Cách tính lương làm thêm giờ theo Nghị định 145? Tiền lương làm thêm giờ có chịu thuế TNCN không?
Cách tính lương làm thêm giờ theo Nghị định 145?
Theo Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định cách tính lương làm thêm giờ theo khoản 1 Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
(1) Cách tính lương làm thêm giờ đối với người lao động hưởng lương theo thời gian
Công thức tính:
Tiền lương làm thêm giờ | = | Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường | x | Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% | x | Số giờ làm thêm |
Trong đó:
(1.1) Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường
= Tiền lương thực trả của công việc đang làm của tháng hoặc tuần hoặc ngày mà người lao động làm thêm giờ / Tổng số giờ thực tế làm việc tương ứng trong tháng hoặc tuần hoặc ngày người lao động làm thêm giờ.
Lưu ý:
- Tiền lương thực trả của công việc đang làm của tháng hoặc tuần hoặc ngày mà người lao động làm thêm giờ không bao gồm:
+ Tiền lương làm thêm giờ, tiền lương trả thêm khi làm việc vào ban đêm, tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định Bộ luật Lao động 2019;
+ Tiền thưởng theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019, tiền thưởng sáng kiến;
+ Tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ;
+ Hỗ trợ khi có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, bệnh nghề nghiệp
+ Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
- Tổng số giờ thực tế làm việc tương ứng trong tháng hoặc tuần hoặc ngày người lao động làm thêm giờ không quá số ngày làm việc bình thường trong tháng và số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, 01 tuần theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn và không kể số giờ làm thêm.
(1.2) Mức ít nhất
- Mức ít nhất bằng 150% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày thường;
- Mức ít nhất bằng 200% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ hằng tuần;
- Mức ít nhất bằng 300% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, chưa kể tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
(2) Cách tính lương làm thêm giờ đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm
Công thức tính:
Tiền lương làm thêm giờ | = | Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường | x | Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% | x | Số sản phẩm làm thêm |
Trong đó:
- Mức ít nhất bằng 150% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào ngày thường;
- Mức ít nhất bằng 200% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào ngày nghỉ hằng tuần;
- Mức ít nhất bằng 300% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương.
Đồng thời, người lao động làm thêm giờ vào ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết. Trường hợp làm thêm giờ vào ngày nghỉ bù khi ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ hằng tuần.
Cách tính lương làm thêm giờ theo Nghị định 145? Tiền lương làm thêm giờ có chịu thuế TNCN không? (Hình từ Internet)
Tiền lương làm thêm giờ có chịu thuế TNCN không?
Theo điểm i.1 khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định các khoản thu nhập được miễn thuế như sau:
Các khoản thu nhập được miễn thuế
1. Căn cứ quy định tại Điều 4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 4 của Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập được miễn thuế bao gồm:
...
i) Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động. Cụ thể như sau:
i.1) Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế căn cứ vào tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ (-) đi mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.
Ví dụ 2: Ông A có mức lương trả theo ngày làm việc bình thường theo quy định của Bộ luật Lao động là 40.000 đồng/giờ.
- Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày thường, cá nhân được trả 60.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:
60.000 đồng/giờ – 40.000 đồng/giờ = 20.000 đồng/giờ
- Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày nghỉ hoặc ngày lễ, cá nhân được trả 80.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:
80.000 đồng/giờ – 40.000 đồng/giờ = 40.000 đồng/giờ
i.2) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập phải lập bảng kê phản ánh rõ thời gian làm đêm, làm thêm giờ, khoản tiền lương trả thêm do làm đêm, làm thêm giờ đã trả cho người lao động. Bảng kê này được lưu tại đơn vị trả thu nhập và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan thuế.
...
Như vậy, tiền lương làm thêm giờ vẫn chịu thuế TNCN đối với phần lương bằng với thu nhập ngày làm việc bình thường và miễn thuế TNCN đối với phần lương cao hơn ngày làm việc bình thường.
- Cách tính lương làm thêm giờ theo Nghị định 145? Tiền lương làm thêm giờ có chịu thuế TNCN không?
- Nghị định quy định chi tiết Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 sẽ được Bộ Tài chính trình trước ngày 15/4/2025?
- Hướng dẫn tra cứu thông báo Cơ quan Thuế chấp nhận, không chấp nhận hồ sơ thuế điện tử cho hộ, cá nhân kinh doanh?
- Lập báo cáo tài chính của đơn vị kế toán theo Luật Kế toán quy định như thế nào?
- 05 quy định cấm khi đặt tên làm khai sinh cho con ở Việt Nam? Lệ phí đăng ký khai sinh là bao nhiêu?
- Mẫu Tờ khai nộp phí bảo vệ môi trường đối với khí thải năm 2025?
- Đồng tiền nộp thuế là tiền gì? Trường hợp nào được nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi?
- Ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử là gì? Ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử trong trường hợp thay đổi thông tin đăng ký áp dụng theo mẫu nào?
- Doanh nghiệp kiểm toán được thực hiện các dịch vụ nào?
- Kiểm toán viên hành nghề có những quyền gì? Khi nào kiểm toán viên hành nghề không được thực hiện kiểm toán?