Quyết định 759/QĐ-TTg năm 2025 đưa ra định hưởng về cơ cấu tổ chức cấp xã sau sáp nhập, theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp quy mô dân số, diện tích và đặc thù từng địa phương.
>> Biên chế cán bộ, công chức cấp xã sau sáp nhập theo Quyết định 759
>> Tử vi 12 con giáp ngày 25/4/2025 về tình cảm, công việc và tiền bạc
Căn cứ tiểu mục 1.2 Mục 1 Phần V Chương 2 Đề án ban hành kèm theo Quyết định 759/QĐ-TTg năm 2025, cơ cấu tổ chức của cấp xã sau sáp nhập như sau:
- Chính quyền địa phương cấp xã gồm có HĐND và UBND.
- HĐND cấp xã thành lập 02 Ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội.
- Về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã: Do bỏ toàn bộ ĐVHC cấp huyện, tổ chức sắp xếp lại các ĐVHC cấp xã để hình thành các ĐVHC cấp xã có quy mô lớn hơn so với cấp xã hiện nay; đồng thời chuyển toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện hiện nay về cho xã, phường, đặc khu thực hiện. Theo đó, Chính phủ dự kiến UBND cấp xã tổ chức tối đa 04 Phòng chuyên môn và tương đương phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo (đặc khu).
- Đối với ĐVHC cấp xã giữ nguyên trạng (không sắp xếp): Có thể không tổ chức Phòng chuyên môn. Chính phủ dự kiến bố trí tăng thêm 01 Phó Chủ tịch UBND và một số công chức cho UBND cấp xã nơi không tổ chức Phòng chuyên môn và giao chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định cụ thể đối với tùng ĐVHC cấp xã trên địa bàn.
- Đối với trường hợp sắp xếp từ 02 ĐVHC cấp xã trở lên thành 01 ĐVHC cấp xã mới, định hướng tổ chức tối đa 04 Phòng chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp xã. Giao UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, quy mô diện tích tự nhiên, dân số, đặc thù quản lý của từng ĐVHC cấp xã để quyết định số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND của từng cấp xã cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng dẫn của Chính phủ.
- Tên gọi của 04 Phòng chuyên môn và tương đương như sau:
(i) Văn phòng HĐND và UBND (tham mưu thực hiện nhiệm vụ chung của HĐND và UBND cấp xã).
(ii) Phòng Kinh tế (đối với xã, đặc khu) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc).
(iii) Phòng Văn hóa - Xã hội.
(iv) Trung tâm phục vụ hành chính công.
Công cụ tính số tiền nhận bảo hiểm xã hội một lần >> [TẠI ĐÂY]
Cơ cấu tổ chức của cấp xã sau sáp nhập theo Quyết định 759 (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Theo Mục 2 Chương IV Đề án ban hành kèm theo Quyết định 759/QĐ-TTg năm 2025, để xác định trung tâm hành chính – chính trị khi sáp nhập tỉnh 2025 cần tuân theo những nguyên tắc sau đây:
2. Nguyên tắc xác định trung tâm hành chính - chính trị
2.1. Lựa chọn trung tâm hành chính - chính trị của 01 trong số các ĐVHC hiện nay là trung tâm hành chính - chính trị của ĐVHC mới để bảo đảm chính quyền địa phương nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định.
2.2. Trung tâm hành chính - chính trị của ĐVHC mới có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông phát triển (sân bay, đường bộ, cảng,...), dễ dàng kết nối với các khu vực trong nội tỉnh, thành phố và các đô thị lớn, trung tâm kinh tế của cả nước hoặc với hệ thống không gian biển.
2.3. Trung tâm hành chính - chính trị của ĐVHC mới cần có không gian phát triển trong tương lai; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của ĐVHC mới, bảo đảm hài hòa, hợp lý, tránh sự mất cân đối giữa các địa phương khi sáp nhập và giữ vững quốc phòng an ninh.
Sau khi ĐVHC mới đi vào hoạt động ổn định, có thể nghiên cứu quy hoạch, xây dựng các trung tâm hành chính - chính trị mới hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển chung của địa phương và tạo ra không gian phát triển mới.
2.4. Cấp ủy, chính quyền địa phương thống nhất nhận thức, có trách nhiệm tạo sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân địa phương.
Xem thêm: > > Những giấy tờ nào phải xin cấp đổi sau sáp nhập tỉnh 2025?
Theo khoản 2 Điều 8 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025, việc sáp nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cần phải đảm bảo những điều kiện sau đây:
…
2. Việc thành lập, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Phù hợp quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp; phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương;
c) Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương; tạo sự thuận tiện cho Nhân dân;
đ) Phải căn cứ vào tiêu chuẩn của đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
...