or refuses to sign on the record, it must be specified and explained in the record.

Chapter 3.

REGULATIONS ON THE IMPLEMENTATION

Article 70. Effect

1. This Decree takes effect on December 15, 2013.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 71. Transitional terms

1. The regulations on penalties, delay or exemption of penalties, and other regulations on penalties that are favorable to the violator shall apply to the violations that are committed before this Decree takes effect, provided such violations are discovered or being considered thereafter.

2. The decisions on penalties for administrative violations that are issued or implemented before this Decree takes effect are complained of by the individuals or organizations that incur the penalties, the Ordinance on Handling administrative violations, the Government's Decree No. 97/2007/ND-CP dated June 07, 2007 and the Government's Decree No. 18/2009/ND-CP dated February 18, 2009 shall apply.

Article 72. Implementation

The Ministry of Finance shall provide guidance, organize the implementation of this Decree, and cooperate with state agencies, political organizations, socio-political organizations, socio-professional organizations in disseminating this Decree, encouraging the people to implement this Decree, and supervise the implementation of this Decree.

Article 73. Responsibility for the implementation

Ministers, Heads of ministerial agencies, Heads of Governmental agencies, Presidents of the People’s Committees of provinces are responsible for the implementation of this Decree./.

 

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


216.051

DMCA.com Protection Status
IP: 18.223.32.230
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!