Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo sẽ được miễn thuế TNDN trong thời hạn 2 năm và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo theo Nghị quyết 198/2025/QH15.
>> Chính thức xóa bỏ phương pháp khoán thuế đối với hộ kinh doanh từ 01 01 2026
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 198/2025/QH15, có đưa ra định nghĩa về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo như sau:
1. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.
…
Từ định nghĩa trên, có thể thấy được những đặc điểm của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là:
- Có tính sáng tạo và đột phá: Gắn liền với những ý tưởng và mô hình kinh doanh mới.
- Khả năng tăng trưởng nhanh: Có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong thời gian ngắn.
- Thời gian hoạt động ngắn: Thường là doanh nghiệp mới được thành lập để thực hiện những ý tưởng mới, chưa có thời gian hoạt động dài.
- Chứa rủi ro cao: Mang tính mới nên có thể đối mặt với nhiều thách thức về tài chính, thị trường
![]() |
Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn [cập nhật ngày 29/08/2024] |
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo sẽ được miễn, giảm thuế TNDN
(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Ngày 17/5/2025, Quốc hội ban hành Nghị quyết 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Và tại Điều 10 Nghị quyết 198/2025/QH15, đã quy định về việc hỗ trợ thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp , nhất là doanh nghiệp nhỏ, vừa và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Cụ thể thì doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hưởng ưu đãi về miễn, giảm thuế TNDN như sau:
Điều 10. Hỗ trợ thuế, phí, lệ phí
1. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 04 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Việc xác định thời gian miễn, giảm thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
…
Theo đó, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ được miễn thuế TNDN trong thời hạn 02 năm và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 04 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thời gian miễn, giảm thuế được xác định và thực hiện theo quy định.
Như vậy, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo sẽ được miễn thuế TNDN trong 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 04 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Căn cứ Điều 4 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Luật số 32/2013/QH13, khoản 2 Điều 1 Luật số 71/2014/QH13), những loại thu nhập sau đây sẽ được miễn thuế TNDN:
1. Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất muối của hợp tác xã; thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thu nhập từ hoạt động đánh bắt hải sản.
2. Thu nhập từ việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp.
3. Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm, sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam.
4. Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp có từ 30% số lao động bình quân trong năm trở lên là người khuyết tật, người sau cai nghiện, người nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và có số lao động bình quân trong năm từ hai mươi người trở lên, không bao gồm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh bất động sản.
5. Thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho người dân tộc thiểu số, người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội.
6. Thu nhập được chia từ hoạt động góp vốn, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong nước, sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật này.
7. Khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam.
8. Thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs) của doanh nghiệp được cấp chứng chỉ giảm phát thải.
9. Thu nhập từ thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao của Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong hoạt động tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu; thu nhập từ hoạt động tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng Chính sách xã hội; thu nhập của các quỹ tài chính nhà nước và quỹ khác của Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận theo quy định của pháp luật; thu nhập của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
10. Phần thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế và lĩnh vực xã hội hoá khác để lại để đầu tư phát triển cơ sở đó theo quy định của luật chuyên ngành về lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế và lĩnh vực xã hội hoá khác; phần thu nhập hình thành tài sản không chia của hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật hợp tác xã.
11. Thu nhập từ chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.