Quy định về việc tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc trong Công ty Cổ Phần

Hình từ Internet

Định kỳ ít nhất 01 năm một lần, khi có yêu cầu của các bên hoặc khi có vụ việc cần thiết được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 63 Bộ Luật Lao động 2019, công ty cổ phần căn cứ vào quy chế dân chủ tại cơ sở, tổ chức việc đối thoại với những người lao động đang làm việc về các nội dung sau:

1. Những vụ việc cần thiết tổ chức đối thoại định kỳ

- Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

 - Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;

- Phương án sử dụng lao động;

- Xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động;

- Thưởng;

- Nội quy lao động;

- Tạm đình chỉ công việc.

2. Những nội dung khác mà các bên có thể lựa chọn để tiến hành đối thoại

- Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động;

- Việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc;

- Điều kiện làm việc;

- Yêu cầu của người lao động, tổ chức đại diện người lao động đối với người sử dụng lao động;

- Yêu cầu của người sử dụng lao động đối với người lao động, tổ chức đại diện người lao động;

- Nội dung khác mà một hoặc các bên quan tâm.

Nếu không tổ chức việc đối thoại định kỳ; thì công ty sẽ bị phạt tiền từ 10,000,000 đồng đến 20,000,000 đồng với hành vi không tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc; không thực hiện đối thoại khi có yêu cầu; không phối hợp tổ chức hội nghị người lao động theo quy định của pháp luật..

Công ty cổ phần quy định chi tiết về việc đối thoại định kỳ trong quy chế dân chủ cơ sở. Khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có) và nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có) để hoàn thiện và ban hành và phải công khai minh bạch tại nơi làm việc. Đối với những góp ý của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và nhóm đại diện đối thoại của người lao động mà người sử dụng lao động không tiếp thu thì phải nêu rõ lý do.

Công đoàn cơ sở và công ty cổ phần lựa chọn quyết định số lượng thành viên đại diện của mình tham gia đối thoại, nhưng phải đảm bảo ít nhất mỗi bên có 3 thành viên tham gia đối thoại. Nguyên tắc chung, công đoàn cơ sở lựa chọn số người tham gia đối thoại nhiều hơn phía công ty cổ phần.

Tiêu chuẩn thành viên đại diện cho người lao động hoặc công đoàn cơ sở tham gia đối thoại do ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể người lao động quyết định. Đại diện người lao động phải là những thành viên có hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên, am hiểu về pháp luật lao động, công đoàn, chế độ, chính sách lao động, việc làm, tình hình doanh nghiệp, có khả năng thuyết phục và được người lao động tín nhiệm.

3. Quy trình đối thoại định kỳ được thực hiện như sau:

Đối thoại định kỳ được Công ty quy định chi tiết trong quy chế dân chủ cơ sở.

- Chuẩn bị đối thoại: chậm nhất 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu tổ chức đối thoại định kỳ, các bên có trách nhiệm gửi nội dung đối thoại cho bên tham gia đối thoại.

- Đối thoại:

Đối thoại định kỳ chỉ được tiến hành khi bên công ty có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền và bên người lao động có sự tham gia của trên 70% tổng số thành viên đại diện theo Danh sách thành viên đại diện tham gia đối thoại của bên người lao động.

Diễn biến đối thoại phải được ghi thành Biên bản đối thoại và có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty hoặc người được ủy quyền và chữ ký của người đại diện từng tổ chức đại diện người lao động (nếu có) và của người đại diện cho nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có).

- Công bố kết quả đối thoại: Chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đối thoại, công ty  có trách nhiệm công bố công khai tại nơi làm việc những nội dung chính của đối thoại; tổ chức đại diện người lao động (nếu có), nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có) phổ biến những nội dung chính của đối thoại đến người lao động là thành viên.

Lưu ý: Công đoàn tham gia đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo Hướng dẫn 41/HD-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ngoài đối thoại định kỳ, đối thoại tại nơi làm việc còn có thể được tiến hành khi một bên có quyền yêu cầu. Số lượng, thành phần, tiêu chuẩn tham gia đối thoại đột xuất thực hiện như đối thoại định kỳ nhưng quy trình, thủ tục, thời gian cần nhanh, gọn, khẩn trương hơn. Đối thoại đột xuất cần tránh để bên yêu cầu đối thoại phải chờ đợi, tạo ra những bức xúc trong quá trình giải quyết. Thời hạn trả lời đối thoại của bên được đề xuất tối đa không quá 24 giờ kể từ khi một bên gửi yêu cầu đối thoại cho bên kia.

Căn cứ pháp lý:

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.

Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây

38,775
Bài viết liên quan:
Câu hỏi thường gặp: